Dòng lưu chuyển du học sinh quốc tế sau thời kỳ COVID-19

Nguồn: University World News, đăng ngày 22/11/2021

Tác giả: Jan Kercher

Biên dịch: Giao Bui – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Ảnh: Move Hub

Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (The United States Institute of International Education – IIE) vừa công bố chỉ số báo cáo về lượng du học sinh đăng ký theo học các trường đại học ở Mỹ trong giai đoạn 2020-2021. Với thông tin mới này, chúng ta nay đã có số liệu liên quan của bốn quốc gia có lượng du học sinh theo học lớn nhất thế giới (gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Úc và Đức) và nó cho phép thực hiện những đánh giá đầu tiên về tác động của đại dịch đối với dòng lưu chuyển du học sinh quốc tế. 

Vậy chúng ta có thể rút ra kết luận chung gì? Và những tác động riêng cho từng quốc gia nào đang dần xuất hiện?

Tác động xuyên quốc gia 

Điều đầu tiên, du học tín chỉ bị ảnh hưởng nặng nề hơn du học lấy bằng. Số lượng sinh viên đi du học trong một kỳ hoặc chọn thực tập ở nước ngoài để xét tốt nghiệp ở nước họ đã sụt giảm đáng kể. Tỷ lệ sụt giảm trong nhóm này là lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ sụt giảm sinh viên chọn theo học chương trình lấy bằng toàn thời gian. Điều này cũng không gây quá nhiều ngạc nhiên: quyết định theo học chỉ một kỳ hoặc thực tập ở nước ngoài sẽ dễ dàng bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn hơn so với việc du học thạc sĩ, vốn thường đã được lên kế hoạch rất lâu từ trước. 

Thêm vào đó, việc học trực tuyến từ xa, hình thức mà nhiều trường đại học đã áp dụng  cho sinh viên quốc tế như một lựa chọn trong đại dịch COVID-19, có thể được sinh viên chấp nhận là bước khởi đầu cho một khoảng thời gian du học dài hạn của mình. Nhưng đối với nhiều sinh viên, một học kỳ hoặc kỳ thực tập trực tuyến ở nước ngoài dường như không phải là thay thế đủ hấp dẫn cho việc học trực tiếp tại trường lớp trong nước. 

Thứ hai, các chương trình cấp bằng cử nhân bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế liên quan đến đại dịch nhiều hơn so với các chương trình cấp bằng thạc sĩ. Có nhiều lý do khả dĩ cho xu hướng này. 

Có khả năng là một tỷ lệ lớn sinh viên quốc tế bắt đầu theo học chương trình thạc sĩ trong năm học 2020-21 đã ở nước sở tại trước đó, chẳng hạn, để hoàn thành chương trình cử nhân. Như vậy là họ sẽ không phải đối mặt với các rào cản nhập cảnh. 

COVID-19 rất có thể đã tạo động lực cho nhiều người tiếp tục theo học sau cử nhân để lấy bằng thạc sĩ ở cùng một quốc gia. Suy cho cùng thì, việc tìm việc giữa bối cảnh đại dịch chắc chắn không phải là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho hầu hết các sinh viên mới tốt nghiệp. 

Và, tùy từng sinh viên, việc hồi hương cũng đi kèm với các mức độ rủi ro sức khỏe khác nhau; hoặc, trong một số trường hợp, họ không thể trở về vì các hạn chế xuất nhập cảnh nghiêm ngặt trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên, đây cũng là điểm có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tùy thuộc vào quốc gia quê nhà và quốc gia sở tại của sinh viên, đại dịch có những tác động rất khác nhau đến dòng lưu chuyển của du học sinh. 

Một mặt, sự khác nhau này xuất phát từ các hạn chế đi lại khác nhau. Ví dụ, Úc đã phản ứng với đại dịch bằng một lệnh cấm nhập cảnh rất nghiêm ngặt và dài hạn (ngay cả với chính công dân của họ). Ở chiều ngược lại, ví dụ, Đức chỉ có lệnh cấm nhập cảnh trong một khoảng thời gian rất ngắn vào năm 2020 và nhanh chóng ban hành các giấy phép đặc biệt cho nhiều nhóm người khác nhau, ví dụ như sinh viên và nhà nghiên cứu nhập cảnh kể từ sau tháng 6 cùng năm. 

Hoàn cảnh đại dịch tại quê nhà có lẽ đã là yếu tố tiên quyết để một sinh viên quyết định có đi du học hay không. Chẳng hạn, đây có thể là lý do tại sao số lượng sinh viên năm thứ nhất đến từ Ấn Độ giảm ít hơn nhiều so với số lượng đến từ Trung Quốc trong học kỳ mùa đông 2020-21 ở Đức. 

Các thay đổi ở bốn nước có lượng du học sinh lớn nhất 

Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào lưu lượng du học sinh quốc tế theo học tại Mỹ. Theo số liệu mới công bố của IIE, tổng số sinh viên quốc tế trong năm học 2020-21 đã giảm 15% so với năm trước.

Tác động của đại dịch thậm chí còn rõ ràng hơn khi nhìn cụ thể vào số lượng các sinh viên quốc tế mới nhập học, danh mục có mức giảm là 46%. Cũng trong danh mục này, một điểm đáng lưu ý là số lượng du học sinh diện tín chỉ giảm mạnh (-64%), trong khi mức giảm của số lượng sinh viên theo học diện lấy bằng nhỏ hơn rất nhiều (-13%).

Chúng ta chưa thể so sánh được mức tác động đối với bậc cử nhân và thạc sĩ ở Mỹ do IIE không công bố các số liệu riêng cho bậc thạc sĩ. Tuy nhiên, bậc học đại học cũng chịu tác động nhiều hơn (-14%) một chút so với bậc học sau đại học (-12%).

Ở Vương quốc Anh, Cơ Quan Thống Kê Đại Học (Higher Education Statistics Agency) của nước này chưa công bố chính thức số liệu du học sinh theo học tại các trường đại học Anh Quốc. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân tích dựa trên số liệu được Cơ Quan Tuyển Sinh Đại Học và Cao Đẳng Anh Quốc thống kê, trong đó ghi nhận số liệu sinh viên mới nhập học các chương trình cấp bằng cử nhân tại nước này.

Nghiên cứu các số liệu kể trên cho ra một phát hiện đáng ngạc nhiên, đó là không có tác động tiêu cực của đại dịch đối với số lượng sinh viên quốc tế được nhận vào năm 2020 so với năm trước đó. Ngược lại, số lượng sinh viên quốc tế theo học cử nhân thực tế lại tăng khoảng 11%. 

Trên cơ sở này, có thể dự đoán rằng tổng số sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh cũng sẽ tăng vào năm 2020, đặc biệt là do số lượng du học sinh mới nhập học bậc thạc sĩ rất có thể còn tăng nhiều hơn số lượng sinh viên theo học cử nhân. 

Giống như Mỹ, Úc chứng kiến ​​sự sụt giảm trong tổng số sinh viên quốc tế vào năm 2020, khoảng 5% so với năm 2019. Đối với số lượng sinh viên mới nhập học, mức giảm vào năm 2020 là 23%. 

Mức độ giảm ở Úc chỉ dừng ở mức nêu trên, bất chấp lệnh cấm nhập cảnh gắt gao, có lẽ là do lệnh này chưa được áp dụng trước ngày 20 tháng 3 năm 2020, và một phần lớn sinh viên quốc tế mới nhập học trong năm đó đã nhập cảnh vào Úc. 

Cuối cùng là Đức, nước duy nhất không có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh trong bốn nước. Tổng số sinh viên quốc tế tăng khoảng 2% trong học kỳ mùa đông 2020-21 so với năm trước, trong khi số sinh viên quốc tế mới nhập học ít hơn khoảng 22% so với năm trước (học kỳ mùa hè 2020 cộng với học kỳ mùa đông 2020-21). 

Tỷ lệ giảm số lượng đăng ký ở Đức chủ yếu là do có sự suy giảm lớn ở danh mục du học tín chỉ: số sinh viên diện tham quan và trao đổi (chủ yếu thông qua chương trình Erasmus+ của Liên minh Châu Âu) đến Đức trong học kỳ mùa hè năm 2020 giảm 54%. Hiện chưa có dữ liệu chi tiết tương tự cho học kỳ mùa đông 2020-21. 

Tuy nhiên, sự suy giảm ở mục du học tín chỉ này hầu như không ảnh hưởng đến tổng số sinh viên quốc tế trong học kỳ tiếp theo, bởi vì phần lớn sinh viên thôi học sau học kỳ đầu tiên vốn cũng định ở lại Đức chỉ một học kỳ. 

Ngoài ra, sinh viên quốc tế đến tham quan và trao đổi chỉ chiếm khoảng 8% tổng số sinh viên quốc tế tại Đức. Do số lượng sinh viên quốc tế học lấy bằng mới nhập học không giảm mạnh như số lượng sinh viên tham quan và trao đổi, nên không có ảnh hưởng lâu dài và đáng chú ý đến tổng số sinh viên ở Đức. 

Ở đây, một trong những xu hướng được chỉ ra trong phân tích về tác động xuyên quốc gia ở trên cũng xuất hiện: có thể nhiều sinh viên chính quy đã chọn theo học thạc sĩ ngay sau khi nhận bằng cử nhân vì đại dịch, bất chấp kế hoạch ban đầu của họ. 

Đối với những sinh viên khác, những thách thức trong việc thành thạo các khóa học qua nền tảng kỹ thuật số có lẽ đã khiến trì hoãn việc tốt nghiệp của họ – chỉ số về các sinh viên này cũng được tính đến trong hệ thống và trong số liệu thống kê lâu hơn bình thường. Vì vậy, so với ‘năm bình thường’, số lượng sinh viên quốc tế chấm dứt việc học ít hơn đáng kể – và do đó đã bù đắp cho sự sụt giảm số lượng đăng ký mới. 

Triển vọng cho tương lai 

Vương quốc Anh là một ngoại lệ đáng chú ý trong số bốn quốc gia sở tại lớn dành cho sinh viên quốc tế. Các trường đại học của Anh đã thể hiện mức độ cam kết đặc biệt trong việc thu hút sinh viên quốc tế tiềm năng, đôi khi thậm chí còn tổ chức các chuyến bay thuê trọn gói để đón sinh viên từ các quốc gia chủ chốt. 

Điều này đã đạt được một số thành công: thay vì chứng kiến sự sụt giảm, Vương quốc Anh trên thực tế đã thu hút được nhiều sinh viên quốc tế hơn vào năm đại dịch đầu tiên 2020. Có lẽ thực tế rằng nhiều sinh viên quốc tế tiềm năng coi Vương quốc Anh là lựa chọn thay thế đầu tiên (và thậm chí phần nào rẻ hơn) sau Mỹ cũng có những tác động nhất định. 

Các cuộc khảo sát quốc tế cho thấy rằng những thành công bước đầu của chiến dịch tiêm chủng của Vương quốc Anh và văn hóa tương đối cởi mở và chào đón có tiếng của nước này đã khiến nhiều sinh viên quốc tế cân nhắc chuyển lựa chọn của họ khỏi Mỹ và hướng tới Vương quốc Anh. 

Đức xếp hạng ở giữa Mỹ và Vương quốc Anh, và, cũng như ở Mỹ, có sự sụt giảm đáng kể về số lượng tân sinh viên, nhưng tuy vậy lại chứng kiến sự gia tăng nhẹ trong tổng số sinh viên quốc tế. 

Vậy diễn biến tiếp theo sẽ là gì? 

Đối với Mỹ, xu hướng đảo ngược đang diễn ra vào năm 2021. IIE đã khảo sát hơn 860 cơ sở giáo dục đại học của Mỹ và báo cáo mức tăng 68% số lượng sinh viên quốc tế mới nhập học trong năm học 2021-22. Theo cuộc khảo sát, tổng số sinh viên quốc tế được cho là đã tăng tới 4%. 

Tại Vương quốc Anh, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký vào năm 2021 dường như đã giảm nhẹ so với năm trước, cụ thể là 4%. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là tác động của đại dịch mà là do hậu quả của Brexit: số lượng người nộp đơn từ các nước EU giảm khoảng 4%, trong khi số đơn từ các nước ngoài EU tăng khoảng 16%. 

Ở Úc, trái ngược với Mỹ, vẫn chưa có dấu hiệu đảo ngược xu hướng. Ngược lại, theo số liệu mới nhất, sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế đăng ký mới vào năm 2021 thậm chí còn lớn hơn năm trước, vào khoảng 31% và điều tương tự cũng đúng cho sự sụt giảm trong tổng số sinh viên quốc tế (giảm 16%). 

Tại Đức, hiệp hội Hỗ trợ trường đại học (Uni-assist), thường hỗ trợ khoảng một nửa số trường xử lý đơn đăng ký từ nước ngoài, đã báo cáo một số lượng sinh viên quốc tế tương đương với học kỳ mùa đông năm trước. Vì vậy, dù chưa có sự đảo ngược xu hướng nào, nhưng cũng không có dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm thêm.

Nếu những xu hướng này không thay đổi, Đức có thể thay thế Úc trở thành quốc gia đích đến quan trọng thứ ba đối với sinh viên quốc tế vào đầu năm tới.

 _______________________________

Tiến sĩ Jan Kercher là nhà nghiên cứu cấp cao về dữ liệu và nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục đại học và sự lưu chuyển học thuật quốc tế tại Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD). Ông chịu trách nhiệm về dự án tóm tắt dữ liệu hàng năm “Wissenschaft Weltoffen” (Khoa học mở ra thế giới) và “Benchmark Internationale Hochschule” (Điểm chuẩn các trường đại học quốc tế), một cuộc khảo sát thường xuyên trên toàn nước Đức về sự lưu chuyển sinh viên ở Đức. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức trên blog của Jan-Martin Wiarda.

Leave a comment