Mùa dịch, mùa… gian lận

Nguồn: NPR, đăng ngày 27/08/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Mariam Aly – giảng viên (assistant professor) tại trường Đại học Columbia, đã thử mọi cách để ngăn sinh viên gian lận khi học online. Trong lớp Khoa học Thần kinh Nhận thức, cô giao cho sinh viên một tuần để hoàn thành đề thi mở và yêu cầu gần 180 em ký cam kết không gian lận.

Nhưng tình trạng gian lận vẫn xảy ra. Điều đó khiến cô nản lòng và thất vọng. Dù vậy Aly cũng thấy khó mà trách các em được. Các sinh viên đang phải trải qua một giai đoạn căng thẳng và bất định chưa từng có, và cô hiểu điều đó.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các trường phải chuyển sang dạy và học trực tuyến, từ đây, nhiều câu chuyện bi hài ra đời. Tỷ lệ gian lận học tập trong thời điểm này có xu hướng tăng cao, thậm chí có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Tại trường Đại học Virginia Commonwealth, số hành vi gian lận thống kê được đã tăng vọt trong năm học 2020-2021, lên tới 1.077 trường hợp, nhiều gấp 3 lần so với năm trước. Tỷ lệ vi phạm ở trường Đại học Georgia cũng tăng gấp đôi, từ 228 lần (năm 2019) lên đến hơn 600 lần (năm 2020). Trường Đại học Bang Ohio cũng tăng hơn 50% so với năm trước.

Tricia Bertram Gallant – nhà nghiên cứu về tính liêm chính trong học thuật tại trường Đại học California, San Diego, cho biết: “Có lẽ mức độ gian lận ngày càng gia tăng vì học trực tuyến có nhiều cám dỗ và cơ hội để gian lận hơn, đồng thời người học giai đoạn này cũng chịu nhiều căng thẳng và áp lực hơn”.

Cộng tác biến thành gian lận

Khi các trường học đóng cửa hoặc hạn chế học trực tiếp tại lớp, thay vì đến trường, giờ đây sinh viên làm bài kiểm tra trong phòng ngủ, thoải mái sử dụng điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác để làm bài mà không bị ai giám sát. Điều này đã thúc đẩy sự gian lận dưới nhiều hình thức.

Michael Baily – giám đốc liêm chính học thuật của trường Đại học Middle Tennessee State chia sẻ rằng có một sinh viên của trường đã sử dụng loa thông minh (smart speaker) có kết nối mạng để làm bài thi. Trường Đại học California State, Los Angeles, cũng có một vụ bê bối gian lận quy mô lớn ngay từ đầu mùa dịch khi một sinh viên cáo buộc nhiều bạn bè của mình đã trao đổi đáp án bài kiểm tra qua ứng dụng chat GroupMe. 

Những sự hợp tác lén lút này là một vấn đề lớn trong những báo cáo về gian lận học thuật tại Đại học Virginia Commonwealth, theo Karen Belanger, Giám đốc về liên chính học thuật và đạo đức sinh viên của trường này. “Sinh viên quá mong muốn được kết nối với nhau nên đã sử dụng các ứng dụng chat, điều này thậm chí còn được khuyến khích trong các lớp học. Không may, chúng lại trở thành nơi sinh viên trao đổi về các bài tập về nhà hoặc các câu hỏi kiểm tra”. Có nhiều sinh viên không thật sự rõ những gì được cho phép và những gì không trong một kỳ kiểm tra trực tuyến, bà nói thêm. 

Các giáo viên ở Đại học Georgia đã áp dụng hình thức thi mở, cho mở sách tham khảo trong mùa dịch. Lúc này thì sinh viên lại sử dụng  mạng Internet để qua mặt các kỳ thi.Có thể sinh viên đã hiểu lầm “đề mở” đồng nghĩa với việc “được lên mạng tìm/trao đổi đáp án”. Các trường hiện đang cố gắng làm rõ với sinh viên về những hành vi được xem là gian lận.

Khi gian lận có vẻ là lựa chọn duy nhất

Annie Stearns – sinh viên Đại học St. Mary’s College of California, chia sẻ rằng ngoài những khó khăn trong việc học trực tuyến, sinh viên còn chịu áp lực của giãn cách xã hội và những trách nhiệm gia đình khác. Trên hết, các dịch vụ gia sư và tài nguyên học thuật bị hạn chế hoặc chuyển sang trực tuyến. Nhiều sinh viên thực sự kiệt sức với các buổi học liên tục trên Zoom, điều này khiến họ không còn muốn tìm kiếm sự giúp đỡ nữa

“Nếu sau khi học xong, bạn tìm một giờ nói chuyện với giáo viên, thì đó lại là một buổi gặp mặt khác trên Zoom. Rồi nếu bạn muốn đến trung tâm luyện viết, thì lại là một cuộc gặp Zoom khác. Mọi người quá tải với những cuộc gọi video liên tục và vì thế từ bỏ.”, Stearns giải thích. “Chúng ta đang trải qua một giai đoạn chưa có tiền lệ. Họ thà đi đường tắt và đối diện với nguy cơ bị phát hiện còn hơn gửi email cho giáo viên, bởi vì họ quá xấu hổ khi phải thừa nhận mình cần giúp đỡ.” 

Gian lận nhiều hơn hay khả năng phát hiện gian lận tốt hơn?

James Orr, thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Liêm chính Học thuật Quốc tế cho rằng “sự gia tăng các báo cáo về hành vi gian lận học tập không có nghĩa là có nhiều hành vi gian lận hơn. Trong môi trường trực tuyến, tôi nghĩ rằng các giảng viên cảnh giác hơn nên phát hiện ra nhiều hơn.”

Trước đại dịch, các dữ liệu cho thấy tỷ lệ gian lận khi học trực tuyến và trực tiếp là tương đương nhau. Và có những trường như Đại học Texas ở Austin báo cáo rằng tỷ lệ gian lận đã giảm trong thời kỳ đại dịch. Với việc học trực tuyến, các nhà giáo dục đang sử dụng các phần mềm hoặc công cụ của bên thứ ba để phát hiện gian lận dễ dàng hơn. Ví dụ, bang Middle Tennessee đã triển khai một công cụ hỗ trợ điều tra trực tuyến tên là Examity từ đầu đại dịch. Công cụ này truy cập webcam của học sinh/sinh viên để ghi hình lại các buổi kiểm tra và sử dụng phần mềm phát hiện gian lận.

Tuy vậy, một số sinh viên và giảng viên cũng bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư và sự công bằng khi sử dụng các dịch vụ này. Ứng dụng Honorlock từng bị sinh viên kiện vì “vi phạm trắng trợn quyền riêng tư” và một dịch vụ khác tên là Proctorio cũng bị kiện tội “phân biệt đối xử” vì nó theo dõi ánh mắt của sinh viên và đánh dấu những người không nhìn vào màn hình là “khả nghi”. Thậm chí các sinh viên da đen hoặc nâu còn bị yêu cầu chiếu sáng khuôn mặt vì phần mềm gặp khó khăn trong việc nhận diện hoặc theo dõi chuyển động của họ.

Mike Olsen – người đứng đầu Proctorio, đã tuyên bố rằng ứng dụng chỉ hỗ trợ, con người mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ông nói thêm rằng công ty đã hợp tác với các kiểm toán viên bảo mật dữ liệu của bên thứ ba và rằng khả năng nhận diện khuôn mặt mới nhất của Proctorio đã hoàn thiện.

Ken Leopold – Giáo sư Hóa học tại trường Đại học Minnesota cho biết ông và các cộng sự khác phải cố gắng cân bằng nhu cầu quyền riêng tư và yêu cầu đề phòng gian lận. Ông đã tránh sử dụng Proctorio trong lớp của mình vì thấy nó “không phù hợp”. Tuy nhiên đó là trước đại dịch. Những ứng dụng như trên khó mà bị xoá sổ vào thời điểm này. Các giảng viên quan tâm nhu cầu riêng tư của sinh viên nhưng cũng phải đảm bảo môi trường học thuật trung thực. Với việc học và kiểm tra trực tuyến như hiện nay, cả người dạy và người học quả thật có rất ít sự lựa chọn.

Leave a comment