Khi các trường đại học ở Anh trở nên “Anh” hơn

Nguồn: Inside Higher Ed, ngày đăng: 03/9/2021

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Sau sự kiện Brexit và sự bùng phát đại dịch COVID-19, số sinh viên Anh nộp đơn và đỗ vào các trường đại học ở nước này tăng kỷ lục. Các trường đại học ở nước này đã trở nên “Anh” hơn vì số lượng sinh viên đến từ Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh, đồng nghĩa với việc tỷ lệ sinh viên người Anh tăng lên.

Công ty DataHE ước tính rằng, sau một thời gian nữa, tổng số sinh viên bản xứ sẽ được ấn định trong khoảng 450.000 đến 460.000 người, tương đương số lượng năm 2020 là 454.000 và vẫn nhiều hơn năm 2019. Năm nay cũng là năm mà số sinh viên EU đậu vào các đại học ở Anh sụt giảm tới 59%, từ 27.510 người xuống còn 11.390 người. Số sinh viên quốc tế không thuộc khối EU lại tăng 7%, ước tính tổng 44.240 người.

Mark Corver – người đồng sáng lập DataHE và là cựu giám đốc phân tích và nghiên cứu tại Ucas cho biết, năm nay số sinh viên EU tại Anh sẽ giảm kỷ lục. Theo ông phân tích, tỷ lệ tuyển sinh với sinh viên đến từ các quốc gia như Ba Lan và Bulgaria sẽ sụt giảm đáng kể (còn khoảng 80%). Hậu Brexit, năm học này, sinh viên từ EU sẽ phải đóng học phí dành cho sinh viên quốc tế để theo học đại học ở Anh.

Nguồn: Inside Higher Ed

Cùng lúc, sự sụt giảm sinh viên EU ở Scotland rất rõ nét: giảm tới 64%, từ 3.700 sinh viên xuống còn 1.320, do học phí sinh viên quốc tế đã được áp dụng, so với việc được học miễn phí như trước đây. Tỷ lệ nghịch với xu hướng này là sự gia tăng số lượng sinh viên gốc Scotland nhập học, chiếm tới 74% tổng số sinh viên ở đây, cao hơn tỷ lệ 71% của năm ngoái.

Theo Corver, xét về mặt tài chính, số lượng sinh viên EU giảm cũng không quá đáng ngại vì dù sao mức học phí khổng lồ mà họ phải đóng với tư cách sinh viên quốc tế có thể bù vào.

Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học chia sẻ rằng, bên cạnh một số mặt tích cực – đặc biệt là ở Scotland khi trong suốt nhiều năm, lượng sinh viên bản địa nộp đơn vào các trường đại học ở đây luôn thấp hơn mong đợi, thì cũng có những mặt đáng lo ngại liên quan đến sự thay đổi tỷ lệ sinh viên quốc tế trong tương lai.

“Tôi rất hài lòng khi thấy nhiều sinh viên Anh sẽ có nhiều lợi ích khi theo học đại học,   nhưng tôi cũng lo lắng về sự cân bằng. Tất cả các cơ sở giáo dục, bao gồm các trường đại học, đều vận hành tốt nhất khi có các nhóm sinh viên đa dạng. Chúng ta học từ những người bạn đến từ các nền văn hóa khác, có nguồn gốc khác, nói thứ ngôn ngữ khác”.

Với Nick, nhận định trên cực kỳ quan trọng và đáng lưu tâm vì nước Anh dạy các ngôn ngữ hiện đại “dở tệ” và Anh có thể hưởng lợi từ việc  tạo điều kiện cho các nhà ngôn ngữ học châu Âu đến nghiên cứu và ở lại giảng dạy.

“Tôi cũng lo lắng khi chỉ những sinh viên EU giàu có nhất mới có thể theo học ở Anh. Brexit và COVID-19 đã dựng nên ranh giới chưa từng thấy giữa các quốc gia”, ông nói.

Leave a comment