Triển vọng cho phụ nữ làm việc trong các ngành công nghiệp

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 02/09/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Nguyễn Mai Thùy Duyên

Theo một phân tích dữ liệu khảo sát mới đây ở Mỹ, sự chênh lệch mức lương giữa nam và nữ trong ngành khoa học cao hơn gấp 1,5 lần so với trong ngành công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ năm 1995 đến năm 2017 và thấy rằng trong suốt giai đoạn đó, các nữ tiến sĩ ngành khoa học và kỹ thuật có thu nhập ít hơn nam giới làm việc trong lĩnh vực học thuật (trường học, học viện, viện hàn lâm…) 5,3% và ít hơn nam giới trong ngành công nghiệp 3,5%. Sau khi xem xét mức độ chênh lệch lương theo giới trong cả hai vực trong giai đoạn 1995 – 2003 và 2006 – 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự chênh lệch này ngày càng tăng. Tuy mức tăng không đáng kể nhưng việc chênh lệch lương không giảm giữa các giai đoạn cho thấy đây không phải là một vấn đề sẽ tự được giải quyết theo thời gian – đặc biệt là trong các ngành liên quan đến học thuật, nơi nam giới và nữ giới có mức lương khởi điểm ngang nhau nhưng dần chênh lệch theo chiều dài sự nghiệp. Ngược lại, phụ nữ trong ngành công nghiệp lại có khuynh hướng bị trả lương thấp hơn nam giới ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhưng mức chênh lệch này rút ngắn dần theo thời gian.

ẢnhCatchpoint.

Bởi vì chênh lệch lương trong lĩnh vực học thuật có vẻ bắt đầu tăng lên từ năm làm việc thứ bảy, nhóm nghiên cứu cho rằng tình trạng chênh lệch lương là hậu quả của hệ thống nhiệm kỳ cứng nhắc trong các ngành liên quan đến học thuật, so với sự linh hoạt về thời gian của các ngành kinh doanh.

Rajshree Agarwal – đồng tác giả nghiên cứu, Chủ tịch Kinh Doanh và Chiến lược tại Trường Kinh doanh H. Smith thuộc Đại học Maryland (Mỹ) – cho biết: “Không có sự khác biệt về mức lương cho tân binh [trong ngành học thuật], và theo tôi đó là do sự thay đổi trong các tiêu chuẩn thể chế. Tuy vậy, phụ nữ ít có khả năng được bổ nhiệm vị trí cao, do đó họ có nhiều khả năng ở lại trường rồi chuyển sang làm giảng viên – những vị trí được trả lương ít hơn”. Lương giảng viên nữ cũng thấp hơn lương giảng viên nam trung bình khoảng 13%.

Cũng theo Agarwal, không có giải pháp đơn giản nào cho vấn đề này, nhưng bản thân bà ủng hộ các chương trình như ADVANCE (được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia), chuyên giới thiệu các biện pháp can thiệp bình đẳng ở cấp địa phương. 

Vấn đề về sự công bình cho phái nữ, chẳng hạn như yêu cầu tăng lương, sẽ càng quan trọng hơn sau đại dịch COVID-19, vì trong nhiều trường hợp, gánh nặng chăm sóc người thân của phái nữ sẽ gia tăng.

Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí Nature BioTechnology và kết quả nghiên cứu không có gì bất ngờ đối với Joanne Kamens – Giám đốc điều hành Trung tâm về Phụ nữ và Kinh doanh thuộc Đại học Bentley (Mỹ). Bà cho rằng phụ nữ, cùng với các thành phần thiểu số không được đề cập đến, có nhiều cống hiến hơn đồng nghiệp nam da trắng, nhưng những việc này không giúp phụ nữ được thưởng lương và thăng tiến giống như việc giảng dạy hay nghiên cứu.

Hơn thế, theo Kamens, “chính trị và các quy trình phức tạp của các tổ chức học thuật tạo nên sự chênh lệch như vậy”. Cơ cấu quản lý “phi chính thống” của các cơ sở học thuật không góp phần cải thiện tính công bằng, “đồng thời có sự thiếu minh bạch rõ rệt về tiền lương và lợi ích của đội ngũ giảng viên”.

Kamens cho rằng những yếu tố này dẫn đến sự chênh lệch, “xuất phát từ những thành kiến ngầm lẫn công khai đối với phụ nữ và nhóm yếu thế”.

Agarwal và các đồng tác giả đã tra soát nhiều yếu tố và xác định trạng chênh lệch lương ngày càng tăng trong lĩnh vực học thuật không liên quan đến những thay đổi trong tỷ lệ nam và nữ tiến sĩ, các vấn đề gia đình, khối lượng công việc hoặc sự khác biệt về tham vọng được tăng lương. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy trong lĩnh vực học thuật, dù ở giai đoạn nào của sự nghiệp thì phụ nữ cũng thường xem trọng mức lương và khả năng được tăng lương hơn so với các nam đồng nghiệp. Khi xem xét kỹ hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức lương trung bình của các nhà khoa học trong ngành công nghiệp cao hơn các học giả ở mọi giai đoạn nghề nghiệp, bất kể yếu tố giới tính.

Tình trạng chênh lệch lương theo giới cũng xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh và trong ngành công nghiệp. Trong các tổ chức học thuật, mức lương khởi điểm của nam và nữ là như nhau, nhưng khoảng cách thu nhập gia tăng theo “tuổi nghề”. Cụ thể, tốc độ tăng lương của nữ chậm hơn đáng kể so với nam vào khoảng năm thứ bảy sau khi hoàn thành bậc Tiến sĩ. Tỷ lệ tăng lương của nữ giới ở giai đoạn này thấp hơn nam giới khoảng 4%, và chênh khoảng 9% vào thời điểm 24 năm sau bậc Tiến sĩ. Vào khoảng 16-18 năm sau Tiến sĩ, các nhà khoa học nam trung bình kiếm được khoảng 62.300 USD/năm (tỷ giá tính theo năm 1995) còn ở nữ là 57.800 USD, chênh lệch 7,2%.

Thêm nữa, trong ngành công nghiệp, ban đầu nam được trả lương cao hơn nữ, nhưng khoảng cách này rút ngắn dần theo thời gian. Các nhà khoa học nam kiếm được khoảng 86.600 USD vào khoảng giữa sự nghiệp, còn nữ thu về 84.300 USD. Mức chênh là 2,7%. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy có khoảng cách về giới đáng kể trong xác suất nắm giữ các công việc có chức danh trọn đời (tenured) hoặc việc thuê theo hợp đồng (tenure-track): từ năm 1995 – 2003, nữ giới ít hơn nam giới khoảng 15%; từ năm 2006 – 2017, tỷ lệ này là 28%.

Khi xem xét tỷ lệ các Tiến sĩ STEM giữ vai trò lãnh đạo, mức độ chênh lệch về giới là 15%. Tuy phụ nữ ít có khả năng nắm giữ vị trí lãnh đạo trong ngành hơn (do đó có mức lương thấp hơn), nhưng không có sự chênh lệch đáng kể trong tỷ lệ tăng lương giữa nam và nữ. Phân tích cho thấy học thuật không còn là miền đất hứa khi chênh lệch lương theo giới cao hơn 1,5 lần so với ngành công nghiệp. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 32.421 Tiến sĩ khoa học và kỹ thuật để đưa ra các lập luận trên. Họ kêu gọi sự quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn về các yếu tố đẩy phụ nữ ra khỏi các ngành nghề “giá trị cao”, cũng như tìm hiểu các tác động cụ thể nào trong các thể chế học thuật đã làm gia tăng khoảng cách giới. Agarwal cho biết bà ủng hộ các can thiệp “từ dưới lên”, bản địa hóa và thậm chí là cá nhân hóa. Trong khi đó, Kamens cho rằng các lãnh đạo ở “cấp cao nhất của các tổ chức học thuật sẽ cần phải áp dụng các quy trình tuyển dụng và tiêu chuẩn phúc lợi toàn diện”, bao gồm minh bạch tiền lương và “hạn chế tối đa tính chủ quan” để thay đổi hiện trạng này.

Mary Amon – nhà tâm lý học thực nghiệm kiêm trợ lý giáo sư tại Đại học Central Florida (Mỹ) – tin rằng những thành kiến ​​ngầm về năng lực đóng góp của phụ nữ trong khoa học đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng bất bình đẳng giới ở ngành STEM. Càng lên vị trí lãnh đạo thì sự chênh lệch lương giữa nữ giới và nam giới càng cao. Một giải pháp để khắc phục sự chênh lệch này là các nhà lãnh đạo của trường “chủ động so sánh và cân bằng mức lương giữa nam và nữ khi họ thăng chức hoặc được tăng lương”. Điều cần thiết là các trường không chỉ nói mà còn phải áp dụng các cơ cấu lẫn chính sách khuyến khích để giữ chân và đề bạt các giảng viên. Cơ cấu lâu năm của các tổ chức học thuật cũng là một thách thức cho sự đổi mới này.

Leave a comment