Canada đã trở thành siêu cường giáo dục như thế nào?

Nguồn: BBC, đăng ngày 02/8/2017

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Khi bàn về các hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, người ta thường nhắc đến các cường quốc châu Á như Singapore, Hàn Quốc hoặc các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy. Ấy vậy mà Canada – một quốc gia ít được nhắc đến hơn, lại leo lên vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế.

Theo kết quả gần đây nhất của Chương trình đánh giá Học sinh quốc tế PISA, Canada là một trong số ít các quốc gia nằm trong top 10 các môn: Toán, Khoa học và Đọc. Các bài kiểm tra này do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, là một nghiên cứu về khả năng học tập, và kết quả đã cho thấy học sinh ở Canada là một trong những nhóm được giáo dục tốt nhất trên thế giới. Họ bỏ xa các nước láng giềng như Mỹ và các nước châu Âu như Anh và Pháp.

Ở cấp đại học, Canada có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đã học đại học cao nhất thế giới: 55%. Tỷ lệ trung bình ở các nước thuộc OECD là 35%.

Sinh viên nhập cư

Sự thành công của Canada cũng không giống như các xu hướng quốc tế khác.

Những nước có nền giáo dục hàng đầu thường là những xã hội gắn kết, chặt chẽ và Singapore – với vị thế hàng đầu hiện nay, được coi là một hình mẫu của sự tiến bộ có hệ thống. Mỗi mảng của hệ thống giáo dục là một phần trong chiến lược quốc gia toàn diện.

Nguồn: Getty Image

Ngược lại, Canada thậm chí không thực sự có một hệ thống giáo dục chung cả nước mà mỗi vùng lại có hệ thống riêng. OECD, khi tìm hiểu bí quyết thành công trong giáo dục của Canada, đã mô tả vai trò của chính phủ liên bang là “hạn chế và đôi khi không tồn tại”.

Nhiều người cũng không biết rằng các trường học ở Canada có rất nhiều người nhập cư. Hơn 1/3 thanh thiếu niên ở Canada có cha mẹ đến từ một quốc gia khác nhưng những đứa trẻ nhập cư này rất nhanh hoà nhập để theo kịp bạn cùng lớp.

Khi xem xét bảng xếp hạng PISA kỹ hơn, ở cấp độ khu vực chứ không chỉ ở cấp độquốc gia, kết quả của Canada thậm chí còn ấn tượng hơn. Nếu các tỉnh bang của Canada tham dự kỳ kiểm tra của PISA với tư cách là các quốc gia riêng biệt thì 3 tỉnh Alberta, British Columbia và Quebec sẽ lọt vào top 5 môn Khoa học, cùng với Singapore, Nhật Bản và vượt qua cả Phần Lan lẫn Hong Kong.

Vậy nền giáo dục của Canada đã vượt qua các quốc gia khác như thế nào?

Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD, cho rằng “tinh thần chung nhất của Canada chính là sự bình đẳng”. Dù các tỉnh bang có chính sách khác nhau, nhưng tất cả đều cam kết tạo cơ hội bình đẳng trong trường học. Ông nhận thấy có một ý thức mạnh mẽ về quyền tiếp cận giáo dục công bằng và bình đẳng, và kết quả học tập tốt của những đứa trẻ di cư là minh chứng cho điều này.

Trong 3 năm, các bài kiểm tra PISA cho thấy học sinh đến từ những gia đình mới nhập cư có điểm số cao ngang bằng với những bạn học khác. Điều này khiến Canada trở thành một trong số ít quốc gia có học sinh nhập cư đạt trình độ học thuật tương đương với người bản xứ.

Một đặc điểm nổi bật khác là giáo viên ở Canada được trả lương cao theo tiêu chuẩn quốc tế và nghề giáo rất cạnh tranh.

Cơ hội bình đẳng

Giáo sư David Booth thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario (Đại học Toronto) nhấn mạnh “nền tảng phổ cập giáo dục vững chắc” của Canada.

Chính phủ Canada cho thấy những nỗ lực mang tính hệ thống để nâng cao năng lực đọc hiểu với các nhân viên được đào tạo bài bản, đầu tư vào thư viện trường học và hệ thống kiểm tra, đánh giá để xác định trường nào hoặc cá nhân nào gặp khó khăn.

Theo Giáo sư John Jerrim, Viện Giáo dục UCL ở Anh, thứ hạng cao của Canada phản ánh sự thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội trong trường học.

Thay vì bị phân cực, những kết quả tại Canada cho thấy mặt bằng chung được tiếp cận giáo dục rất cao, với rất ít sự khác biệt giữa học sinh có điều kiện và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong kết quả PISA gần đây nhất về môn Khoa học, sự chênh lệch điểm số do khác biệt về kinh tế xã hội ở Canada là 9%, trong khi ở Pháp là 20% và ở Singapore là 17%.

Chính sách bình đẳng đã chứng minh tại sao Canada lại được đánh giá cao trên trường quốc tế. Canada không để cho nghèo đói làm lý do hạn chế sự phát triển của con người.

Đây là một hệ thống nhất quán ấn tượng. Tương tự như khoảng cách hẹp giữa học sinh giàu và học sinh nghèo, kết quả học tập từ các trường ở Canada cũng có rất ít sự khác biệt, nếu so với mặt bằng chung của các nước phát triển.

Giáo sư Jerrim cho rằng trong trường hợp của Canada, tỷ lệ nhập cư cao không cản trở tiềm năng phát triển. Ngược lại, đây có thể là một yếu tố trong câu chuyện thành công của nước này. Những người di cư đến Canada, phần nhiều từ Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, thường có nền tảng giáo dục tốt và có tham vọng cho con cái mình một sự nghiệp tốt. Những gia đình này có khao khát lập nghiệp thành công trên miền đất mới, và kỳ vọng cao của họ đi cùng với kết quả học tập khởi sắc của con cái.

2017 là một năm bội thu đối với nền giáo dục ở Canada. Các trường đại học nước này đã hưởng lợi từ chính sách của Tổng thống Trump khi Canada được xem là điểm đến lý tưởng thay cho Mỹ, với tỷ lệ sinh viên quốc tế nộp đơn nhập học cao kỷ lục.

Sau 150 năm lập quốc, Canada giờ đây có thể tự tin khẳng định vị thế siêu cường giáo dục của mình.

Leave a comment