Mỹ mở rộng cơ hội cho sinh viên quốc tế

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 24/01/2022

Biên dịch: Đinh Thị Thúy Hiền – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Chính quyền Biden đã tiến hành các hoạt động khiến Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhân tài quốc tế, bao gồm việc mở rộng điều kiện cho sinh viên quốc tế chuyên ngành STEM tham gia vào chương trình làm việc sau tốt nghiệp. (ND: STEM là từ viết tắt để chỉ các khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học)

Nguồn ảnh: Internet

Cụ thể, chính quyền Biden đã xác định 22 lĩnh vực mới đủ điều kiện để bổ sung vào chương trình đào tạo thực tế tự chọn cho các lĩnh vực STEM (STEM OPT), cho phép sinh viên quốc tế thuộc các chuyên ngành STEM được ở lại Mỹ làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp, thay vì chỉ có một năm như những sinh viên không theo  STEM. (ND: Chương trình đào tạo thực tế thường là một phần trong chương trình đào tạo cử nhân, nhằm phát triển khả năng làm việc cho sinh viên khi bắt đầu đi làm và tham gia vào thị trường lao động).  

Việc mở rộng này sẽ cho phép sinh viên quốc tế thuộc một số lĩnh vực – gồm khoa học khí hậu, điện toán máy tính, phân tích dữ liệu, kinh tế và khoa học máy tính, địa sinh học, địa dư học và môi trường, phân tích tài chính và tâm lý công nghiệp và tổ chức – tìm kiếm thêm cơ hội làm việc  ở Mỹ với thị thực du học sinh. 

Danh sách đầy đủ 22 lĩnh vực mới đủ điều kiện tham gia chương trình STEM OPT có thể được tìm thấy tại the Federal Register

Việc mở rộng chương trình STEM OPT đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng so với thời Chính quyền Trump, khi chương trình này đã bị xem là không bền vững, về cả luật pháp và chính trị. Dù chưa bao giờ đưa ra quy định cụ thể cho vấn đề này, Chính quyền Trump luôn chú trọng việc ‘giảm vi phạm và lạm dụng’ khi thực hiện những chương trình đào tạo tương tự như OPT và họ cũng hào hứng trong việc tìm cách “tăng cường bảo vệ người lao động Mỹ bởi đây là đối tượng có thể bị tác động tiêu cực bởi chính sách tuyển dụng sinh viên không đủ điều kiện nhập cư.” 

OPT rất nổi tiếng đối với sinh viên quốc tế – hơn 200,000 sinh viên quốc tế đã tận dụng chương trình này để tìm kiếm kinh nghiệm làm việc ở Mỹ trong năm học 2020-21.  “Các  đổi mới về STEM cho phép giải quyết những thử thách phức tạp mà chúng ta đối mặt ngay hôm nay và tạo ra khác biệt trong cách chúng ta bảo vệ và duy trì an ninh cho đất nước mình,” Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) – Alejandro Mayorkas chia sẻ trong một bài viết. “Thông qua những cơ hội đào tạo và giáo dục các ngành  STEM, DHS đang gia tăng số lượng và tính đa dạng của các sinh viên xuất sắc thuộc lĩnh vực giáo dục STEM để đóng góp cho nền kinh tế Mỹ.” 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra hướng dẫn mới liên quan đến chương trình đào tạo học thuật, cho phép sinh viên mang thị thực trao đổi J-1 được làm việc liên quan đến ngành học của họ. (Chương trình tương tự như chương trình OPT, tuy nhiên OPT dành cho sinh viên có thị thực F-1, trong khi chương trình đào tạo học thuật dành cho sinh viên có thị thực J-1.) 

Việc thay đổi này cho phép sinh viên hệ cử nhân và hệ cao học thuộc lĩnh vực STEM có thị thực J-1 tham gia vào chương trình đào tạo lên đến 36 tháng, tăng từ 18 tháng vốn được áp dụng trong hầu hết các trường hợp trước đó. Theo Bộ Ngoại giao, hiện có 1,720 thị thực trao đổi trong lĩnh vực STEM đủ điều kiện tham gia chương trình đào tạo học thuật bổ sung.

Trong số những thay đổi đã được thông báo, Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã thông báo hai thay đổi trong hướng dẫn chính sách. 

Thay đổi thứ nhất là làm rõ cách DHS sẽ xác định điều kiện cấp thị thực O-1A cho những cá nhân với “khả năng vượt trội” trong khoa học, giáo dục, kinh doanh và thể thao. Tờ thông tin của Nhà Trắng cho rằng thay đổi này làm rõ cách mà DHS sẽ xác định tính hợp lệ của thị thực “những đổi mới này cung cấp ví dụ về những trường hợp có thể thỏa mãn các yêu cầu của visa O-1A và bàn thêm về những suy xét liên quan đến cách đánh giá các trường hợp này, tập trung vào tính chất công nghệ cao của các ngành STEM và tính phức tạp của những hồ sơ nộp theo diện này.”

Thay đổi thứ hai hướng đến việc làm rõ cách thức mà các cá nhân có bằng cấp cao ở ngành STEM và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể hưởng lợi từ Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch. Đạo luật này cho phép các cá nhân với “khả năng vượt trội” được kiến nghị cấp visa diện lao động mà không cần phải được công ty nào nhận làm, nếu Cơ quan Quốc tịch và Nhập cư Mỹ đồng ý miễn trừ yêu cầu họ phải có công việc, nhằm phục vụ cho “lợi ích quốc gia”.

Steve Yale-Loehr, Giáo sư Luật nhập cư của Đại học Cornell cho rằng những hành động này nhìn chung là để “tạo ra một bước thay đổi nhỏ nhưng quan trọng giúp cho những công ty Mỹ có thể cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.” Ông nói rằng “hành động lớn hơn, ví dụ như tăng số lượng thẻ xanh cấp cho người lao động, và điều này đòi hỏi sự tham gia của Quốc hội.” 

Trợ lý Phó chủ tịch kiêm Chánh văn phòng phụ trách quan hệ chính phủ của Hội đồng Mỹ về Giáo dục (American Council on Education) – Sarah Spreitzer cho rằng Chính quyền Biden “bị hạn chế bởi luật hiện tại. Họ khó có thể khiến cho những quy định về nhập cư được thông qua một cách toàn diện ở Quốc hội, nhưng đây là những thay đổi tốt nhất mà họ có thể làm dưới khung pháp lý hiện hành. Không có thay đổi nào là quá lớn, nhưng chúng tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục gửi những thông điệp chào mừng đến sinh viên và học giả quốc tế.” 

Giám đốc kiêm CEO của Hiệp hội những nhà giáo dục quốc tế (NAFSA: Association of International Educators) – Esther D. Brimmer, chia sẻ bình luận của Hiệp hội như sau: “Chính quyền Biden – Harris đang có những hành động rõ ràng giúp cho Mỹ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhân tài trên thế giới và họ cũng quả quyết rằng người Mỹ sẽ có lợi từ sự hiện diện của các nhân tài  quốc tế trong lớp học, cộng đồng, và nơi làm việc.” Brimmer nói thêm, “Chúng ta mong đợi Chính quyền Biden-Harris gia tăng cam kết và nguồn lực giáo dục quốc tế để nhân tài quốc tế từ những lĩnh vực không thuộc STEM cũng có thể góp phần nâng cao kỹ năng và sự đổi mới của người Mỹ, và đảm bảo rằng sinh viên Mỹ có thể hưởng lợi từ môi trường quốc tế hóa cũng như là nâng cao trải nghiệm học tập quốc tế.”

Leave a comment