Làm thế nào để hỗ trợ trẻ em đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần?

Nguồn: NPR, ngày đăng: 17/9/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Nguyễn Mai Thùy Duyên

Hiện nay, đa số trẻ em ở Mỹ đã trở lại trường học, nhưng năm học này sẽ không bình thường như chúng ta mong đợi. Các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng trở lại và nhiều học khu (school district) đã phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát. Một số trường đã chuyển sang phương án dạy học trực tuyến. Các em học sinh đang có một năm học mới với nhiều bất ổn và lo lắng. 

Theo Tiến sĩ Nicole Christian-Brathwaite – một bác sĩ tâm thần chuyên điều trị cho trẻ em và trẻ vị thành niên, đồng thời là phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Chăm sóc Sức khoẻ Array Behavioral Care (ở Mỹ), năm nay có thể sẽ lại là một năm học nhiều thử thách, và để giúp trẻ thích ứng tốt hơn với giai đoạn bất ổn này, cô cùng các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đưa ra một vài gợi ý như sau cho phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm đến sức khoẻ tâm thần của trẻ. 

Phụ huynh hãy quan tâm đến sức khỏe của chính mình trước

Theo Tiến sĩ Christian-Brathwaite: “Nếu người lớn không khỏe mạnh thì không có đứa trẻ nào khỏe mạnh”. Phụ huynh phải chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình trước, để khi có vấn đề xảy ra, họ có thể xử lý tốt. 

Tiến sĩ Vera Feuer – phó Chủ tịch phụ trách sức khỏe tâm thần học đường tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Northwell Health (ở Mỹ), gợi ý các phụ huynh nên thường xuyên tham gia các hoạt động giúp tĩnh tâm như yoga và thiền. Trên thực tế, bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng hữu ích. Chúng giúp ta kiểm soát cảm xúc tốt hơn và giữ được bình tĩnh khi gặp áp lực. Hơn hết, phụ huynh cũng có thể dạy cho con trẻ hoặc học sinh của mình những kỹ năng quan trọng này. 

“Cha mẹ lẫn trẻ đều nên hiểu rằng ai cũng có nỗi lo lắng và căng thẳng trong cuộc sống, và mục tiêu của chúng ta không phải là loại bỏ những vấn đề này mà là học cách quản lý chúng”, Tiến sĩ Feuer cho biết. 

Theo bác sĩ Christian-Brathwaite, các hoạt động tĩnh tâm như thiền nên được kết hợp vào chương trình học và được thực hành thường xuyên để xoa dịu căng thẳng cho trẻ. Nhà trường có thể cho các em thực hành vào đầu ngày học hoặc trong thời gian nghỉ giải lao giữa các môn.

Trò chuyện với trẻ và trân trọng cảm xúc của trẻ

Phụ huynh nên sớm trò chuyện với con để nắm được cảm xúc và tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ. Theo Tiến sĩ Feuer, gia đình nên tạo cho trẻ không gian cởi mở để thảo luận về những mối quan tâm của chúng. Thế hệ ngày nay đã thay đổi quan điểm về sức khoẻ tâm thần. Trẻ em sẵn sàng tiếp nhận và nói về những vấn đề này. Và người lớn cần tiếp tục ủng hộ khuynh hướng đó. 

Dena Trujillo (đe na tru hi zô) – Giám đốc điều hành tạm thời của Crisis Text Line (một tổ chức chăm sóc sức khoẻ tinh thần 24/7) tin rằng không chỉ gia đình mà trường học cũng nên làm vậy. Crisis Text Line đã tạo ra chương trình Mental Health School Supplies để giúp trẻ em vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách hiệu quả hơn. 

Khi trẻ bày tỏ nỗi bất an hoặc các mối bận tâm của chúng (chẳng hạn như về việc trở lại trường học hoặc sợ bị nhiễm bệnh) thì trước tiên, cha mẹ và giáo viên cần chấp nhận rằng những nỗi lo này là có cơ sở, và sau đó, hãy chỉ cho trẻ các công cụ để kiểm soát sự lo lắng và căng thẳng (ví dụ như yoga, thiền và các phương pháp thực hành chánh niệm). Tốt hơn hết là cả nhà cùng nhau thực hành những kỹ năng này. 

“Cha mẹ nên cùng thực hành với trẻ để dần mở ra cánh cửa đối thoại giữa hai bên. Ngoài ra, phụ huynh hãy chú ý đến những thay đổi trong thói quen ăn uống và nghỉ ngơi của trẻ, chẳng hạn như trẻ ăn nhiều hơn hay ít hơn, vận động nhiều hơn hay ít hơn, dạo này chơi với ai, làm gì. Tất cả những điều trên có thể báo hiệu một đứa trẻ bắt đầu gặp khó khăn về mặt cảm xúc”, bác sĩ Christian-Brathwaite chia sẻ.

Annie Otzen/Getty Images

Sẵn sàng hỗ trợ cho giáo viên và học sinh

Mỗi đứa trẻ đều có tổn thương ở mức độ khác nhau. Những nỗi đau và khó khăn về mặt cảm xúc của trẻ thường bộc lộ thông qua những hành vi như gây rối trong lớp hoặc không tập trung học tập. Đối với những đứa trẻ gây rối, ta không nên trừng phạt chúng. 

Bác sĩ Brathwaite chia sẻ: “Tôi đề nghị các trường học không áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc cấm túc ngay khi học sinh phạm lỗi, mà thay vào đó, hãy vận dụng sự nhạy cảm để nhìn nhận sự việc. Thay vì chỉ chăm chăm đánh giá hành vi,  trừng phạt các em, cho các em nghỉ học, dẫn tới kết cục là thất bại trong giáo dục thì chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề đằng sau hành vi đó. Tổn thương của các em đến từ đâu? Cái gì là xúc tác cho hành vi gây rối đó? Liệu có vấn đề gì với các mối quan hệ trong gia đình khiến trẻ cư xử không đúng mực như vậy hay không?”. 

Theo bà, ban quản lý trường học nên có cách tiếp cận tương tự đối với giáo viên. Nếu một giáo viên đi dạy muộn hoặc gặp khó khăn trong giảng dạy, hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu nhà trường nên thăm hỏi và đề nghị giúp đỡ giáo viên đó. 

Giúp trẻ có tổ chức và duy trì thói quen

Trong một thế giới bất định như hiện nay, mỗi người nên tự rèn luyện tính  tổ chức và các thói quen có lợi. 

Trujillo đề xuất: “Hãy lên lịch hoạt động. Việc sống có tổ chức sẽ mang lại nhiều lợi ích. Viết ra lịch trình hoặc đánh dấu vào tờ lịch giúp ta cảm thấy có kiểm soát và ổn định”. Tiến sĩ Feuer khuyến khích phụ huynh trao đổi trước với con cái để cùng xây dựng  một lịch trình và bám sát nó. “Hãy kiên định”, Feuer nói. 

Bên cạnh đó, nếu trẻ lo lắng về những trải nghiệm từng khiến chúng căng thẳng,  các bậc phụ huynh hãy cùng hợp tác để tháo gỡ khúc mắc cho chúng. Hãy cho trẻ biết chúng có thể làm gì nếu trải nghiệm đó tái diễn, hướng dẫn trẻ cách kiểm soát tình huống đó và trang bị cho chúng những kỹ năng giải quyết vấn đề.

Biết tìm sự giúp đỡ

Hãy đảm bảo chúng ta đã hướng dẫn  cho trẻ biết phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu nếu chúng gặp khủng hoảng hoặc khó khăn về mặt cảm xúc Phụ huynh, giáo viên và bản thân trẻ nên biết cách liên hệ với các tổ chức uy tín chuyên hỗ trợ sức khoẻ tâm thần để  có thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Leave a comment