Quy mô lớp học tại “nước nhà người ta”

Nguồn: Economix, ngày đăng: 11/9/2009

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Trong những bài trước, chúng tôi đã đăng một số dữ liệu mới từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về giờ làm việc, mức lương và nhân khẩu học của giáo viên trên khắp thế giới.

Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng xem xét quy mô phòng học bậc tiểu học và trung học ở các quốc gia này.

Một số độc giả không thực hài lòng với tình trạng quá tải của các lớp học tại Mỹ hiện nay, tuy nhiên, các trường học ở Mỹ không thực sự quá đông so với các cơ sở giáo dục ở các nước phát triển khác. Trung bình, một lớp học tiểu học tại Mỹ có khoảng 23,1 học sinh, cao hơn mức trung bình 21,4 mà OECD đưa ra. Ở các trường trung học cơ sở, quy mô lớp học trung bình của nước Mỹ là 24,3 học sinh, so với 23,9 của toàn khối OECD.

Biểu đồ thể hiện quy mô lớp học bậc Tiểu học: Cơ sở công lập và tư thục, 2007
Biểu đồ thể hiện quy mô lớp học bậc Trung học: Cơ sở công lập và tư thục, 2007

Lưu ý rằng, tại một số quốc gia có số học sinh đạt thành tích cao nhất thế giới – như Hàn Quốc và Nhật Bản – thì sĩ số lớp học còn cao hơn nhiều, đạt mật độ học sinh đông nhất trên thế giới. Sự sai lệch này có lẽ liên quan đến sự khác biệt về văn hóa; các xã hội Nho giáo có thể có thứ bậc quản lý chặt chẽ hơn trong lớp học, vì vậy, có lẽ việc một giáo viên quản lý một nhóm học sinh lớn hơn sẽ dễ dàng hơn (hoặc hơn mức mong đợi). 

Các biểu đồ phía trên dành cho các trường công lập và tư thục. Vì quy mô lớp học với mỗi loại trường khá khác nhau, nên chúng tôi sử dụng bảng phân tích quy mô lớp học dưới đây để áp dụng đối với chương trình giáo dục tiểu học cho từng nhóm trường cụ thể.

Biểu đồ quy mô lớp học trung bình tại các cơ sở công và tư thục, bậc Tiểu học (2007)

Tại Hoa Kỳ, một lớp học tiểu học công lập điển hình có trung bình 23,6 học sinh, nhiều hơn bốn học sinh so với quy mô lớp học trung bình tại trường tiểu học tư thục (19,4 học sinh). Trong toàn khối OECD, khoảng cách giữa các lớp học công lập và tư thục ngày càng được thu hẹp hơn, ở mức 21,4 học sinh trên mỗi lớp tiểu học tại các trường công lập và 20,5 học sinh trên mỗi lớp tiểu học của các trường tư thục.

Đáng ngạc nhiên là (ít nhất là với tôi) có rất nhiều quốc gia có quy mô một phòng học tiểu học tại trường công lập còn nhỏ hơn tại trường học tư nhân. Các quốc gia lọt vào danh sách này bao gồm Chile, Nhật Bản, Úc, Pháp, Đức, Hungary, Bỉ, Áo, Mexico, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Luxembourg.

Có lẽ các trường tư thục ở những quốc gia này đóng một vai trò khác so với các trường tại Hoa Kỳ, nơi những phụ huynh  giàu có (một cách đúng đắn hoặc sai lầm) xem trường tư thục như một lối thoát cho con em mình tránh khỏi các lớp học công vốn đã quá tải. Lưu ý rằng, chính phủ và các cá nhân tương tác với hệ thống giáo dục theo những cách khác nhau ở các quốc gia khác nhau – và tỷ lệ học sinh theo học tại các trường công lập và tư thục cũng khác nhau. Điều này cũng có thể khiến dữ liệu bị sai lệch nhất định.

Nguồn ảnh: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

Leave a comment