Ngôn ngữ và những vấn đề địa chính trị của Trung Quốc tại châu Phi

Nguồn: University World News

Tác giả: Rosemary Salomone, đăng ngày: 11/ 12/ 2021

Biên dịch: Bách Hợp – Biên tập: Nguyên Lê

Nhằm duy trì tiếng nói chung, Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trực tuyến vào ngày 9 và ngày 10 tháng 12 năm 2021 đã tránh chỉ đích danh những bên có hành động vi phạm quyền dân chủ, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ vẫn luôn giám sát động thái của Trung Quốc trong quyết sách về ngoại giao tri thức một cách có chủ đích với sự chú trọng đặc biệt vào ngôn ngữ, nhằm lôi kéo thế hệ trẻ châu Phi về mặt chính trị. 

Trong số 100 khách mời tham dự hội nghị này có 17 nước châu Phi, còn Trung Quốc thì lại không được mời. Hội nghị xoay quanh ba vấn đề chính: chống chủ nghĩa độc tài, chống tham nhũng và thúc đẩy nhân quyền, vốn là những vấn đề tồn đọng kìm hãm sự phát triển của các nước châu Phi.

Khác với cuộc họp G7 hồi tháng 6 năm 2021 khi sự can dự của Trung Quốc được trực tiếp mang ra bàn thảo, ở hội nghị này mọi chuyện diễn ra âm thầm hơn. Người ta vốn lo sợ nỗ lực thống trị của Trung Quốc đối với châu Phi là nhằm vào kinh tế. Tuy nhiên, mọi thứ không dừng lại ở đó. Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Phi luôn khẳng định chắc chắn về việc hướng đến các mục tiêu dân chủ trong hội nghị, họ đều tránh đề cập đến việc Trung Quốc đang từng bước thống trị châu Phi ở mặt trận văn hóa.

Nguồn: iStock

Ngoại giao tri thức

Khi Trung Quốc củng cố vị thế chính trị của mình bằng việc tái định hình nền kinh tế châu Phi, họ đồng thời mạnh mẽ đầu tư vào các chương trình giáo dục và ngôn ngữ như một hình thức ngoại giao tri thức.

Những chương trình này, trái ngược với vẻ thiện lành trên bề mặt, lại đang truyền bá quan điểm chính trị của Trung Quốc đến thế hệ trẻ vốn ngày càng đông đảo tại châu Phi, ngầm lôi kéo họ xa rời Mỹ và Châu Âu.

Khoảng 60% của 1,3 tỉ người châu Phi hiện nay thuộc nhóm dưới 25 tuổi, phần đông từ 15 tuổi. Theo dự báo, đến năm 2050 châu lục này sẽ là nơi có lực lượng lao động hùng hậu nhất thế giới. Diễn đàn ba năm một lần về Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi, được tổ chức tại thủ đô Dakar của Senegal chỉ một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh, đã phơi bày cách Trung Quốc trục lợi từ khoản lợi tức dân số* này.

*Lợi tức dân số (demographic dividend) đề cập đến sự tăng trưởng trong một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số một quốc gia. Sự thay đổi trong cấu trúc tuổi thường được tạo ra bởi sự suy giảm tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử vong. Lợi tức dân số xuất hiện ở những quốc gia hướng tới sự tăng trưởng kinh tế tăng tốc từ sự kiểm soát tỉ lệ sinh và tỉ lệ tử vong, một quốc gia có tỉ lệ sinh thấp kết hợp và tỉ lệ tử vong thấp sẽ nhận được lợi tức nền kinh tế hoặc được hưởng lợi từ sự gia tăng năng suất của dân số lao động sau đó.

Nguồn: Vietnambiz.

Với chính phủ Trung Quốc, các chương trình ngôn ngữ thu hút được giới trẻ thông qua cơ hội giáo dục, đào tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Với các nhà đầu tư Trung Quốc, việc giảm bớt rào cản ngôn ngữ giúp giảm chi phí giao dịch của hoạt động kinh doanh trên khắp châu Phi.

Cuộc họp tại Dakar, với sự tham gia của đại diện từ 53 quốc gia châu Phi, đã kết thúc bằng kế hoạch hành động 2022 – 2024 bao gồm một danh sách dài về hợp tác giáo dục và các cam kết cần thiết cho nền kinh tế của châu Phi. Một số liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ và thị trường lao động.

Trung Quốc đã đồng ý xây dựng, nâng cấp 10 trường học chuyên đào tạo ngôn ngữ châu Phi cho các chuyên gia Trung Quốc làm việc tại châu Phi, tiếp tục hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Hoa ở đây và khuyến khích các công ty Trung Quốc cung cấp ít nhất 800.000 việc làm tại địa phương. Việc đưa tiếng Hoa vào chương trình giảng dạy quốc gia của các nước châu Phi cũng được hoan nghênh.

Bản thân danh sách này dường như không có gì đáng nói. Tuy nhiên, khi đưa tin trên diễn đàn, tờ China Daily – thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã gửi một thông điệp gây chú ý: “Hợp tác Trung – Phi mang lại lợi ích hữu hình cho người dân châu Phi… trái ngược hoàn toàn với ‘những lời hứa suông’ mà một số nước phương Tây đã đem đến cho họ.”

Châu Phi – mảnh đất màu mỡ

Với các lợi ích liên quan, Trung Quốc đã quốc tế hóa các chương trình đại học trong nước để thu hút sinh viên trả phí từ khắp nơi trên thế giới và cũng nhằm ngăn sinh viên của mình đi du học nước ngoài. Một số chương trình của họ được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Châu Phi là mảnh đất màu mỡ cho việc tuyển sinh đại học. Giáo dục đại học ở đây đang cực kì thiếu hụt tài chính và cơ sở vật chất thì quá tải. Các trường đại học của Trung Quốc có chi phí tương đối phải chăng so với các trường ở phương Tây và các học viện hàng đầu của họ có vị trí khá cao trên bảng xếp hạng quốc tế. Trung Quốc có hai trường nằm trong top 25, trong khi châu Phi chỉ có ba trường đại học lọt top 300.

Do đó, số lượng sinh viên du học đến Trung Quốc cao hơn số lượng đầu vào châu Phi, đồng nghĩa với việc, giới trẻ châu Phi đắm chìm trong tư duy chính trị của Trung Quốc. Từ năm 2003 đến năm 2018, số lượng sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc đã tăng từ dưới 1.800 lên hơn 81.000, chiếm 17% số sinh viên quốc tế của Trung Quốc, chỉ thua Châu Á – 60% và bỏ xa Châu Âu – 15% và ‘Mỹ’ – 7%.

Các Viện Khổng Tử tại châu Phi

Trung Quốc đã truyền bá ngôn ngữ và văn hóa của mình trên khắp châu Phi thông qua các Viện Khổng Tử trong trường đại học. Trong số hơn 500 viện trên toàn thế giới, có tới 61 viện ở châu Phi. Là một thương vụ trị giá hàng tỷ đô la, chương trình này đem tới một giám đốc người Trung Quốc, các giáo viên Trung Quốc, tài liệu và các quỹ khởi nghiệp.

Các Viện Khổng Tử luôn là đề tài gây tranh cãi về chính trị, đặc biệt ở Mỹ. Các nhà phê bình khẳng định việc giới hạn những điều giáo viên có thể nói trong lớp học là vi phạm quyền tự do học thuật, và các thỏa thuận thì thiếu minh bạch. Tuy nhiên, nhiều trường đại học bác bỏ các cáo buộc trên và khen ngợi các học viện về các cơ hội ngôn ngữ, văn hóa mà nó đem lại.

Dù sao các viện này cũng đang phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Tại đây, chúng là nhân tố trọng yếu của công cuộc ngoại giao tri thức. So với các cơ sở ở Mỹ và châu  Âu, các trường đại học châu Phi phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn lực từ Trung Quốc và có thể có ít quyền thương lượng hơn về cách quản trị cũng như nội dung học thuật.

Đối với giới trẻ châu Phi, năng lực tiếng Hoa của họ đồng nghĩa với cơ hội lao động. Viện Khổng Tử tại Đại học Rwanda, đối tác của Đại học Sư phạm Trùng Khánh, đã đi vào hoạt động vào năm 2009. Với 60 sinh viên, viện này đã tiến hành giảng dạy tiếng Hoa cơ bản cho doanh nhân bản địa để họ có thể giao thương với Trung Quốc.

Tính đến năm 2018, 10 điểm giảng dạy trên toàn quốc đã đào tạo hơn 4.000 học viên. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm tại các công ty Trung Quốc, các dự án do Trung Quốc điều hành hoặc đại sứ quán Trung Quốc tại Rwanda. Một số đã làm việc bán thời gian trong nhà hàng Trung Quốc, xí nghiệp may và công trường để trang trải chi phí học tập.

Tại Đại học Cheikh Anta Diop ở Dakar, Viện Khổng Tử, mở cửa vào năm 2016, nằm trong một tòa nhà với vốn đầu tư của Trung Quốc là 2,5 triệu đô la Mỹ, gồm bảy giảng đường, một hội trường đa phương tiện và một khán phòng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với South China Morning Post, Giám đốc người Senegal của viện cho rằng ngôn ngữ của các cường quốc thuộc địa cũ đang bị đe dọa. Ông dự đoán rằng “trong 50 năm nữa, ngôn ngữ chung của các quốc gia châu Phi có thể là tiếng Hoa”.

Đã đến lúc phương Tây phải nhìn lại

Dự đoán của vị giám đốc, tưởng chừng vô căn cứ, có lẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Pháp, Anh và Mỹ – những quốc gia kỳ cựu trong thúc đẩy câu chuyện chính trị thông qua ngôn ngữ và đầu tư – khi họ đưa ra những cam kết sau đại dịch với châu Phi.

Kết hợp với Kế hoạch hành động 2022-2024, đây chính xác là một cảnh báo ngầm rằng họ, hoặc tăng cường hoạt động ngoại giao tri thức của mình, hoặc có nguy cơ từ bỏ không chỉ ngôn ngữ mà còn cả các giá trị chung và tính hợp pháp chính trị trên lục địa này.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các hiệp định thương mại đương nhiên được lòng các nhà lãnh đạo nhà nước tại châu Phi hiện nay, bao gồm cả những lãnh đạo chuyên quyền luôn miệng cổ xúy chế độ dân chủ. Nhưng chính tri thức và lý tưởng được truyền đạt qua giáo dục sẽ hình thành nên thế hệ lãnh đạo dễ thuần phục trong tương lai.

Pháp đã có động thái trước tiên, gần đây nhất là trong Hội nghị thượng đỉnh Pháp – Phi vào tháng 10 chỉ dành riêng cho thế hệ trẻ, mặc dù không tránh khỏi những chỉ trích về chủ nghĩa tân thuộc địa từ giới tinh hoa trí thức của châu Phi. Trải nghiệm khắt khe này cho Mỹ và Anh cơ hội suy tính về cách họ có thể tập trung và củng cố lại mối quan hệ với châu Phi, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời cẩn thận để không khơi lại những vết thương chiến tranh trong quá khứ.

Người Trung Quốc có một câu nói rằng: “Học thêm một ngôn ngữ là có thêm một cửa sổ để nhìn ra thế giới”. Nhưng những gì người ta nhìn thấy qua ngôn ngữ đó còn phụ thuộc vào lăng kính mà nó mang lại. Khi Trung Quốc tiếp cận tâm trí của những người trẻ tuổi châu Phi thông qua các chương trình ngôn ngữ và giáo dục của mình, Trung Quốc đã cho họ thấy một thế giới quan coi nhẹ các giá trị dân chủ, hiện đang bị bao vây tại châu Phi và trên thế giới. Và đó là một viễn cảnh đáng lo ngại. Liệu các chính sách đàn áp về mặt nhận thức của Trung Quốc có thể đẩy quan điểm đó lên đến đâu vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Disclaimer (Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm): Bài viết phản ánh góc nhìn của tác giả. EduThoughts dịch nguyên gốc với tinh thần tôn trọng ý kiến và ngôn ngữ của bản gốc. Bản dịch không phản ánh quan điểm của EduThoughts.

Leave a comment