Tại sao biểu đồ hình chuông trong chấm điểm cần cải tiến?

Nguồn: University World News, ngày đăng: 23/10/2021

Tác giả: Aida Murad, Haziqah Jefri, Phan Le Ha 

Biên dịch: Bách Hợp – Biên tập: Nguyen Le

Chấm điểm dựa trên biểu đồ dạng đường cong, đặc biệt là đường cong hình chuông, vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong giáo dục, tồn tại trong cả các trường phổ thông đến các cơ sở giáo dục đại học. Mặc dù việc cho điểm theo biểu đồ đường cong hình chuông (ĐCHC) đã bị chỉ trích từ nhiều phía, bao gồm giáo viên, sinh viên, người sử dụng lao động,… mô hình này vẫn tiếp tục được áp dụng trong một số trường đại học, bao gồm một số ít trường ở châu Á.

Hệ thống cho điểm này được sử dụng rộng rãi trong việc quyết định điểm số của sinh viên ở cuối một học phần hoặc chương trình học, cũng như quyết định tổng điểm trung bình (GPA). Không có số liệu thống kê về tỉ lệ các trường đại học vẫn sử dụng ĐCHC, nhưng dựa trên nhiều nguồn thông tin, chúng tôi chắc rằng họ chỉ chiếm thiểu số. Và tại các trường vẫn công khai áp dụng, đây có lẽ không phải một chính sách chung cho toàn trường.

Một trong những điểm đáng chú ý của ĐCHC là cách mà điểm số được khép vào một đường cong có hình chuông. Với đường cong này, chỉ có một tỉ lệ nhỏ sinh viên đạt điểm A, còn đa phần sẽ phải nhận điểm thấp, chủ yếu là B và C, bất kể trong lớp và trong các bài kiểm tra họ đã biểu hiện tốt đến đâu.

Vì sao ĐCHC được áp dụng?

Đối với phe ủng hộ, ĐCHC được xem là tạo ra phân phối chuẩn (normal distribution) về điểm trong trường học, và  mục tiêu chính của phương pháp này là ngăn chặn lạm phát điểm. Cụ thể, ĐCHC được dùng để đảm bảo rằng điểm A luôn là một điểm cao, vì chỉ có một lượng nhỏ sinh viên đạt được. Cụ thể hơn, nếu có quá nhiều điểm A, nó sẽ không còn là điểm cao nữa. Khi nhiều sinh viên đạt điểm A, thành tích học tập của họ sẽ bị đánh giá thấp vì có vẻ điểm A quá dễ kiếm. Điểm A “mất giá” này có thể khiến cho danh tiếng trong và ngoài nước của trường đại học bị ảnh hưởng xấu, tức là họ có nguy cơ để vuột mất những sinh viên hoặc các nhà đầu tư tiềm năng.

Đồng thời, trong các tình huống có nhiều sinh viên trong cùng một khóa hay một lớp học phần rơi vào khung điểm “Không đạt”, điểm của sinh viên sẽ được nâng lên đảm bảo ĐCHC. Bằng cách này, trường đại học có thể chứng minh rằng sinh viên của mình về tổng thể không quá kém. Những người ủng hộ cho rằng điều này mang lại lợi ích cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên học yếu. Những người ủng hộ ĐCHC nhìn nhận điều này là công bằng và phản ánh năng lực thực tế của sinh viên và học sinh  trong nhà trường và trong xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều trường phổ thông và đại học đã chọn không tham gia hệ thống chấm điểm ĐCHC này hoặc chưa bao giờ áp dụng nó ngay từ đầu. 

Nguồn: Miro.medium

Sinh viên có ủng hộ không?

Dưới đây là những gì sinh viên nói về cách cho điểm này.

“Không công bằng! Em đã học hành rất chăm chỉ trong suốt kì học, và tất cả những gì em có thể đạt được chỉ là điểm B. Nếu con điểm cuối kì này là do giảng viên đứng lớp của em cho, em sẽ cảm thấy bị phản bội. Các bài kiểm tra cá nhân trong lớp thực sự có thể cho em điểm số cao hơn nhiều.

Nếu đây là điểm trường buộc phải cho một cách ngẫu nhiên chỉ vì chính sách về ĐCHC, thì em thật không thể hiểu được ý nghĩa và mục đích của giáo dục đại học. Học hành cật lực và cố gắng hơn cả yêu cầu để có thêm hiểu biết thì có nghĩa lý gì khi số phận của bản thân lại bị quyết định tùy tiện bởi cái đường cong đó chứ?”

Một sinh viên khác cho rằng cơ chế cho điểm này đã khiến bạn mất đi động lực học, và bạn không phải người duy nhất. Một bạn khác than phiền vì sự thiếu minh bạch trong diễn giải về cách đánh giá theo ĐCHC nhưng vẫn thông cảm rằng giảng viên cũng phải chịu áp lực nhiều từ cách cho điểm này. 

Tuy nhiên, cũng có bạn đã nhận ra thực trạng bất cập, “Tôi được biết rằng mô hình này không được triển khai tại nhiều trường đại học trên thế giới. Ngược lại, nhiều trường đã bỏ nó sau nhiều chỉ trích.”

“Thật kinh khủng. Trường tôi vẫn tiếp tục sử dụng. Thật đáng buồn khi toàn bộ nền giáo dục đại học của chúng ta phải duy trì mô hình không công bằng này. Tôi từng chấp nhận vì tôi nghĩ đó là điều đương nhiên mà tất cả trường đại học đều theo đuổi, chưa từng thắc mắc về nó. Bây giờ thì sao? Tôi sắp kết thúc hành trình đau khổ này rồi.”

Một sinh viên khác bình luận: “Bạn bè của tôi học ở các trường đại học địa phương khác nhau và các trường đó không áp dụng cách cho điểm này. Tôi không thấy sinh viên nào ở trường mình chất vấn về điểm bởi vì chúng tôi được dạy phải chấp nhận. Tôi biết rằng tôi sẽ không nhận được gì, trước cả khi tôi cố gắng.

“Điểm trung bình của tôi khá thấp vì cái thứ ĐCHC này. Mọi nỗ lực của tôi không hề được đáp trả tương ứng bằng điểm số, vì chỉ một số ít người có thể đạt điểm cao. Đạt điểm C dễ hơn trượt. Ai cũng biết điều đó.”

Một sinh viên khác lên tiếng: “Đó là một cơ chế không công bằng và phản giáo dục. Cơ chế này giúp các trường đại học như trường tôi chẳng phải suy nghĩ gì nhiều vì họ đã xác định phần trăm điểm A, B, C ngay từ trước khi thực sự chấm điểm. Ai được lợi từ vụ này? Không phải sinh viên, cũng không phải nhà tuyển dụng, chỉ có nhà trường thôi.”

Trên đây chỉ là vài đại diện trong rất nhiều ý kiến từ sinh viên của một trường đại học ở châu Á có áp dụng cách chấm điểm theo ĐCHC. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của họ như là một phần của một dự án mà chúng tôi đang tiến hành về chủ đề kiểm tra, đánh giá trong trường đại học, vốn là một cuộc điều tra quan trọng của học phần “Giáo dục và Xã hội trong một thời đại toàn cầu hóa” tại Đại học Brunei Darussalam.

Thảo luận và phê bình

Những năm qua, nhiều bên liên quan đã lên tiếng về các bất cập luôn tồn tại trong việc thực hiện ĐCHC trong đánh giá và cho điểm. Các chỉ trích tồn tại nhan nhản trong các tài liệu học thuật. Các nhà phê bình coi việc thực hành chính sách này là duy trì và tái thực thi một môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục.

Tương tự, các học giả như Adam Grant, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, đã bày tỏ những lo ngại về giảm phát điểm. Thay vì khuyến khích động lực và sự đổi mới, việc chấm điểm dựa trên ĐCHC đã gây hại cho cả người dạy và người học theo nhiều cách. Thay vì cho sinh viên số điểm phản ánh thành tích học tập thực tế, ĐCHC buộc giáo sư đánh giá sinh viên trong tương quan với những sinh viên khác. 

ĐCHC cũng buộc các giáo sư chỉ cho một số điểm A giới hạn trong một học phần và một khóa học, bất kể sinh viên học tốt như thế nào. Do đó, nhiều sinh viên xứng đáng đạt điểm A sẽ bị cho điểm B hoặc thậm chí là điểm thấp hơn để đạt được biểu đồ hình chuông.

Sean Lim Wei Xin, một sinh viên đại học người Singapore, đã mô tả hệ thống ĐCHC là tạo ra một “văn hóa học tập quá khốc liệt”.

Dựa trên kinh nghiệm của anh khi theo học tại hai cơ sở giáo dục khác nhau, một ở Singapore sử dụng hệ thống chấm điểm ĐCHC và một ở Thụy Điển thì không, Sean kết luận rằng những sinh viên được xếp loại theo thành tích cá nhân sẽ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển hơn là chỉ quan tâm đến bản thân họ. Tuy nhiên, những sinh viên được xếp loại dựa trên ĐCHC thường đọ sức với nhau để giành được điểm cao hơn trong lớp. Sean cũng cảm thấy rằng hệ thống ĐCHC sẽ là một trở ngại cho bất kỳ công cuộc cải cách giáo dục nào, và vì thế, nó nên bị loại bỏ.

Quan điểm của Sean đã được nhắc lại trong nhiều tài liệu học thuật vài thập kỷ qua, và kinh nghiệm của anh ấy với hệ thống chấm điểm ĐCHC được nhiều sinh viên chia sẻ, trong đó có những sinh viên kể trên. Một số tiết lộ rằng, do xu hướng nội tâm hóa “tâm lý hình chuông”, sinh viên  ngại giúp đỡ lẫn nhau khi coi nhau như đối thủ cạnh tranh hơn là bạn đồng học hoặc cộng tác viên. Trải nghiệm học tập tồi tệ này có thể ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của sinh viên, khiến họ cảm thấy bị áp lực phải trở thành “người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất” khi họ đấu tranh để được điểm A trong số những sinh viên có thể đạt điểm A.

Ngay trong những tình huống mà sinh viên thấy việc chấm điểm dựa trên ĐCHC công bằng, họ vẫn bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của nó đối với việc học. Những tác động đó có thể dẫn đến căng thẳng cao độ và các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan ở sinh viên không thể coi thường.

Tác động xấu đến sinh viên và giảng viên

Trải nghiệm giáo dục do hệ thống ĐCHC gây ra đi ngược lại với mục đích thực sự của giáo dục. Nhiều nhà giáo dục sẽ đồng ý rằng giáo dục đại học nên được thực hiện trong một môi trường khuyến khích niềm vui học tập, sự tích cực làm việc chăm chỉ, làm việc theo nhóm, hợp tác song song với phát triển cá nhân. Giáo dục đại học nên tạo điều kiện cho sinh viên tự hào chia sẻ những thành tựu cũng như quyết tâm của mình. Hơn nữa, cả giảng viên và sinh viên đều phải chịu đựng việc bị đánh giá hiệu suất theo một đường cong. Sự cống hiến và đổi mới mà các giảng viên cố gắng đem lại cho sinh viên không được ghi nhận.

Đường cong này cũng cào bằng tất cả mọi nỗ lực giảng dạy. Nó làm cho người ta nhìn nhận những giảng viên chỉ bỏ chút công sức cho việc dạy học ngang với những giảng viên đặt hết tâm huyết vào việc truyền cảm hứng đến sinh viên. Giảng viên có sinh viên điểm cao bị cho là dễ dãi thay vì được công nhận rằng có năng lực giúp sinh viên học tốt hơn. Cách đánh giá này cũng tước đoạt động lực học của sinh viên. Trong thực hành kiểm duyệt điểm, điểm của sinh viên thường bị giáo sư hoặc một số cơ quan có thẩm quyền trong trường đại học hạ xuống để phổ điểm về lại thành ĐCHC như mong muốn. Trong trường hợp đó, điểm số có thể phản ánh sai những gì sinh viên đã học được trong quá trình.

Những sinh viên nỗ lực học tập và cố gắng đạt được thành tích tốt nhất thường cảm thấy mất tinh thần trước cách làm không công bằng này vì họ cũng có thể là những người bị hạ điểm, trong khi một số người ‘may mắn’ “mà ai cũng biết là không xứng đáng” được cho điểm cao hơn, với cùng một quá trình. Khi sinh viên còn phải lo lắng về tính công bằng và những tác hại do hệ thống chấm điểm ĐCHC gây ra, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ có thiện cảm với những người đạt điểm A và ngược lại.

Đã đến lúc các tổ chức giáo dục đang sử dụng ĐCHC phải cải cách hệ thống chấm điểm để đảm bảo rằng sinh viên được đánh giá dựa trên thực lực, và tiềm năng của sinh viên không bị giới hạn tùy tiện như thế này.

Leave a comment