Điều Bạn Cần Biết Về Thiết Kế Chương Trình Giảng Dạy Theo Hướng Phổ Dụng (Universal Design for Learning)

Nguồn: Readingrockets, đăng năm 2018

Biên dịch: Vũ Mai Anh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Tags: Chương trình phổ dụng, công bằng trong giáo dục 

Chia sẻ của Amanda Morin, Understood

Thiết kế Chương trình giảng dạy theo hướng phổ dụng (UDL) là cách tư duy về dạy và học mang đến cho tất cả học sinh cơ hội thành công như nhau. Phương thức này đem tới sự linh hoạt trong cách các học sinh tiếp cận với tài liệu, tương tác với nó và thể hiện/ trình bày những gì họ học được. Việc xây dựng các bài giảng theo cách này sẽ giúp ích cho tất cả người học, nhưng nó có thể đặc biệt hữu ích với các học sinh gặp các vấn đề trong việc tập trung và tiếp thu kiến thức.

Để hiểu thiết kế Chương trình giảng dạy theo hướng phổ dụng  (UDL) là gì, trước đó chúng ta nên hiểu UDL không phải là gì. Từ phổ dụng  có thể khiến bạn nhầm lẫn. Nó giống như UDL chỉ là tìm một phương pháp để dạy tất cả trẻ em. Nhưng UDL thật ra lại có cách tiếp cận ngược lại.

Mục tiêu của UDL là sử dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng để loại bỏ bất cứ rào cản học tập nào và mang tới cho tất cả học sinh cơ hội ngang bằng nhau để thành công. Tất cả tập trung vào việc xây dựng tính linh hoạt có thể được điều chỉnh để phù hợp với điểm mạnh và nhu cầu của mỗi học sinh. Đó là lý do tại sao UDL có lợi cho mọi người học.

Phương pháp tiếp cận giảng dạy này không cụ thể nhắm tới các học sinh gặp vấn đề trong việc tập trung và tiếp thu kiến thức. Nhưng nó có thể đặc biệt hữu ích với 1/5 học sinh mắc các vấn đề này – bao gồm cả những học sinh chưa được chẩn đoán chính thức. Nó cũng có thể rất hữu ích với những người học tiếng Anh.

Hiểu về UDL

Thậm chí nếu bạn không quen với thuật ngữ thiết kế phổ dụng, bạn chắc hẳn đã gặp rất nhiều ví dụ của nó trong cuộc sống hàng ngày của mình. Phụ đề , cửa đóng mở tự động và các tính năng truy cập trên điện thoại thông minh là tất cả những ví dụ về thiết kế phổ dụng. Những  tính năng thiết kế này giúp ích cho người khuyết tật. Nhưng kể cả người không khuyết tật cũng có thể muốn sử dụng những tính năng này.

Ví dụ, phụ đề  trên TV cho phép người bị suy giảm chức năng nghe/ người khiếm thính nhìn được chữ trên màn hình để biết điều gì đang diễn ra. Nhưng phụ đề có có ích với tất cả mọi người. Nếu bạn từng thử xem tin tức hoặc một trận đấu trong một nhà hàng ồn ào, có lẽ bạn cũng đã  bật  phụ đề  để theo dõi.

UDL cũng mang đến sự linh hoạt đó cho lớp học. Với việc áp dụng các quy tắc của UDL, các giáo viên có thể hướng dẫn hiệu quả cho một nhóm người học đa dạng . Họ làm điều này bằng cách xây dựng sự linh hoạt trong cách người học tiếp cận tới thông tin và trong cách các học sinh truyền tải tri thức của mình.

Video này từ đối tác sáng lập CAST mang tới cái nhìn tổng quan về UDL: https://www.youtube.com/watch?time_continue=5&v=bDvKnY0g6e4&feature=emb_logo

Ba nguyên tắc chính của UDL

UDL là bộ khung để phát triển các kế hoạch giảng dạy và đánh giá dựa trên ba nguyên tắc chính sau đây:

Sự trình bày: UDL đề xuất cung cấp thông tin bài giảng thông qua nhiều  kênh khác nhau. Ví dụ, sách giáo khoa chủ yếu là hình ảnh và thông tin trực quan. Giáo viên có thể cung cấp thêm kênh khác, thể hiện cùng nội dung như trong sách giáo khoa như đưa thêm văn bản, thu âm bài giảng, tạo hoặc giới thiệu các  video liên quan đến bài học và thêm nhiều cơ hội cho cho học sinh thực hành kiến thức trong sách. Việc này sẽ mang tới cho học sinh cơ hội tiếp cận với kiến thức theo kiểu phù hợp nhất với thế mạnh học tập của chúng. 

Thực hành: UDL khuyến khích cho trẻ tương tác với tài liệu và thể hiện điều mình vừa học được theo nhiều cách. Ví dụ, các học sinh được phép lựa chọn giữa bài thi trên giấy, thuyết trình miệng hoặc là làm dự án theo nhóm.

Sự tham gia: UDL khuyến khích các giáo viên tìm kiếm nhiều cách khác nhau để tăng động cơ học tập cho học viên. Để người học tự quyết định và giao cho họ những bài tập liên quan tới cuộc sống của họ là những ví dụ về cách các giáo viên có thể duy trì sự hứng thú của học sinh. Các chiến lược phổ biến khác bao gồm thiết kế các hoạt động  rèn luyện kỹ năng giống như một trò chơi và tạo cơ hội cho học sinh đứng dậy và di chuyển xung quanh lớp học.

Các ví dụ khác về thực hành UDL trong lớp học bao gồm cho phép học sinh hoàn thành bài tập bằng cách tạo video hoặc vẽ truyện tranh. Để hiểu sâu hơn về UDL, chúng ta cũng nên thấy nó khác với cách tiếp cận giáo dục truyền thống như thế nào. 

Các vấn đề trong việc tập trung và tiếp thu kiến thức và UDL

UDL có lợi cho tất cả học sinh. UDL cũng đặc biệt hữu ích cho học sinh có vấn đề trong việc tập trung và tiếp thu kiến thức:

Khiến việc học tập có thể được tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn trong  lớp học, nơi phần lớn học sinh có các vấn đề trong việc tập trung và tiếp thu kiến thức dành phần lớn hoặc toàn bộ thời gian trong ngày  ở đó.

Cho trẻ em nhiều cách tiếp cận khác nhau tới tài liệu. UDL xây dựng tính linh hoạt giúp trẻ em sử dụng những điểm mạnh của mình để khắc phục những điểm yếu một cách dễ dàng hơn.

Giảm thiểu sự kỳ thị. Bằng việc mang tới nhiều sự lựa chọn đa dạng cho tất cả các sinh viên, UDL không cô lập một số ít học sinh theo chương trình IEPs hoặc Kế hoạch 504 (IEP và kế hoạch 504 là các chương trình dành cho học sinh, sinh viên cần sự hỗ trợ đặc biệt như học sinh khuyết tật, trẻ tự kỷ, vv- ND). 

UDL được đề cao tới nỗi nó được đề cập  trong luật giáo dục phổ thông. Đạo luật Thành công cho Mọi học sinh (ESSA) khuyến khích các tiểu bang sử dụng tài trợ của liên bang để giúp giáo viên mở rộng việc sử dụng UDL. 

Nếu bạn không chắc liệu trường của mình có sử dụng UDL hay không, hãy hỏi người quản lý chương trình. Nếu họ không biết về UDL, hãy nói chuyện với họ về nó. Với tư cách là phụ huynh, bạn có thể ủng hộ việc đào tạo giáo viên theo hướng UDL để giúp con bạn dễ dàng tiếp cận chương trình giảng dạy hơn.

Vài điểm quan trọng liên quan đến UDL

Với UDL, thông tin bài giảng thường được trình bày theo nhiều cách, bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc theo kiểu vừa tiếp thu kiến thức vừa thực hành cùng lúc.

UDL khuyến khích giáo viên đưa ra các hình thức kiểm tra khác nhau, bao gồm thuyết trình bằng miệng và dự án nhóm, để có được bức tranh chính xác hơn về những gì học sinh học được.

UDL cũng tìm kiếm những cách khác nhau để tăng  động lực học tập cho học viên.

Leave a comment