Đặc quyền da trắng

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 06/12/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Nguyễn Mai Thùy Duyên

Luật cấm người da đen học đại học đã được xoá bỏ từ lâu, nhưng liệu sự bất công ấy có được xoá hẳn khỏi các hệ thống khác trong quy trình tuyển sinh đại học hay chưa?

Art & Science Group, tổ chức tư vấn chiến lược tuyển sinh cho các trường đại học, đã công bố một nghiên cứu trong đó ghi lại quan điểm của học sinh trung học phổ thông (THPT) về những lợi thế đáng kể của học sinh da trắng (và đôi khi là học sinh châu Á) trong quá trình đăng ký nhập học. Cụ thể:

–   Hơn 2/3 học sinh da trắng (68%) cho biết mình có thể nắm thông tin về quá trình tuyển sinh đại học nhờ vào gia đình và bạn bè. Chỉ 38% sinh viên da đen có ưu thế tương tự.

–   Những người thuộc nhóm thế hệ đầu tiên trong gia đình được học đại học (first-generation college student) cũng thua thiệt về mặt tiếp cận thông tin so với những nhóm sinh viên khác (52% so với 63%).

–   Học sinh da trắng và học sinh châu Á dự định nộp đơn vào nhiều trường hơn (trung bình 4 trường) so với các nhóm học sinh khác.

–   So với các nhóm khác, nhóm học sinh da trắng có nhiều khả năng tham gia các buổi giới thiệu và tham quan trường đại học trước khi chính thức đăng ký nhập học.

Thực tế là “trong một hệ thống có nhiều kiểu đặc quyền khác nhau – từ chủng tộc và dân tộc, tài chính cho đến khả năng truy cập mạng xã hội và kỳ vọng từ gia đình – các văn phòng tuyển sinh vẫn đang nỗ lực tạo ra một sân chơi công bằng cho sinh viên”, trích báo cáo của Art & Science.

Tiếp cận nguồn thông tin về các trường đại học

Theo khảo sát của tổ chức Art & Science trên 734 học sinh THPT sắp vào đại học, vốn xã hội (social capital) là yếu tố rất quan trọng trong việc học sinh tiếp cận nguồn thông tin đáng tin cậy về các trường đại học. Yếu tố chủng tộc/dân tộc có tính quyết định cao nhất, còn trình độ học vấn của gia đình lại có ảnh hưởng lớn và riêng biệt.

Kết quả dưới đây cho thấy nhóm học sinh da trắng có ưu thế nhất và nhóm học sinh da đen chịu nhiều thiệt thòi nhất, trong khi các nhóm khác thì ở giữa.

Có thể trông cậy vào gia đình và bạn bèĐã tham dự các buổi giới thiệu trường đại học
Học sinh châu Á57%18%
Học sinh da đen38%27%
Học sinh La-tinh48%15%
Học sinh da trắng68%38%

Một kết quả khảo sát khác đối với nhóm thế hệ đầu tiên trong gia đình được vào đại học:

Có thể trông cậy vào gia đình và bạn bèĐã tham dự các buổi giới thiệu trường đại học
Thuộc nhóm thế hệ đầu tiên52%20%
Không thuộc nhóm thế hệ đầu tiên 63%37%

Mối quan hệ giữa chủng tộc và tầng lớp kinh tế xã hội cũng hiện ra rõ nét khi xem xét số trường đại học mà học sinh dự kiến nộp đơn vào.

Số trường dự định nộp đơn
Học sinh châu Á4,0
Học sinh da đen3,2
Học sinh La-tinh3,4
Học sinh da trắng4,0

Tầng lớp kinh tế xã hội:

Thu nhập/nămSố trường dự định nộp đơn
< 60.000 USD4,1
Từ 60.000 USD đến dưới 120.000 USD3,6
Từ 120.000 USD trở lên3,5

Mặc dù nhiều người cho rằng nhóm học sinh khá giả hơn sẽ đăng ký nhiều trường hơn, thực tế lại cho thấy nhóm có thu nhập thấp nhất mới là nhóm có dự định nộp đơn vào nhiều trường đại học nhất (4,1), trong khi tỷ lệ này ở nhóm khá giả và giàu có không chênh lệch nhiều (3,6 và 3,5). Có vẻ hợp lý khi suy đoán rằng nhờ có nguồn lực và vốn xã hội mạnh hơn nên nhóm học sinh khá giả đã tiếp cận các nguồn thông tin trước mùa nhập học và bắt đầu sàng lọc các lựa chọn của mình từ sớm, còn nhóm học sinh có thu nhập thấp hơn thì không có đủ lợi thế để đánh giá và sàng lọc các lựa chọn của mình như vậy.

Khảo sát này cũng xem xét sự khác biệt trong cách các học sinh thuộc các nhóm chủng tộc khác nhau đánh giá các trường đại học. Các em được yêu cầu xếp hạng các trường mà mình dự định nộp đơn theo thang điểm từ 1 đến 10. Kết quả là “Học sinh châu Á và học sinh da trắng thường cho trường thuộc nguyện vọng một của mình số điểm số cao hơn hẳn so với trường xếp thứ hai (tương ứng là 8,8 – 7,8 và 8,9 – 7,9), trong khi nhóm học sinh thuộc các nhóm chủng tộc/dân tộc khác thì không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các lựa chọn”.

Kết luận từ khảo sát

Theo David Straus, người đứng đầu tại Art & Science, những khác biệt trên cho thấy sự phức tạp trong việc nộp đơn vào đại học. Sẽ luôn có một nhóm sinh viên nộp đơn cho nhiều trường hơn những nhóm khác, và khả năng cao đó là nhóm da trắng. “Dù diễn giải thế nào đi nữa, điều đó cho thấy đặc quyền vẫn tồn tại.”

Leave a comment