11 bài học từ lịch sử của Giáo dục Đại học 

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày: 07/5/2017

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Tác giả: Steven Mintz

Nhiều người cho rằng lịch sử của giáo dục bậc Đại học không có tí liên quan gì đến những thách thức mà các trường Đại học và Viện Đại học ngày nay phải đối mặt. Ngẫm lại thì cho tới năm 1870, số lượng nam và nữ được học đại học mới chỉ đạt mốc 50.000 – tức 1,7% dân số thời đó. Ngày nay tình hình trái ngược hoàn toàn. Khoảng 20,5 triệu sinh viên (trong đó 57% là nữ và 17% là người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, gốc Á hoặc người Mỹ bản địa) theo học bậc Đại học, chiếm tỷ lệ > 40% người ở độ tuổi từ 18 đến 24.

Trên thực tế, lịch sử giáo dục Đại học lại chứa nhiều bài học quan trọng cho những ai quan tâm đến tương lai của chính bậc học này. Cùng tham khảo 11 bài học ý nghĩa nhất.

Bài học 1. Những tranh luận về sứ mệnh và ý nghĩa của giáo dục Đại học đã có từ lâu

Một trong những nỗ lực đầu tiên và có ảnh hưởng nhất trong việc xác định mục đích của giáo dục Đại học Mỹ là bản báo cáo “Yale Report” ra đời vào năm 1828. Tuy thường bị hiểu nhầm là biện hộ cho một chương trình giảng dạy hạn hẹp và lỗi thời, tài liệu này đã đề xuất một giải pháp thay thế các chương trình giảng dạy dựa trên cơ sở thần học, cổ điển và các chương trình đào tạo định hướng nghề. Giải pháp thay thế này chính là một chương trình giáo dục có mục tiêu nuôi dưỡng tâm trí người học và thúc đẩy họ định hình bản thân.

Trong mỗi giai đoạn, các định nghĩa khác nhau về mục đích của giáo dục đại học thay phiên chiếm ưu thế: giáo dục đại học giúp sinh viên định hình nhân cách; rèn giũa sự nhạy cảm, trau dồi học sinh bằng những điều tinh hoa, và rèn luyện tư duy phản biện về các giá trị, các vấn đề chính trị và xã hội; tạo cơ hội để cá nhân phát triển và trưởng thành về mặt nhân cách lẫn trí tuệ. Khi số lượng sinh viên ngày càng nhiều và đa dạng, quan điểm về mục đích chính của giáo dục đại học cũng dần không còn đồng nhất nữa.

Quan điểm chủ đạo thời nay thường được các trường lồng ghép trong các tuyên bố của chủ tịch trường hay ghi nhận trong mục tiêu của cơ sở là một hỗn hợp giữa các mục tiêu khác nhau. Đó là: một mặt, phục vụ nhu cầu phát triển lực lượng lao động và vận động của kinh tế và xã hội; mặt khác, nuôi dưỡng tinh thần công dân dân chủ, tư duy toàn cầu, tư duy phản biện và mong muốn phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ sở giáo dục sử dụng chương trình giảng dạy rời rạc, ít chú ý đến việc giúp sinh viên xác định nghề nghiệp, lựa chọn con đường thực tế cũng như ít tập trung vào khiếu thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ hoặc sự phát triển xã hội của người học.

Bài học 2. Chuyển đổi liên tục là một phần của lịch sử giáo dục đại học 

Trong nửa thế kỷ kéo dài từ 1865 đến 1915, nhiều đặc trưng của các trường đại học và viên đại học truyền thống đã được định hình (hoặc sáng tạo ra) và vẫn còn nguyên giá trị: sự thịnh hành của thang điểm chữ, các khoa, các môn tự chọn, chuyên ngành và tín chỉ. Vai trò của giảng viên cũng thay đổi sâu sắc theo thời gian. Chế độ biên chế giảng viên, tự do học thuật và đồng quản trị phần lớn là sản phẩm của nửa đầu thế kỷ XX. Việc giáo viên chú trọng vào nghiên cứu cũng xuất hiện sau Thế chiến thứ hai. 

Cơ sở đại học thường được coi là nơi ít chịu thay đổi nhất, nhưng chúng ta lại đang sống trong một kỷ nguyên biến đổi mạnh mẽ. Phương thức sư phạm, phương thức giảng dạy, hệ thống nhân viên tham gia đào tạo và cách đánh giá quá trình học tập đều đang được xem xét lại. Quá trình này cũng một phần được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong khoa học học tập, áp lực chi phí và một thế hệ sinh viên mới có những mối quan tâm và nhu cầu riêng biệt. Tôi ngờ rằng vai trò của giảng viên sẽ thay đổi hơn nữa trong những năm tới để đáp ứng thực tế mới này, bằng việc ngày càng xem giảng viên như là các “kiến trúc sư cho việc học”, người thiết kế ra các trải nghiệm học tập của học viên, cố vấn và giám sát quá trình nghiên cứu độc lập, thực tập, du học, và các hình thức học tập trải nghiệm khác.

Bài học 3. Người học chưa bao giờ đồng nhất – hay thụ động

Giáo dục đại học Mỹ chưa bao giờ là sân chơi chỉ dành riêng cho giới tinh hoa như lầm tưởng. Ngay trong thời kỳ thuộc địa, sinh viên có thể là con trai của một ông nông dân, như John Adams, và những người không thuộc giới tinh hoa khác, như Alexander Hamilton. Khi số lượng sinh viên dần dần mở rộng, các phân nhóm khác biệt xuất hiện. Vào đầu thế kỷ 20, những phân nhóm sinh viên bao gồm các hội nam, nữ sinh, những người đấu tranh, phóng túng, nổi loạn, cấp tiến và những nhóm khác. Ngày nay, nhóm sinh viên đang phát triển nhanh nhất bao gồm các sinh viên phi truyền thống: sinh viên có thu nhập thấp, người lao động toàn thời gian, người lớn đi làm, cha mẹ và những người đang tìm kiếm giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp. Do đó, giáo dục đại học cần phải điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu rất khác so với những nền giáo dục tiền nhiệm.

Những thay đổi trong thành phần sinh viên là một chủ đề chính trong lịch sử giáo dục đại học. Một chủ đề khác là sự tái diễn tình trạng bất ổn của sinh viên. Không có nhiều “Thế hệ im lặng”. 

Kể từ những năm 1760, tình trạng bất ổn học đường đã trở thành một thực tế của đời sống đại học. Thật vậy, biến động có lẽ lớn nhất không phải vào những năm 1960 mà là vào đầu thế kỷ 19, trước khi các trường cao đẳng bắt đầu nỗ lực xoa dịu căng thẳng bằng cách giảm thiểu các phương pháp kỷ luật mang tính gia trưởng và mở rộng số lượng các khóa học tự chọn. Một điều đặc biệt quan trọng trong việc tháo ngòi tình trạng bất ổn là cho sinh viên tự do tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Các hội đoàn và hội nữ sinh, các hội nhóm thể thao, hội tranh luận văn học và xã hội, và các nhóm khác ban đầu được thành lập và điều hành bởi chính sinh viên. Nhưng dần dần những nhóm này hoạt động dưới sự giám sát và kèm cặp của trường. Liệu đây có phải là cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển về tình cảm, xã hội và trí tuệ của sinh viên hay không? Chắc chắn vẫn còn nhiều tranh cãi. 

Bài học 4. Trước đây, giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng trong vận động xã hội và tăng trưởng kinh tế

Liệu các trường đại học và viện đại học có còn đóng vai trò đó hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Mỹ không còn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số học đại học và nghiên cứu bậc Đại học. Tỷ lệ hoàn thành đại học và khả năng đóng học phí của người dân đã trở nên khiêm tốn. Việc tiếp cận đại học đã mở rộng, nhưng khoảng cách về số lượng tham gia học tại các cơ sở có độ cạnh trao cao tiếp tục tồn tại, phân biệt theo giai cấp, dân tộc và chủng tộc. Đồng thời, ngân sách cho dịch vụ hướng dẫn và hỗ trợ học tập và các dịch vụ sinh viên lại trở nên tỷ lệ nghịch với nhu cầu của sinh viên.

Trong xã hội này, Đại học đã trở thành cơ chế chính cho sự thăng tiến cá nhân, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Nhưng nó hiện không hoàn thành sứ mệnh này một cách đầy đủ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, vậy làm cách nào để chúng ta có thể tạo ra tương lai tươi sáng cho nhiều người trẻ hơn? Rõ ràng giải pháp đó là các cơ sở giáo dục có tỷ lệ cạnh tranh cao cần mở rộng tuyển sinh số lượng lớn các sinh viên thu nhập thấp hoặc có xuất thân, hoàn cảnh yếu thế hơn.

Ngoài ra, giáo dục đại học cũng cần phục vụ tốt hơn cho đa số sinh viên mới phi truyền thống: sinh viên chuyển trường, sinh viên bán thời gian, người học trưởng thành, sinh viên đi làm và bán thời gian. 

Thực tế đáng buồn là hầu hết các cơ sở giáo dục không được xây dựng nhằm phục vụ  những sinh viên phi truyền thống. Nhiều cơ sở giáo dục vẫn cung cấp một nền giáo dục thiếu tính linh hoạt, hỗ trợ mà những sinh viên phi truyền thống thường cần. Trong khi đó, phân khúc thị trường phát triển nhanh nhất là giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề vẫn chưa được chú trọng. Một phần giải pháp cho tình trạng này có thể nằm ở việc mở rộng các hình thức cấp bằng, chứng chỉ thay thế, ví dụ như cấp huy hiệu, chứng chỉ, chứng nhận nghề nghiệp, v.v… Sinh viên có thể lựa chọn lấy chứng chỉ này mà không cần theo đuổi đủ bốn năm học, nhưng vẫn có thể chọn thu thập dần và gộp lại khi đủ tín chỉ để đổi một tấm bằng đại học.

Bài học 5. Phương pháp sư phạm và đánh giá quá trình học tập đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch của thời đại

Cách chúng ta giảng dạy và đánh giá phản ánh loại sinh viên mà chúng ta muốn đào tạo ra. Chúng ta muốn tạo ra số lượng nhiều nhất có thể sinh viên có thể đủ trình độ trong ngành học, hay chúng ta muốn tách nếp khỏi tẻ? Chúng ta muốn sinh viên có thể điều phối, quản lý sản phẩm và giải quyết vấn đề – hay chúng ta muốn sinh viên chỉ biết ghi nhớ các sự kiện? 

Trong thế kỷ 19, một phương pháp sư phạm cũ chú trọng vào việc đọc thuộc lòng và ghi nhớ (đi kèm với hình phạt thân thể và dè bỉu) đã nhường chỗ cho một cách tiếp cận mới: tập trung vào các bài giảng. Đồng thời, vai trò của giảng viên đã thay đổi, ngày càng trở nên chuyên biệt hóa, chuyên nghiệp hóa và mang tính ban ngành. 

Một tư duy đặc biệt cũng nổi lên – tổ hợp các “thái độ” phù hợp với thời đại Công Nghiệp. Nó liên quan đến mô hình “sản xuất hàng loạt”, mô hình ” one-size-fits-all”, giả định rằng tất cả học sinh có thể tiếp thu cùng một thông tin với cùng một tốc độ trong một mô hình “truyền tải” thụ động từ chuyên gia đến người học. Điều này kéo theo sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn và tâm lý điểm số là thước đo xếp hạng học sinh. Không có gì ngạc nhiên khi vào giữa thế kỷ trước, các nhà quản lý cấp trung phải làm các bài kiểm tra trắc nghiệm khi thi đầu vào. Giáo dục đại học thời đó chuẩn bị cho sinh viên biết vai trò đẳng cấp của họ trong xã hội: những công chức điền đơn. 

Có vẻ như thời đại Công Nghệ Thông Tin đang mang đến một cách tiếp cận mới cho phương pháp sư phạm: cá nhân hóa, nhập vai, tương tác, thích ứng, trải nghiệm, hợp tác và học tập chủ động. Nó hướng vào việc tìm hiểu và tập trung vào người học hơn. 

Bài học 6. Giáo dục đại học Mỹ, trong suốt lịch sử của mình, đã tạo ra một ảnh hưởng không cân xứng cho xã hội

Điều này đúng ngay cả vào giữa thế kỷ 18, khi chỉ có 9 trường đại học. Đại học Princeton thời ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định và phổ biến các lý tưởng của những người Cộng hòa, nhấn mạnh vào đức tính công dân và nỗi sợ hãi cường quyền đã giúp thúc đẩy tình cảm cách mạng trong lòng sinh viên. Trong thế kỷ 20, các trường đại học và viện đại học cũng đã thúc đẩy sự thay đổi văn hóa, có lẽ nhiều nhất là trong thập niên 1960, khi các cơ sở này đi đầu trong các phong trào tự do ngôn luận và Dân quyền, cuộc cách mạng tình dục và phong trào giải phóng phụ nữ. 

Những thay đổi trong khuôn viên các trường đại học ít khi nào dừng ở đó. Và những dịch chuyển trong thái độ đối với các vấn đề như xu hướng tính dục, bản dạng giới và chính trị sẽ khó lòng chịu bó hẹp trong 4 bức tường của khuôn viên trường. 

Old photos of UTM campus life from the 1950s and 1960s.

Bài học 7. Nhiều cuộc tranh luận hiện nay có một lịch sử lâu dài và gây tranh cãi

Những tranh cãi xung quanh lạm phát điểm số, cạnh tranh giữa các trường, hội sinh viên, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp so với giáo dục khai phóng không có gì mới. Kiến thức về lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu liệu các mối lo ngại ngày nay có phải là đang phóng đại vấn đề không, hay là thoả đáng, và giúp ta xác định điểm mới mẻ trong những băn khoăn, suy tư đương thời về giáo dục. 

Bài học 8. Lịch sử của các công nghệ giáo dục mới phần lớn là lịch sử của những lời thất hứa

Lịch sử giáo dục đại học tràn ngập những mốt công nghệ “lỗi”: Máy chiếu trên cao, máy chiếu slide, máy gia tốc đọc, “máy dạy học” của BF Skinner, dải phim, truyền hình giáo dục, băng video, CD đa phương tiện, Second Life, slide PowerPoint, phòng học trực tuyến, máy thuyết trình. Tất cả đều hứa hẹn sẽ tạo nên cách mạng trong phương tiện học tập. Không ai thành công. 

Với lịch sử này, người ta phải đặt câu hỏi: Liệu phần mềm thích ứng, được cá nhân hóa, thực tế ảo, cũng như các trò chơi giáo dục ngày nay có gì khác với những thứ trên không?

Câu trả lời vẫn là không nếu các công nghệ mới này được dùng để thay thế sự tương tác giữa người-người bằng cách học được lập trình, vốn mang lại ít kỹ năng cho người học và ít phản hồi thực chất. Nhưng tất nhiên, công nghệ có thể được sử dụng theo cách khác: Để thúc đẩy người học tìm hiểu, đặt câu hỏi, tăng cường hợp tác, mang lại trải nghiệm học tập mới dựa trên vụ việc hoặc dựa trên các thử thách, mang đến cho sinh viên cơ hội sáng tạo như là kể chuyện kỹ thuật số, tổ chức tham quan bằng âm thanh, văn bản có chú thích, bách khoa toàn thư ảo và một loạt các dự án khác. 

Bài học 9. Việc giáo dục đại học đang gặp khủng hoảng không phải điều gì mới

Hầu như cứ mỗi thập niên trong thế kỷ qua đều có những cuốn sách với các tiêu đề kiểu như Higher Education in Crisis (1995), The Education Crisis (1988), Campus Unrest (1970), The Big Squeeze: Crisis on the Campus (1946), and Crisis on the Campus (1900). Vấn đề chắc chắn đã thay đổi, nhưng niềm tin rằng giáo dục đại học đang khủng hoảng vẫn tiếp tục. 

Câu hỏi quan trọng, như nhà kinh tế Irwin Feller đã gợi ý, là liệu lần này có khác không: Liệu các yếu tố như: giảm tài trợ trong dài hạn cho sinh viên, tăng học phí, tài trợ cho nghiên cứu học thuật bị trì trệ, chi phí ngày càng tăng của công nghệ thông tin, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, sự thay đổi trong hành vi của sinh viên và việc tuân thủ các yêu cầu của chính phủ… cùng kết hợp lại có đe dọa các mô hình kinh doanh của giáo dục đại học, có gây khủng hoảng? Có lý do để nghĩ rằng lần này thì khác vì: rằng học phí và chi phí hoạt động của trường không thể tiếp tục tăng; rằng mức nợ của sinh viên và gia đình đã đạt đến giới hạn rồi; và rằng các cơ sở dịch vụ giáo dục thay thế với những hệ thống chứng chỉ thay thế đang gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với sự độc quyền của giáo dục đại học đối với hệ thống chứng chỉ của các trường đại học truyền thống.

Tất nhiên, giáo dục đại học đã phải trải qua nhiều thách thức và tồn tại mà không cần thay đổi quá nhiều trong cơ cấu tổ chức của nó. Liệu điều đó có tiếp tục thành công hay không, thời gian sẽ trả lời. 

Bài học 10. Tính đa dạng của giáo dục đại học là điểm mạnh và cũng là điểm yếu 

Như David F. Labaree đã lập luận gần đây, các thuộc tính của giáo dục đại học Mỹ là tính đa dạng, tính chất phi tập trung và sự tự do tương đối khỏi sự điều phối trung tâm của nó. Từ đầu thế kỷ 19, hệ sinh thái giáo dục đại học bao gồm một loạt các tổ chức – từ các học viện, trường sư phạm, viện kỹ thuật và trường thương mại cho đến các trường đại học nghiên cứu, đại học vùng hỗn hợp, đại học khai phóng, các đại học tôn giáo và đại học dành riêng cho người da đen trong lịch sử, và các trường cao đẳng cộng đồng – mỗi trường đều có bản sắc, sứ mệnh, sinh viên, nhà tài trợ và chiến lược kinh doanh riêng. 

Tuy nhiên, nếu đa dạng nhưng thiếu điều phối tạo ra một thị trường giáo dục đại học có tính cạnh tranh cao và phục vụ được nhiều nhóm sinh viên đa dạng, giúp cho đại học vượt qua mọi thử thách trong quá khứ, thì có lý do để lo lắng rằng thứ hạng đại học và sự ganh đua của các trường hiện đang làm suy yếu khả năng thích ứng với thời đại mới nhiều thay đổi. Theo đó, trong thời đại ngày nay, sinh viên có nhu cầu học lấy tín chỉ từ các trường khác nhau, được nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục bên ngoài chào mời những cơ hội giáo dục mới, và những trường đại học có tính sáng tạo, khởi nghiệp thì ngày càng chiếm lĩnh thị trường. 

Dường như các trường đại học hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thoát khỏi những khuôn khổ đã định hình nên giáo dục đại học trong nhiều thế kỷ qua. Điều này khiến họ không thể xem xét đổi mới một cách triệt để chương trình học của mình, hay thậm chí là thời khoá biểu hoặc kinh nghiệm học tập nói chung. Điều này không chỉ vì sợ mất uy tín mà còn vì sức ỳ của hệ thống, các lợi ích cố hữu, các quy trình và công nghệ coi trọng tính kế thừa. 

Bài học 11. Những câu chuyện về sự tiến bộ hoặc sự suy tàn: càng nói càng mù mờ

Hoài niệm về một thời vàng son đã mất hay duy trì niềm tin vào sự tiến bộ tất yếu đều là điều ngu ngốc. Cho dù đó có là cách kể lịch sử giáo dục đại học theo trường phái Whig (tiến bộ tất yếu – ND), trong đó nhấn mạnh đến tiến bộ, hay đó là cách mô tả lịch sử như một sự đi xuống, thì không diễn ngôn nào kể trên mô tả chính xác lịch sử của chế độ đại học Hoa Kỳ.

Có một số chủ đề lớn trong lịch sử giáo dục đại học như: dân chủ hóa quyền tiếp cận bậc Đại học, chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng viên, mở rộng chương trình giảng dạy, tăng cường chuyên môn hóa học thuật và tầm quan trọng của việc nghiên cứu chuyên ngành. Nhưng cũng có những xu hướng ngược lại, bao gồm sự phân tầng ngày càng tăng của giáo dục đại học về sứ mệnh và nguồn lực và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong trải nghiệm học tập của sinh viên giàu và sinh viên nghèo. Những cải cách và đổi mới – chẳng hạn như các thử nghiệm của Robert Maynard Hutchins trong giáo dục đại học tại Đại học Chicago, hoặc những cải cách tại Đại học California Santa Cruz – đã đến rồi lại đi. 

Có hai điều tôi rút ra được từ bài học lịch sử này. Thứ nhất là đã quá lâu rồi, giáo dục đại học Mỹ hoá ra lấy trường học làm trung tâm thay vì là lấy người học làm trung tâm. Không phải là các tổ chức không cung cấp cho sinh viên các dịch vụ hay hoạt động. Rõ ràng là các trường thường xem sinh viên như khách hàng, cần phải chào đón và chăm sóc kĩ lưỡng. Nhưng chăm sóc khách hàng không giống với chăm sóc người học. Chăm sóc người học đòi hỏi quyết tâm từ cơ sở đào tạo trong việc giúp sinh viên thành thạo chuyên ngành của mình, xây dựng một trải nghiệm học tập mang tính trực quan và sâu sắc, đem đến phương pháp sư phạm đáp ứng nhu cầu của tất cả sinh viên và thường xuyên phản hồi, tương tác, hỗ trợ và cố vấn cho người học. 

Điểm thứ hai mà tôi rút ra được đó là các giảng viên biên chế và cán bộ quản lý của nhà trường có xu hướng ưu tiên sự thuận tiện của mình bằng cách hy sinh các nhu cầu giáo dục của sinh viên. Chương trình giảng dạy, thời khóa biểu, phương pháp sư phạm, cách thức đánh giá học tập và khối lượng công việc thường phản ánh lợi ích của các phòng ban hơn là thể hiện ý nghĩa cốt lõi của việc dạy – học, nhu cầu phát triển của sinh viên hoặc nhằm giải quyết những thách thức đương thời mà  các sinh viên phi truyền thống ngày nay phải đối mặt. 

Những điểm trên càng nhấn mạnh hơn nhu cầu liên tục đổi mới, thử nghiệm và tập trung vào sự phát triển của sinh viên trên tất cả các khía cạnh. 

Leave a comment