Giới học thuật và các nhà hoạch định chính sách cần hợp tác để chấm dứt nạn đói toàn cầu

Nguồn: University World News, đăng ngày 14 tháng 12 năm 2021

Biên dịch: Giao Bùi – Biên tập: Nguyên Lê

Đã 6 năm trôi qua kể từ khi các quốc gia cam kết hành động theo đuổi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) hướng tới trao quyền cho người dân, đảm bảo hòa bình và đấu tranh chống lại mọi hình thức nghèo đói, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Từ đó đến nay chúng ta đã có được những thành công và bài học kinh nghiệm quan trọng.

Tuy nhiên, những thách thức mới đã xuất hiện và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn xa vời khi thế giới đang chứng kiến ​​tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đối với ngành nông nghiệp, hệ thống phân phối lương thực và sinh kế nông thôn.

Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã công bố báo cáo Theo dõi tiến độ về các chỉ số PTBV liên quan đến lương thực và nông nghiệp năm 2021. Báo cáo cảnh báo rằng, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, thế giới ngày càng đi xa khỏi việc đạt được các Mục tiêu PTBV cho năm 2030.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng “đại dịch COVID-19 có thể đã khiến có thêm 83 [triệu] đến 132 triệu người rơi vào tình trạng đói ăn kinh niên (chronic hunger) vào năm 2020. Nhìn chung, các tiến bộ đã đạt được là vẫn chưa đủ trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp, cho thấy rằng các mục tiêu PTBV liên quan đang vượt quá khả năng có thể đạt được ở cấp độ toàn cầu, trừ khi các biện pháp khắc phục được khẩn cấp thực hiện. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nạn đói trên thế giới vào năm 2020, từ 8,4% lên tới 10,4% dân số toàn cầu chỉ trong một năm, dù chỉ số này gần như không đổi trong 5 năm trước đó.”

17 mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 – Ảnh: Trang web Liên hợp quốc tại Việt Nam

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn để đạt được các Mục tiêu PTBV đã đặt ra? FAO tin rằng việc hợp tác một cách có hệ thống với các cơ sở nghiên cứu và học thuật có tiềm năng rất lớn để giúp cải thiện tính sẵn có của dữ liệu chất lượng và năng lực thống kê ở cấp quốc gia đối với các chỉ số Mục tiêu PTBV.

Câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào để biết liệu chúng ta có đang đi đúng hướng để đạt được các Mục tiêu PTBV hay không? Rất khó để xác định các nút thắt đang tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch này và hướng dẫn thực hiện các biện pháp can thiệp trong tương lai nếu không có dữ liệu liên quan và những người đủ khả năng để làm việc với các dữ liệu đó. Các học viện và các tổ chức nghiên cứu thường chú trọng phát triển tư duy phản biện và tạo ra kiến ​​thức và sự đổi mới cần thiết để thu thập dữ liệu chất lượng cao và phát triển năng lực thống kê.

Tầm quan trọng của dữ liệu chất lượng

Các chỉ số PTBV là một phương tiện quan trọng để đánh giá liệu các mục tiêu đã được đặt ra là có thể đạt được hay là không, ở cấp độ nào (toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia cụ thể) và liệu bất bình đẳng giữa các nhóm dân số khác nhau và các khu vực lãnh thổ có được xóa bỏ vào cuối năm 2030 hay không.

Dữ liệu thống kê chất lượng cao không chỉ là điều kiện tiên quyết để đo lường tiến độ đối với các Mục tiêu PTBV, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển các biện pháp, chính sách và phương án đầu tư nhằm can thiệp hiệu quả vào những gì hiện không hoạt động được và-hoặc để giải quyết những trở ngại phát sinh để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

FAO, với tư cách là cơ quan giám sát 21 chỉ số PTBV và là cơ quan đóng góp cho 5 chỉ số khác, hỗ trợ các quốc gia trong việc giám sát “Chương trình nghị sự 2030” bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và phương pháp quốc tế để đo lường các chỉ số PTBV và bằng cách phát triển năng lực của các nước trong việc tạo ra, phổ biến và sử dụng dữ liệu quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều trở ngại vẫn thách thức khả năng của các nước trong việc tận dụng sức mạnh của dữ liệu và các báo cáo về các chỉ số PTBV toàn cầu. Cụ thể, với các mục tiêu PTBV mang tầm nhìn vĩ mô ở phạm vi toàn cầu, FAO cần đổi mới và táo bạo hơn, bằng việc tìm kiếm các hình thức hợp tác mới. 

Hơn bao giờ hết, FAO cần những nỗ lực phối hợp để khai thác sức mạnh của dữ liệu, bao gồm cả thông qua giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu với tư cách là những tác nhân quan trọng có tiềm năng trở thành nhân tố thiết yếu trong việc phát triển năng lực và đo lường các mục tiêu PTBV.

Quan hệ đối tác với các học viện và tổ chức nghiên cứu có thể mở ra những khả năng mới để làm phong phú hơn các cuộc thảo luận về an ninh lương thực và dinh dưỡng trong lĩnh vực học thuật. FAO, theo truyền thống, vẫn tiếp nhận nhiều dữ liệu khoa học và kỹ thuật thô từ các học giả và nhà nghiên cứu về những mục đích đặc biệt.

Quan hệ đối tác giữa FAO với các học viện và tổ chức nghiên cứu đã tồn tại trong nhiều lĩnh vực nông-lương, bao gồm cả về thu thập, đánh giá và phổ biến dữ liệu. Trên thực tế, FAO hiện đang chính thức hợp tác với hơn 70 đối tác thuộc lĩnh vực học thuật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều việc hơn nữa có thể làm để cải thiện việc giám sát các hoạt động PTBV ở cấp quốc gia.

Hỗ trợ cấp quốc gia

Với cái nhìn sâu hơn về thế giới của từng chỉ số PTBV, như ảnh chụp nhanh do FAO cung cấp, rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện tính sẵn có của dữ liệu và mức độ bao phủ quốc gia, tinh chỉnh phương pháp luận để biên soạn các chỉ số và giải quyết các hạn chế chính mà các nước phải đối mặt trong việc báo cáo các chỉ số.

Một trong số những lý do gây ra sự khó khăn trong việc thu thập và định lượng dữ liệu là các hoạt động liên quan đến nông-lương được thực hiện bởi một nhóm các chủ thể không đồng nhất, từ nông dân đến ngư dân, người trồng rừng, người chăn nuôi, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn và các công ty đa quốc gia, khi mà mỗi người trong số họ có một hệ thống báo cáo và dữ liệu sẵn có khác nhau. Sự không đồng nhất này làm tăng thêm những khó khăn khi áp dụng một cách tiếp cận mang tính hài hòa.

FAO đang có mong muốn khám phá tiềm năng của mạng lưới các trường đại học như Diễn đàn các trường đại học khu vực về nâng cao năng lực trong nông nghiệp (RUFORUM).

Vào tháng 9 năm nay, FAO và RUFORUM đã tổ chức hội thảo kỹ thuật trên web về “Đo lường an ninh lương thực trong kỷ nguyên PTBV” để chia sẻ các khía cạnh trong công việc của FAO nhằm theo dõi tiến độ đối với chỉ số PTBV 2.1. Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ những người tham gia – các cơ sở nghiên cứu và học thuật từ khắp Châu Phi.

Dan Gustafson (trái), Phó Giám đốc – Tổng phụ trách các Chương trình tại FAO, và Giáo sư George Kanyama-Phiri (phải), Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của RUFORUM trong lễ ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác – Ảnh: RUFORUM

Hơn nữa, có nhiều ví dụ thực tế về sự hợp tác giữa FAO và các tổ chức đối tác trong việc phát triển năng lực và sử dụng dữ liệu thống kê.

Ví dụ, Thỏa thuận được ký với Đại học Sapienza của Rome có các mục tiêu là thu thập, phân tích, diễn giải và phổ biến thông tin về dinh dưỡng, thực phẩm và nông nghiệp để cung cấp hiểu biết về việc nông nghiệp và an ninh lương thực bị ảnh hưởng như thế nào bởi, và tác động của chúng như thế nào lên, các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.

Mối quan hệ hợp tác giữa FAO và Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow thu hút các bên để phát triển các công cụ, phương pháp và hệ thống thống kê, dữ liệu thị trường và thương mại, và hệ thống thông tin địa lý để nâng cao hiệu quả của nền tảng về Tiêu chuẩn quản lý thông tin nông nghiệp và mở rộng nó trong khu vực Nam Caucasus và khu vực Trung Á.

Trong khi đó, các hoạt động chung được phát triển với Trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Friedman thuộc Đại học Tufts tập trung vào việc tạo ra, chia sẻ và phổ biến các chỉ số đáng tin cậy về mức tiêu thụ thực phẩm và chất dinh dưỡng.

Đây chỉ là một số ví dụ về cách FAO phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học để thu thập và đánh giá dữ liệu. Các quan hệ đối tác tương tự có thể giải quyết nhu cầu của từng quốc gia để cải thiện việc đo lường các chỉ số PTBV của họ.

Chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa là hết thời hạn của Chương trình nghị sự 2030, một điều quan trọng cần làm là phải hỗ trợ các quốc gia khi họ đang nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Loại hình tương tác với các cơ sở nghiên cứu và học thuật như này rất nên được nhân rộng nhiều hơn nữa trong những năm tới.

______________________

Kaori Abe là người đứng đầu đơn vị phụ trách quan hệ đối tác tại Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), và Leonardo Peroni là chuyên gia về phát triển quan hệ đối tác với các học viện và cơ sở nghiên cứu tại FAO.

Leave a comment