Giáo dục thời hậu COVID – Sự bình thường “hỗn loạn”

Nguồn: University World News, đăng ngày 11/12/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phan Trà Khúc

Chia sẻ của Mariya Ivancheva *

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các trường đại học trên khắp thế giới đã bị đẩy vào tình thế khẩn cấp, buộc phải tổ chức giảng dạy từ xa. Với thực tế là đại dịch sẽ còn dai dẳng, các nhà giáo dục, cũng như những người lao động trong nhiều ngành nghề khác, đã phải ít nhiều điều chỉnh công việc của mình.

Tình thế mới này đã làm bật lên hai khuynh hướng tương quan, hỗ trợ lẫn nhau: (i) bình thường hóa sự linh hoạt của giờ làm việc và việc có mặt tại chỗ làm; và (ii) xóa nhòa ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

Trong bối cảnh đó, có nhiều báo cáo đáng lo ngại về việc người lao động thích cách làm việc “kết hợp” (vừa làm việc trực tiếp tại công ty, vừa làm online tại nhà) này hơn cả tăng lương. Chúng ta cần phải thảo luận về những khuynh hướng này đối với sự chuyển đổi về công việc trong các trường đại học dưới tác động chuyển đổi số do đại dịch mang lại.

Từ làm việc “trên mây” đến làm việc không có biên giới

Một điều hiển nhiên là thời gian làm việc của giới học thuật thường linh hoạt hơn so với lao động trong các ngành khác. Trước đây, một nhà giáo dục điển hình (thường là nam giới, da trắng, thuộc tầng lớp thượng lưu, không thuộc nhóm người khuyết tật) có thể dành nhiều ngày trong phòng để mày mò những thứ “trên trời” vì mục đích nghiên cứu mà không phải làm việc theo tiến độ hoặc bị giám sát kết quả.

Nhà giáo dục “thiên tài” này tận hưởng sự tự do học thuật và chịu rất ít trách nhiệm (ngoại trừ với bản thân và với các học trò của họ) vì họ đã đẩy trách nhiệm chăm sóc gia đình cho người giúp việc hoặc một người vợ vị tha – người mà thường là đồng tác giả hoặc biên tập trong tuyệt tác nào đó của người chồng nhưng-không-được-nhắc-đến.

Lực lượng lao động trong giới hàn lâm đã thay đổi mạnh mẽ. Ngày nay, nhóm người làm giáo dục điển hình thường là phụ nữ và họ có “hợp đồng làm việc không điển hình”. Họ phải gánh vác khối lượng công việc giảng dạy khổng lồ trong điều kiện làm việc không tương xứng. Thời gian, quỹ nghiên cứu hoặc không gian làm việc không đáp ứng đủ, nhưng khối lượng công việc lại đang xâm lấn dần vào thời gian dành cho cuộc sống cá nhân.

Điều này không có nghĩa là nhóm người làm giáo dục đặc quyền (nam, da trắng, thuộc tầng lớp thượng lưu) ở trên đã biến mất. Tuy nhiên, công việc của họ đã chuyển thành công việc của một nhà quản lý: quản lý khối lượng công việc giảng dạy của giáo viên, nhân viên nghiên cứu và nhân viên quản trị – những người được thuê để đáp ứng công việc cường độ cao do nhà quản lý đưa ra và công việc của họ phụ thuộc rất nhiều vào sự rộng lượng của các nhà quản lý.

Bàn về việc giảng dạy “kết hợp” (vừa trực tiếp, vừa online) trong giới học thuật ngày nay là để xem thực tế này có thể tác động như thế nào đến nhóm các nhà giáo dục điển hình trong thời đại ngày nay (phụ nữ) cũng như những nhân viên trong lĩnh vực giáo dục đang làm các công việc mới xuất hiện. Các chức danh như “nhà phát triển chương trình giảng dạy”, “người quản lý nội dung trực tuyến” và “người kiểm duyệt diễn đàn MOOC” là bề nổi của một lực lượng lao động đại học bị phân tán, ít chuyên môn hoá và được thuê ngoài ngày càng nhiều.

Phương thức giảng dạy “kết hợp” tiền Covid

Tôi đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu (một hai) về sự chuyển đổi của các trường đại học trong bối cảnh các trường tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng và chuyển dịch kỹ thuật số trước đại dịch.

Từ năm 2014-2018, tôi đã thu thập dữ liệu ở Ireland, Nam Phi và Vương quốc Anh. Nghiên cứu của tôi cho thấy cách thức mà công nghệ kỹ thuật số và mô hình làm việc “kết hợp” (vừa lên lớp, vừa online) đã định hình lại lao động ngành học thuật trước đại dịch. Việc định hình việc học diễn ra theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung tất cả đều liên quan đến cách thức giảng dạy “kết hợp”:

  • Sinh viên, giảng viên và lãnh đạo được tiếp cận chương trình học 24/7, thông qua email, ứng dụng nhắn tin và các nền tảng trực tuyến.
  • Giáo viên được yêu cầu tải các bản ghi âm bài giảng lên nền tảng trực tuyến. Trường sở hữu những nguồn tài liệu này và biên tập lại thành các mô-đun mới khi đổi giảng viên.
  • Nhà trường mua công nghệ tràn lan mà không tham khảo ý kiến ​​của nhân viên hoặc sinh viên – những người sẽ sử dụng chúng. Chấm dứt hoặc nâng cấp những sản phẩm này rất khó và tốn kém.
  • Nhà trường hợp tác với các công ty quản lý chương trình trực tuyến (OPM) để cung cấp các khóa học chính thức trong chương trình học. Các khóa học này được các giảng viên do công ty quản lý chương trình trực tuyến thuê giảng dạy ngoài giờ không lương hoặc lương thấp.
  • Có nhiều giả định cho rằng việc giảng dạy trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian hoặc nguồn lực hơn, trong khi thực tế, nó đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, kỹ năng phải được trau dồi đủ lâu và chi phí tốn kém để đăng ký các ứng dụng trực tuyến.
  • Sự xuất hiện của phương pháp sư phạm “lớp học đảo ngược” (flipped classroom), theo đó người dạy ghi âm trước các bài giảng để dành nhiều thời gian tương tác với sinh viên hơn thay vì tốn thêm chi phí do mất thời gian chuẩn bị.
  • Tự nguyện quản lý các công cụ quản trị, tuyển dụng và kết nối như thư tín, nhóm và trang Facebook, tài khoản Twitter, Instagram và nhóm WhatsApp.
  • Yêu cầu nâng cấp công nghệ chỉnh sửa âm thanh-video, ánh sáng không gian làm việc, hệ thống sưởi và cách ly âm thanh được thực hiện bằng chi phí của người lao động trong khi các trường đại học cắt giảm diện tích văn phòng.
  • Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần tăng lên giữa bối cảnh sinh viên và giảng viên có sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.
  • Việc bắt buộc học trên nền tảng kỹ thuật số giúp thu thập được nhiều dữ liệu phân tích về học tập, giảng dạy và giám sát sự tuân thủ của sinh viên viên lẫn giảng viên thông qua các thuật toán.
  • Các hình thức đánh giá giáo viên mới ít nhiều đều cần đến công nghệ, chẳng hạn các công nghệ coi thi và công nghệ phát hiện đạo văn.
  • Các chương trình phát triển nghề nghiệp bao gồm cả các chủ đề về quản lý thời gian, xử lý căng thẳng và phòng tránh các nền tảng trực tuyến đầy cám dỗ, trớ trêu thay, lại gây ra stress cho giáo viên.
  • Áp lực tự thúc đẩy nghiên cứu thông qua mạng xã hội và đưa ra các báo cáo đòi hỏi tính sáng tạo trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Khối lượng công việc độc hại

Tất cả những điều kiện này làm tăng thêm công việc bên cạnh khối lượng công việc vốn đã độc hại, theo báo cáo của Liên Hiệp Các Trường Đại Học Và Cao Đẳng Vương Quốc Anh (UCU).

Một cuộc khảo sát năm 2016 dành cho thành viên UCU cho thấy, nhân viên giáo dục đại học làm việc trung bình 50.9 giờ/tuần, tức là nhiều hơn 10 giờ so với giờ tiêu chuẩn trên hợp đồng là 39 giờ; và hơn 1/4 nhân viên cho biết khối lượng công việc của họ là hoàn toàn không thể xử lý được.

Khối lượng công việc độc hại cũng được coi là nguyên nhân chính – bên cạnh sự kém chuyên môn hoá, bất bình đẳng giới-chủng tộc và sự bấp bênh tiền lương, châm ngòi cho các cuộc đình công trong ngành giáo dục ở Anh kể từ năm 2018, với một làn sóng mới bùng lên hồi tháng 12/2021.

Bất chấp những thành tựu đạt được trước khi Covid diễn ra, nhiều lực lượng lao động trong ngành giáo dục phải chuyển đổi và làm các công việc liên quan đến sức khỏe và an toàn của người lao động trong đại dịch vì nhiều giáo viên vẫn phải giảng dạy trực tiếp.

Trớ trêu thay, Action Short of Strike của UCU hầu như chỉ dựa vào hợp đồng – bằng chứng đáng buồn về chuyện bình thường hóa việc làm thêm giờ trong mùa tuyển sinh, để đảm bảo ngân sách cốt lõi, trong khi công quỹ với nguồn tài trợ dồi dào lại  tạo điều kiện làm giàu cho các ngành công nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh khối lượng công việc, Vương quốc Anh – hệ thống giáo dục đại học công lập hàng đầu thế giới, phải đối mặt với những thách thức khác trong việc phân chia lực lượng lao động học thuật.

Những dự đoán sai lầm về việc sinh viên nước ngoài không nhập học đã được lợi dụng làm cái cớ để cắt giảm chi phí, hợp lý hoá việc sa thải hàng nghìn giảng viên ở Anh, Mỹ và Úc, trong khi thực tế việc đăng ký nhập học mà không bị giới hạn về số lượng lại có lợi cho vị trí xếp hạng của các trường đại học thuộc Russell Group, đồng thời gây bất lợi đến việc tuyển sinh tại các trường bách khoa.

Kinh doanh giáo dục như thường

Kết hợp giữa việc đại dịch đang hoành hành, ký túc xá sinh viên được xây lên ồ ạt và lời hứa hẹn về doanh thu cho các ông lớn ngành xây dựng trước đại dịch, các trường đại học đã đưa ra lựa chọn học tập “kết hợp” mà không bổ sung đội ngũ giảng viên hoặc ký hợp đồng với đội ngũ nhân viên cũ với các điều khoản bất lợi cho họ hơn. 

Nhiều trường cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu hoặc hội nghị, ngoại trừ một số đơn vị hàn lâm hàng đầu (đội ngũ nam nhân đặc quyền nói trên). Phụ nữ, những người chăm sóc và công nhân có thu nhập bấp bênh là những đối tượng bị mang ra đánh đổi.

Cách thức giảng dạy “kết hợp” không có gì mới mẻ. Ở nhiều trường, các nhà quản lý cấp cao với mức lương 6 chữ số đã vận dụng xã hội hóa vào công việc trực tuyến để vô hiệu hoá các cuộc đình công. Thực tế này đã len lỏi sâu vào cuộc sống hàng ngày và đã chính thức len lỏi vào từng nhà, trở thành một “sự bình thường” hỗn loạn mà chỉ một số ít may mắn không bị ảnh hưởng.

*Mariya Ivancheva là một nhà nhân chủng học và xã hội học về giáo dục đại học và lao động, đồng thời là giảng viên tại Trường Giáo dục thuộc Đại học Strathclyde, Anh. Twitter: @mivanche

Leave a comment