Không phải người Mỹ nào cũng mặn mà với tấm bằng đại học

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày: 13/9/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Theo một khảo sát trên 2.200 người của Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Mỹ (AACU) và Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, cứ 10 người Mỹ trưởng thành thì tới 6 người tin rằng đầu tư cho tấm bằng đại học là xứng đáng với thời gian và tiền bạc bỏ ra. Khảo sát này cho thấy mức thu nhập, tuổi tác và đảng phái chính trị là những nhân tố ảnh hưởng đến ý kiến của những người tham gia về giá trị của tấm bằng đại học. 

Theo khảo sát, 75% người thuộc nhóm giàu có và có trình độ đại học cho rằng học đại học là xứng đáng để đầu tư. Trong khi đó, chỉ 50% người thuộc nhóm không có bằng đại học hoặc kiếm được ít hơn 50.000 đô la mỗi năm ủng hộ quan điểm này.

Hình 1: Số người Mỹ trưởng thành tin rằng tấm bằng đại học là xứng đáng để đầu tư

Sự khác biệt quan điểm tương tự cũng diễn ra trong Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. 70% thành viên đảng Dân chủ đồng ý bằng đại học “chắc chắn” hoặc “có thể” đáng giá, so với chỉ 53% của đảng Cộng hòa và 52% từ những người trung lập. Ý kiến ​​về giá trị của tấm bằng đại học cũng khác dần theo độ tuổi. Tỷ lệ đánh giá cao giá trị của bằng đại học là: khoảng 61% người trẻ thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997-2012), 63% người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996), khoảng 54% ở Gen X (sinh từ năm 1965-1980) và 59% ở người lớn tuổi (sinh từ năm 1946-1964).

Bất chấp dư luận trái chiều, Ashley Finley – phó chủ tịch nghiên cứu và cố vấn cấp cao của AACU, cho rằng tấm bằng đại học là một khoản đầu tư chắc chắn sinh lời. Theo bà Finley, hình ảnh của nền giáo dục mới là thứ đang có vấn đề chứ không phải bản chất của nó. Sự coi thường chủ nghĩa tinh hoa và chủ nghĩa tự do trong giáo dục đại học, cùng với việc truyền thông xoáy vào những trường hợp nợ xấu của sinh viên đã khiến nhiều người không còn xem trọng việc học đại học nữa. 

“Những gì công chúng liên tục nghe được là học đại học quá đắt, và rồi bạn vẫn tiếp tục đi bán burger ở McDonald’s hoặc sẽ kết thúc đời mình ở Starbucks. Chưa bao giờ giáo dục đại học lại phải đối mặt với những lời đồn thổi rằng nó không có giá trị, không đáng để đầu tư thời gian và tiền bạc”, bà nêu ý kiến.

Bà Finley cho rằng thông điệp này rất nguy hiểm vì nó làm nản chí những người thuộc “first generation college student” (người đầu tiên trong gia đình hoặc họ hàng được học lên cao) và những người có thu nhập thấp theo học đại học, chính là những người sẽ có lợi từ giáo dục đại học

“Những sinh viên khá giả sẽ luôn có cơ hội vào đại học. Vậy nên khi bàn về chuyện học đại học đáng giá với ai, ta nên hướng tới những nhóm người có thu nhập thấp hơn trong xã hội, sâu xa hơn, nó liên quan đến chủng tộc và những thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học”, bà Finley chia sẻ. Những người đồng quan điểm với bà Finley cũng cho rằng câu chuyện không vào đại học không nên được cổ súy trong nhóm thu nhập thấp và những gia đình có thế hệ học đại học đầu tiên.

“Người ta nói rằng không sở hữu tấm bằng cử nhân 4 năm cũng không sao cả, nhưng tôi đang lo rằng ai là người nói ra những điều đó. Họ có phải là những người cho rằng việc có được tấm bằng đó là cần thiết cho con họ, nhưng không cần cho con của người khác? Hay họ có phải là nhóm yếu thế trong xã hội đang phải nhìn vào các khoản nợ, các khoản chi tiêu và nghĩ rằng “mình không đủ kinh phí trang trải 4 năm đại học”? Chúng ta chỉ đang tiếp tục chia rẽ xã hội này mà thôi.” Ông Tony Carnevale, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Nguồn nhân lực Đại học Georgetown nói. 

Bên cạnh đó, nhiều người tham gia khảo sát, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp, vẫn đồng ý rằng một nền giáo dục toàn diện và các kỹ năng chuyên môn là cực kỳ cần thiết để thành công lâu dài trong sự nghiệp.

Mặc dù giáo dục STEM đang ngày càng phổ biến, chỉ 1/3 người Mỹ tin rằng học các môn STEM sẽ là bước đệm để thành công. Tỷ lệ đảng viên đảng Dân chủ coi trọng giáo dục STEM cũng cao hơn so với đảng viên đảng Cộng hòa (lần lượt là 39% và 25%). Lập trường của các đảng phái có sự khác biệt mạnh mẽ với phần khảo sát về công bằng xã hội và tinh thần công dân tích cực trong giáo dục đại học. 45% thành viên đảng Dân chủ đồng ý 2 yếu tố trên là quan trọng để thành công, so với 28% đồng thuận từ phe trung lập và chỉ 19% thành viên đảng Cộng hòa.

Hình 2: Số người Mỹ (theo đảng phái) tin rằng việc thúc đẩy ý niệm về công bằng xã hội là rất quan trọng đối với sự thành công lâu dài trong sự nghiệp

Theo Kevin Miller – Phó Giám đốc Giáo dục đại học tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, trong bối cảnh chuyển giao thế hệ thì góc nhìn về giáo dục cũng đang thay đổi. Những người trẻ hiện nay coi giáo dục là khởi nguồn cho sự bình đẳng và công bằng và đó lại là một ý tưởng mới với nhiều người. Ông Miller cho rằng các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ nên được cổ vũ bởi một thực tế là hầu hết người Mỹ vẫn coi trọng việc học đại học. Dẫu vậy, các trường cũng cần hết sức nghiêm túc cân nhắc các  góp ý từ công chúng bởi vì các ý kiến hầu hết sẽ bắt nguồn từ kinh nghiệm và thực tế cuộc sống của họ. Thế nên, hoàn toàn chính đáng khi họ quan tâm đến khả năng chi trả của mình cho giáo dục đại học.

Leave a comment