Nghề giáo: Biết làm sao được?

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Bài viết đăng tại Zing News, ngày 22/11/2021

Kinh nghiệm và quan sát cá nhân của tôi chỉ ra rằng, có khá nhiều cuộc đối thoại và thảo luận về nghề giáo ở nước ta đang tập trung vào chính sách giáo dục, chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm, mà bỏ qua nhiều vấn đề khác của GV, nhất là với GV ĐH. Tôi thì cho rằng còn nhiều điều tồn đọng từ rất lâu nên được bàn đến và tìm cách giải quyết, vì một môi trường giáo dục đại học lành mạnh, phát triển và bền vững hơn. 

Trách nhiệm làm nghề; phẩm chất đạo đức và tư cách, hay nói rộng hơn là quy tắc ứng xử

Đây chính là chủ đề mà tôi thấy rất ít khi được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về Giáo dục Đại học. Phải chăng chúng ta cho rằng GV ĐH ít tiếp xúc với SV, do đó có ít tác động đến sự phát triển của các em, nên không cần bàn đến? Tôi đã thử google, đa phần những vấn đề xuất hiện nhiều liên quan đến tư cách và đạo đức của GV ĐH bao gồm: bằng giả, quấy rối, gạ gẫm, hay những vi phạm về “tư tưởng chính trị”. Nhưng có nhiều vấn đề khác tinh tế hơn như vậy, thường ít được nhắc đến. Ví dụ, GV đi ăn uống, đi nhậu với SV thì là thân thiện hay là quá giới hạn thầy-trò? Nếu một (vài) SV trong số đó được điểm cao trong bài cuối kỳ, liệu GV có chắc chắn là mình đã không thiên vị? Những SV/ GV không tham gia vào cuộc vui đó sẽ nhìn nhận việc này như thế nào? Hay là việc trao đổi, giao lưu qua Facebook – cũng tương tự vậy. Đâu nên là giới hạn cho các comment, reactions, emoticons, thậm chí là private messages? 

Tôi có một nguyên tắc: không bao giờ add hoặc accept friend request của SV mình đang dạy (dù là SV hệ vừa học vừa làm, hoặc SV VB2). Tôi có thể sẽ add/ accept sau khi SV đã tốt nghiệp hoặc khi tôi không còn dạy nữa. Một mặt tôi muốn giữ sự riêng tư lại cho mình, một mặt tôi muốn tránh bất kỳ sự thiên vị nào có thể mà ngay cả bản thân mình cũng không nhận ra (bạn biết đấy, khi bạn hiểu hơn về ai đó, bạn khó mà có 1 cái nhìn khách quan về họ).

Tôi có thể cổ hủ, nhưng biết làm sao được, tôi vẫn cho rằng cần có chừng mực nhất định giữa thầy và trò. Thử tưởng tượng đến nội dung những câu chuyện được chia sẻ giữa thầy trò trong những lần trà dư tửu hậu (vd: nhận xét về “em gái”/ “cậu trai” này kia, kể về các GV khác, các SV khác,…). Thử tưởng tượng đến việc học trò trả tiền cho bữa nhậu của mình và mình suy nghĩ đến việc phải cho cậu ta bao nhiêu điểm cho bài thuyết trình sắp tới? Lúc đó, tôi sẽ không có mặt mũi nào đứng trên bục giảng nữa. SV mình sao có thể tôn trọng mình, lắng nghe mình?

Ở đây, cũng cần bàn một chút đến triết lý giáo dục của mỗi người. Nếu ai đó cho rằng GV ĐH chỉ cần là người truyền đạt kiến thức, giúp các em có “cái nghề” sau khi tốt nghiệp, có thể họ sẽ thấy mình không cần có vai trò gì đến sự phát triển và hình thành nhân cách của SV. Nhưng nếu ai đó cổ vũ cho triết lý giáo dục toàn diện, cho rằng giáo dục là đào tạo nên một con người, chứ không chỉ là phân phối kiến thức, thì có lẽ họ sẽ lưu tâm hơn đến việc mình có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của mỗi SV. Tôi không nói rằng GV nên là người hoàn toàn chịu trách nhiệm đến việc SV trở thành người như thế nào, bởi vì chúng ta đều biết quá trình đó chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố khác. Dẫu vậy, không thể phủ nhận sự tác động của GV lên việc phát triển trí tuệ và phẩm chất của các em SV trong độ tuổi mười tám đôi mươi.  

Sự học hỏi và phản biện

Thừa nhận mình sai hoặc thiếu sót là một điều cực kỳ khó khăn, nhất là trước mặt học trò mình, những người đã được mình dạy dỗ, nhờ mình mà lớn khôn (?). Tôi rất chia sẻ tâm lý này, vì tôi cũng có những cảm xúc và suy nghĩ như vậy. Nói gì thì nói, mang tiếng đi dạy “người ta”, mà bị “người ta” sửa lưng thì cũng quê chứ. Nhưng cái sự “quê” đó lại nên là động lực để, dù đã là Thầy Cô, là chuyên gia đầu ngành, là cổ thụ đa đề, mình vẫn không ngừng nghiên cứu và học tập. Bây giờ mình ra rả các em phải có tư duy phản biện đi, thế mà bản thân không chịu được “phản biện”, thì sao có thể dạy học trò? Tôi cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của nghề dạy học. Cập nhật kiến thức mới, với tôi, dù cần thiết nhưng chưa đủ.

Quá trình phản chiếu (reflection) quan trọng không kém. Sự phản chiếu là quá trình tự phản biện, có thể giúp tôi nhận ra chính khiếm khuyết của mình để cải thiện. Sự phản chiếu này cũng có thể giúp tôi thay đổi góc nhìn, thay vì mình “dạy” học trò, mình có thể học cùng với họ. Trong những năm còn đi dạy, tôi chưa bao giờ nói rằng cô ở đây để dạy các bạn về abc, thay vào đó, tôi đề nghị được học cùng học trò. Và thật sự tôi đã được học từ các em rất nhiều. Tôi tin là các em cũng học được một số điều từ mình (vì những em nào thấy tôi vô dụng, thì tôi đã bảo các em ở nhà ngủ cho khỏe rồi đến lớp làm gì mất thời gian, tôi nói thiệt đó!). Tôi cũng tin là không ít em cũng thấy thất vọng về vốn kiến thức ít ỏi hoặc phương pháp dạy nhàm chán của mình, và tôi chấp nhận điều đó (buồn chứ, nhưng phải chấp nhận). Biết làm sao được, bể học mênh mông, GV cũng còn bao nhiều điều chưa biết. Thế nên việc học cùng nhau và phát triển cùng nhau hay ho và đẹp như vậy đó. Nếu không tự đặt mình lên cao, mình sẽ có bao nhiêu điều có thể học hỏi và chia sẻ cùng học trò. Win – win!

Vai trò của người thầy.

Từ ý ở trên, mọi người có thể cho rằng: vậy thôi, học trò ở nhà Google luôn cho rồi, đi học làm chi vì GV cũng có dạy được gì mấy đâu, có khi GV lại còn học ngược từ mình nữa? Google đúng là rất lợi hại, cái gì cũng có. Nhưng, biết làm sao được, Google sẽ không thay được người thầy trong rất nhiều trường hợp. Điều này có thể quay trở lại với điểm đầu tiên ở trên, lúc này tư cách và đạo đức người thầy, cũng như chính bản thân họ, khiến họ trở nên khác biệt với Google, và những loại máy móc/ dữ liệu mở. 

Cô giáo của tôi lên kế hoạch nghỉ hưu sớm, sau đó lên đường đi châu Phi rồi qua châu Âu, nghiên cứu thực địa về giáo dục phát triển. Thỉnh thoảng cô gửi về cho tôi hình ảnh và những ghi chú của cô dọc đường đi, bảo rằng vào xem nếu em thích. Cô bận rộn với dự án và những chuyến đi của mình, nhưng chỉ cần tôi gửi mail là cô sẽ hướng dẫn nhiệt tình, đảm bảo đáp ứng đúng nguyện vọng của tôi. Tôi nhìn cô, và mong rằng đến khi bằng tuổi cô, mình vẫn còn có thể nhiệt huyết như vậy.

Thầy tôi là giám đốc tuyển sinh một chương trình. Vào thời gian bận rộn phải làm việc cả cuối tuần cho kịp các deadline, thầy vẫn nhận lời đọc bài luận cho tôi, sửa từng từ từng chữ, và chia sẻ rằng ông rất trân trọng con đường tôi đã chọn, vì vậy ông muốn góp sức cho con đường đó. Có một người thầy uyên bác ủng hộ mình bằng cả tinh thần và hành động thiết thực, sao tôi có thể không cố gắng?

Một người thầy ngay sau khi nhận email của tôi đã lập tức trả lời, bảo rằng thầy trò mình phải nói chuyện thôi, vì thời hạn nộp bài của em đến rất gần rồi. Trong buổi gặp nhau giữa hai thầy trò, thầy đã phân tích lợi – hại về dự án của tôi, và đưa ra những lời khuyên cho các vấn đề mà bản thân tôi cũng chưa nghĩ đến. Thầy đã nhiệt tình như vậy, tôi thấy mình không thể hời hợt.

Một người thầy khác chưa bao giờ từ chối các câu hỏi ngốc nghếch của tôi, và luôn khuyến khích tôi chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân của mình, để thầy “được học hỏi thêm về VN”. Thầy càng khiêm cung, tôi càng thấy mình nhỏ bé. 

Cả những người thầy, người cô tôi chưa bao giờ gặp mặt, họ vẫn thật nhiệt tình trả lời từng thắc mắc của tôi. Cả hành trình tôi đi, là một sự biết ơn to lớn.

Những điều này, không Google hoặc máy móc nào thay thế được. Họ là nguồn cảm hứng, là hình tượng, là động lực, là sự cảm thông. 

Nghề giáo luôn là một nghề khó khăn. Trong một xã hội ảnh hưởng nhiều của các tư tưởng Khổng giáo nhưng lại đang rộng mở với các giá trị Tây phương như Việt Nam, nhiều giá trị của nghề đang đối mặt với nhiều thách thức. Lương thấp, cơ sở vật chất và hệ thống hỗ trợ nghèo nàn cả cho việc giảng dạy và nghiên cứu, đòi hỏi và kỳ vọng từ xã hội thì lại cao, kiến thức kỹ năng thì cần cập nhật liên tục. Nhưng biết làm sao được, đó là đặc thù nghề nghiệp. Chính vì đã từng là người trong cuộc, hiểu những khó khăn và thách thức này, mà tôi càng trân trọng những người đang đứng trên bục giảng, đang thật sự nghiêm túc với nghề để dạy dỗ học trò bằng tấm lòng và trí tuệ của mình, để đào tạo những con người hoàn thiện cho xã hội. 

Tôi dành cho họ thật nhiều kính trọng và ngưỡng mộ.

Nhân dịp 20/11/2021

2 thoughts on “Nghề giáo: Biết làm sao được?

  1. Em để lại một chiếc comment hi vọng sẽ được đọc nhiều hơn chia sẻ của chị. Chị Tiên Tiên ơi em thích đọc blog của chị lắm lắmm;’>

    Liked by 1 person

Leave a comment