Trung Quốc: Hệ thống giáo dục đang ngày càng trở nên bất công với người nghèo

Và hệ thống hộ khẩu càng khuếch đại thêm sự bất bình đẳng vốn đã vô cùng lớn.

Nguồn: The Economist , đăng ngày 27/05/2021

Biên dịch: Giao Bui – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Sau khi trở thành thí sinh có điểm số cao nhất Bắc Kinh trong kỳ thi đại học năm 2017, Hùng Hiên Ngang đã được truyền thông phỏng vấn. Hùng, con trai của hai nhà ngoại giao, đã thừa nhận rằng mình được hưởng nhiều đặc quyền hơn người trong quá trình lớn lên. “Ngày nay, tất cả những thí sinh đạt điểm cao nhất đều đến từ những gia đình giàu có”, cậu nói. “Việc đỗ vào các trường đại học tốt đang càng ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các học sinh ở nông thôn.” Sự trung thực của cậu đã giành được rất nhiều lời tán dương trên mạng. 

Kể từ năm 1998, thời điểm Trung Quốc bắt đầu chứng kiến sự gia tăng cực lớn về số lượng đơn nộp vào đại học, số lượng sinh viên được nhận học hàng năm đã tăng gấp bốn lần – lên tới gần 10 triệu người. Khoảng một phần ba học sinh trung học hiện nay sẽ học tiếp lên đại học. Dù dữ liệu thu được khá chắp vá, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng tỷ lệ sinh viên nông thôn tại các trường đại học tốt nhất Trung Quốc (nhóm 1% hàng đầu) đã bị giảm mạnh. Chỉ 0,3% học sinh nông thôn thi đậu vào các trường này, so với con số 2,8% của học sinh thành thị. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học khác đều kém chất lượng hơn nhiều. 

Trên khắp thế giới, sinh viên có xuất thân nghèo khó phải vật lộn để cạnh tranh với những bạn đồng trang lứa giàu có hơn. Ở Trung Quốc, sự phân chia này đặc biệt rõ rệt. Nguyên nhân chính là do hệ thống hộ khẩu khiến việc tiếp cận các dịch vụ công miễn phí bên ngoài nơi đăng ký hộ khẩu là cực kỳ khó. Điều này có nghĩa là ở các thành phố, con cái của những người nhập cư từ nông thôn thường không được học tại các trường công lập. Chúng phải theo học ở những trường tư nhân kém chất lượng và có thu học phí, hoặc đến các trường tại quê của cha mẹ để được học miễn phí nhưng những gì được dạy thì chỉ dừng ở mức tối thiểu. 

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn bởi cách phân bổ vị trí các trường đại học. Các trường tốt nhất tập trung ở các thành phố lớn nhất và giàu có nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải. Các trường này dành số lượng tuyển chọn đầu vào ưu ái hơn cho các học sinh có hộ khẩu địa phương. Hai trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa, đều ở Bắc Kinh. Tỷ lệ nhận học của hai trường này với sinh viên địa phương là khoảng 1%, nhưng đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết rằng, chỉ một phần mười trong số đó là dành cho những học sinh nộp đơn từ những nơi bên ngoài thủ đô. Số sinh viên từ Bắc Kinh được nhận vào Thanh Hoa hàng năm còn nhiều hơn tổng số sinh viên được nhận từ Quảng Đông và Sơn Đông – hai tỉnh có dân số đông hơn Bắc Kinh gấp mười lần. 

Trong một bài báo xuất bản vào năm 2015, các học giả từ Đại học Thanh Hoa và Stanford cho biết những học sinh có hộ khẩu ở 5 tỉnh nghèo nhất có khả năng đỗ đại học thấp hơn 7 lần so với các sinh viên thành thị và thấp hơn 14 lần so với những bạn theo học một trường ưu tú. Ở những địa phương này, tỷ lệ chọi thậm chí còn cao hơn nhiều đối với trẻ em gái và người dân tộc thiểu số. Scott Rozelle đến từ Đại học Stanford cho biết: “Tình hình đã rất, rất rõ ràng rằng, hiện nay, các em ở nông thôn nghèo gặp khó hơn rất nhiều để có thể vào được một trường đại học tốt”. Ông ước tính rằng khoảng 75% học sinh thành thị vào được đại học, so với con số 15% học sinh nông thôn. Gần 80% trẻ em Trung Quốc dưới 14 tuổi có hộ khẩu ở nông thôn. Thế nhưng, bài viết vào năm 2017 của Ngô Hiểu Cương, hiện thuộc Đại học New York tại Thượng Hải, một trường đại học liên doanh Trung-Mỹ, cho biết có chưa đến 17% sinh viên tại các trường đại học ưu tú có hộ khẩu ở nông thôn trước khi nhập học. Ông Ngô nói rằng mô hình này từ đó đến nay không có gì thay đổi. “Mà nếu có thì khả năng là tình hình bây giờ thậm chí còn tệ hơn.” 

Đó là bởi sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng rõ rệt. Con cái của các gia đình giàu có được học ở những trường tốt nhất cũng như được học thêm và tham gia các hoạt động ngoại khóa sau giờ học. Cha mẹ của chúng có thể mua nhà ở những khu vực dân cư tốt gần trường. Trung Quốc có chính sách cung cấp 9 năm giáo dục bắt buộc và miễn phí, tuy nhiên các trường trung học cơ sở (cấp II) công lập vẫn thu học phí. Ở những khu vực nghèo, chi phí này có thể lên tới hơn 80% thu nhập ròng trên đầu người, một trong những mức gánh nặng tài chính cao nhất thế giới. Một số học sinh phổ thông thích bắt đầu làm việc ngay khi ra trường hơn: một công nhân nhà máy không có tay nghề điển hình vẫn có thể có thu nhập hàng tháng bằng với số tiền mà một nông dân nghèo kiếm được trong một năm. 

Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia đã bị tạm dừng trong thập kỷ cuối cùng dưới thời Mao Trạch Đông. Kể từ khi được khởi động lại vào năm 1977, các trường đại học chủ yếu dựa vào điểm trung bình ở trường phổ thông để xét tuyển. Năm 2003, Trung Quốc bắt đầu cho phép một số trường đại học tuyển những sinh viên có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực như thể thao và nghệ thuật. Một lần nữa, những người giàu có là những người được hưởng lợi chính: chỉ họ mới có đủ khả năng chi trả cho con em học những môn này. 

Trong nhiều thập kỷ, các trường trung học công ở các khu vực nghèo hơn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho các học sinh giỏi từ vùng nông thôn được vào đại học. Nhưng nhiều trường đã phải đóng cửa do tình trạng người dân di cư tới các thành phố. Trong khi đó, sự cạnh tranh để vào được một trường trung học phổ thông tốt nhanh chóng gia tăng. Mã Khanh học tiểu học ở quê. Nhưng trường trung học cơ sở tốt nhất trong quận sẽ không nhận học sinh làng trừ khi họ trả học phí cao hơn hoặc có quan hệ quen biết. Cha mẹ của Mã đã tìm cách nhờ cậy để cho cậu vào trường. Cậu nói rằng điều này sẽ vạch sẵn cho cậu con đường vào một trường trung học phổ thông trực thuộc đại học, và sau đó là vào trường đại học cùng tuyến. 

Trẻ em nông thôn ở Trung Quốc gặp trở ngại ở mọi giai đoạn phát triển. Trẻ sơ sinh dễ bị suy dinh dưỡng và thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Khi bước vào trường tiểu học, nhiều em mắc các bệnh như thiếu máu, thị lực kém và mắc bệnh giun chỉ. Ông Rozelle cho biết khoảng 60% học sinh từ các địa phương nghèo nhất phải chịu đựng ít nhất một trong những khó khăn này. 

Những em, bất chấp sự chênh lệch, vào được các trường đại học ưu tú thường cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội. Vào năm 2020, một sinh viên từ vùng nông thôn đã lên mạng xã hội mô tả việc cảm thấy “lạc lối và bối rối” ở trường đại học sau khi rời khỏi “môi trường đơn giản” ở cấp ba, nơi mà học sinh chỉ quan tâm đến việc vượt qua các kỳ kiểm tra. Hơn 100.000 sinh viên, nhiều người có xuất phát điểm từ nông thôn, đã cân nhắc, chia sẻ trải nghiệm của chính họ về cảm giác như những người kém cỏi và than thở về triển vọng việc làm của bản thân. Họ đã đặt ra một thuật ngữ mới: xiao zhen zuo tijia, có nghĩa là “tiểu trấn mọt sách”. 

Vương Vũ Kiến, một nhà vật lý sinh ra ở nông thôn, có thể thấu hiểu được những lời than phiền này. Anh đã chọn học tài chính vì nghĩ rằng ngành này sẽ dễ dàng tìm được việc làm. Chỉ sau khi chứng kiến ​​một số bạn học của mình được nhận vào thực tập tại các công ty tài chính lớn nhờ quan hệ của cha mẹ, anh mới “thực sự hiểu được khoảng cách” giữa mình và họ. Vương đã chuyển sang lĩnh vực khoa học máy tính. Không giống như một số tiểu trấn mọt sách khác, anh đã nhận được một lời mời làm việc – điều này đã giúp anh thấy nhẹ nhõm rất nhiều.

Leave a comment