Tư tưởng giáo dục của Paulo Freire cần được hiện hữu nhiều hơn! 

Nguồn: University World News, đăng ngày 18/12/2021

Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Nhiều sự kiện và hội nghị trên khắp thế giới – đặc biệt là trong giới học thuật – đã được tổ chức nhằm tôn vinh di sản của nhà giáo dục Brazil, Paulo Freire nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1921 – 2021). Bị lưu đày hơn một thập kỷ, các tư tưởng của Freire trong quyển Giáo dục như một cách thức thực hành tự do (Education as the Practice of Freedom) (1967) dường như không thể hòa hợp với thể chế chính trị đang hiện hữu ở quê hương Brazil của ông.

Nguồn: Nova Escola

Những tư tưởng của Freire, cha đẻ của phương pháp Sư phạm phê phán (critical pedagogy), đã được thể hiện trọn vẹn trong cuốn sách thứ hai của ông: Sư phạm của những người bị áp chế (Pedagogy of the Oppressed). Cuốn sách sau đó đã trở thành kiệt tác trong lĩnh vực giáo dục và là cuốn sách nhất định phải đọc đối với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và giáo dục. Theo một cuộc thăm dò của Elliott Green vào năm 2016, kiệt tác Sư phạm của những người bị áp chế là cuốn sách được trích dẫn nhiều thứ 3 trong ngành khoa học xã hội chỉ sau Khuếch tán đổi mới sáng tạo (Diffusion of Innovations) của Everett Rogers (1962) và Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học (The Structure of Scientific Revolutions) của Thomas Kuhn (1962).

Kỷ niệm ngày sinh của Freire trong thời điểm này thật sự hợp lý bởi nó nhắc cho chúng ta về sự cần thiết của việc hồi sinh phương pháp sư phạm Freire. Đồng thời, chúng ta cũng cần ứng dụng trở lại các phương pháp sư phạm phản kháng (resistance pedagogy) nhằm chất vấn, chỉ trích và thay đổi các chuẩn mực, chính sách và thông lệ đang tạo nên sự bất bình đẳng và nghèo đói rõ rệt trên khắp thế giới. 

Thực tế, phương pháp sư phạm phê phán của Freire và các mục tiêu mang tính giải phóng của nó đã bị đàn áp một cách rõ ràng dưới sự bá quyền của tư duy tân tự do vốn đang thịnh hành toàn cầu và ‘phúc âm giáo dục’ (education gospel) của tư duy này trong năm thập kỷ vừa qua. Khởi điểm cho quan điểm phản đối phương pháp sư phạm Freire được cho là bắt nguồn từ cuốn sách Homo Sociologicus (1973) của Ralf Dahrendor. Hệ tư tưởng tân tự do, thay vào đó, đã làm giảm trải nghiệm của con người thành một Con người kinh tế (Homo economicus) tham lam và chỉ nghĩ về bản thân mình. Con người kinh tế (Homo economicus) xem giáo dục, kỹ năng và năng lực bản thân chỉ đơn thuần là phương tiện phục vụ cho lợi ích kinh tế cá nhân và quốc gia. Điều này đã dẫn đến sự biến chuyển dần dần các giá trị cũng như vai trò của giáo dục và văn hóa, đối với giáo dục đại học và xã hội

Thật đáng lo ngại khi chúng ta có thể nhận thấy rằng một trăm năm sau, những tư tưởng của Freire ngày càng phù hợp hơn trong một thế giới hiện đại vốn được các tác giả như Steven Pinker ca ngợi vì sự tiến bộ. Mặc dù đã trải qua quá trình phát triển về khoa học và công nghệ nhưng thế giới thật sự lại không thể mang lợi ích mà nó tạo ra đến cho mọi người mà thậm chí, sự bất bình đẳng còn được bình thường hóa và được xem như một thiệt hại ngoài dự kiến (collateral damage). Và kể cả khi thế giới đã tiến bộ hơn nhiều kể từ thời kỳ Đồ Đá thì nó lại không thể hiện được sự phát triển tương đồng giữa các nhóm người xét về các lĩnh vực xã hội, văn hóa và chính trị. Kết quả là các hệ tư tưởng phát xít, cực hữu, các hệ tư tưởng dựa trên giai cấp lại được đẩy lên trong các nấc thang chính trị – xã hội, trong khi phương pháp sư phạm Freire – vốn có thể phá bỏ vòng luẩn quẩn của việc bình thường hóa và quốc tế hóa áp bức trong quần chúng – lại không thực sự được chú ý.

Không có giải pháp kỳ diệu 

Khi đã tham gia vào một số sự kiện tri ân Freire cũng như các hội nghị về xã hội hóa của những người trẻ tuổi, chúng tôi rút ra cho bản thân một vài chiêm nghiệm cho năm 2021 cũng như cho sự kiện kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Freire. 

Không chỉ tôi mà sẽ còn nhiều người khác sẽ rất thận trọng khi tuyên bố rằng, giáo dục là một “liều thuốc tiên” dành cho tất cả các trục trặc về xã hội, văn hóa và chính trị mà chúng ta đã tạo ra dưới thời kì của chủ nghĩa tân tự do. Vai trò kỳ diệu ấy được ấn định cho giáo dục ngày càng nhiều trong các bài diễn ngôn của nhiều tổ chức tân tự do như OECD, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những bài diễn ngôn này chỉ đơn giản là biện minh cho quá trình tư nhân hóa, hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục cũng như hạ thấp chất lượng giới và bình đẳng giới ở những nơi thiếu các chuẩn mực và tiêu chuẩn (ví dụ trường hợp của Nam Phi ). Điều này làm xói mòn sự gắn kết xã hội và tước đi nhiều quyền được học tập và phát triển của nhiều người – vốn đã được nêu trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người. Báo cáo mới nhất của UNESCO, Futures of Education, dường như đang bị “phù phép” bởi các tổ chức tân tự do nói trên. Trong khi diễn ngôn của báo cáo vẫn hướng đến một chuẩn mực hoàn hảo thống nhất, thì nó lại muốn cổ súy cho sự đa dạng và đa nguyên thông qua giáo dục như một giải pháp cho mọi vấn đề. Cũng giống như việc giáo dục không thể là một giải pháp độc lập, trường hợp của phương pháp sư phạm phê phán của Freire cũng vậy. Mặc dù phương pháp này của Freire cung cấp nền tảng dân chủ cho việc thực hành giáo dục, nhưng thật sự, kết quả của phương pháp này vẫn không thể đoán trước được. Tác động mà một nhà giáo dục có thể đạt được khi tạo điều kiện thay đổi tư duy của học sinh, có thể bị thách thức bởi một số yếu tố khác. Chúng bao gồm: hệ thống kỹ trị (techno-feudal) hiện tại của thế giới – nơi các thuật toán và ‘dữ liệu lớn’ (big data) điều khiển các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị; sự chuyển dịch thế giới quan và và sự phẫn uất giữa các thế hệ và trong cùng thế hệ, cũng như khác biệt giàu – nghèo; hiệu ứng các nhóm đồng trang lứa; các đặc điểm và bản sắc của người học, sự sẵn sàng và năng lực của họ để tiếp nhận những tư tưởng mới. 

Tầm quan trọng của môi trường

Sự thật là một số nhà giáo dục có thể đến từ chính những người bị áp bức (ND: người ở các tầng lớp thấp kém hơn, thiệt thòi hơn, ít sự tiếp cận với các nguồn tài nguyên xã hội hơn) nên họ không thể thực hành và chuyển giao tư duy phản biện và phản ánh bản thân một cách đầy đủ. Điều này không có nghĩa là các nhà giáo dục không có bất kỳ vai trò nào. Họ chắc chắn có, và phương pháp sư phạm Freire thực sự cung cấp một lộ trình hướng tới đối thoại và sự tham gia mang tính dân chủ trong môi trường sư phạm. Tuy nhiên, phương pháp sư phạm Freire chỉ đơn giản là một chất kích hoạt hoặc chất xúc tác tiềm năng. Để nó trở thành một chất xúc tác mang tính hoạt hóa, phương pháp sư phạm phê phán đòi hỏi một môi trường an toàn và đủ điều kiện để nó có thể được thực hành. Trong chủ nghĩa tân tự do và các khế ước ngắn hạn của nó, các nhà giáo dục có thể không cảm thấy được thoải mái khi thực hành phương pháp sư phạm phê phán vì họ sợ không thể thanh toán các hóa đơn vào cuối tháng. Càng ngày, việc thực hành phương pháp sư phạm phê phán càng trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều người làm giáo dục trên khắp thế giới. Tự do học thuật đã bị tấn công một cách có hệ thống bởi các thể chế chuyên chế hoặc bởi tâm lý bị áp bức trong thế giới được gọi là dân chủ.

Các học giả sẽ khó có thể chọn phương pháp sư phạm phê phán này khi họ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro khi áp dụng nó. Nó cũng không thể là phương pháp giao tiếp một chiều, chỉ đi từ người dạy đến người học, bởi vì như vậy đi ngược lại với mục đích ban đầu khi phương pháp này được tạo ra. Phương pháp sư phạm phê phán có thể là một hoạt động thực tiễn thường xuyên được thực hiện trong các lớp học/ khóa học của tôi nhưng không có nghĩa kết quả của hoạt động này sẽ được đảm bảo. Một sự thay đổi trong thế giới quan của người học và việc giải phóng họ khỏi chu kỳ của sự áp bức – áp bức luôn có thể xảy ra- thông qua việc xây dựng  ở người học một tập hợp các năng lực học tập, bản sắc và sự sẵn sàng học tập trong một môi trường xã hội, văn hóa và chính trị rộng lớn hơn. 

Xóa bỏ chủ nghĩa tân tự do

Lời cuối cùng: Phương pháp sư phạm của Freire có thể khai  phóng những áp bức trong chúng ta – những nhà giáo dục cũng như người học – cho phép chúng ta rời xa mọi cơ chế, hệ tư tưởng và thực hành mang tính áp bức (ND: tức là người dạy và người học có được sự tự do học thuật, cả trong suy nghĩ và hành động). Tuy nhiên, phương pháp này không vận hành như cách hệ thống giáo dục của chúng ta đã tồn tại trong một thời gian dài. Nó cũng không phải là một viên đạn ma thuật. Đầu vào cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng nhóm người học. Đầu ra (quá trình mong muốn xóa bỏ sự áp bức trong tâm trí và hành động của các cá nhân) lại là một con đường dài và trắc trở hơn. Phương pháp sư phạm của Freire soi sáng con đường hướng tới một cuộc lật đổ chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa phát xít để hướng tới ánh sáng của công bằng sinh thái xã hội. 

Juliette Torabian là một Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ thuộc ngành Xã hội học trong Giáo dục tại Đại học Luxembourg. Cô là một chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển quốc tế (giáo dục/ giới) và lĩnh vực giáo dục quốc tế và so sánh. 

Leave a comment