Nơi tự do học thuật bắt đầu

Nguồn: University World News, đăng ngày 11/12/2021

Biên dịch: Ngô Bích Hằng – Biên tập: Yên Du

Tác giả: Vincent Luizzi

*Ghi chú: Hiện nay, tự do học thuật được hiểu là quyền tự do phát biểu ý kiến chuyên môn, giảng dạy, học tập, theo đuổi tri thức và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên mà không bị can thiệp một cách vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp, các quy định của cơ sở giáo dục hoặc áp lực của công chúng.

Trong bài báo “Nơi tự do học thuật kết thúc” được đăng gần đây trên tờ The Chronicle of Higher Education , tác giả Julie Reuben đã xem xét các hạn chế của quyền tự do học thuật và nhận định rằng khi một người cố tình truyền bá thông tin sai lệch và đem học vị cũng như  bằng cấp của họ ra để bảo chứng cho thông tin đó, người đó đang lạm dụng quyền tự do học thuật.  

Julie dẫn chứng trường hợp một giáo sư ở Stanford đã lan truyền thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19 trong khi bản thân vị giáo sư này không hề có chuyên môn để đưa ra phát biểu như vậy.

Bên cạnh đó, Julie còn thể hiện mong muốn xóa bỏ quan điểm cho rằng tự do học thuật nghĩa là giáo sư muốn nói gì cũng được. Theo bà, những điều các giáo sư nói ra cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là khi chúng được  trích dẫn như một nguồn tư liệu chính thống và sử dụng để định hướng cho sinh viên trong các giờ thảo luận.

Để củng cố quan điểm của mình trong việc đặt ra giới hạn  cho quyền tự do học thuật, Juliey kêu gọi giới chuyên môn hãy đặt ra  “những ràng buộc pháp lý đối với các hành vi của chúng ta trong cương vị học giả”. Bà ủng hộ cái mà tôi gọi là mô hình tự do ngôn luận của tự do học thuật, tập trung vào những gì học giả có thể thoải mái phát biểu. Đây là mô hình phổ biến xác định quyền tự do học thuật như một biến thể của quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ và đặt nó dưới sự quản lý của luật pháp.

Theo quan điểm này, tự do học thuật không đồng nghĩa với tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất; lý do là vì Tu chính án thứ nhất trao quyền tự do ngôn luận cho tất cả công dân, trong khi quyền tự do học thuật chủ yếu được áp dụng cho các giảng viên và cơ sở giáo dục.

Mô hình tự do học thuật chuyên nghiệp có phạm vi rộng hơn, bởi nó cho phép các chuyên gia sử dụng quyền tự do học thuật để đưa ra những đánh giá chuyên môn độc lập. Nó ảnh hưởng đến tổng thể công việc và hoạt động của giới học thuật chứ không chỉ giới hạn ở những gì họ nói.

Tự do thoát khỏi môi trường độc hại và quấy rối, cũng như tự do hưởng lợi từ những môi trường đa dạng và có tính hòa nhập là một trong những thành phần của khái niệm phong phú này. Từ đây, chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ về nơi tự do học thuật bắt đầu.

Một quan điểm rộng mở hơn giúp gắn kết giảng viên với các chuyên gia khác

Nếu các chuyên gia trong các lĩnh vực khác có quyền đưa ra những nhận định độc lập mang tính chuyên môn – một quyền mà họ ưa chuộng và yêu cầu duy trì – thì các giảng viên cũng có quyền lợi tương đương, đó chính là quyền tự do học thuật. Song song với việc được tạo cơ hội để tích luỹ kiến thức và kỹ năng chuyên môn, các chuyên gia có trách nhiệm sử dụng chúng để phục vụ cho xã hội..

Các chuyên gia không được tham gia vào các hoạt động có thể xung đột với trách nhiệm này. Ví dụ, luật sư không nên đại diện cho các bên khách hàng có lợi ích mâu thuẫn nhau vì việc đó có thể khiến luật sư không thể đưa ra những nhận định độc lập mang tính chuyên môn để bảo vệ lợi ích của từng khách hàng. Tóm lại, các chuyên gia có những nhận định độc lập mang tính chuyên môn, có trách nhiệm duy trì khả năng đưa ra những nhận định này và hạn chế những nguy cơ khiến họ đánh mất khả năng này.

Quyền đưa ra những đánh giá chuyên môn độc lập là một phần lớn của quyền tự chủ mà xã hội trao cho các chuyên gia để đổi lấy sự cống hiến của họ cho sự tốt đẹp chung của toàn xã hội. Khi nhìn nhận từ góc độ này, quyền tự do học thuật trở thành một lý tưởng đáng để phấn đấu, bảo vệ và tôn trọng. Nó không còn bị giới hạn trong số ít các quyền mà tòa án đã thiết lập, vì nó xem quyền tự do học thuật như một đặc trưng của cộng đồng các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực học thuật. Như vậy, các giảng viên cần nhìn nhận bản thân là những người đại diện cho tự do học thuật, như thể đây là vấn đề về phẩm hạnh và đạo đức xã hội, và bất kỳ ai tương tác với họ trong môi trường làm việc của họ cũng phải đối xử với họ như vậy.

Tất nhiên, có thể vẫn có một số quy định hạn chế phần nào quyền tự do này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể đạt được quyền tự do học thuật. Câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào để tối thiểu hoá những hạn chế đó để tối đa hóa quyền tự do học thuật.

Sử dụng quyền tự do học thuật theo cách chủ động và thụ động

Nếu mô hình tự do học thuật chuyên nghiệp có thể trở thành một khởi đầu vững chắc cho việc thực hành rộng rãi quyền tự do học thuật, một môi trường nơi tự do học thuật được sử dụng một cách chủ động sẽ có ưu thế hơn trong việc phát huy những lợi ích của quyền này.

Trong môi trường mà quyền tự do học thuật được sử dụng theo cách thụ động, chúng ta thường loay hoay  xác định các mối đe dọa hoặc hành vi vi phạm quyền này. Khi đó, chúng ta sẽ có suy nghĩ giống như các giảng viên ngoài biên chế – những người luôn dè dặt khi phát biểu hoặc thể hiện ý kiến chuyên môn vì sợ bị sa thải. Do đó, chúng ta chỉ chăm chăm tìm mọi cách để tăng mức độ đảm bảo của công việc, ví dụ như tìm cách để được ký hợp đồng giảng dạy dài hạn chẳng hạn. Nhưng những cách đó không đảm bảo là chúng ta có thể nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Tương tự như vậy, việc cố gắng xác định và loại bỏ mọi hạn chế cũng như rủi ro vi phạm quyền tự do học thuật không nhất thiết đồng nghĩa với việc quyền tự do học thuật có thể phát huy tối đa lợi ích của nó, mà đôi khi còn gây ra tình trạng lợi bất cập hại.

Những tình huống này nhấn mạnh tính dễ tổn thương của các giảng viên ngoài biên chế, đồng thời là ví dụ điển hình của việc hạn chế tự do học thuật. Tương tự, trường hợp giảng viên bị giới hạn trong việc lựa chọn giáo trình, hoặc không được thông báo về sĩ số lớp học rất đông sinh viên, cũng là những biểu hiện của việc vi phạm tự do học thuật ở mức độ tinh vi hơn, và vì thế, ít được xem xét hơn.

Như vậy, có thể thấy việc đơn thuần tháo gỡ các hạn chế đối với tự do học thuật không phải là phương án chúng ta tìm kiếm. Việc chúng ta cần làm là chủ động thực hành quyền tự do học thuật để tạo ra một môi trường giảng dạy có hiệu quả cao.

Sử dụng quyền tự do học thuật theo cách chủ động nghĩa là các giảng viên cần chủ động tham gia vào các hoạt động phù hợp với sứ mệnh của trường đại học, sao cho tự do học thuật không chỉ là quyền lợi mà còn là công cụ để tìm tòi, học hỏi, khám phá và sáng tạo.

Vì vậy, sự kết hợp của mô hình tự do học thuật chuyên nghiệp với việc chủ động sử dụng quyền tự do học thuật  là điều chúng ta cần hướng tới. Khi nhìn nhận quyền tự do học thuật như một biến thể của quyền đưa ra những nhận định độc lập mang tính chuyên môn, chúng ta thấy phạm vi của nó được mở rộng chứ không chỉ giới hạn trong quyền tự do thể hiện quan điểm, phát biểu và thảo luận ý kiến chuyên môn, ví dụ giảng viên cần có quyền tự do khi đưa ra các quyết định liên quan đến việc giảng dạy, như sắp xếp lịch học, giờ tiếp sinh viên, biên soạn giáo trình, và lựa chọn các hoạt động, bài đọc và phương pháp kiểm tra cho các khóa học.

Mô hình tự do học thuật chuyên nghiệp cũng xem xét đến các vấn đề như quấy rối, bắt nạt trên mạng, sỉ nhục, như những cản trở đối với việc thực hiện tự do học thuật của giảng viên. Mô hình này đồng thời khuyến khích các giá trị của sự hòa nhập và đa dạng như những cách thức để tăng cường tự do học thuật. Sự đa dạng thúc đẩy tương tác giữa các đồng nghiệp đến từ các nền văn hóa khác nhau, họ có cách làm việc hoặc xử lý vấn đề khác nhau. 

Vincent Luizzi là thanh tra và giáo sư của Khoa Triết học tại Đại học Bang Texas, Mỹ.  Ông còn công tác tại Đại học Fort Hare ở Nam Phi trong vai trò trợ giảng của Trung tâm Đạo đức Lãnh đạo ở Châu Phi.

Leave a comment