Phần Lan thực sự đang cải cách giáo dục như thế nào?

Nguồn: The Washington Post, đăng ngày 30/08/2019

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Giáo dục Phần Lan được chú ý đặc biệt kể từ khi học sinh của nước này đạt điểm cao nhất trong một cuộc thi quốc tế  có sự tham gia của hàng chục quốc gia cách đây 20 năm.

Và mặc dù không còn giữ vị trí số 1 (do ảnh hưởng từ cuộc Đại suy thoái năm 2008, cùng việc nước này cắt giảm ngân sách khiến quy mô lớp học lớn hơn và nhân viên trong trường học ít hơn), Phần Lan vẫn là một trong những hệ thống giáo dục thành công trên thế giới.

Những năm gần đây, chính phủ Phần Lan đã bắt đầu thực hiện một số cải cách và chúng đã tạo được tiếng vang trên toàn thế giới. Nhưng hóa ra những gì ta biết về Phần Lan lại không hẳn đúng.

Ví dụ, vài năm trước, một thay đổi trong chương trình giảng dạy đã làm dấy lên câu chuyện về việc Phần Lan sẽ bỏ các môn học truyền thống. Câu trả lời là: không.

Trên mạng bàn tán về việc trẻ em Phần Lan không có bất kỳ bài tập về nhà nào. Không đúng nốt.

Vậy sự thật là gì?

Hãy cùng khám phá những thay đổi trong các trường học ở Phần Lan thông qua chia sẻ của 2 nhân vật biết rõ điều gì đang thực sự diễn ra. Họ là Pasi Sahlberg và Peter Johnson. Johnson là Giám đốc Giáo dục của thành phố Kokkola, Phần Lan. Còn Sahlberg là Giáo sư Chính sách Giáo dục tại Đại học New South Wales, Úc. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về cải cách trường học và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng: “Finnish Lessons: What Can the World Learn About Educational Change in Finland?” (tạm dịch: Bài học Phần Lan: Thế giới có thể học được gì từ cải cách giáo dục ở Phần Lan?).

Phần Lan là một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Ảnh: About Learning

Từ Pasi Sahlberg và Peter Johnson

Phần Lan trở thành tâm điểm chú ý của giới giáo dục kể từ khi quốc gia này đứng đầu PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) hồi đầu những năm 2000. Hàng chục nghìn người đã đến Phần Lan để học hỏi cách cải thiện trường học. Hàng trăm bài báo đã phân tích sự thần kỳ của nền giáo dục Phần Lan. Hàng triệu tweet đã được chia sẻ, tranh luận về bản chất thực sự của các trường và việc dạy-học ở Phần Lan cũng nổ ra.

Chúng ta đã hiểu được rất nhiều về nguyên nhân mà một số hệ thống giáo dục – chẳng hạn như Alberta, Ontario, Nhật Bản và Phần Lan – vận hành ngày càng tốt hơn, xét về mặt chất lượng đầu ra và sự bình đẳng của sinh viên. Chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn tại sao một số hệ thống giáo dục như Anh, Úc, Mỹ và Thụy Điển không thể cải thiện hệ thống trường học của họ bất chấp các lời hứa hẹn từ các chính trị gia, những cải cách quy mô lớn và hàng đống tiền chi cho các trường trong suốt hai thập niên qua.

Bài học quan trọng rút ra là:

–        Không nên quản lý hệ thống giáo dục và trường học giống như các tập đoàn kinh doanh, nơi vốn cạnh tranh gay gắt, trách nhiệm được đóng khung và trả lương dựa trên hiệu suất. Thay vào đó, các hệ thống giáo dục thành công đều dựa vào sự hợp tác, niềm tin và trách nhiệm tập thể trong trường và giữa các trường với nhau.

–        Nghề giáo không nên được coi là một nghề mà bất kỳ ai có một chút kỹ năng đều có thể làm được. Các hệ thống giáo dục thành công có điểm chung là liên tục chuyên nghiệp hóa việc giảng dạy và sự lãnh đạo của nhà trường. Điều này đòi hỏi giáo dục học thuật phải tiên tiến, kiến ​​thức khoa học lẫn thực tiễn phải vững, và đào tạo chuyên môn liên tục.

–        Không nên đánh giá chất lượng giáo dục chỉ thông qua mức độ đọc hiểu và điểm số môn toán. Các hệ thống giáo dục thành công chú trọng vào sự phát triển toàn diện của trẻ, sự công bình trong kết quả học tập, sức khỏe người học, và các môn như nghệ thuật, âm nhạc, kịch, giáo dục thể chất đều là những nhân tố quan trọng.

Bên cạnh những bài học bổ ích về việc vì sao và làm cách nào mà các hệ thống giáo dục có thể vận hành như chúng đang là, vẫn có những diễn giải không chính xác, hiểu lầm, lầm tưởng và thậm chí là những lời nói dối có chủ ý về cách cải thiện hệ thống giáo dục một cách tối ưu. Vì Phần Lan là đối tượng tìm kiếm phổ biến khi bàn về cải thiện nền giáo dục, có rất nhiều câu chuyện về các trường học ở Phần Lan là không đúng thực tế.

Một phần lý do khiến các báo cáo và nghiên cứu thường không vẽ được bức tranh lớn hơn và chính xác hơn về tình hình thực tế ở Phần Lan là vì hầu hết các tài liệu về hệ thống giáo dục Phần Lan chỉ viết bằng tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Hầu hết các nhà quan sát và bình luận giáo dục nước ngoài không thể theo dõi các cuộc bàn thảo và tranh luận đang diễn ra trong nước. Rất ít người đã từng đọc Luật Giáo dục Phần Lan, Chương trình Giảng dạy Cốt lõi Quốc gia (NCC) hoặc bất kỳ chương trình nào trong số hàng nghìn chương trình giảng dạy do các thành phố và trường học ở nước này thiết kế.

Một lý do khác khiến các báo cáo về giáo dục Phần Lan chưa hoàn thiện, đôi khi còn không chính xác, là tư tưởng xem giáo dục như một mảng biệt lập, không kết nối với các lĩnh vực khác và với chính sách công. Thật sai lầm khi tin rằng ta có thể lý giải mọi thứ bằng cách chỉ tìm hiểu trường học và hoạt động riêng lẻ của trường. Hầu hết các nỗ lực giải thích tại sao các trường học của Phần Lan tốt hơn các trường khác hoặc tại sao Phần Lan ngày nay kém hơn so với trước đây đều không chỉ ra được sự phụ thuộc lẫn nhau của các lĩnh vực trong xã hội Phần Lan, mà giáo dục là một phần của hệ sinh thái này.

Dưới đây là một số lầm tưởng phổ biến về các trường học ở Phần Lan.

Thứ nhất, bí quyết thành công của giáo dục Phần Lan chính là trẻ em không có bài tập về nhà.

Thứ hai, các nhà chức trách Phần Lan đã quyết định loại bỏ các môn học khỏi chương trình giảng dạy ở trường và thay thế chúng bằng các dự án hoặc bài luận liên ngành.

Thứ ba là tất cả các trường học ở Phần Lan bắt buộc phải tuân theo chương trình giảng dạy quốc gia và thực hiện cùng một phương pháp giảng dạy được gọi là “học tập dựa trên hiện tượng” (phenomenon-based learning, hay còn gọi là project-based learning).

Tất cả những điều trên đều sai.

Năm 2014, chính quyền Phần Lan đã sửa đổi NCC cho giáo dục phổ cập. NCC đưa ra một định hướng và cơ sở chung để đổi mới việc giảng dạy và giáo dục ở trường học. Chỉ có một số ít nhà bình luận quốc tế về cải cách trường học ở Phần Lan đã đọc tài liệu trọng tâm này. Đáng tiếc là cũng không nhiều bậc cha mẹ ở Phần Lan nghiền ngẫm nó. Tuy vậy nhưng nhiều người vẫn khăng khăng đường hướng mà các trường theo đuổi là sai lầm, dù bản thân không thực sự hiểu rõ vai trò lẫn trách nhiệm của nhà trường và giáo viên trong cộng đồng của mình.

Trước khi đưa ra bất kỳ phán xét nào về Phần Lan, ta phải hiểu các nguyên tắc cơ bản của hệ thống trường học Phần Lan. Dưới đây là một số điều cơ bản.

Đầu tiên, các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục ở mỗi địa phương đều xây dựng chương trình giảng dạy và kế hoạch hoạt động hàng năm trên cơ sở NCC. Các trường học chủ động lập kế hoạch giảng dạy dưới sự giám sát của chính quyền thành phố.

Thứ hai, NCC là một văn bản quy định khá lỏng lẻo về những gì trường nên dạy, cách trường vận hành và yêu cầu đầu ra. Do đó, các trường rất linh hoạt và tự chủ trong việc thiết kế chương trình giảng dạy, và giữa các trường có sự khác biệt đáng kể trong chương trình giảng dạy.

Cuối cùng, do tính chất phân quyền trong hệ thống giáo dục Phần Lan, các trường học ở đây có thể có cơ cấu và chuyển đổi thực tiễn khác nhau, khiến mô hình giảng dạy ở Phần Lan trở thành độc nhất trên thế giới. Sẽ không chính xác nếu ta đưa ra kết luận chung chung cho nền giáo dục này chỉ dựa trên hiểu biết về một hoặc hai trường.

Cải cách trường học hiện nay ở Phần Lan hướng tới những mục tiêu tổng quát mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (nơi tổ chức các kỳ thi PISA 3 năm/lần cho học sinh 15 tuổi ở nhiều quốc gia) cùng các chính phủ và các em học sinh ủng hộ: phát triển văn hóa trường học an toàn và hợp tác; đẩy mạnh các phương pháp tiếp cận toàn diện trong việc dạy và học. NCC tuyên bố rằng mục tiêu cụ thể của trường học là giúp trẻ:

–        hiểu mối quan hệ và sự liên đới giữa các nội dung học tập khác nhau;

–        có khả năng kết hợp các kiến ​​thức và kỹ năng đã học trong các lĩnh vực khác nhau để tạo thành một tổng thể có nghĩa; và

–        có thể áp dụng kiến ​​thức và sử dụng kiến ​​thức đó trong môi trường học tập hợp tác.

Tất cả các trường học ở Phần Lan phải sửa đổi chương trình giảng dạy theo khung mới này. Một số trường chỉ thực hiện vài bước tiến nhỏ so với xuất phát điểm ban đầu, trong khi một số trường khác tiến hành những kế hoạch táo bạo hơn nhiều. Điển hình là trường Pontus ở Lappeenranta – một thành phố ở phía đông của Phần Lan.

Pontus là một trường mẫu giáo – tiểu học mới với khoảng 550 trẻ từ 1-12 tuổi theo học. Trường được xây cách đây 3 năm để cổ vũ tinh thần và phương pháp sư phạm của NCC 2014. Gần đây, trường Pontus “bất đắc dĩ” được báo chí quốc tế quan tâm khi Công ty Phát thanh Truyền hình Phần Lan đưa tin rằng phụ huynh đã nộp đơn khiếu nại về “sự thất bại” của ngôi trường này.

Tuy nhiên, các nhà chức trách giáo dục ở Lappeenranta cho biết mới chỉ có hai đơn khiếu nại từ phụ huynh và chính quyền khu vực đã hỗ trợ giải quyết. Chỉ thế thôi. Vụ việc chưa đủ để gán cho ngôi trường cái mác “thất bại”. Một lần nữa, điều chúng ta có thể học được từ Phần Lan đó là phải đảm bảo phụ huynh, học sinh và giới truyền thông hiểu rõ hơn về bản chất của các cải cách giáo dục đang được thực hiện.

Cuối cùng, không có chuyện môn đọc, viết và số học sẽ biến mất trong các lớp học Phần Lan. Các môn học vẫn sẽ được giảng dạy trong suốt năm học. Điểm mới là hiện nay tất cả các trường được yêu cầu thiết kế ít nhất một dự án kéo dài một tuần cho tất cả học sinh. Dự án phải có tính liên ngành và dựa trên sở thích của học sinh.

Tất nhiên, có nhiều thách thức trong việc thực hiện các ý tưởng mới, nhưng nhiều trường học cũng đã thành công trong việc tạo ra các cơ hội mới mẻ để học sinh học kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Còn quá sớm để nói liệu hướng đi hiện tại của Phần Lan có thành công hay không, nhưng chúng ta biết chắc là các trường nên cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng các mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc tế. Sự hợp tác giữa các trường, sự tin tưởng vào giáo viên và sự lãnh đạo có tầm nhìn là những nền tảng giúp hiện thực hóa tất cả kỳ vọng đó.

Leave a comment