Đã đến lúc nhìn nhận nghiêm túc về khủng hoảng khí hậu

Tác giả: Hans de Wit và Philip G Altbach*

Nguồn: University World News, đăng ngày 04/12/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Nguyên Lê

Với việc Hội nghị Biến đổi khí hậu COP26 tổ chức tại Glasgow (Anh) vừa kết thúc mà không có sự thống nhất, đã đến lúc ngành giáo dục phải cân nhắc kỹ lưỡng về cách thức quốc tế hóa trong tương lai và nhanh chóng hành động.

Hôm 11/01/2020, trên trang University World News, chúng tôi đã đề cập đến việc cắt giảm dấu chân carbon của giáo dục quốc tế, đồng thời chuyển đổi quá trình quốc tế hóa (vốn chủ yếu nặng tính di động và nhắm đến giới tinh hoa) sang việc ứng dụng công nghệ và phát triển chương trình giảng dạy để tất cả sinh viên đều hưởng lợi. Bây giờ là lúc để biến những ý tưởng này thành hành động.

Theo tinh thần của Hội nghị ở Glasgow, các trường đại học trên khắp thế giới cần có những chiến lược và hành động cụ thể. Quá trình quốc tế hóa cũng phải thay đổi bởi vì hầu hết các yếu tố chính của nó, nhất là việc di chuyển nhằm mục đích giáo dục và nghiên cứu, đều có tác động tới khí hậu.

Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ lời kêu gọi “giáo dục quốc tế hướng đến môi trường bền vững” của Mạng Lưới Hành Động Vì Khí Hậu Dành Cho Các Nhà Giáo Dục Quốc Tế (CANIE), cũng như hội nghị Sustainable on the Go do York International tổ chức (dự kiến diễn ra vào tháng 01/2022) với trọng tâm là: quốc tế hóa mang tính hoà nhập và bền vững.

Ailsa Lamont – thành viên tổ chức CANIE chia sẻ rằng: “Trong nền giáo dục quốc tế, chúng ta tưởng rằng mình là người tốt. Nhưng gượm đã, những gì chúng ta làm đều có cái giá của nó, chỉ là chưa đến lúc phải trả mà thôi”.

Thực sự đã đến lúc ta chuyển những suy nghĩ và lời nói thành hành động, và lần này phải đi tiên phong chống biến đổi khí hậu chứ không chờ đợi nữa.

Không phải là sự loại bỏ, mà là sự nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu

Chúng tôi không bảo rằng tất cả các khía cạnh liên quan đến khí hậu của quá trình quốc tế hóa phải bị loại bỏ, mà thay vào đó hãy đưa ý thức về khí hậu trở thành trọng tâm của các chiến lược, chính sách và hành động.

Chúng tôi nhận thấy các trường đại học phần lớn vẫn sẽ ở trạng thái bình thường, nhưng tác động của khủng hoảng khí hậu sẽ dần ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh quốc tế của đời sống sinh viên, việc nghiên cứu, dịch vụ xã hội và các vấn đề giảng dạy và học tập.

Chúng tôi cũng thấy rằng mỗi trường và mỗi nhà tài trợ cho trường sẽ có các mục tiêu và hiện trạng khác nhau. Nhưng không vì thế mà bỏ qua những vấn đề cấp thiết, cần phải thay đổi như sau:

Sự dịch chuyển của sinh viên và giảng viên

Khoảng 5 triệu sinh viên đang du học theo nhiều diện, từ ngắn hạn đến dài hạn như học tiến sĩ. Điều này cần phải thay đổi.

Trao đổi ngắn hạn cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và giảm bớt. Dịch chuyển kiểu này cực kỳ phổ biến ở Mỹ (với 10% sinh viên thuộc diện này) và ở Châu Âu (khoảng 20% ​​sinh viên, nhờ có chương trình Học bổng Erasmus +).

Dạy và học online, còn được gọi là hợp tác học tập quốc tế trực tuyến (Collaborative Online International Learning), hoặc trao đổi sinh viên ảo, cùng các hội nghị trực tuyến cần được phổ biến rộng rãi hơn. Chúng ta còn nên hỗ trợ các giải pháp thay thế cho việc du học (cũng đã được một số trường thực hiện trong mùa dịch) tích cực hơn. Loại bỏ các học bổng du học có khoảng cách di chuyển dưới 1.000 km và giáo dục sinh viên nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu khi học tập và lưu trú ở nước ngoài cũng là một số giải pháp có thể tham khảo.

Việc du học ở tất cả các cấp học nên được thiết kế cẩn thận để giảm thiểu tác động đến khí hậu, chẳng hạn ta có thể hạn chế số lần bay về nước trong thời gian học và hạn chế ngân sách tài trợ cho sinh viên hay giảng viên tham gia hội nghị trực tiếp.

Các nhóm chuyên tổ chức hội nghị, thu hút hàng nghìn người tham dự như Hiệp hội Các nhà giáo dục Quốc tế tại Mỹ (NAFSA) và Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE) nên học hỏi các mô hình giúp giảm thiểu lượng người tham gia, đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức trực tuyến. 

“Được” vẫn nhiều hơn “mất”

Đã đến lúc sinh viên, học giả, quản trị viên và lãnh đạo các trường phải đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm dấu chân carbon của mình. Chúng ta đã phải chịu đựng nhiều tác động tiêu cực do chính mình góp phần vào suốt nhiều thập niên qua, và chúng tôi kêu gọi mọi người không bước vào vết xe đổ nữa. Hãy cùng thay đổi.

Cũng may, công nghệ hiện tại cho phép chúng ta có nhiều giải pháp thay thế hơn trước. Và đừng quên rằng thời sinh viên, chúng ta không có máy bay giá rẻ nhưng vẫn thoải mái di chuyển được bằng tàu lửa.

Vậy có nên xóa bỏ hoàn toàn dịch chuyển học thuật không? Chắc chắn không rồi, đó không phải giải pháp. Các tương tác và trải nghiệm trực tiếp cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển về mặt cá nhân và học thuật, nhất là đối với thế hệ trẻ và những người ở các nước chưa phát triển. Dù vậy, tất cả chúng ta cần phải có ý thức hơn khi cân nhắc nhu cầu và ưu tiên khi dịch chuyển. Hãy cùng nỗ lực vì một thế giới sạch hơn, hòa nhập hơn và bình đẳng hơn. Chúng ta nên đặt mục tiêu cho các hiệp hội, tổ chức và cá nhân là giảm ít nhất 40% sự di chuyển từ năm 2022-2024, và ít nhất 60% trong 5 năm tiếp theo.

Trong 2 năm qua, chúng tôi rất hài lòng khi tương tác chủ yếu qua ứng dụng Zoom cũng như các nền tảng khác, và nhận thấy, nhờ đó, chúng tôi quen được nhiều người bạn mới từ nhiều vùng miền khác hơn.

Chúng tôi cũng biết rằng làm vậy thì cũng phải đánh đổi: không có những cuộc gặp tình cờ tại các hội nghị hoặc trường học; số lần thực nghiệm ít hẳn đi; và nhiều “mất mát” khác nữa. Tất cả những điều trên phải được duy trì, tuy nhiên để “cứu Trái Đất” ta cần đánh đổi nhiều, và quốc tế hóa cũng cần làm tròn trách nhiệm của mình.

Làm như vậy, ta “được” nhiều hơn “mất” vì ta sẽ không chỉ trung hòa carbon nhiều hơn mà còn tương tác, hoà nhập, giao thoa liên văn hóa, liên quốc gia hơn trước.

*Hans de Wit là học giả ưu tú và là cựu giám đốc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế Boston College (Mỹ).
E-mail: dewitj@bc.edu.
Philip G Altbach là học giả ưu tú và là giám đốc sáng lập của trung tâm trên.
E-mail: altbach@bc.edu.

Leave a comment