8 cách đưa chủ đề “Biến đổi khí hậu” vào giảng dạy

Nguồn: NPR, đăng ngày 25/04/2019

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

NPR/Ipsos gần đây đã thực hiện một khảo sát trong nước (Mỹ) và nhận thấy tỷ lệ giáo viên K-12 và phụ huynh ở Mỹ ủng hộ việc dạy biến đổi khí hậu cho trẻ rất cao (80%). Tuy vậy, trên thực tế, không tới 1/2 số giáo viên đã từng nói chuyện về biến đổi khí hậu với con cái hoặc học sinh của họ. Nhóm phụ huynh cũng thế.

Lý do là vì biến đổi khí hậu chưa có vị trí rõ ràng trong chương trình giảng dạy. Chủ đề này chỉ  được đề cập chớp nhoáng trong tiết khoa học trái đất ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Và môn học này cũng không phải trọng tâm để tốt nghiệp.

Joseph Henderson giảng dạy tại khoa nghiên cứu môi trường tại Đại học Paul Smith ở ngoại ô New York. Theo ông, biến đổi khí hậu thường được xếp vào nhóm môn khoa học, vì vậy ta cần xem xét các khía cạnh xã hội của vấn đề này nữa, chẳng hạn như sự biến động di cư do thiên tai.

Việc giảng dạy môn học này có thể là áp lực cho các nhà giáo dục. Tuy nhiên nếu không tách biến đổi khí hậu thành một lĩnh vực độc lập mà tích hợp vào các môn học và hoạt động có sẵn trong chương trình giảng dạy thì gánh nặng sẽ được giảm bớt.

Dưới đây là một số gợi ý để đưa biến đổi khí hậu vào chương trình học:

1. Xây dựng phòng thí nghiệm

Thực hành thí nghiệm có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để trẻ hình dung được tiến trình Trái Đất nóng lên. 

Ellie Schaffer là một giáo viên lớp 6 tại trường THCS Alice Deal ở Washington, D.C. Trong giờ Khoa học, cô đã thực hiện hoạt động mô phỏng hiệu ứng nhà kính bằng cách sử dụng túi nilon để tích tụ sức nóng của mặt trời. Cô cũng sử dụng phấn viết bản để minh họa cách mà carbon đen từ không khí ô nhiễm làm tăng tốc độ tan băng.

Nhiều giáo viên khác cũng giới thiệu NASA như một nguồn tham khảo cho các hoạt động học tập và thí nghiệm. Với các hoạt động này, học sinh có thể thực hiện chỉ với các vật liệu quen thuộc hàng ngày như đá, giấy thiếc, chai nhựa, cao su, bóng đèn và nhiệt kế. Ngoài ra, thầy trò có thể lên trang web Earth Science Week – nơi liệt kê nhiều hoạt động và gợi ý để xây dựng bài học từ đơn giản đến phức tạp.

2. Chiếu phim

Susan Fisher, một giáo viên Khoa học lớp 7 giảng dạy tại trường THCS South Woods ở Syosset, New York, đã cho học sinh xem bộ phim tài liệu Before the Flood (2016) đặc tả hành trình tài tử Leonardo DiCaprio đi đến 5 lục địa và Bắc Cực để xem tác động của biến đổi khí hậu. Bộ phim còn có một trang web kêu gọi hành động vì môi trường cùng một chương trình giảng dạy đi kèm. Cô Fisher cho biết mục đích là nhằm thúc đẩy tinh thần công dân tích cực của các em học sinh.

Trang Common Sense Media cũng có một danh sách các bộ phim về biến đổi khí hậu dành cho mọi lứa tuổi. Bộ phim An Inconvenient Truth (2016) và phần tiếp theo An Inconvenient Sequel: Truth To Power (2017) đã hợp tác với Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (Mỹ) để cung cấp các nguồn tài liệu giảng dạy về chủ đề này.

3. Đọc tiểu thuyết

Rebecca Meyer là giáo viên tiếng Anh lớp 8  tại trường THCS Bronx Park, New York. Cô cùng các học sinh đã đọc cuốn tiểu thuyết Not a Drop to Drink (2013) của Mindy McGinnis và chia sẻ khi đọc sách, bọn trẻ có thể liên hệ với những gì đang xảy ra ngày nay. Sau đó các học sinh đã chia nhóm, nghiên cứu các giải pháp hiện tại cho vấn đề khan hiếm nước rồi tạo video mô phỏng và đưa ra giải pháp của các em.

Với Meyer, buổi học đã rất thành công vì các em học sinh chú tâm và yêu thích nó. Nhiều em còn chia sẻ với gia đình về việc bảo toàn nước sạch.

Chúng ta có thể tham khảo danh sách các cuốn sách tương tự tại các trang web như Dragonfly.eco hoặc Chicago Review of Books. Trang EL Education bao gồm các chủ đề về môi trường thì phù hợp với các em nhỏ tuổi hơn.

4. Trở thành nhà khoa học công dân* (citizen science)

*chỉ người nghiệp dư tham gia nghiên cứu khoa học thông qua công việc tình nguyện

Terry Reed, một thầy giáo tự xưng là “chuyên gia khoa học” khối lớp 7, giảng dạy tại trường THCS Prince David Kawananakoa ở Honolulu, bang Hawaii, đã dành một năm để đi thuyền trên vùng biển Caribbe, và dọc đường ông đã thu thập các mẫu nước để kiểm tra vi nhựa. Ông đã giao cho học sinh nhiệm vụ thu thập các mẫu nước từ các bãi biển gần nhà để làm dự án tương tự. Các em cũng phải chụp ảnh sự hình thành các đám mây và đo nhiệt độ để theo dõi sự thay đổi của thời tiết. Trong tương lai, những lá phiếu bầu của các em rất có ảnh hưởng, vì thế việc hiểu biết khoa học rất quan trọng.

In a classroom by a river, a teacher collects water samples with her class.
(C) Angela Hsieh/NPR

5. Giao dự án nghiên cứu, bài thuyết trình hoặc bài phát biểu

Cô Gay Collins dạy Kỹ năng nói trước công chúng (public speaking) tại trường THPT Waterford ở bang Connecticut. Với cô, “diễn ngôn dân sự” là một công cụ để giải quyết vấn đề, vì vậy cô khuyến khích học sinh của mình tập phát biểu về các chủ đề quan trọng như việc sử dụng nhựa, chủ nghĩa tối giản và các vấn đề môi trường khác.

6. Kể về trải nghiệm cá nhân

Đây cũng là cách giúp học sinh tiếp cận với biến đổi khí hậu. Pamela Tarango – giáo viên lớp 3 tại trường tiểu học Downtown ở Bakersfield, bang California, đã kể cho học sinh về tình trạng thời tiết nơi đây đã biến đổi như thế nào qua sự quan sát trong cả đời mình. Cụ thể khí trời ngày càng nóng và khô hơn. Những năm 1970 mùa đông còn có sương mù kéo dài 2-3 tiếng, giờ không còn nữa.

7. Tiến hành một dự án cộng đồng

Mercy Peña-Alevizos – giáo viên tại Học viện Holy Trinity ở bang Phoenix, dạy các bé mẫu giáo về mối liên hệ giữa môi trường, tài nguyên thiên nhiên với cuộc sống hàng ngày. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lãng phí. Cô cùng các bé đã tái chế và nhặt rác xung quanh khu phố họ ở. Các dự án về môi trường có thể đơn giản, công phu hoặc để cho vui cũng được, chẳng hạn như thử thách #trashtag trên mạng xã hội.

8. Bắt đầu với vườn trường

Mairs Ryan dạy Khoa học tại Trường Công giáo St. Gregory the Great ở San Diego, chia sẻ rằng ở đây các học sinh lớp 6 phụ trách trông coi vườn trường. Khu vườn là phòng thí nghiệm của các em, nơi các em vừa học vừa chơi. Trường cũng có thùng ủ phân để thay thế cho các bãi chôn lấp rác thải. Mô hình này khuyến khích các em tranh luận về các phương pháp tái sử dụng thực phẩm trên khắp thế giới.

Bạn có thể tham khảo trang ThePermionaryStudent.com để biết cách xây dựng vườn trường với hệ thống thu nước mưa và phân trộn tái tạo đất, hoặc các trang như Collective School Garden Network Growing Minds.

Leave a comment