Đi tìm triết lý giáo dục của riêng mình

Tác giả: Elizabeth A. Lehfeldt*

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 03/10/2018.

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Tại các trường cao đẳng và đại học, các ứng viên cho vị trí giảng viên thường được yêu cầu trình bày triết lý giảng dạy của họ. Nhưng với những ứng viên cho vị trí quản lý, chúng ta có yêu cầu họ phải có triết lý giáo dục bậc cao không?

Chúng ta hỏi họ về “phong cách lãnh đạo” và lý do nộp đơn, nhưng tôi không nghĩ những câu hỏi này thay thế được những câu hỏi về triết lý giáo dục của một cá nhân. Phong cách lãnh đạo quan trọng, rất rất quan trọng, nhưng nó thiên về giao tiếp và quản lý. Và có lẽ, cái người ta muốn ở công việc này là vì họ muốn chính phục những điều nhất định, họ bị hấp dẫn bởi những thách thức cụ thể, hoặc những điều tương tự như vậy

Tôi ngờ rằng nhiều nhà quản lý – bao gồm cả tôi – đã từng được hỏi hoặc tự hỏi bản thân về triết lý giáo dục của mình. Có thể nói triết lý đó phải là động lực thúc đẩy các quyết định, các dự án, các chiến lược và cả phong cách lãnh đạo của chúng ta. Và tôi ngờ rằng nhiều người cũng có cho mình một triết lý giáo dục nhưng không ý thức được điều đó. Chúng ta có thể tìm ra triết lý đó bằng cách theo dõi các quyết định và dự án cá nhân của mình, quan sát chúng một cách tổng thể và tìm ra một đặc tính chung cho các lựa chọn và hành động này.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Việc xác định triết lý này phải rõ ràng, có chủ ý và tự giác. Nếu không có chủ ý, chúng ta có thể chọn nhầm một triết lý nào đó và mặc nhiên duy trì nó. Nhưng bằng cách tự tìm ra triết lý riêng, chúng ta có thể lý giải được những ý định và nguyên tắc lãnh đạo của mình.

Nếu biết tận dụng thì ta có thể tranh thủ buổi gặp mặt, định hướng hoặc hội thảo đầu năm để bàn thảo về việc tìm ra triết lý giáo dục bậc đại học cho các nhà lãnh đạo mới. Bởi vì nếu không có triết lý, chúng ta sẽ thiếu nền tảng. Nếu không có triết lý, ta sẽ không có gì để định hướng cho các quyết định và công việc.

Ngược lại, nếu tìm được triết lý rồi, chúng ta sẽ có một kim chỉ nam giúp ta hình dung về các bước tiếp theo, về hướng thực hiện chúng, về cách giải quyết những khó khăn.

Một triết lý giáo dục còn là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta vững vàng hơn trong những tình huống căng thẳng hoặc biến động. Khi tôi sa vào chính trị trong khoa, xử lý một góp ý của sinh viên hay xử lý một cuộc khủng hoảng ở nơi làm việc, tôi cố gắng gợi nhắc bản thân về những động lực trong công việc và lý do tại sao tôi lại làm việc này. Với tôi, tất cả đều là vì sinh viên. Nhớ ra những điều này khiến việc đối mặt với khó khăn trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng bạn cũng đừng nhầm lẫn. Một triết lý không giống như một mục tiêu. Giữ chân sinh viên là một mục tiêu. Nhưng triết lý làm nền tảng cho mục tiêu đó là gì? Cung cấp các dịch vụ sức khỏe tinh thần tốt hơn cho sinh viên là một mục tiêu. Nhưng từ triết lý nào mà ta “đẻ” ra mục tiêu đó?

Nếu bạn chưa biết cách tìm ra triết lý cho mình thì dưới đây là một số gợi ý:

–   Điều gì đã thu hút bạn đến với giáo dục đại học?

–   Điều gì khiến bạn muốn làm tốt công việc của mình?

–   Ai trong số các đồng nghiệp là người truyền cảm hứng cho bạn và tại sao?

–   Nếu bạn có năng lực cải thiện một điều về giáo dục đại học, đó sẽ là gì?

–   Thế mạnh lớn nhất của giáo dục đại học là gì?

–   Những thách thức lớn nhất của giáo dục đại học là gì?

–   Bạn cảm thấy như thế nào khi bạn được làm công việc yêu thích nhất?

Khi bạn đã trả lời những câu hỏi này, hãy xem thử: có chủ đề hoặc từ ngữ nào thường lặp lại không? Bạn có cảm nhận được đâu là nơi khởi nguồn cho sự đam mê của mình không? Các câu trả lời của bạn có mục đích hoặc hướng đi chung nào không?

Bây giờ, dựa trên những điều nghiệm ra và nhận thấy từ gợi ý trên, hãy tóm gọn tầm nhìn về giáo dục đại học và lý do bạn dấn thân vào hành trình này. Triết lý tốt nhất nên ngắn gọn. Và nếu bạn cảm thấy khó tìm ra triết lý thì hãy tự vấn: tại sao bạn không tìm được? Có phải vị trí hiện tại của bạn không phù hợp với nguyện vọng của bạn? Có những trở ngại nào trong công việc khiến bạn khó theo đuổi triết lý?

Cuối cùng, hãy nhớ triết lý giáo dục phải là thứ cốt lõi trong tư tưởng và cho bạn mục đích. Khi bạn đang “đầu bù tóc rối” xử lý hàng loạt email, chạy đua để hoàn thành nhiều “deadline” cùng lúc hoặc tinh thần đang bất ổn, triết lý đó sẽ là lời nhắc nhở về lý do tại sao bạn làm những việc này.

Đây là bản phác thảo đầu tiên của tôi khi đi tìm triết lý cho mình: “Giáo dục bậc đại học là một dịch vụ công ích có tính chuyển hóa con người. Với tư cách là một nhà quản lý giáo dục, tôi cố gắng tiếp cận sinh viên bằng sự đồng cảm, minh bạch, và thực hiện sứ mệnh bằng cách giúp các em phát triển trí tuệ, phát triển bản thân và mở rộng tầm nhìn.”

Vậy triết lý của bạn là gì?

*Elizabeth A. Lehfeldt là hiệu trưởng của Jack, Joseph and Morton Mandel Honors College, phó chủ tịch Bộ phận Giảng dạy của Hiệp hội Lịch sử Mỹ, và là giáo sư lịch sử tại Đại học Bang Cleveland. Bà viết blog về các vấn đề trong giáo dục đại học tại trang Tales Told Out of School và trên tài khoản Twitter @school_tales.

Leave a comment