Chính quyền Biden có tác động thế nào với nền giáo dục Mỹ?

Nguồn: NPR, đăng ngày 10/11/2020

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Trong bài phát biểu sau khi đắc cử ở Wilmington, Tổng thống Joe Biden từng nhấn mạnh rằng chiến thắng của ông cũng là chiến thắng của các nhà giáo dục Mỹ, vì giờ đây họ sẽ có một đại diện ở Nhà Trắng. Và tất nhiên, người mà ông ám chỉ chính là vợ mình – bà Jill Biden, một giáo sư tiếng Anh tại Cao đẳng Cộng đồng North Virginia. Bà vẫn tham gia giảng dạy trong suốt hai nhiệm kỳ phó tổng thống của chồng và phá vỡ tiền lệ khi vẫn tiếp tục dạy học dù đã trở thành Đệ nhất Phu nhân.

Bà Jill và ông Joe Biden. Nguồn: Wikimedia Commons

Khi việc chuyển giao quyền lực vẫn đang tiếp diễn, câu hỏi được đặt ra là: Viễn cảnh này sẽ định hình chính sách giáo dục của chính quyền mới như thế nào? Và Tổng thống Joe Biden kỳ vọng đạt được bao nhiêu phần trăm của chính sách đó khi mà vây quanh ông là những thách thức to lớn như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và khả năng kiểm soát Thượng viện còn mơ hồ của đảng Dân chủ?

Cùng xem qua tóm tắt các ưu tiên chính sách của Chính quyền Biden đối với hệ thống giáo dục K-12 (từ bậc tiểu học đến trung học) và giáo dục bậc Đại học dưới đây.

Mở cửa trường học một cách an toàn

Các chuyên gia cho rằng vấn đề đầu tiên mà chương trình giáo dục Mỹ phải đối mặt và giải quyết là mối đe dọa từ dịch COVID-19. Hầu hết học sinh ở Mỹ hiện đang học trực tuyến để giữ an toàn. Theo các chuyên gia giáo dục, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiều bất cập to lớn trong việc học, mang lại tác động xã hội và tác động cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là đối với học sinh nhỏ tuổi, học sinh có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt và học sinh nghèo. 

Khi cựu Tổng thống Trump kêu gọi mạnh mẽ việc mở cửa trường học và nói rằng Quốc hội không chi thêm khoản ngân sách hỗ trợ nào, câu hỏi về việc liệu có nên, và khi nào, mở cửa lại trường học đã trở thành một cuộc tranh luận chính trị suốt mùa hè năm 2020. Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Biden công khai ghi nhận ước tính của Hiệp hội Quản lý Trường học và Hiệp hội các Tổ chức Dịch vụ Giáo dục, theo đó hệ thống giáo dục K-12 cần được hỗ trợ khẩn cấp ít nhất 200 tỷ USD. 

Tháng 11/2020, ông Biden đã bổ nhiệm một lực lượng đặc nhiệm COVID-19, bao gồm các bác sĩ và chuyên gia y tế cộng đồng. Nhóm này ủng hộ việc mở cửa lại trường học, nhưng phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn và có đủ nguồn lực để thực hiện. 

Tiến sĩ Vivek Murthy, người đứng đầu lực lượng này, đã chia sẻ: “3 điểm mấu chốt để mở lại trường học là: mức độ lây nhiễm cộng đồng thấp, có biện pháp phòng ngừa an toàn (ví dụ: giảm sĩ số lớp học, đeo khẩu trang) và có nguồn lực để thực hiện”.

Tiến sĩ Ezekiel Emanuel, thành viên nhóm đặc nhiệm, cho biết các biện pháp như giãn cách xã hội và tổ chức lớp học quy mô nhỏ sẽ cần phải có kinh phí hỗ trợ (ví dụ chi phí thuê giáo viên). Theo bà Becky Pringle, chủ tịch Công đoàn Giáo dục Quốc gia, gần 1 triệu người làm giáo dục đã bị mất việc tính từ đầu năm 2020. 

Ngoài kinh phí, các chuyên gia mong đợi Bộ Giáo dục dưới thời Biden sẽ làm được nhiều hơn nữa để giúp các trường học vượt qua đại dịch. Giữa lúc đại dịch cấp bách, Thượng viện thì chia rẽ, một gói cứu trợ COVID-19 sẽ là nước đi quan trọng nhất, ý nghĩa nhất mà chính quyền ông Biden có thể dành cho các trường công. 

Ông Michael J. Petrilli, thành viên Viện Chính sách Giáo dục phi lợi nhuận Thomas B. Fordham, gợi ý rằng chính quyền có thể tham khảo mô hình “Race to the Top” thời Obama. Năm 2009, với nhiệm vụ phải chuẩn bị một gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính quyền Obama đã tạo ra một cuộc đua gây quỹ cho các bang. “Race to the Top” đã tác động đến việc áp dụng các Tiêu chuẩn cốt lõi chung (CCSS), đến việc đánh giá giáo viên, hệ thống dữ liệu cho trường học cùng nhiều sự đổi mới khác.

Tăng lương giáo viên và tôn trọng nghề giáo

Bộ Giáo dục Mỹ chỉ có khoảng 10% trong tổng ngân sách dành cho hệ thống giáo dục K-12. Phần lớn ngân sách đến từ chương trình Title I Liên bang (trị giá 16 tỷ USD). Chương trình của ông Biden cam kết tăng gấp ba lần khoản tiền trên và hướng dẫn các bang cách phân bổ để tăng lương cho giáo viên. Đó là một số tiền lớn, và chưa có gì chắc chắn là chính quyền sẽ thành công nếu thông qua kế hoạch này.

Giáo viên ở Mỹ thường có thu nhập ít hơn khoảng 20% ​​so với những người có cùng trình độ học vấn nhưng làm nghề khác. Một trong những cách tốt nhất để chính quyền thể hiện sự ủng hộ của mình đối với các nhà giáo dục là chỉ định một Bộ trưởng Giáo dục. Tổng thống Biden từng cam kết “đó chắc chắn sẽ là một giáo viên”. 

Bộ Giáo dục Mỹ chi nhiều ngân sách cho giáo dục bậc Đại học hơn so với K-12 thông qua các khoản hỗ trợ sinh viên. Vì thế, nếu người đứng đầu Bộ là chuyên gia giáo dục bậc Đại học, ví dụ như hiệu trưởng một trường cao đẳng cộng đồng, thì sẽ rất hợp lý. 

Đảm bảo quyền công dân và công lý 

Bộ trưởng giáo dục giám sát các vấn đề phân biệt đối xử và thiên vị thông qua Văn phòng Nhân Quyền. Trong nhiệm kỳ đầy tranh cãi của mình, Bộ trưởng hiện tại – bà Betsy DeVos, trở nên nổi tiếng khi thu hồi các quyền cho sinh viên chuyển giới và với các hướng dẫn về kỷ luật học sinh dựa trên sự phân biệt chủng tộc.

Bà Pringle, chủ tịch Công đoàn Giáo dục Quốc gia cho biết công đoàn của mình muốn trở thành đối tác với Bộ giáo dục của ông Biden “về công lý giữa các chủng tộc. Công bằng xã hội. Công việc mà chúng tôi còn phải làm cho phụ nữ và trẻ em, quyền cho các sinh viên LGBTQ.”

Ông Sargrad thuộc Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ đồng tình: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn thấy một nỗ lực thực sự để thực thi luật pháp quốc gia về quyền dân sự, và xây dựng lại Văn phòng Quyền Dân sự, đồng thời đảm bảo rằng họ sẽ giải quyết các khiếu nại, theo đuổi các vụ kiện, và thực hiện chức trách của mình là nghiêm túc thực thi các đạo luật về quyền dân sự.”

Mở rộng giáo dục mầm non 

Giáo dục mầm non công ở Mỹ đã và đang phát triển với nhiều sáng kiến ở mỗi bang trong hai thập kỷ qua. Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ mở rộng giáo dục K-12 để các bé 3, 4 tuổi cũng được tham gia những vườn trẻ “phổ thông, chất lượng cao”. 

Đại dịch đã khiến hàng trăm nghìn bà mẹ thất nghiệp, làm nổi bật mâu thuẫn giữa những nhu cầu của trẻ nhỏ và những yêu cầu của nền kinh tế. Tại Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ vào mùa hè năm 2020, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts đã nhấn mạnh thông điệp: nuôi dưỡng trẻ em là “nền tảng cho mỗi gia đình”. 

Tuy nhiên, tương tự như việc tăng gấp ba ngân sách cho chương trình Title I và tăng lương cho giáo viên, bất kỳ động thái cải tổ nào cho giáo dục mầm non cũng đều sẽ tốn kém, có thể cần đến sự phối hợp giữa các bang và chính phủ liên bang.

Chú trọng giáo dục bậc Đại học

Đối với giáo dục bậc Đại học, Tổng thống Biden đã đưa ra một kế hoạch tốn kém và đầy tham vọng trong chiến dịch tranh cử, bao gồm miễn học phí cho các trường công lập, xóa nợ cho sinh viên và tăng ngân sách hỗ trợ học phí cho sinh viên nghèo.

Nhìn chung, cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với giáo dục Đại học gần như chắc chắn sẽ ít mang tính đối đầu. Trước đây, trong cả lập luận và chính sách của mình, chính quyền Trump công khai đối đầu với các trường đại học, xem họ là những tổ chức quá ưu tú, tự do mà xa rời với phần còn lại của nước Mỹ. 

Nhiều trường công và trường tư hẳn sẽ thở phào nhẹ nhõm vì những chính sách quan tâm đến khó khăn của sinh viên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục khác hoài nghi và không tự tin liệu chính quyền Biden có thể đấu tranh tới cùng cho các đề xuất này không. Họ mong chờ hành động thực tế hơn là lời nói.

Thêm kinh phí hoạt động

Đại dịch đã ảnh hưởng đến tình hình vận hành của các trường học. Nhiều trường đã phải sa thải nhân viên, giảng viên, thậm chí xoá bỏ một số khoa, bộ môn. Các trường đang làm mọi cách để bảo toàn ngân sách qua đại dịch, và một số trường đã bắt đầu cạn tiền.

Hội đồng Giáo dục Mỹ – một nhóm đại diện cho hiệu trưởng nhiều trường đại học, đã yêu cầu gói cứu trợ 120 tỷ USD để hỗ trợ cho giáo dục bậc Đại học. Các gói trợ cấp giáo dục hẳn sẽ là ưu tiên lớn của chính quyền Biden trong nhiệm kỳ này.

Giảm hoặc xoá các khoản vay sinh viên

Đã có rất nhiều lời bàn tán trong suốt chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden, đặc biệt là từ các ứng cử viên Đảng Dân chủ Warren và Sanders, về việc ông đề xuất xoá một phần hoặc toàn bộ khoản vay sinh viên với tổng trị giá 1.5 nghìn tỷ USD. 

Đại dịch có thể là cái cớ tốt để xóa nợ. Tổng thống Biden đã đề xuất nhiều thay đổi, bao gồm xóa 10.000 USD tiền vay nợ cho các sinh viên làm trong dịch vụ công hoặc dịch vụ cộng đồng sau khi tốt nghiệp. Tuy vậy, không ai rõ chính quyền Biden sẽ làm thế nào để duy trì chính sách này lâu dài. 

Nới lỏng nhập cư

Chính quyền Trump đã siết chặt việc nhập cư, điển hình như cấm sinh viên quốc tế đến Mỹ nếu các khoá học của họ được tổ chức trực tuyến vì đại dịch. Việc siết chặt chính sách nhập cư thường ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục bậc Đại học – vốn là môi trường thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Trong chính sách dành riêng cho giáo dục Đại học, chính quyền Biden có khả năng sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề nhập cư trước.

Được biết, lượng sinh viên quốc tế ở Mỹ đã giảm đáng kể từ kỳ nhập học mùa thu 2020, một phần vì đại dịch và một phần vì những thay đổi khắt khe trong chính sách nhập cư. Và đó là một khoản thất thu lớn.

Chính quyền Biden có thể thúc đẩy các biện pháp bảo vệ những người theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, những người nhập cư không có giấy tờ vì bị đưa lậu vào Mỹ khi còn nhỏ, và giúp họ trở thành công dân Mỹ. Chính sách trên được nhiều nhà lãnh đạo và các nhóm giáo dục ủng hộ.

Bãi bỏ các chính sách của bà DeVos

Chính quyền Biden đã xem xét lại và hồi phục nhiều chính sách bị bác bỏ hoặc suy yếu dưới thời Trump, bao gồm Đạo luật bảo vệ người vay không phải trả các khoản nợ học phí (Borrower Defense to Repayment), một đạo luật cho phép hủy các khoản vay sinh viên khi sinh viên bị các trường học lừa đảo. Một chương trình đáng chú ý là Đề mục IX – quy định cách các trường học xử lý hành vi tấn công và quấy rối tình dục. Khi còn là phó Tổng thống dưới thời Obama, ông Biden đã ban hành Lá thư gửi Đồng nghiệp (“Dear Colleagues” letter) để hướng các trường hành động khi nhận được báo cáo của sinh viên về các vụ tấn công. 

Dưới thời Bộ trưởng Giáo dục DeVos, quy tắc này đã thay đổi, đó là tăng cường bảo vệ cho các sinh viên và nhân viên bị buộc tội. Một số người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân cho rằng sự thay đổi này đã khiến việc báo cáo hành vi phạm tội trở nên khó khăn hơn.

Trường học vì lợi nhuận

Chính quyền Trump khá thân thiện các trường hoạt động “vì lợi nhuận”, nhưng dưới thời Biden, điều đó không còn nữa. Với tư cách là tổng chưởng lý của bang California, Phó tổng thống Kamala Harris đã truy tố Corinthian Colleges – chuỗi các trường cao đẳng “vì lợi nhuận” có hành vi lừa đảo sinh viên. Động thái này cho thấy chính quyền Biden sẽ mạnh tay với những hành động lạm dụng trong giáo dục.

Leave a comment