Sẽ thế nào nếu các trường đại học có hình thức hội phí?

Nguồn và tác giả: Keri Savoca, đăng ngày 26/03/2019

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Trong khi nhiều ngành kinh doanh đã chuyển sang mô hình hội phí (subscription), tôi tự hỏi điều gì ngăn cản các trường đại học làm điều tương tự.

Hãy nghe tôi nói đã trước khi chê tôi điên

Trước khi bàn về cách các trường đại học tiêu tiền (ví dụ như cách các trường này trả lương quá thấp cho giảng viên thời vụ), hãy cùng xem lợi ích mà một mô hình hội phí mang lại cho cả nhà trường và sinh viên.

Giáo dục đại học có giá trị gì?

Vào năm 1940, chỉ 4.6% người Mỹ trên 25 tuổi có bằng đại học. Ngày nay, theo Cục điều tra dân số, tỷ lệ này đang dao động ở mức 33%. Giá trị của bằng đại học đã thay đổi trong vài thập niên qua. Các công việc trước đây chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì nay yêu cầu bằng đại học. Việc trước đây cần bằng đại học thì nay yêu cầu bằng cấp cao hơn. Một số việc từng yêu cầu bằng cấp cao thì nay không cần bằng cấp nữa (điển hình là nhiều công ty công nghệ lớn không còn yêu cầu kỹ sư phần mềm phải có bằng Khoa học máy tính).

Sinh viên đôi khi phải chấp nhận rủi ro đắt đỏ khi đi học đại học. Ở đó, bất kỳ thay đổi, bổ sung nào trong quá trình học đều làm tăng gánh nặng nợ học phí cho sinh viên. Chi phí giáo dục đại học tăng cao khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn hoặc thậm chí khiến họ không dám đi học đại học.

Sẽ thế nào nếu tình trạng này thay đổi?

Mô hình hội phí (được hiểu là người học trả một khoản hội phí để vào trường, rồi muốn học môn nào ở trường trong bao lâu cũng được – ND) sẽ giúp sinh viên tối ưu hoá khoản đầu tư của họ, cũng như tạo đòn bẩy cho các trường trong việc tuyển sinh. 

Tuỳ thuộc vào cách xây dựng chương trình, thay thế mô hình học kỳ bằng mô hình hội phí này có thể mang lại những lợi ích nhất định sau:

–   Sinh viên có thể hoàn thành chương trình học trong bao lâu tuỳ ý. Điều này làm tăng tỷ lệ tốt nghiệp lẫn nguồn thu của trường.

–   Sinh viên có thể đẩy nhanh quá trình học, hoàn thành chương trình chỉ trong 2 năm thay vì 4 năm.

–   Sinh viên có quyền chọn chỉ tham gia các khóa học mà họ thực sự muốn, bất kể các khóa học này có giúp họ được cấp bằng hay không.

–   Sinh viên có thể tham gia nhiều khóa học ngoài chuyên ngành trước khi quyết định chọn một gắn bó với một ngành cụ thể.

–   Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể quay lại trường cũ để học các khoá bổ túc hoặc học lên cao trong cùng chuyên ngành mà không cần phải ứng tuyển lại. Thay vì phải ghi danh làm sinh viên trước rồi mới tham gia khoá học như hiện nay, sinh viên cũng có thể được xét đủ điều kiện để nhận bằng ngay nếu họ hoàn thành đủ các học phần (coursework) theo yêu cầu của chương trình.

–   Sinh viên có thể dự thính mọi khoá học suốt đời, bằng cách tra một khoản phí nhỏ để nhận tín chỉ từ các khoá học dự thính này.

–   Các trường có thể cung cấp chuỗi khóa học theo kiểu “bootcamp” (tập huấn ngắn hạn) cho những sinh viên không có nhu cầu phải lấy bằng cấp.

–   Các trường có thể cung cấp nhiều khóa học trực tuyến và các khóa học mùa đông/mùa hè hơn. Lượt đăng ký nhất định tăng.

–   Các trường vẫn có thể duy trì tiêu chuẩn tuyển sinh khắt khe, đặc biệt là đối với các chương trình học chuyên ngành, nhưng đồng thời vẫn có thể mang lại cho sinh viên lợi tức đầu tư xứng đáng hơn (ví dụ những sinh viên trượt đại học vẫn có thể tham gia một hoặc hai khóa học chuyên ngành nếu được giảng viên chấp thuận).

Nếu bạn nghĩ “các khoá học đã quá tải” thì chưa chắc

Các khóa học quá tải bởi vì sinh viên phải học nhồi nhét các môn họ không thích. Họ không dám nghỉ vì đó là môn bắt buộc trong chương trình học toàn thời gian.

Sinh viên thường bị bắt buộc phải đăng ký học cả kì mùa thu lẫn mùa xuân, lấy khoảng 3 đến 4 lớp, bất kể lý do, hoàn cảnh. Họ còn bị bắt phải chọn môn này hoặc môn kia. Nhiều môn thì CHỈ tổ chức trong 2 trên 4 học kì (kì mùa thu và xuân, không tổ chức vào kì mùa hè và đông). Việc mở rộng các lớp này thì rất khó thực hiện. Những điều này đương nhiên dẫn đến việc các lớp bị quá tải.

Nếu sinh viên có thể tuỳ ý tham gia các khóa học ưa thích, có thể các trường sẽ mở thêm các khóa học vào kì mùa hè và mùa đông. Sinh viên cũng sẽ tự sắp xếp lịch học của mình dàn trải trong khoảng thời gian dài hơn trong năm, và tình trạng sinh viên phải học lại do chưa sẵn sàng nhồi nhét khoá học trong lần đầu cũng sẽ giảm.

Chúng ta cũng sẽ chứng kiến một số khóa học trở nên được yêu thích hơn, còn các khoá nào ít người đăng ký sẽ bị đào thải.

Không nhất thiết phải xoá bỏ quy mô lớp học nhỏ để hiện thực hoá điều này. Chỉ cần lấy thêm số liệu và mở thêm một vài lớp là ổn.

Cũng không cần phải thay đổi tiêu chuẩn đầu vào của các khoá học chuyên biệt. Ta chỉ cần thay đổi cách thức đóng học phí.

Một mức đóng chung cho hội viên muốn theo đuổi bằng cử nhân. Một mức đóng chung cho hội viên muốn có bằng cao học và cử nhân. Một mức đóng chung để hội viên được tham gia tất cả khoá học, không hạn chế. Tất cả đều có thể làm được.

Lợi ích cho các trường

Tôi chưa từng học kinh tế học (nhưng chắc tôi đã học nếu môn kinh tế học được đưa vào mô hình hội phí tại trường tôi) và tôi cũng chẳng phải là kế toán. Nhưng đại học công ở thành phố New York giờ đã miễn phí rồi. Đại học khắp nơi trên thế giới cũng miễn phí. Mô hình hội phí thực sự có thể mang lại lợi nhuận lớn cho các trường đại học đồng thời biến tinh thần học tập suốt đời không chỉ còn là một tuyên ngôn.

Giả sử một tấm bằng đại học 4 năm ngốn của bạn 100.000 USD. Và khi học xong môn cuối, bạn vẫn phải trả nợ cho chi phí từ cái bằng của mình trong 10 đến 20 năm sau dù là bạn chẳng còn liên quan gì đến trường cả. Nếu bạn không đăng ký để tốt nghiệp, bạn cũng không thể ở lại trưởng và học thêm một số môn tự chọn miễn phí.

Bây giờ, nếu có mô hình này, xem như bạn đã trả trước tiền học trọn gói cả đời. Bạn vẫn có thể nhận học bổng để tiết kiệm chi phí. Bạn vẫn có thể xin hỗ trợ tài chính. Nhưng bây giờ, tiền bạn bỏ ra cho giáo dục đại học sẽ trở thành khoản đầu tư trọn đời.

Nếu bạn có công chuyện, không thể hoàn thành chương trình học ngay bây giờ thì bạn vẫn luôn được chào đón trở lại. Chỉ muốn học một lớp mỗi kì, và duy trì như thế nhiều năm? Được luôn. Muốn học bằng kép? Cứ làm thôi, bạn trả trước hết rồi mà.

Nếu đã tốt nghiệp rồi? Chúc mừng. Bạn vẫn có thể quay lại trường bất kỳ lúc nào và học thêm vài khoá nữa (tất nhiên, chi phí sinh hoạt bạn tự trả). Bạn muốn học bao nhiêu môn tuỳ ý, lấy tín chỉ hay không cũng được, trọn đời. Tất nhiên, ưu tiên đăng ký khoá học vẫn sẽ dành cho những sinh viên đang học chương trình cấp bằng lần đầu. Nhưng khi có chỗ trống thì các cựu sinh viên như bạn sẽ được tham gia.

Có thể bạn phải trả một khoản phí nhỏ để nhận tín chỉ cho mỗi khoá mà bạn học (mấy khoá mà không liên quan đến bằng đầu tiên và bằng thứ hai của bạn). Bạn có thể dự thính bao nhiêu lớp cũng được, miễn là còn chỗ. Và cũng có thể dự thính thoải mái các khoá học trực tuyến.

Mô hình hội phí này nảy ra trong đầu tôi là khi tôi nhớ lại những năm tháng học ở Yale, theo chương trình Thạc sĩ Nghệ Thuật tại Trường Kịch Nghệ. Yale thú vị ở chỗ trường cho phép bạn thích gì học nấy như vậy, miễn là giáo viên cho phép. Tôi đã từng tham gia các khóa học về dịch thuật tiếng Ý, địa chất và thần kinh học (đây là môn tự chọn thôi, tôi không học ngành Y). Những khóa học này không liên quan gì đến chuyên ngành của tôi, nhưng chúng đã thay đổi con đường sự nghiệp của tôi.

Đại học Yale, nơi tôi học chương trình cao học. Tôi được phép lấy bất kỳ lớp học nào mà tôi muốn, thuộc bất kỳ chuyên ngành nào, miễn là phù hợp với lịch học của tôi. (C) Keri Savoca

Thay vì ưu tiên cho con em của các cựu sinh viên khi xét nhập học, thì hãy tặng cho các cựu sinh viên này món quà là được học tập suốt đời. Hãy để họ trở thành hình mẫu “THỰC HỌC” cho con cái.

Điểm hay của mô hình hội phí đó là hầu như không ai lạm dụng nó. Nếu bạn chuyển nơi ở, bạn sẽ khó mà quay lại trường cũ đều đặn hàng năm để học tập. Nhưng nếu 10 năm sau bạn muốn học, trường phải tạo điều kiện để bất cứ thời điểm nào trong đời bạn cũng được học, có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như học trực tuyến hoặc các khoá học mùa hè chẳng hạn.

Phần lớn sinh viên sẽ không lợi dụng mô hình hội phí này để lấy tới 14 bằng đại học. Nếu cái bằng đầu tiên của họ đã chất lượng rồi thì họ chắc chắn cũng ăn nên làm ra. Nhưng việc mời các cựu sinh viên tiếp tục việc học của mình tại trường có thể lại mang lại nhiều tác động tích cực cho trường.

Rất nhiều học viện đào tạo lập trình cho phép học viên thi lại nhiều lần mà cũng chẳng ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận. Phần lớn chẳng ai lợi dụng các ưu đãi này cả, nhưng ít nhất là họ biết họ có ưu đãi.

Trường cử nhân tôi theo học thì không giới hạn số tín chỉ mà sinh viên có thể học mỗi kỳ. Tuy nhiên hầu như không ai lạm dụng điểm này cả. Và trường vẫn sống tốt, sống khoẻ, và cho ra lò rất nhiều cựu sinh viên tài ba.

Đã là năm 2019 rồi. Ngày càng có nhiều người học trực tuyến, học miễn phí hoặc đầu tư hàng chục nghìn USD vào các chương trình đào tạo 3 tháng để khởi nghiệp, vì những gì họ học ở trường đại học là chưa đủ.

Các khoản nợ sinh viên vẫn còn đó, dù có phá sản bạn cũng không được xoá nợ. Tôi đoan chắc là mình đã bớt chán ghét cái khoản nợ sinh viên của mình hơn nếu tôi có thể được đăng ký học khoá khoa học máy tính vào kỳ mùa hè tại trường cũ của mình, hoặc nếu tôi có thể ghi danh học một học kỳ ngôn ngữ tôi muốn học. Chỉ để thoả mãn sự hiếu học của mình thôi.

Tôi từng viết về kinh nghiệm học đại học của mình lúc trước và nhận được rất nhiều phản hồi gay gắt. Tôi chủ yếu phàn nàn về lượng thời gian và tiền bạc phải bỏ ra trong khi bản thân không biết chắc mình muốn làm gì. Đó là lỗi của tôi, nhưng đại học đâu phải là một doanh nghiệp tính phí từng phút trên sự mông lung của người học, đúng chứ? Cách thức hoạt động như vậy không giúp tạo ra những người học tập suốt đời.

Khó mà tìm được câu trả lời. Nhưng tôi chắc chắn một điều: đã đến lúc phải thay đổi.

Với việc ngày càng có nhiều người tự chủ trong việc học, các trường sẽ sớm cần phải tìm ra cách để thích ứng.

Đại học có thực sự dành cho tất cả mọi người?

Có lẽ giờ chưa phải lúc. Nhưng viễn cảnh đó thực sự, thực sự có thể khả thi.

Nếu trường cho bạn học các khoá ngoài chuyên ngành, bạn có tham gia không? Bạn sẽ tận dụng điều này chứ? Cùng chia sẻ suy nghĩ nhé.

One thought on “Sẽ thế nào nếu các trường đại học có hình thức hội phí?

Leave a comment