Triết lý giáo dục Đại học

Nguồn:  Inside Higher Education, đăng ngày: 05/10/2018

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Tôi khá hứng thú với bài viết gần đây của Elizabeth Lehfeldt, trong đó đề xuất rằng các nhà quản trị nên trình bày được triết lý giáo dục Đại học của họ. Đây là một câu hỏi tương đối phổ biến dành cho các giảng viên, nhưng theo kinh nghiệm làm quản lý trong nhiều năm của tôi, câu hỏi này không thường xuyên được đặt ra cho các nhà quản trị, điều mà lẽ ra cần phải làm.

Tôi nhận thấy có một vài điểm đáng chú ý trong câu hỏi này. 

Nguồn ảnh: Internet

Ở cấp độ rất cơ bản, câu hỏi trên sẽ giúp lọc ra những người không có triết lý giáo dục trong đầu. Không thể võ đoán khả năng phản tư dựa vào trình độ học vấn của một người. Trong bối cảnh này, việc người quản lý có khả năng nhìn được bức tranh toàn cảnh rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, họ phải đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên nguồn thông tin hạn chế. Đó chính là những khi chúng ta có xu hướng phản xạ theo bản năng, nhưng thật ra bản năng đó được hình thành từ các nền tảng đã được tập hợp từ lâu bên trong bạn. .

Tôi cũng nhận thấy rằng những xung đột dai dẳng và gay gắt nhất thường xảy ra khi có sự xung đột của các giả định khác nhau. Trong trường hợp bạn có thể đặt những mảnh ghép xung đột này vào một bức tranh toàn cảnh hơn, bạn có thể sẽ có cách thoát khỏi xung đột đó. Hoặc giả, bạn có thể nhận ra rằng có những xung đột không có lối thoát, và nhờ đó, bạn không lãng phí thời gian vào những vũng lầy này.  

Ví dụ, nếu bạn xem Giáo dục Đại học là lợi ích của cá nhân thì bạn sẽ đưa ra các quyết định khác với khi bạn coi nó là lợi ích của cộng đồng. Nếu bạn xem giáo dục Đại học là “người bảo vệ” những chân lý vượt thời gian của văn hoá cao cấp thì bạn sẽ có những ưu tiên khác với khi coi nó là “phòng nhân sự” của nền kinh tế. Nếu bạn thấy vai trò của giáo dục Đại học là giúp loại bỏ những người không có năng lực, chứ không phải là bệ phóng giúp con người khai phá tiềm năng, bạn cũng sẽ đưa ra những ưu tiên khác nhau.

Hầu hết thời gian, người ta chia phe tranh luận chuyện này. Họ coi quan điểm của mình là hiển nhiên đúng. Vấn đề sẽ phát sinh khi họ phải đối diện với những trường hợp đòi hỏi một góc nhìn khác hoặc phải làm việc với những người có những giả định bất thành văn khác nhau. 

Lấy ví dụ việc ghi danh kép (các trường đại học cung cấp các khóa học dành cho cả học sinh trung học, và học sinh sẽ được tính tín chỉ môn học cho cả  bậc trung học và bậc Đại học.) Đối với những trường có phương châm “bảo vệ sự thông thái”, hoặc với các trường học “không có chỗ cho học trò dở”, việc ghi danh kép này như thể một hình thức đại hạ giá hoặc bán tống bán tháo. Nhưng đối với trường có tiêu chí “giúp đỡ mọi người”, ghi danh kép có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực. 

Lấy ví dụ một trường hợp khác. Một lớp học nào đó có tỷ lệ tốt nghiệp Đại học thấp  thì đó có phải là một dấu hiệu đáng buồn cho “thế hệ ngày nay”, hay là một dấu hiệu hữu ích để khắc phục các vấn đề của các trường đại học, hay là một dấu hiệu đáng mừng cho sự “chọn lọc cao” của một nền học thuật phát triển? Nhiều người sẽ trả lời là “còn tuỳ”, nhưng chắc ai cũng nghiêng hơn về 1 nhận định nào đó. Nếu một trường đại học thực hiện các cải cách để tăng tỷ lệ tốt nghiệp, thì liệu trường đó có đang giúp cộng đồng tốt hơn bằng cách trang bị cho sinh viên nhiều công cụ để thành công, hay trường đó đang làm giảm giá trị tấm bằng của mình? Câu trả lời của bạn cho tình huống này sẽ chỉ ra xu hướng hành xử của bạn khi gặp vấn đề tương tự. 

Nếu theo dõi tôi đủ lâu, bạn đọc có thể nhận ra tôi đã từng là người ủng hộ các trường học “không có chỗ cho học trò dở”, và giờ thì tôi đã thay đổi góc nhìn khi có nhiều trải nghiệm thực tế hơn. Tôi rất ủng hộ việc  “giúp mọi người khai phá tiềm năng của họ”. Điều đó có nghĩa là tôi coi khoảng cách thành tích giữa các chủng tộc là một sự công kích, là hệ quả của sự thất bại của các trường đại học. Tôi coi “thành tựu” (merit) là một thuật ngữ được bồi đắp dần từ các hiện thực xã hội, thường phản ảnh khoảng cách giữa vốn xã hội và sự phân cực của nền kinh tế. Tôi cho rằng tài năng tồn tại trong mọi tầng lớp kinh tế. Không phải ai cũng đồng ý với ý kiến này. Cách tiếp cận của tôi có thể không hấp dẫn với một trường đại học chỉ dành cho một số tầng lớp nhất định , nhưng nó lại khá phù hợp với các trường cao đẳng cộng đồng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Lehfeldt, nội dung của triết lý không quan trọng bằng khả năng diễn đạt triết lý đó rõ ràng. Hoặc tốt hơn nữa, là khả năng đối lập nó với các triết lý giáo dục khác đang tồn tại. Khả năng này sẽ giúp xây dựng sự đồng thuận giữa các trường phái tư tưởng khác nhau, giúp tìm thấy những điểm trùng lắp như trong một biểu đồ Venn, và giúp cho các sáng kiến ​​khác nhau có thể bổ sung lẫn nhau. Nếu không suy nghĩ thấu đáo, bạn sẽ dễ bị lạc hậu về tư tưởng hoặc rơi vào tình trạng vừa nhấn ga vừa đạp thắng. Biết mình đang làm gì tỷ lệ thuận với mức độ thành công với nó. Điều đó càng đúng hơn khi bạn chuyển sang làm công việc quản lý.

Leave a comment