Giáo dục Đại học: Đường gần và đường xa

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 22/09/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Chúng ta đang chứng kiến sự lột xác của giáo dục đại học. Chiến lược của các trường đại học chính quy cần phải thay đổi từ ngắn hạn sang dài hạn trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự hợp tác mô lớn và có sự tham gia  của các tập đoàn lớn vào lĩnh vực này.

Đại dịch đã đẩy nhanh các xu hướng giáo dục vốn đã thành hình từ thập niên trước. Trong nhiều thế kỷ, các trường đại học cạnh tranh với nhau để giành sinh viên, đặc biệt là các trường trong cùng khu vực hoặc có cùng các ngành học. Từ những năm 1990, giáo dục trực tuyến ra đời, bắt đầu phá vỡ các lợi thế địa lý đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ trước. Từ đó, hầu hết các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài khu vực cũng lao vào cạnh tranh nhau trong việc tuyển sinh.

Xu hướng này bắt đầu thay đổi vào năm 2011 và 2012 khi MOOC (khoá học trực tuyến đại chúng mở) lần đầu tiên xuất hiện. Không lâu sau đó, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu chen chân vào cuộc chơi này. Các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hoặc cấp bằng xuất hiện phổ biến trên nhiều nền tảng lớn. Tới thời điểm hiện tại, thị trường cung cấp khóa học trực tuyến giữa các “ông lớn” như Coursera, edX, FutureLearn, Udacity, Swayam, Google, Amazon, Microsoft, IBM, LinkedIn và vô số nhà cung cấp khác đang ngày càng sôi động, trong khi tình trạng tuyển sinh tại các trường cao đẳng và đại học đang trì trệ hoặc giảm sút.

Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn khóa học trực tuyến tại trang Class Central. Coursera và edX – 2 nền tảng học tập hàng đầu, đã có thêm hơn 100 triệu lượt đăng ký khoá học trên mỗi nền tảng trong vòng 12 tháng qua và duy trì tốc độ tăng trưởng cực nhanh. Những tín hiệu mạnh mẽ trên cho thấy phương thức học tập kiểu này đang thống trị trên toàn thế giới. Coursera vừa báo cáo doanh thu tăng 38% hàng năm, đạt 102 triệu USD trong quý tháng 06/2021, trong đó phân khúc doanh nghiệp và trường đại học tăng lần lượt 69% và 78%.

Cùng lúc, tỷ lệ nộp đơn vào đại học lại giảm gần 5% so với năm 2020, đồng nghĩa với việc năm nay số sinh viên đăng ký ít hơn năm ngoái là 727.000 người. Ngoài Coursera và edX đang cung cấp vô số cơ hội học tập ở bậc đại học cho hàng triệu sinh viên, Udacity và nhiều nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh khác như Google, Amazon, Microsoft, IBM, LinkedIn cũng có tỷ lệ đăng ký tham gia các khóa học tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra thật sai lầm khi đánh giá thấp Google và Amazon. Hiện tại họ là những “tay chơi” trong cuộc đua này. Có vẻ như không có giới hạn nào cho các nhà cung cấp giáo dục phi truyền thống.

Tương tự như việc cách đây 10-20 năm, người ta đã từng hoài nghi về giá trị của bằng cấp từ các khóa học online, nay các chứng chỉ được cung cấp từ các nền tảng thương mại cũng bị nghi ngờ. Các số liệu lại cho chúng ta thấy một khía cạnh khác. Amazon Web Services là nhà cung cấp dịch vụ điện toán (Cloud) nổi tiếng nhất. Báo cáo mới đây từ State of Cloud cho thấy “82% giám đốc tuyển dụng đồng ý rằng chứng chỉ điện toán đám mây giúp ứng viên tăng khả năng cạnh tranh và 87% người tuyển dụng coi trọng kinh nghiệm thực tiễn và các chứng chỉ tích luỹ hơn tấm bằng đại học khi đánh giá ứng viên.”

Trang Business Because đã so sánh chỉ số ROI của việc đầu tư vào bằng cấp cao đẳng, đại học so với các chứng chỉ cấp bởi Google:

Sinh viên chỉ mất chưa đến 6 tháng để có Chứng chỉ nghề của Google, có thể áp dụng kiến ​​thức ngay và nhanh chóng kiếm thêm thu nhập. Mức lương đầu vào trung bình của các lĩnh vực mà Google cấp chứng chỉ là 63.600 USD. So với các khóa học đại học kéo dài hơn 3 năm và chương trình MBA hơn một năm, các khóa học của Google hấp dẫn hơn đối với những người muốn nhanh chóng học tập, kiếm tiền và tích luỹ đủ bằng cấp để thăng tiến. Theo Khảo sát kết quả người học của Coursera, 82% người có chứng chỉ Google có triển vọng nghề nghiệp sau 6 tháng học.

Với học phí chỉ từ 39 USD/tháng, rõ ràng chứng chỉ Google là một món hời. LinkedIn Learning cung cấp khoảng 16.000 khóa học và chứng chỉ. Edwize đánh giá một số dịch vụ của LinkedIn và kết luận rằng chúng đáng giá: “Bạn có quyền truy cập không giới hạn các khóa học với 29.99 USD/tháng, mức giá này quá ổn.”

Ngoài những nhà cung cấp ở trên, chúng ta còn có Codecademy, Khan Academy và nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến nổi tiếng khác. Cách đây chục năm, không công ty nào trong số này liên quan đến giáo dục đại học đúng nghĩa. Tuy nhiên, giờ đây, với sự bùng phát của đại dịch và khoản nợ sinh viên cao ngất ngưởng, các nhà cung cấp này đang len lỏi và dần có chỗ đứng trong thị trường giáo dục.

Năm nay, nhiều trường đại học phải đối mặt với khó khăn về ngân sách. Lời hứa hẹn xây dựng cao đẳng cộng đồng miễn học phí có thể giúp thu hút sinh viên trong ngắn hạn. Nhưng chính phủ liên bang khó có thể duy trì việc hỗ trợ liên tục trên quy mô lớn trong những thập kỷ tới.

Các trường học truyền thống nên chuẩn bị gì cho sự hiện diện ngày càng dày đặc của các nhà cung cấp giáo dục vì lợi nhuận, có quy mô lớn, chi phí thấp, luôn đổi mới cho phù hợp với thị trường đầy biến động? Khi cạnh tranh với Amazon, Google và các đối thủ lớn khác, liệu trường học có thể tìm thấy lợi thế cho những tấm bằng vừa đắt, vừa kéo dài nhiều năm của mình không? Hay họ chấp nhận bị lấn át bởi sự hiểu biết và khéo léo nắm bắt thời cơ kinh doanh của đối thủ?

Các trường có thể tham khảo các giải pháp ngắn hạn như cắt giảm chi phí, xác định lại đối tượng mình hướng đến, kết nối chặt chẽ hơn với các nhà tuyển dụng để nâng cao vị thế và sự hài lòng của sinh viên, làm mới mình và đẩy mạnh quảng bá, cung cấp các chứng chỉ ngắn hạn và có giá trị cao, nỗ lực gấp đôi trong giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên. Những bước này có thể giúp trường tạo ra nhiều doanh thu hơn với mức đầu tư thấp trong ngắn hạn.

Về lâu dài, các trường phải cải cách lại thể chế. Họ phải tìm cách vượt mặt Google, cạnh tranh với nguồn ngân sách khổng lồ của Amazon, với sự bành trướng của LinkedIn Learning và kế hoạch khai thác thị trường kỹ thuật đang mở rộng của Microsoft, IBM và các học viện coding. Chúng ta cần nghiên cứu mô hình ghi danh học theo gói (subscription model) thay vì mô hình đóng học phí theo năm hoặc theo học kỳ (tuition model), nhằm chia nhỏ quá trình học và làm dày thêm bằng cấp cho người học. Ai là người dẫn dắt sự đổi mới này tại ngôi trường của bạn? Bạn sẽ đảm nhận vai trò nào để thúc đẩy sự thay đổi?

Leave a comment