Tương lai của giáo dục đại học trước những thay đổi lớn

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày: 04/10/2021

Biên dịch: Ngô Bích Hằng – Biên tập: Phan Trà Khúc

Arthur Levine và Scott Van Pelt cho rằng, xét một cách tổng thể, các xu hướng hiện nay cho thấy các trường cao đẳng và đại học phải đối mặt với năm thực tế mới.

Giáo dục đại học đã thay đổi trong thế kỷ 19 và 20 để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế công nghiệp, quy mô ở cấp quốc gia. Ngày nay, giáo dục đại học lại một lần nữa chuyển đổi – lần này là để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế tri thức, kỹ thuật số, và mang quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, về cơ bản, mọi người vẫn chưa thống nhất liệu sự chuyển đổi này sẽ diễn ra theo hình thức nào.

Hiệu trưởng đại học Harvard, ông Lawrence Bacow cho rằng giáo dục đại học sẽ từng bước thích ứng với các điều kiện thay đổi, như nó đã từng, để duy trì sứ mệnh và cấu trúc hiện tại của nó. Ngược lại, cố giáo sư Clayton Christensen, một trong những giáo sư nổi tiếng nhất của trường kinh doanh Harvard, lại lập luận rằng những thay đổi này sẽ lớn đến mức có thể phá vỡ nền giáo dục đại học như chúng ta đã biết, khiến các mô hình truyền thống trở nên lỗi thời và khiến nhiều trường đại học phá sản.

Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra?

Chúng ta không cần phải đặt cược vào kịch bản này hay kịch bản kia, bởi vì ngay từ giờ chúng ta đã có thể nhìn thấy những sự thay đổi địa chấn đang diễn ra và các trường đại học đang bước đầu thích ứng với nó. Tương lai của giáo dục đại học có thể được hình dung ngay từ bây giờ. Có ba nhóm cơ sở giáo dục cần xem xét:

Đầu tiên là các cơ sở giáo dục sau trung học tồn tại bên ngoài các trường cao đẳng và đại học truyền thống. Nó bao gồm các tổ chức, chương trình, và dịch vụ giáo dục mang tính lợi nhuận cũng như phi lợi nhuận rất đa dạng và độc lập, đứng bên ngoài loại hình giáo dục đại học chính thống. Nó loại bỏ các yếu tố chính của giáo dục đại học truyền thống như tổ chức lớp học với thời gian học và địa điểm học cố định đồng thời cung cấp chương trình có cấp bằng với chi phí thấp, áp dụng chương trình giáo dục dựa trên năng lực hoặc kết quả, nhấn mạnh vào việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục, tập trung vào nhóm đối tượng sinh viên đang gia tăng số lượng nhưng không phải là đối tượng chính thống trong giáo dục đại học truyền thống, đồng thời giảng dạy và cấp chứng chỉ trong các lĩnh vực tiên phong.

Nhóm cơ sở giáo dục này bao gồm các tổ chức tri thức từ thư viện đến bảo tàng cũng như các công ty truyền thông doanh nghiệp. Nó đang bùng nổ, cả về số lượng học viên lẫn số lượng các nhà cung cấp đang tìm cách cung cấp các lựa chọn thay thế rẻ hơn, nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn và/ hoặc thuận tiện hơn so với các cơ sở giáo dục truyền thống.

Tương lai của giáo dục đại học còn ở nhóm các trường cao đẳng và đại học mới. Trong thời kỳ xã hội đang thay đổi sâu sắc, các tổ chức giáo dục kiểu mới nổi lên như những lựa chọn thay thế cho các trường cao đẳng và đại học chính thống. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, những trường đại học kiểu mới này bao gồm các trường đại học nghiên cứu đầu tiên của Mỹ như Johns Hopkins, các trường đại học của bang như Đại học Cornell – giảng dạy kết hợp giữa giáo dục khai phóng và giáo dục nghề, giáo dục kỹ thuật và khoa học, như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Joliet Junior College và các trường cao đẳng cộng đồng khác. Các trường này đã định hình các đường nét của giáo dục đại học như một quốc gia công nghiệp.

Những trường kế nhiệm của nhóm đại học, cao đẳng kiểu mới này đang thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tri thức, kỹ thuật số và mang tính toàn cầu. Đại học Western Governors đang tập trung vào nền giáo dục trực tuyến dựa trên kết quả học tập, cho phép người học học theo tốc độ của riêng họ thay vì qui định thời gian học cố định. University of the People đã cắt giảm đáng kể chi phí giáo dục đại học. Purdue University Global đại diện cho sự hợp nhất giữa giáo dục đại học mang tính lợi nhuận và phi lợi nhuận, giúp người học có khả năng tiếp cận chương trình giáo dục của trường đại học danh tiếng với mức học phí phải chăng. Chúng ta cũng đã thấy các trường cao đẳng cộng đồng trực tuyến, chẳng hạn như Calbright College, chuyên về các chương trình nâng cao năng lực và đào tạo nghề mới có cấp bằng.

Nhóm cơ sở giáo dục thứ ba mà chúng ta nên xem xét là các cơ sở gặp khó khăn về tài chính cũng như các đơn vị con của các trường đại học lớn, chẳng hạn như khoa giáo dục thường xuyên, chuyên cung cấp các khóa học ngắn hạn hoặc bán thời gian cho đối tượng học viên là người lớn, sau khi họ hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông. Các trường gặp khó khăn về tài chính phải vùng vẫy và tìm mọi cách áp dụng các cách tiếp cận mới để làm bản thân nổi bật và tăng khả năng cạnh tranh để tồn tại. Các khoa/ trường nhỏ nằm trong hệ thống của trường đại học lớn thường phải tự chủ tài chính, vì vậy họ cần phải tạo ra doanh thu và liên tục phân tích thị trường để tìm kiếm các nguồn tài chính tiềm năng. Cùng với thời gian, các trường nhỏ như vậy trở thành một phần cốt lõi của hệ thống trường lớn và đem lại ảnh hưởng lên giáo dục đại học chính thống. Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất là College for America tại Đại học Southern New Hampshire.

Ba nhóm cơ sở giáo dục này luôn thay đổi và thực hiện nhiều sáng kiến mới. Các chương trình dựa trên năng lực đã chuyển trọng tâm của giáo dục từ việc tính thời gian lên lớp sang kết quả học tập. Các lịch học mới đã xuất hiện, loại bỏ các hình thức chia chương trình học theo học kỳ và chuyển sang thời gian học linh hoạt, có thể truy cập khóa học 24/7 và hướng dẫn “đúng lúc”. Các chương trình trao chứng chỉ thay vì bằng cấp đã mở rộng đáng kể, đặc biệt là những chương trình đào tạo nâng cao năng lực và đào tạo nghề mới.

Trong khi đó, các cách tiếp cận mới về học phí – ví dụ, đăng ký (subscription) hoặc cung cấp các chương trình tương tự như các cơ sở truyền thống với giá thấp hơn nhiều – đã xuất hiện. Các mối quan hệ đối tác phi truyền thống giữa các tổ chức giáo dục đại học và các tổ chức mang tính lợi nhuận đã tăng lên trong các lĩnh vực như đào tạo ngắn hạn (boot camp), quản lý chương trình trực tuyến và chương trình cấp chứng chỉ hành nghề. Việc sáp nhập vì mục tiêu lợi nhuận của các trường đại học như trường hợp Đại học Purdue và Đại học Arizona cũng tăng lên.

Nguồn: The New Federalist

Sự chuyển đổi sẽ đến

Những sự thay đổi này liên kết với nhau, vẽ ra viễn cảnh tương lai của các trường đại học trong nền kinh tế tri thức, kỹ thuật số, mang quy mô toàn cầu. Xã hội công nghiệp đề cao việc tiêu chuẩn hóa thời gian và quy trình theo cách thức của một dây chuyền lắp ráp, một trong những công nghệ thành công nhất của thời đại công nghiệp. Ngược lại, các nền kinh tế tri thức lại tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa kết quả. Thời gian và quy trình có thể thay đổi. Trường đại học của thời đại mới sẽ phải đón nhận những giá trị dịch chuyển đó. Nó phải bắt nguồn từ kết quả hơn là thời gian và quá trình. Nó phải dựa vào việc học hơn là dạy. Nó phải đặt sinh viên- chứ không phải giảng viên làm trung tâm.

Các sáng kiến trong giáo dục đại học trong thời kỳ chuyển đổi này được phát triển theo xu hướng trên. Chúng hướng đến việc coi trọng kết quả đào tạo (chứ không phải cách thức – người dịch), tự chủ về thời gian, học trực tuyến, cá nhân hóa, chi phí thấp và có sẵn mọi lúc, mọi nơi.

Năm thực tế mới

Kết hợp lại, những xu hướng này cho chúng ta thấy rằng, xét một cách tổng thể, các trường đại học phải chuẩn bị cho năm thực tế mới – không có thực tế nào trong số đó là do giáo dục đại học tạo ra. 

# 1. Các nhà sản xuất và phân phối nội dung mới sẽ tiếp tục tham gia thị trường, thúc đẩy sự cạnh tranh và gia tăng sự lựa chọn của người học và giúp giảm chi phí học tập. Họ sẽ nhấn mạnh vào các công nghệ kỹ thuật số, thay đổi phương thức giáo dục dựa trên thời gian và địa điểm cố định, tạo ra các chương trình có cấp bằng với chi phí thấp, cung cấp chương trình giáo dục chú trọng năng lực hoặc kết quả đầu ra, và trao các chứng chỉ phi truyền thống. Trên thị trường đã có các công ty hay các tổ chức lớn cung cấp các chương trình kết hợp giữa kiểu khóa học truyền thống nhưng tập trung vào kết quả đầu ra. Các lựa chọn mới này cũng rẻ hơn và linh hoạt hơn so với các trường đại học truyền thống, vốn dễ bị thu nhỏ và đóng cửa hơn.

# 2. Quyền kiểm soát của các cơ sở giáo dục đại học sẽ giảm xuống, và quyền lực của người học sẽ tăng lên. Trong một loạt các lĩnh vực tri thức – chẳng hạn như các ngành công nghiệp báo chí, phim ảnh và ghi âm – sự ra đời của nền kinh tế tri thức, kỹ thuật số, toàn cầu đã nhân lên số lượng các nhà cung cấp, phổ biến nội dung, và cho phép người học tự lựa chọn học gì, ở đâu, khi nào, và như thế nào. Điều này cũng đúng với giáo dục đại học. Cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ đặt nhiều quyền lực hơn vào tay người học, những người sẽ có nhiều lựa chọn hơn về tất cả các khía cạnh giáo dục của chính họ.

# 3. Với khả năng tiếp cận gần như toàn cầu với các thiết bị kỹ thuật số và internet, sinh viên sẽ tìm kiếm từ các trường đại học những điều tương tự như họ đang nhận được từ các ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh và báo chí. Cũng như cách họ làm với những lĩnh vực trên, sinh viên sẽ tìm kiếm thời gian, địa điểm học, và chương trình học cá nhân hóa phù hợp với hoàn cảnh của họ. Các trường đại học sẽ ngày càng phải chia nhỏ các chương trình và dịch vụ của mình để sinh viên có thể lựa chọn những thứ họ cần hoặc muốn học với giá cả phải chăng.

#4. Mô hình kinh tế tri thức dựa trên kết quả sẽ làm lu mờ mô hình giáo dục thời đại công nghiệp mang tính qui trình. Trong tương lai, giáo dục đại học sẽ tập trung vào kết quả mà chúng ta muốn sinh viên đạt được – những gì chúng ta muốn họ học – chứ không phải thời gian chúng ta muốn họ được dạy. Các sinh viên không học với cùng tốc độ và sự bùng nổ của nội dung mới được cung cấp bởi các viện bảo tàng, công ty phần mềm, nhà bán lẻ, và các tổ chức khác trong và ngoài giáo dục đại học đang trở nên khác biệt đến mức tiến độ học tập của sinh viên không thể được chuyển về cùng một khung thời gian hoặc thước đo quá trình. Một mẫu số chung mà tất cả đều chia sẻ là chúng tạo ra kết quả – bất cứ điều gì học sinh học được là hệ quả của trải nghiệm.

# 5. Sự thống trị của các chương trình giáo dục truyền thống sẽ giảm dần. Trong khi đó, các chứng chỉ và các chương trình giáo dục “đáp ứng nhu cầu hiện tại” sẽ ngày càng nâng cao vị thế và giá trị. Nền giáo dục đặt trên bằng cấp từng được đánh giá cao vì nó cho thấy việc trang bị kỹ năng và kiến ​​thức sẵn sàng cho tương lai, nay được thay thế bằng nền giáo dục “theo nhu cầu”, hướng đến nhu cầu hiện tại. Tự động hóa, sự bùng nổ tri thức và đại dịch đã khiến cho nhu cầu về đào tạo nâng cao năng lực và đào tạo kỹ năng mới tăng cao. Việc này sẽ nghiên cán cân từ nền giáo dục truyền thống có cấp bằng sang các chương trình giáo dục cấp chứng chỉ nhưng phù hợp hơn với thị trường lao động.

Chúng ta không cần phải xem bói về tương lai của giáo dục đại học. Chúng ta có thể thấy điều đó đang diễn ra ngay trước mắt thông qua việc xuất hiện của các nhà cung cấp giáo dục mới bên ngoài hệ thống giáo dục đại học, việc thành lập các trường đại học mới, cũng như những thay đổi trong cách tiếp cận mà các cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn về tài chính hay các cơ sở giáo dục dành cho đối tượng người lớn đang áp dụng. Chúng ta có thể thấy những thay đổi muôn hình vạn trạng này rõ ràng hơn nếu chúng ta quan sát kỹ vào các cơ sở giáo dục, nơi những sự thay đổi lớn đang diễn ra.

Arthur Levine là Học giả Xuất sắc về Giáo dục Đại học tại Đại học New York và là chủ tịch danh dự của Tổ chức Học bổng Quốc gia Woodrow Wilson và trường Teachers College thuộc Đại học Columbia. Scott Van Pelt là phó giám đốc chương trình truyền thông tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Họ là tác giả của sách Biến Động Lớn: Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai Bất Định Của Giáo Dục Đại Học, được xuất bản gần đây bởi Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins.

Leave a comment