Vì sao câu chuyện của người Mỹ gốc Á lại vắng bóng trong nhiều lớp học ở Mỹ?

Nguồn: TIME, ngày đăng: 30/3/2021

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Nguyên Lê

Tác giả: Olivia B. Waxman

Vào buổi sáng ngày 17 tháng 3, Liz Kleinrock dự định nghỉ việc. Vụ xả súng tại ba tiệm spa ở khu vực Atlanta xảy ra vào đêm hôm trước, khiến tám người chết, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á, và Kleinrock, một giáo viên 33 tuổi ở Washington, DC, người Mỹ gốc Á, cảm thấy tin tức này thật sự nặng nề.

Nhưng thay vì từ bỏ công việc, Kleinrock đã chọn cách thay đổi giáo án của mình. Kleinrock đã giới thiệu cho các học sinh lớp sáu của mình qua Zoom những bài thơ được viết bởi những tù nhân gốc Nhật Bản bị giam giữ trong Thế chiến thứ hai. Bài học của cô bao gồm bài thơ Lời thỉnh cầu của tôi – My plea, được in vào năm 1945 bởi một người trẻ tên là Mary Matsuzawa, bị giam giữ tại Trung tâm Tái định cư Sông Gila ở Arizona. Kleinrock nói với TIME qua điện thoại: “Tôi cảm thấy có rất nhiều người lớn tuổi châu Á trở thành mục tiêu bởi định kiến về sự hiền lành, ít nói, không lên tiếng và không nói ra bất cứ điều gì của họ. Chính vì điều này đã khiến cho họ dễ trở thành mục tiêu bị nhắm đến.” “Và vì vậy điều quan trọng là phải đánh tiếng và thu hút sự chú ý của mọi người về quan điểm này. Giáo dục rất quan trọng. Nếu chúng ta không biết về lịch sử của mình, thì chúng ta rồi sẽ đi lại vết xe đổ mà thôi.”

Kleinrock không phải là nhà giáo dục duy nhất muốn lấp đầy khoảng trống về nhận thức đó một cách nhanh chóng. Vào ngày 19 tháng 3, Katie Li, 37 tuổi, điều phối viên Nghiên cứu Dân tộc của Trường Công lập Boston, mô tả một “cơn hoảng loạn” trong giới quan chức khi cố gắng đưa ra các tuyên bố và cung cấp các phương kế sau vụ xả súng nhưng lại không thể hiểu được điều gì đã xảy ra ở chính khu vực Atlanta.

“Những người nắm quyền đang cố gắng giải quyết vấn đề này ngay bây giờ, nhưng thực sự, họ không biết phải giải thích về nó như thế nào,” Li nói với TIME. “Nhiều người nói rằng, ‘Năm vừa qua quả là một khoảng thời gian khó khăn đối với người châu Á.” Nếu mọi người thực sự hiểu về lịch sử của người Mỹ gốc Á, họ sẽ không thiển cận trong việc đưa những tuyên bố kiểu như thế. Vụ nổ súng đã khuếch đại hàng trăm năm lịch sử về loại trừ, xóa sổ và vô hình.” Đối với nhiều người, vụ xả súng trong tiệm spa ở khu vực Atlanta cho thấy đỉnh điểm tàn nhẫn của một năm mà bạo lực chống người châu Á gia tăng trên khắp nước Mỹ . Nhưng những sự kiện của năm nay cũng là một phần của lịch sử bắt đầu từ rất lâu, trước cả năm 2020. Và trên thực tế, các nhà giáo dục và sử gia đã chia sẻ với TIME rằng, phân biệt chủng tộc chống người châu Á có liên quan trực tiếp đến lịch sử và cách các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Á và quần đảo Thái Bình Dương (AAPI) được mô tả trong các bài học lịch sử Hoa Kỳ: họ bị xem như những người nước ngoài hoặc là các mối đe dọa an ninh quốc gia và bị cho là chống lại những người đã sống và làm việc ở Mỹ cũng như đòi hỏi nước Mỹ đáp ứng lý tưởng bình đẳng cho tất cả mọi người.

Có hơn 22 triệu người Mỹ gốc Á (khoảng 6% dân số Hoa Kỳ), đại diện cho gần 50 nhóm dân tộc và nói hơn 100 ngôn ngữ , và là chủng tộc phát triển nhanh nhất trong số các cử tri Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rất ít câu chuyện của họ được giảng dạy trong các trường K-12 ở Mỹ. Vì các sự kiện diễn ra trong những năm gần đây — từ phong trào “Black Lives Matter” đến những tuyên bố phân biệt chủng tộc của cựu Tổng thống Trump — đã truyền cảm hứng cho các nhà giáo dục và nhà hoạt động kêu gọi việc giảng dạy về lịch sử của các nhóm yếu thế ở Mỹ nhiều hơn.

Nguồn ảnh: Getty Images

Lịch sử người Mỹ gốc Á không được giảng dạy là gì?

Hoa Kỳ không có chương trình giảng dạy tiêu chuẩn quốc gia nào yêu cầu giảng dạy một loại lịch sử cụ thể, chứ chưa nói gì đến lịch sử người Mỹ gốc Á. Các tiêu chuẩn nghiên cứu xã hội của từng bang, vốn ảnh hưởng đến những gì sẽ được đưa vào các bài kiểm tra và sách giáo khoa tiêu chuẩn, chỉ đề cập sơ sài đến lịch sử người Mỹ gốc Á. Mặc dù không có cơ sở dữ liệu trung ương về lịch sử người Mỹ gốc Á xuất hiện như thế nào, nhưng các chương trình giảng dạy có xu hướng tập trung vào một số mốc quan trọng, bao gồm người Trung Quốc nhập cư vào giữa thế kỷ 19, vai trò của người lao động Trung Quốc trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa, Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882 , và việc giam giữ gần 120.000 người gốc Nhật – bao gồm cả công dân Mỹ – trong Thế chiến thứ hai. Nhưng những khoảnh khắc đó hầu như không nói lên toàn bộ câu chuyện cũng như trải nghiệm của người Mỹ gốc Á.

Một phiên bản đầy đủ hơn về lịch sử của người gốc Á bao gồm cái nhìn sâu hơn về sự phân biệt đối xử chống người châu Á và các bài học về bạo lực của đám đông mà người nhập cư từ các nước này phải đối mặt. Lịch sử này cũng bao gồm các cột mốc quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ được tạo ra bởi những người gốc Á, từ vai trò của nhà lãnh đạo lao động Larry Itliong trong việc tổ chức cuộc đình công Delano Grape Strike đến việc Patsy Mink trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ. Và lịch sử này cũng sẽ vượt ra ngoài ranh giới của Hoa Kỳ. Với suy nghĩ đó, vào ngày 19 tháng 3, Moé Yonamine, 43 tuổi, giáo viên dạy xã hội học trung học ở Portland, Ore. — người dạy chương trình 5 phút – five minutes từ nơi giam giữ 3.676 người Mỹ gốc Nhật trước khi được đưa đi đến các trại giam – nhắc nhở các sinh viên của mình rằng lịch sử người Mỹ gốc Á không thể được hiểu đầy đủ nếu không xem xét những hậu quả hành động của Hoa Kỳ tại nước ngoài và những hành động đó đã tạo nên hoàn cảnh khiến người dân chạy trốn khỏi các nước châu Á như thế nào. Yonamine cho biết, cô sẽ dành kỳ nghỉ xuân của mình để soạn một giáo án về những nhà làm lịch sử người Mỹ gốc Á mà mọi người cần biết

 “Cảm giác như, trong khi tôi đang đau buồn, tôi cần phải dạy những thứ mà chúng tôi không có đủ chương trình giảng dạy.” Yonamine nói.

Sohyun An, giáo sư ngành giáo dục tiểu học và mầm non tại Đại học Bang Kennesaw của Georgia, người đã nghiên cứu lịch sử người Mỹ gốc Á được thể hiện như thế nào trong các tiêu chuẩn nghiên cứu xã hội của bang trên toàn quốc, hiện sống cách các tiệm spa bị tấn công khoảng 20 phút. Cô lo lắng rằng nếu sinh viên chỉ tìm hiểu về lịch sử người Mỹ gốc Á như một câu chuyện nhập cư, họ có thể không nhận ra cộng đồng này đã thực sự ở đây bao lâu. Và, An nói, sự thiếu hiểu biết có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Người châu Á đã từng là một phần của Hoa Kỳ trước khi nhiều người nhập cư châu Âu da trắng đến Đảo Ellis,” An nói với TIME. “Những đứa trẻ lớn lên ở Georgia và nghĩ rằng người châu Á đều là người nước ngoài, và khi những người này trở thành ‘kẻ thù’ đối với cuộc khủng hoảng quốc gia như COVID-19, ‘kẻ thù quân sự’ và ‘đối thủ cạnh tranh kinh tế như Trung Quốc hay Nhật Bản’, tất cả là hậu quả của việc các trường đã dạy rằng người Châu Á là một phần của Châu Mỹ … Chương trình giảng dạy không phải là vấn đề tranh luận học thuật. Nguy hiểm là có thật ”.

“Họ không muốn nói về chủng tộc”

Các tiêu chuẩn nghiên cứu xã hội của bang Georgia đối với kiến thức mà những học sinh lớp 5 phải biết, đề cập đến sự xâm lược của Nhật Bản ở châu Á và các cuộc tấn công Trân Châu Cảng, nhưng lại không nhắc đến sự việc giam giữ những người Mỹ gốc Nhật ở Mỹ. Một trong những học sinh của An, Lisa Chu, 29 tuổi, một giáo viên lớp 5 ở ngoại ô Atlanta, nói rằng cô đã yêu cầu học sinh của mình trong năm ngoái xem xét lý do tại sao lại như vậy.

Chu nói: “Họ thấy rằng chúng tôi không cần học điều này bởi vì chúng tôi không nghĩ rằng nó đủ quan trọng để học, hoặc nó chỉ khiến Mỹ rơi vào tình trạng tồi tệ,” và vì vậy “tốt hơn là nên nói về các quốc gia khác và những việc làm sai trái của họ hơn giảng dạy kiến thúc phản ánh những sai lầm trong quá khứ của chính chúng ta.”

Các học giả đồng ý rằng một trong những lý do khiến lịch sử đầy đủ về người Mỹ gốc Á không được đưa vào chương trình giảng dạy Lịch sử Hoa Kỳ chính thống trong các trường K-12 là vì nó không lột tả nước Mỹ theo một cách tích cực.

“Các văn bản lịch sử Hoa Kỳ K-12 củng cố câu chuyện rằng, những người nhập cư và tị nạn Châu Á may mắn được Hoa Kỳ ‘giúp đỡ’ và ‘cứu rỗi’,” Jean Wu, người đã giảng dạy môn Nghiên cứu người Mỹ gốc Á trong hơn 50 năm và là giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Tufts, cho biết trong một email tới TIME. “Câu chuyện không bắt đầu bằng các cuộc chiến tranh của đế quốc Hoa Kỳ được tiến hành để lấy đi của cải và tài nguyên của châu Á và kết quả bạo lực liên quan đến cuộc sống của người châu Á. Ít ai nhận ra rằng có một cộng đồng người gốc Á ở đây bởi vì Mỹ đã đến châu Á trước tiên.”

Đôi khi, các sự kiện lớn trên thế giới có thể dẫn đến việc giảng dạy về Nghiên cứu Dân tộc nhiều hơn — nhưng điều đó không xảy ra với lịch sử của người Mỹ gốc Á. Wu nói: “Việc chú ý đến giảng dạy lịch sử và thực tế của các nhóm dân tộc bị gạt ra ngoài lề xã hội thường mang tính phản động thay vì chủ động trong giáo dục K-12 của Hoa Kỳ. “Những khoảnh khắc lịch sử như vụ sát hại Vincent Chin , Phong trào Redress của người Mỹ gốc Nhật , sự tàn phá của phố Hàn , sự kiện ngày 11/9 và việc nhắm vào người Mỹ gốc Nam Á không gây hứng thú cho AAPI và việc đánh giá lại chương trình học ở K-12.”

Muốn thay đổi thực tại này, có lẽ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chẳng hạn, Noreen Naseem Rodríguez, Trợ lý Giáo sư về Nghiên cứu Xã hội Tiểu học tại Đại học Bang Iowa, nói rằng nhiều ứng viên giảng dạy mà cô giám sát chưa hề tiếp xúc với nhiều quan điểm lịch sử và cô tương đối do dự khi hướng dẫn họ. Trong năm học 2017-2018, khoảng 80% giáo viên trường công lập là người da trắng, so với 2% là người châu Á. Rodríguez nói thêm: “Tôi thấy điều này thực sự kinh hoàng, rằng họ sẽ nói hoặc làm điều gì đó khiến cha mẹ buồn và kết thúc sự nghiệp của họ, vì vậy họ không muốn nói về chủng tộc,”. “Họ muốn những cuốn sách có các nhân vật đa dạng, nhưng họ không thực sự muốn nói về sự phân biệt chủng tộc hoặc định kiến, trừ khi nó được thể hiện qua một bối cảnh được đơn giản hóa: nạn bắt nạt. Vì vậy, các giáo viên cố gắng nhấn mạnh các khái niệm tốt đẹp hoặc tử tế hơn là chống phân biệt chủng tộc, đó là lý do tại sao xã hội, hoặc đặc biệt là các nhà giáo dục K-12 chưa sẵn sàng đi sâu vào các chủ đề này bởi vì có lẽ bản thân họ chưa thực hiện được việc học kiểu như thế”.

Con đường phía trước

Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy mọi người có thể sẵn sàng học hỏi như sự gia tăng người Mỹ gốc Á trong Quốc hội, ở Hollywood, trong các tòa soạn và giáo viên K-12. Tất cả đều là chìa khóa để nâng cao nhận thức về việc vắng bóng lịch sử người Mỹ gốc Á. Nhà sử học và tác giả Erika Lee nói với TIME: “Câu hỏi thực sự bây giờ là liệu sự thất vọng vì thiếu nguồn lực có được chuyển thành sự thay đổi có ý nghĩa mang tính hệ thống trong việc xem xét lại các chương trình Lịch sử Hoa Kỳ hay không.

Các nhà xuất bản và tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục hàng đầu như Dự án Giáo dục Zinn , trường học vì Công lý – learning for justicetrường học xét lại tư duy – rethink school từ lâu đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách xuất bản các bài báo và giáo án về các nhà lịch sử và cột mốc của người Mỹ gốc Á và chuyển thể tác phẩm của các nhà sử học cho độc giả trẻ . Và tổ chức Đối diện Lịch sử – Facing History Organization nói với TIME rằng họ đang nghiên cứu một chương trình giảng dạy mới về lịch sử Người dân các đảo Châu Á Thái Bình Dương và Người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có các tổ chức người Mỹ gốc Á còn cung cấp các nguồn thông tin, chẳng hạn như trang web giáo dục của Trung tâm người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương Smithsonian. Một tài nguyên mới dành cho giáo viên ra mắt vào năm 2020 là kế hoạch học tập dành cho K-12 của Hiệp hội phát huy công lý người Mỹ gốc Á, và tổ chức đang tìm cách tổ chức các hội thảo phát triển chuyên môn cho giáo viên.

Tuy nhiên, không có một công cụ tổng hợp chung các nguồn tư liệu sẵn có về chủ đề này dành cho các giáo viên Hoa Kỳ. Nếu các nhà giáo dục muốn dạy môn lịch sử này, họ thường phải tìm kiếm thông tin, trang web và các hội thảo chuyên môn để tham dự. Karen Korematsu, con gái của Fred Korematsu và là Giám đốc Điều hành của Viện Fred T. Korematsu – cơ quan nhằm thúc đẩy giáo dục về việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật , nói: “Đây thực sự là một vấn đề với giáo dục, bởi vì thực sự không ai muốn bỏ tiền vào nó.”

Liên quan đến nỗ lực về mặt chính sách, dự luật của bang Connecticut với mục tiêu đưa lịch sử người Mỹ gốc Á vào chương trình giảng dạy kiểu mẫu cho các trường công lập và dự luật của Hạ viện Illinois nhằm yêu cầu một đơn vị lịch sử người Mỹ gốc Á trong các trường tiểu học và trung học. Vào ngày 18 tháng 3, Ủy ban Giáo dục Bang California đã phê duyệt Chương trình giảng dạy Mô hình Nghiên cứu Dân tộc dài khoảng 900 trang bao gồm khoảng một chục bài học AAPI. Chương trình giảng dạy không bắt buộc, nhưng là tài liệu tham khảo cho các học khu – school districts; Karen Korematsu đã tham gia vào nỗ lực để có thể có thêm nhiều chủ đề AAPI hơn.

“Hiện tại, chúng tôi nhận thấy rất nhiều sự quan tâm và hưởng ứng đối với việc tìm hiểu về lịch sử người Mỹ gốc Á, phụ nữ Mỹ gốc Á và lịch sử chống phân biệt chủng tộc châu Á.”, Lee chia sẻ, “Ngay bây giờ là một cơ hội để đẩy mạnh hơn sự ảnh hưởng, đòi hỏi có sự tính toán lớn hơn để chỉ rõ tác động của việc thiếu vắng các bài học lịch sử lên đất nước và cộng đồng của chúng ta. Đây là một khoảnh khắc, một cơ hội, khi mà chúng ta có thể thấy không chỉ là mối quan tâm trong tuần này và tuần tới, mà còn là một cam kết mới và các nguồn lực và thể chế sẽ duy trì nó trong nhiều năm tới. ”

Leave a comment