Toàn cầu hóa Giáo dục Đại học: Cái hay, Cái dở, Cái xấu

Nguồn: University World News, đăng ngày 15/05/2021

Tác giả: Simon Marginson

Biên dịch: Đinh Thị Thúy Hiền – Biên tập: Phan Trà Khúc

Toàn cầu hóa (xu hướng giao thoa và hội nhập ở quy mô toàn cầu) hiện là một xu hướng có nhiều tiềm năng lớn. Toàn cầu hóa mang đến những cơ hội hợp tác vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, điển hình như để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Sự giao thoa toàn cầu thúc đẩy sự kết hợp giữa các ý tưởng, kiến thức, chính phủ, và  thói quen xã hội khác nhau, dựa trên nền tảng thống nhất trong sự đa dạng. Không có quốc gia hay nền văn hóa nào có câu trả lời cho tất cả vấn đề. Do đó, lý tưởng nhất là chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhau. 

Trong thực tế, sự hội nhập toàn cầu diễn ra lại không quá hiệu quả, với những thuận lợi và thách thức nhất định. Khi “toàn cầu hóa” được định nghĩa đơn giản chỉ là sự hội nhập và giao thoa thì nó không mang nội hàm gì cả. Nhưng toàn cầu hóa trong thực tiễn thì mang nhiều nội hàm riêng. Nó bị tác động bởi các yếu tố quyền lực và chính trị. Do đó, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, bao gồm chính chúng ta, thường thực hiện việc toàn cầu hóa để phục vụ chính nhu cầu của mình. 

Giáo dục sau phổ thông sau năm 1990 đã chứng kiến đà tăng lên của việc giảng viên, sinh viên chuyển trường, sự ra đời của những chương trình và trường học liên kết xuyên biên giới, sự ra đời của những chương trình liên kết giữa các cơ sở giáo dục khác nhau, cũng như việc chia sẻ và lan tỏa những phương pháp áp dụng thực tiễn hiệu quả.

Giáo dục đại học đã chứng kiến sự ra đời, phát triển và đa dạng hóa của hệ thống liên kết khoa học toàn cầu, với khối kiến thức chung đang tăng lên với gần ba triệu công trình khoa học được công bố mỗi năm. 

Số lượng quốc gia có hệ thống nghiên cứu khoa học riêng đã tăng gấp đôi với 25% các công trình khoa học có sự tham gia của các nhóm nghiên cứu bao gồm thành viên từ các quốc gia khác nhau, so với con số 2% vào năm 1970. Hệ thống nghiên cứu khoa học toàn cầu được duy trì bởi sự hợp tác giữa những nhà khoa học, hoạt động vượt ra ngoài biên giới quốc gia và tạo ra các sản phẩm nghiên cứu quan trọng, mang giá trị toàn cầu, như chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19. Giáo dục đại học và kiến thức là một trong số những lĩnh vực mang tính toàn cầu cao nhất . 

Đó là mặt “tốt” của quá trình toàn cầu hóa. Chúng ta thể hiện mặt tốt này khi cộng đồng  những nhà nghiên cứu trên thế giới hợp tác với nhau. Nhưng đó không phải là tất cả mọi thứ đang diễn ra. 

Các quốc gia và trường đại học không nhận được sự tôn trọng như nhau. Chỉ một số kiến thức được đánh giá cao. Kiểu “Đại học hàng đầu thế giới” trong những bảng xếp hạng thể hiện nền văn hóa, hệ giá trị được đề cao cũng như lợi ích kinh tế không phải dành cho tất cả mọi người, mà chỉ là của một số ít những thành phần ưu tú trong vài quốc gia phát triển. Hiện tượng chảy máu chất xám phá hủy các hệ thống giáo dục mới nổi lên về sau. 

Sự toàn cầu hóa nổi lên sau năm 1990 trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học không phải là một không gian chung được hình thành dựa trên sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau, mà đó là một sự toàn cầu hóa do người Mỹ bá chủ dẫn dắt dựa trên nền tảng di sản Châu Âu. 

Do đó, tôi sẽ gọi hiện tượng toàn cầu hóa này là toàn cầu hóa của người Âu Mỹ. Nó đã thúc đẩy sự mở cửa toàn cầu về mặt tài chính nhưng không chào đón các khái niệm như quyền lực, văn hóa và sự công bằng. 

Sự toàn cầu hóa Âu Mỹ

Có ít nhất ba chỉ trích khác nhau về cách mà toàn cầu hóa Âu Mỹ đã thúc đẩy sự phân cấp và bất công toàn cầu. 

Chỉ trích đầu tiên tập trung vào chủ nghĩa tân tự do của toàn cầu hóa Âu Mỹ. Chủ nghĩa tân tự do đã kiểm soát quá trình toàn cầu hóa thành công, biến nó thành một công cụ hỗ trợ cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu. 

Những cuộc đối thoại của toàn cầu hóa tân tự do được lan rộng với những cuộc đàm thoại về thị trường hóa giáo dục đại học. Chúng ta biết rằng thị trường giáo dục đã gắn liền với hệ thống phân cấp và tạo ra những hệ quả bất công. Sự cạnh tranh mang lại cơ hội cho những cá nhân, trường đại học và những quốc gia đã có lợi thế từ trước. 

Chỉ trích thứ hai đối với toàn cầu hóa Âu Mỹ tập trung vào sự đồng hóa văn hóa và ngôn ngữ của nó. Những bảng xếp hạng của thế giới ưu tiên những trường đại học lớn, có hệ thống nghiên cứu toàn diện như Harvard. Những trường đại học dạy nghề, cao đẳng sư phạm và tất cả những mô hình khác đều bị hạ bậc.

Hệ thống nghiên cứu khoa học toàn cầu được định hình bởi nhà xuất bản chính, Scopus của Elsevier và Web of Science của Clarivate Analytics. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên của chỉ 5% dân số thế giới, nhưng 93% bài viết của Scopus và 95% bài nghiên cứu của Web of Science là bằng tiếng Anh. Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ toàn cầu. Không hề có cơ chế dịch tiêu chuẩn để dịch những công trình khoa học không viết bằng tiếng Anh sang tiếng Anh. 

Hầu hết các bài báo bằng tiếng Anh sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trong ngành khoa học xã hội cũng không được chấp nhận. Ngành khoa học xã hội được chấp nhận trên toàn cầu phản ánh những lý thuyết, ý tưởng và vấn đề của người Âu-Mỹ. Hầu hết những biên tập tạp chí đều đến từ Mỹ và Anh; do đó, các khái niệm, các phương pháp nghiên cứu khoa học được xem là chuẩn ở các quốc gia này lại được các trường đại học Anh Mỹ chiếm lĩnh những bảng xếp hạng toàn cầu tiếp tục phát huy, như kiểu họ tiếp tục tạo ra kiến thức mà họ đánh giá là đúng tiêu chuẩn.

Tất cả những kiến thức bản địa khác đều bị loại bỏ. Người Anh – Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa với tư tưởng rằng nền văn hóa của họ không chỉ tốt nhất, mà còn đầy đủ nhất, do đó, họ không cần và không tiếp nhận bất kỳ góc nhìn nào khác nữa.

Nhà xã hội học Boaventura de Sousa Santos gọi hiện tượng đó là “phủ nhận triệt để sự đồng hiện diện“, tiếp nối tư duy phong kiến. Nhà giáo dục học Sharon Stein nói rằng “mô hình hệ thống bá chủ không chỉ mang tính quốc gia và nhận thức luận, mà còn mang tính bản thể – họ chỉ chấp nhận một số kiểu mẫu tồn tại nhất định và loại trừ những kiểu mẫu khác.”

Chỉ trích thứ ba đối với toàn cầu hóa của người Âu – Mỹ là về vấn đề về quyền thượng đẳng của người da trắng. 

Trong tác phẩm “Da trắng là tương lai và toàn cầu hóa của giáo dục đại học” xuất bản tháng 4/2021, Riyad Shahjahan và Kirsten Edwards chỉ ra rằng da trắng thượng đẳng và văn hóa của họ là mô hình độc quyền của xã hội, cuộc sống, giáo dục đại học và toàn cầu hóa khiến điều này xuất hiện trên phạm vi thế giới, tập trung quyền lực vào người Anh-Mỹ, những người “trắng nhất trong những người trắng.”

Hệ tư tưởng “Da trắng là một tiêu chuẩn của sự hiểu biết và tồn tại” đã ưu tiên cho người da trắng trường học và tiêu chuẩn văn hóa của họ. Nó cũng định hướng môi trường xã hội và chính trị hướng đến lợi ích và bảo vệ cho cuộc sống của người da trắng. 

Tình trạng cấp bậc trong giáo dục đại học ngày nay gây hại cho nền kinh tế và văn hóa nếu chúng ta không đầu tư để đạt theo chuẩn của Anh Mỹ. Bằng cấp của hệ giáo dục Anh Mỹ đã được chấp nhận trên khắp thế giới, dù tương lai của sinh viên tốt nghiệp sẽ đảm bảo hơn nếu sinh viên đó thực sự là người da trắng. 

Sự bất công được định nghĩa là sự phân tầng xã hội. Người da trắng toàn cầu tạo ra bất công bằng cách đặt người da trắng lên trên những chủng tộc khác bằng hệ thống và tạo ra hệ thống cấp bậc về chủng tộc. Chủng tộc mang sức mạnh trong việc tạo ra  tình trạng bất công, độc quyền, kiểm soát trong giáo dục và kiến thức cũng như sự giàu có về mặt kinh tế tạo ra sự bất công về tầng lớp xã hội, ngôn ngữ và văn hóa. Như Shahjahan và Edwards chỉ ra: “Trong bối cảnh Phong kiến châu Âu, người da trắng và chủ nghĩa tư bản không thể bị tách rời.” 

Đó là toàn cầu hóa Âu Mỹ ở giáo dục đại học. Những chỉ trích là đúng nhưng đó có phải là tất cả chưa? Có phải là chúng ta đều sẽ chấp nhận rằng sự bất công rõ ràng không thể tránh được và chúng ta ai cũng cần phải bắt chước những người da trắng như Taylor Swift hay George Clooney? Dĩ nhiên là không rồi. Không có hệ thống quyền lực nào là vĩnh viễn. Thế giới đang thay đổi. Tương lai mở ra. Chúng ta có quyền của mình. 

Nguồn: Kent Hernandez cho Doha Debates

Những điều không thấy trước (The Unseen) 

Thế giới đang trở nên đa cực trong kinh tế chính trị và sự đa cực này đang tiến vào lĩnh vực giáo dục đại học nhưng chậm hơn. Trung Quốc có nền kinh tế ngang bằng sở hữu năng lực mua lớn nhất; Ấn Độ, Brazil và Indonesia đang lên và giao thương Trung – Ấn rồi sẽ vượt qua tất cả những quốc gia khác. Có một phân cực Tây – Nam mới đang hình thành giữa Tây Á và Châu Phi, Nam Á và Trung Á. 

Trung Quốc giờ đây là nơi sản xuất ra những công trình khoa học lớn nhất hàng năm ở Scopus. Ấn Độ đứng thứ ba. Hàn Quốc, Brazil, Iran, Nga, Indonesia và Malaysia đang mở rộng nhanh chóng. Trong hệ thống 25 quốc gia có nền khoa học phát triển nhất, một nửa là quốc gia có thu nhập trung bình thấp so với thế giới. Một vài nước có thu nhập thấp. Khoa học thuộc về số đông.

Mỹ vẫn là thánh địa của khoa học, là nguồn gốc của rất nhiều kiến thức quan trọng nhất (và đó cũng là nơi đóng cửa văn hóa nhiều nhất), có hệ thống y học và khoa học cuộc sống mạnh mẽ nhất. 

Nhưng trong khoa học vật lý, kỹ thuật và đặt biệt là toán và máy tính, những trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc và Singapore đều ở mức độ ngang với Mỹ. Đại học Thanh Hoa vượt qua MIT để trở thành trường đại học có số công trình khoa học được trích dẫn nhiều nhất. Vẫn là nội dung về khoa học Anh – Mỹ, nhưng kết quả sản xuất bị phân tán tạo điều kiện thuận lợi hơn cho văn hóa toàn cầu dành cho đa số trong tương lai. 

Tương lai sẽ không lặp lại quá khứ, sự chiếm lĩnh và hệ tư tưởng cao về thị trường của Âu – Mỹ cũng vậy, họ đang dần phai nhạt. Chúng ta không hề biết tương lai. Những nhà khoa học xã hội cho rằng chúng ta có thể biết tương lai có gì, rằng chúng ta có thể khiến mọi người an toàn với một tương lai có thể kiểm soát được. Nhưng chúng ta không hề biết và không thể biết tương lai sẽ như thế nào.

Là những người thuộc tầng lớp trí thức, nhiệm vụ của chúng ta là nhìn ra những gì không thể nhìn thấy được, bởi những mối quan hệ xã hội không thể được quan sát toàn bộ bằng kinh nghiệm mà phải được giả định bởi sự thật không chỉ là thực tiễn mà còn là khả năng. Tương lai được tạo nên bởi quá khứ, nhưng nó không thể sao chép quá khứ được. Việc dự đoán sẽ có sai số bởi những thứ không trông đợi có thể xảy đến ngẫu nhiên và bởi sự tác động của con người, bởi những gì mà chúng ta làm. 

Điều này không hẳn là xấu. Những gì không lường trước được mở ra khả năng thay đổi, và nhiều không gian cho cá nhân hành động. Ở một mức độ nào đó, điều này là đúng. Rất khó để thay đổi hệ thống giai cấp, hay chế độ tư bản, quân đội, nhiên liệu hoá thạch, nền công nghiệp, hay tình trạng phân biệt chủng tộc. Chúng ta chỉ có thể sẵn sàng thay đổi chính bản thân mình mà thôi. Chúng ta có thể tu thân theo Nho giáo, chúng ta có thể thay đổi hiểu biết của mình, khả năng và cả mối quan hệ xã hội của bản thân. Michel Foucault đã nói rằng bản thân là chủ thể duy nhất mà chúng ta có thể tự do quyết định “mà không phải xem xét những yếu tố xung quanh”. Khi có thay đổi lớn và ngoài mong đợi xảy ra, cấu trúc quyền lực sẽ bị đứt gãy và tiềm năng xã hội mới bắt đầu được xem xét. 

Đây là những gì đã xảy ra với chủ nghĩa phi thực dân và Black Lives Matter (BLM – Mạng sống của người da đen cũng đáng giá). Sự phát triển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran và những quốc gia độc lập đã làm gián đoạn quyền lãnh đạo thế giới và da trắng thượng đẳng Anh-Mỹ 200 năm tuổi. Những tuyên bố chủ nghĩa phổ quát về nền văn hóa thống trị đã bị rạn nứt.

Không phải là ngẫu nhiên mà BLM bùng nổ khắp nơi trong cuộc sống. Trong những năm 1960, Martin Luther King biết rằng cuộc kháng chiến của Việt Nam với Mỹ đã mở ra một cơ hội lớn về quyền công dân. “Toàn cầu hóa” giúp những sự kiện xa xôi được kết nối mang tính nhân quả, mở ra những khả năng mới trên toàn thế giới. 

Tiến đến một thế giới giáo dục đại học công bằng hơn

Sẽ có những sự thay đổi lớn hơn trong giáo dục đại học toàn cầu và công tác nghiên cứu trong tương lai. Điều gì sẽ thay đổi, thay đổi đó là của ai phụ thuộc một phần vào chúng ta. Việc này đầy thử thách, nhưng tôi có thể thấy được ba điều kiện mang tính chiến thuật có thể tạo ra một thế giới giáo dục đại học công bằng hơn.

Đầu tiên, chúng ta có thể dứt khoát hơn trong việc nâng cao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và quyền tự do tuyệt đối trong phản biện khoa học. Thứ hai, chúng ta có thể định nghĩa lại những kiến thức nào được chấp nhận trên toàn cầu (đưa ra định nghĩa mở hơn), không bãi bỏ hay làm suy yếu nền khoa học đa văn hóa, thay vào đó, chúng ta phải loại bỏ thế độc tôn của nền văn hóa cụ thể nào đó và thêm vào những kiến thức của các nền văn hóa mà trước đây bị lãng quên hay bị gạt bỏ. Thứ ba, chúng ta phải hiểu biết toàn diện hơn về khả năng tự hoàn thiện của bản thân. Chúng ta phải cho bản thân mình và những người khác cơ hội để thay đổi và phát triển. 

Điều này có nghĩa là chúng ta cần hoài nghi về chính sách độc tôn (như da trắng thượng đẳng) và ngừng việc dán nhãn lên người khác. Đó chính sự khiêm tốn đầy trí tuệ, sự học hỏi và tôn trọng lẫn nhau và thể hiện tư duy mở.  

Leave a comment