Canh bạc lớn nhất của Giáo dục Đại học

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày: 07/6/2016

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

“Trường đại học dạy sinh viên thói quen quan sát cẩn thận, tư duy phản biện, sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức và khả năng diễn đạt rõ ràng.”

“Trường đại học nuôi dưỡng trí tuệ và tư duy phản biện, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên để họ trở thành những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và là công dân tích cực trong tương lai.”

“Trường cung cấp cho sinh viên kiến ​​thức, kỹ năng tư duy phản biện và trải nghiệm tự do sáng tạo để các em sẵn sàng hội nhập vào thế giới phức tạp này.”

Đây chỉ là một vài tuyên bố về sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học trên khắp nước Mỹ lấy tư duy phản biện làm trọng tâm giáo dục. Thật vậy, xét về nhiều mặt, tư duy phản biện đã dần đồng nghĩa với Giáo dục Đại học (GDĐH). Tuy nhiên, chúng ta không tìm ra bằng chứng nào cho thấy các trường cao đẳng hoặc đại học dạy kỹ năng tư duy phản biện thành công.

Nguồn ảnh: Internet

Nghiên cứu nổi bật nhất về sự thất bại của GDĐH trong việc dạy các kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên là của Richard Arum và Josipa Roksa, xuất bản năm 2011 với tựa đề Academically Adrift (tạm dịch: Lênh đênh học thuật). Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng kỹ năng tư duy phản biện của sinh viên tiến bộ rất hạn chế và sử dụng thang điểm của CLA (Collegiate Learning Assessment) để đo. Nghiên cứu bị chỉ trích vì phụ thuộc vào CLA quá nhiều, nhưng người ta lại bỏ qua một vấn đề cơ bản hơn mà nghiên cứu này nhấn mạnh: chúng ta không biết tư duy phản biện thực sự là gì và thậm chí còn không chắc rằng nó có tồn tại hay không.

Những người làm trong lĩnh vực giáo dục đại học đều cho rằng chúng ta biết tư duy phản biện là gì, vì nó diễn ra hàng ngày và chúng ta cũng thường tư duy phản biện đấy thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem “tư duy phản biện” là một tập hợp các kỹ năng tư duy tổng quát (general thinking skills – GTS) có thể  áp dụng được từ ngành học này sang lĩnh vực khác, thì việc xác định chính xác những kỹ năng đó là gì sẽ trở nên vô cùng khó khăn và bất khả thi.

Càng ngày ta càng thấy rõ rằng GDĐH đã đánh cược vào tư duy phản biện và điều đó hoàn toàn hiểu được: trong thời đại thông tin dễ dàng tiếp cận được bằng công nghệ kỹ thuật số còn học phí ngày càng tăng, các lớp học phải thay đổi cách thức giảng dạy: từ nơi cung cấp thông tin trở thành nơi sinh viên học cách xử lý thông tin đó – hay nói cách khác, nơi sinh viên học cách tư duy.

Tuy nhiên, câu hỏi là liệu chúng ta có thể thật sự dạy kỹ năng đó cho sinh viên không?

Tranh luận về Kỹ năng Tư duy

Cuộc tranh luận về việc liệu GTS có thực sự tồn tại chỉ được một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu và nhà tư tưởng tranh luận với nhau. Họ tin rằng tư duy phản biện và việc học nó rất quan trọng, nhưng tranh luận về vấn đề này bị bỏ ngỏ và hiểu lầm nhiều nhất trong giáo dục đại học thời nay.

GTS được cho là những kỹ năng có tính ứng dụng liên ngành. Ta có thể vận dụng kỹ năng tư duy học được vào bất kỳ ngành nào. Một câu hỏi quan trọng trong cuộc tranh luận là liệu các kỹ năng tư duy có thể tồn tại độc lập với nội dung cụ thể của ngành học không. Tim John Moore – giảng viên tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Úc, đã gọi đây là “cuộc tranh luận về tính tổng quát”.

Với những người theo chủ nghĩa tổng quát, họ tin rằng “tư duy phản biện là một tập hợp các kỹ năng cấu thành, ta có thể học những kỹ năng đó một cách có hệ thống và có thể áp dụng cho tất cả các ngành học”. Đại diện tiêu biểu cho nhóm này bao gồm: Robert Ennis, Giáo sư Danh dự về Triết học Giáo dục tại Đại học Illinois; Peter Facione, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Loyola Chicago; và Richard Paul, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển chuyên môn tại Trung tâm Tư duy Phản biện.

Phe đối lập là những người theo chủ nghĩa cụ thể – những người cho rằng “tư duy phản biện luôn gắn liền với ngữ cảnh và chủ đề cụ thể mà ta bàn tới”. Nói cách khác, tư duy là suy nghĩ về thứ gì đó cụ thể. John McPeck – Giáo sư ngành Giáo dục tại Đại học Western Ontario; Daniel T. Willingham – Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Virginia; và cả Tim John Moore cũng đồng quan điểm này.

Quan điểm tư duy tổng quát là cơ sở triết học cho khóa học “kỹ năng tư duy” chung chung mà ở đó sinh viên học các kỹ năng đa dụng cho nhiều môn học. Tuy nhiên Giáo sư Daniel Willingham đã chỉ ra rằng các khóa học như vậy “chủ yếu cải thiện tư duy của sinh viên với những vấn đề trong chương trình học chứ không phải với các loại vấn đề khác”. Điều đó cho thấy việc tách kỹ năng tư duy ra khỏi nội dung cụ thể là vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể. Nói cách khác, Willingham lập luận rằng để có tư duy phản biện thì người đó phải nắm rõ kiến ​​thức chuyên ngành, tuy nhiên kể cả được như vậy thì cũng chưa chắc chắn.

Trong cuốn Teaching Critical Thinking (Giảng dạy Tư duy Phản biện), nhà nghiên cứu giáo dục Stephen P. Norris đã từng viết: “Không có cơ sở khoa học nào để khẳng định rằng khả năng tư duy phản biện bao gồm cả khả năng kiểm soát nội dung và sự phức tạp, khả năng diễn giải và áp dụng, cũng như khả năng sử dụng các nguyên tắc logic của tư duy. Chỉ có các bằng chứng khoa học cho thấy rằng khả năng tư duy của con người bị ràng buộc bởi nội dung và bối cảnh, và bị ảnh hưởng nhiều bởi mức độ phức tạp của các vấn đề.”

Nhiều nghiên cứu gần đây mà Moore tiến hành cũng củng cố quan điểm rằng sự tồn tại của một tập hợp các kỹ năng tư duy áp dụng cho nhiều lĩnh vực thực sự rất mơ hồ. Ông đã khám phá cách các giảng viên tại một trường đại học Úc hiểu và giảng dạy tư duy phản biện trong các ngành khác nhau như thế nào. Trong quá trình phác thảo mối liên đới giữa các ngành, ông nhận thấy sự đan xen phức tạp giữa các ngành không thể được tinh giản thành một tập hợp các kỹ năng tư duy cốt lõi.

Tóm lại, do chi phí giáo dục và khả năng tiếp cận thông tin ngày càng tăng, giáo viên giờ không chỉ đơn thuần là người cung cấp tri thức mà còn phải dạy sinh viên tư duy. Tuy nhiên, phải giảng dạy GTS như thế nào đây khi nghiên cứu đã chỉ ra việc này vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể?

Tiếp tục tiến tới

Nếu trường đại học muốn đào tạo ra được những người có tư duy phản biện thì phải thực hiện một số biện pháp cụ thể. Trước tiên, bất kể trường dạy gì, các giảng viên phải làm quen với các cuộc tranh luận về kỹ năng tư duy thuộc lĩnh vực khoa học nhận thức, tâm lý học giáo dục và triết học. Trên thực tế, nếu các trường đại học triển khai các bài học cơ bản trong lĩnh vực này như một bước nền tảng để sinh viên của họ bắt đầu, thì tiền bạc và thời gian bỏ ra sẽ rất xứng đáng.

Khi đã nhận thức sâu sắc hơn về tư duy phản biện, các giảng viên sau đó phải bắt đầu suy nghĩ về cách tư duy trong từng ngành học của mình. Thay vì áp dụng vô tội vạ một số kỹ năng tư duy phản biện vào các lĩnh vực không liên quan tới chuyên ngành, giảng viên phải phản ánh cách họ suy nghĩ với tư cách là các học giả và nhà nghiên cứu trong chính lĩnh vực của họ – và sau đó truyền đạt lại quá trình nhận thức đó một cách rõ ràng cho sinh viên. Nếu các kỹ năng tư duy không được dạy công khai như các môn học khác thì việc học cách tư duy sẽ không hiệu quả.

Cuối cùng, chúng ta cần nhìn nhận lại so sánh ẩn dụ về sự “đa năng” đã định hình cái nhìn của chúng ta về kỹ năng tư duy nói chung và kỹ năng tư duy phản biện nói riêng. Có hay không sự tồn tại của một nhóm các kỹ năng tư duy áp dụng được cho bất kỳ lĩnh vực hoặc tình huống nào vẫn còn là điều gây tranh cãi, nhưng dường như càng ngày ta càng thấy rõ rằng không có kỹ năng nào như vậy tồn tại.

Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta dừng nghĩ về một sự “đa năng” của kỹ năng tư duy, thay vào đó hãy bắt đầu nghĩ về sự giao thoa. Một khi các kỹ năng tư duy được giảng dạy rộng rãi, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục phổ quát, cả giảng viên và sinh viên sẽ nhận thấy cách tư duy trong một lĩnh vực (ví dụ: kinh tế học) cũng tương tự quá trình lập luận trong lĩnh vực khác (ví dụ: sinh học). 

Ngoài ra, hình ảnh của sự “giao thoa” này – tương tự như một sơ đồ Venn – còn thể hiện rõ những khác biệt và điểm tương đồng giữa các nhóm kỹ năng tư duy. Vì vậy, khi kỹ năng tư duy được dạy một cách rõ ràng trong các môn học khác nhau, sinh viên trong quá trình học đại học sẽ thu nhặt được những trải nghiệm “giao thoa” trong tư duy qua những khóa học khác nhau. Từ đó, sinh viên có thể tổng hợp được các hiểu biết để giúp họ hiểu được quá trình tư duy này phát triển như thế nào và các vấn đề được giải quyết ra sao. Nếu quá trình tư duy “giao thoa” này giúp sinh viên chắc lọc thành một bộ kỹ năng tư duy cốt lõi thì quá tuyệt. Nếu không, sinh viên vẫn có một cái nhìn rõ ràng về cách các kiểu tư duy khác nhau đan xen vào nhau trong một lĩnh vực cụ thể.

Sau cùng, chúng ta – những người đang làm việc trong lĩnh vực GDĐH, đã và đang đặt cược vào ván bài “tư duy phản biện này”, mà nếu thua cuộc, chúng ta sẽ khó mà kỳ vọng sinh viên có thể trở thành những nhà tư tưởng phản biện nhờ một phương pháp diệu kỳ nào đó…  Do đó, chúng ta cần tìm một phương pháp sư phạm giúp thúc đẩy việc giảng dạy các kỹ năng tư duy tổng quát, thay vì chỉ tập trung vào tư duy phản biện.

Leave a comment