Đại dịch COVID-19 đã dạy nước Mỹ những gì về bất bình đẳng trong giáo dục

Nguồn: News Harvard Edu

Tác giả Clea Simon, đăng ngày 09/07/2021

Biên dịch: Giao Bui – Biên tập: Phan Trà Khúc

Ảnh: Children Colorado

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nền giáo dục trên toàn nước Mỹ, soi rõ hơn sự bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế hiện nay, đồng thời có khả năng tạo ra một thế hệ mất định hướng. Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, học sinh ở các cộng đồng yếu thế – đặc biệt các khu vực chủ yếu người da đen, người Mỹ bản địa hay các cộng đồng mà các nhóm yếu thế khác chiếm đa số – đã phải đối mặt với sự bất bình đẳng trong mọi thứ, từ nguồn lực (từ sách vở đến cố vấn học tập) đến tỷ lệ giáo viên/học sinh và các hoạt động ngoại khóa. 

Bên cạnh đó, các yếu tố gây áp lực khác như nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống và tổn thương do đói nghèo và bạo lực cũng gây ra những trở ngại lớn cho việc học tập. Paul Reville, người sáng lập và giám đốc Phòng thí nghiệm Tái Thiết kế Giáo dục tại Trường Cao học Harvard (GSE), cho biết: “Trước khi xảy ra đại dịch, trẻ em và các gia đình yếu thế trong xã hội phải sống trong những điều kiện khó khăn đến mức khó có thể nhận được một nền giáo dục chất lượng cao”. 

Các nhà giáo dục hi vọng rằng điều này kích thích sự quan tâm rộng rãi hơn về cải cách và những nỗ lực đổi mới để thu hẹp sự chênh lệch về thành tích đạt được giữa các học sinh thuộc các chủng tộc khác nhau – thứ vốn đã tồn tại từ lâu. Họ chia sẻ rằng nghiên cứu cho thấy việc học hành của hầu như tất cả học sinh ở Mỹ đều bị kéo tụt lại phía sau, trong đó học sinh da màu bị mất kiến ​​thức nhiều nhất, đặc biệt là trong môn toán. Các nhà giáo dục cũng lưu ý rằng việc trường học mở cửa toàn thời gian trở lại sẽ mang đến cơ hội để đưa ra những thay đổi và áp dụng một số bài học rút ra được khi học sinh học online, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ để giúp học sinh bắt kịp lại việc học cũng như tạo ra môi trường học tập công bằng hơn cho các em. 

Sự bất bình đẳng đã được nhìn thấy rõ ngay từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên. Fernando M. Reimers, Giáo sư về Thực hành Giáo dục Quốc tế và Giám đốc Chương trình Sáng kiến đổi mới Giáo dục Toàn cầu và Chính sách Giáo dục Quốc tế của Trường Cao học Harvard cho biết: “Đúng là về mặt tích cực thì nhiều trường đã rất nhanh trong việc tìm đủ mọi cách để tiếp cận trẻ em, nhưng những điều này sẽ không thể sánh được với việc dạy trực tiếp tại trường, và tất cả những cách đó vẫn là chưa đủ để tiếp cận những em thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất”. Ngoài ra, có một thực tế đơn giản là nhiều học sinh gặp hạn chế trong việc tiếp cận việc học online.

Theo một phân tích của Đại học California ở Los Angeles, tỷ lệ gặp hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ đối với các hộ gia đình ở lần hạn chế đi lại mùa xuân năm ngoái là 42%. Con số này đã giảm xuống mức khoảng 31% vào mùa thu năm nay, cho thấy các đơn vị quản lý trường học đã thích nghi tốt hơn với việc triển khai học tập từ xa.   

Báo cáo cũng làm rõ mức độ bất bình đẳng về công nghệ đối với các nhóm chủng tộc và điều kiện kinh tế khác nhau. Các hộ gia đình da đen và gốc Mexico có con trong độ tuổi đi học có nguy cơ gặp hạn chế trong việc tiếp cận máy tính và Internet cao gấp 1,3 đến 1,4 lần so với các hộ gia đình da trắng. Và hơn hai trong năm hộ gia đình thu nhập thấp có khả năng tiếp cận công nghệ ở mức rất hạn chế. Thêm nữa, vì những em học sinh da màu thường sống ở các địa phương vùng sâu vùng xa, vấn đề này có thể gây ra những hậu quả sâu sắc. 

Reimers chia sẻ: “Chúng ta đã bắt đầu nhận ra rằng công nghệ là một quyền cơ bản. Bạn không thể tham gia vào xã hội trong thế kỷ 21 nếu không có khả năng tiếp cận công nghệ.” Ông nói, có quá nhiều học sinh “không có khả năng kết nối. Các em không có thiết bị hoặc sự hỗ trợ từ gia đình do hoàn cảnh”. 

Các vấn đề không chỉ nằm khía cạnh công nghệ. “Việc được kết nối với những người khác, hay được ai đó hỏi thăm rằng “Thật tuyệt khi được nhìn thấy em. Mọi việc ở nhà em thế nào?” có thể giúp người nghe cảm thấy vui sướng và dễ chịu.” Reimers nói. “Tôi đã thực hiện nghiên cứu với 35 tổ chức giáo dục trên khắp thế giới   về các phương pháp thực hành đổi mới của họ. Các tổ chức này đều ưu tiên sự kết nối cộng đồng và kết nối cảm xúc của học sinh. Họ thường xuyên hỏi thăm các em, đảm bảo một sự kết nối hàng ngày giữa giáo viên và học sinh.” 

Sự khác biệt trở nên rõ ràng khi so sánh các học sinh có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Một số em có thể bắt kịp việc học nếu cha mẹ “có khả năng thuê gia sư,” Reville nói. “Những em này sẽ bắt kịp nhịp học khá tốt. Trong khi đó, các em có bố hoặc mẹ đơn thân – những người phải làm hai hoặc ba công việc cùng lúc mới đủ để có cái ăn – thì không nhận được sự hỗ trợ từ phụ huynh do họ không có khả năng dành thời gian ở nhà với con cái. Những ông bố/bà mẹ này không thể xoay sở để theo kịp việc học của con và giúp chúng kết nối với thầy cô. 

“COVID-19 vừa cho ta thấy rõ được mức độ nghiêm trọng của những bất bình đẳng đó,” Dean Bridget Long, Giáo sư Giáo dục và Kinh tế Saris, Trường Cao học Harvard cho biết. “Nó đã gây tổn thương và bất lợi cho các học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp, những học sinh có nhu cầu đặc biệt, và hệ thống trường học vốn đã luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.” 

Sự gián đoạn học hành này diễn ra ở tất cả cấp, từ học sinh tiểu học (một số em chỉ đơn giản là ngừng đăng nhập vào các lớp học trực tuyến) cho đến học sinh cuối cấp khi các em quyết định không nộp đơn học đại học. Một ví dụ được Long, người có nghiên cứu tập trung vào các vấn đề khả năng chi trả và khả năng tiếp cận giáo dục, đưa ra là về các trường cao đẳng cộng đồng. Đây vốn được coi là “cánh cửa để học sinh thuộc tầng lớp thu nhập thấp” bước vào chương trình đại học 4 năm, “COVID đã khiến tất cả những vấn đề trở nên tồi tệ hơn gấp 10 lần,” cô nói. “Các trường cao đẳng cộng đồng là nơi chứng kiến số lượng hồ sơ đăng ký nhập học giảm nhiều nhất.” 

Ngoài việc làm nổi bật những vấn đề bất bình đẳng kể trên, những thiệt hại này còn cho thấy rõ vấn đề về cấu trúc trong giáo dục công. Nhiều trường thiếu nguồn nhân lực, và điều này có liên quan đến vấn đề ngân sách của trường. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng các quận chủ yếu là người da trắng nhận được nhiều hơn 23 tỷ đô la so với các quận chủ yếu là người da màu, dù có cùng một số lượng học sinh. Sự khác biệt này là bởi nguồn ngân sách chính cho các trường học đến từ thuế thu nhập, và các khu vực của người da trắng thường giàu hơn của người da màu.

Vấn đề về nguồn lực cũng không chỉ nằm ở số lượng giáo viên, trợ giảng, thiết bị và vật tư, vì các trường ngày càng phải gánh thêm nhiều trách nhiệm, từ giáo dục cho đến việc việc ăn uống của học sinh lẫn việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của cả học sinh và gia đình của các em. 

Long nói: “Thường khi nghĩ về trường học ta hình dung ra các thứ liên quan đến học thuật, nhưng đại dịch đã cho thấy rất rõ rằng trường học còn làm được nhiều hơn thế,” Cô nhấn mạnh “đó là nơi dành cho trẻ em sự hỗ trợ về mặt tinh thần, về mặt xã hội. Đó là sự an toàn. Đó là nơi cung cấp thực phẩm, chăm sóc sức khỏe ”. 

Sự hỗ trợ này đã bị chia nhỏ bởi ngày càng có nhiều học sinh cần đến nó. Long nói: “Đã có 400.000 người chết và phần nhiều trong số này đến từ các cộng đồng người da màu. Hãy thử nghĩ về những đứa trẻ ở trong những hộ gia đình có người thân qua đời vì đại dịch xem, liệu chúng có thể đến trường và học khi đang đối mặt với chấn thương tâm lý như vậy không?” 

Các nhà giáo dục cũng bị choáng ngợp. “Các giáo viên đang làm một công việc phi thường trong việc kết nối với học sinh,” Long nói về hiệu suất dạy trực tuyến của họ. “Nhưng họ đã mất sự hỗ trợ từ hệ thống như quyền tiếp cận với cố vấn, tiếp cận với các giáo viên dự bị và nhân viên hỗ trợ. Họ mất quyền truy cập thông tin. Một chỉ dấu cho việc này là báo cáo về lạm dụng trẻ em đang giảm xuống. Không phải do vấn đề lạm dụng trẻ em đang thực sự giảm đi, mà vì không có giáo viên theo dõi và tiếp xúc với các em để phát hiện và báo cáo.” 

Những hậu quả thật rùng mình: “Khi việc học trực tiếp diễn ra lại bình thường, chúng ta sẽ đối mặt với những lỗ hổng lớn,” Reville nói. “Một số em sẽ phải chịu những thiếu sót về giáo dục đến mức trừ khi trường học có một chương trình được soạn thảo chỉn chu và hiệu quả, các em này sẽ không bao giờ bắt kịp. Trên thực tế rất có thể chúng sẽ bỏ học. Hậu quả liền kề của việc học hành sa sút và bỏ học sẽ là một thế hệ được giáo dục ít hơn”. 

Tuy nhiên, vẫn có những hy vọng. Việc hạn chế đi lại đã khiến các giáo viên bắt buộc phải ứng biến, cụ thể là áp dụng hình thức học trực tuyến. Việc này có thể góp phần vào việc cải cách giáo dục khi tình hình dần trở lại bình thường. 

Reville nói, “các giải pháp sẽ đến từ cộng đồng, bởi đây là một vấn đề có tính toàn dân.” Ông hồ hởi chia sẻ một ví dụ, chương trình thư viện công cộng “pop-ups” Wi-Fi ngoài trời ở Somerville, Massachusetts, cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập 24/7 thông qua Chromebook cá nhân hoặc của thư viện. “Đó là kiểu ý tưởng mà chúng ta cần”. 

Ở cấp độ quốc gia, ông nói về sự thành lập của Nhóm “Tủ cá nhân trẻ em”. Đã có mặt ở 30 tiểu bang, các nhóm phi đảng phái này tập hợp các nhà lãnh đạo ở cấp thành phố, thị trấn và tiểu bang để giải quyết nhu cầu của trẻ em thông qua trường học, thư viện và trung tâm y tế. Hình mẫu về “Bộ dụng cụ Cá nhân Trẻ em”, được giới thiệu vào tháng 7/2019 trên trang web Phòng thí nghiệm Tái Thiết kế Giáo dục, cung cấp hướng dẫn cho các cộng đồng đang tìm cách tự tạo ra những bộ dụng cụ hỗ trợ trẻ em. 

Phòng thí nghiệm Tái Thiết kế Giáo dục cũng đang nghiên cứu các phương pháp tiếp cận sâu rộng hơn. Ví dụ, ở Tennessee, Trường Công lập Metro Nashville đã đưa ra một chương trình sáng tạo, được thiết kế để cung cấp cho mỗi học sinh một kế hoạch giáo dục được cá nhân hóa. Bằng cách ghép những học sinh này với “người điều hướng” – bao gồm giáo viên, thủ thư và huấn luyện viên hướng dẫn – chương trình nhằm giải quyết các nhu cầu cụ thể của từng học sinh. 

Reville nói: “Đây là một cơ hội để thay đổi hệ thống. Nhìn chung, hệ thống trường học hiện nay được tổ chức theo mô hình nhà máy, tức là dùng một phương pháp tiếp cận với tất cả học sinh. Hệ thống  này vốn đã không hiệu quả, và trong tình hình hiện nay càng kém hiệu quả hơn”. 

Long cũng nhấn mạnh rằng “Học sinh có những nhu cầu khác nhau. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ hơn về những gì cần ưu tiên và tình trạng của mỗi học sinh”, cả trong đời sống gia đình và đời sống học tập của các em. 

Hiện tại, các nhà giáo dục đang thảo luận về các giải pháp mang tính khả thi. Ví dụ, Long và Trường Cao học Harvard đã giúp tạo ra Mạng lưới các Hiệu trưởng như một diễn đàn để chia sẻ ý tưởng. Với khoảng 1.000 thành viên và nhiều nhóm phụ để giải quyết các vấn đề cộng đồng được chia sẻ, một số giải pháp khả thi đã bắt đầu xuất hiện. 

Long nói: “Chúng ta sẽ cần phải mở rộng thời gian học tập”. Một số hệ thống trường học, đặc biệt là ở Texas, đã bắt đầu thảo luận về việc kéo dài năm học. Ngoài ra, bà cũng lưu ý rằng các nhà giáo dục đang tìm tòi những cách vận dụng sáng tạo các công cụ mới như Zoom, ngay cả khi trường học mở cửa trở lại. 

Reimers, làm việc trong Ủy ban UNESCO về Tương lai của Giáo dục, đã suy nghĩ về các giải pháp có thể được áp dụng cả ở Mỹ và các nước khác. Các giải pháp này bao gồm thúc giục các nước giàu xóa bỏ một phần hoặc hoàn toàn các khoản đã cho vay, để các quốc gia nghèo hơn không phải cắt giảm chi phí cho các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, và thúc giục tất cả các quốc gia ưu tiên giáo dục. Ủy ban và các thành viên cũng đang hỗ trợ việc tìm ra các phương pháp hiệu quả và chia sẻ chúng trên toàn cầu. 

Việc sử dụng sáng tạo công nghệ hiện có cũng có thể vượt ra ngoài cách học truyền thống. Reimers chia sẻ về công việc của một số cựu sinh viên, những người làm việc với Sáng kiến ​​Đổi mới Giáo dục Toàn cầu của Đại học Harvard, HundrED, Ban giám đốc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế về Giáo dục và Kỹ năng, và Tổ chức Thực hành Toàn cầu về Giáo dục của Ngân hàng Thế giới, đã tập trung vào sản xuất podcast để tiếp cận học sinh nghèo ở Colombia. 

Họ bắt đầu phát sóng các bài học toán và tiếng Tây Ban Nha thông qua ứng dụng WhatsApp, vốn rất dễ tiếp cận và truy cập. “Các bài học hài hước đến mức trong vòng một tuần, tất cả mọi người đều nghe,” Reimers nói. Ngay sau đó, các đài phát thanh và các nền tảng khác đã bắt đầu phát sóng các bài học kéo dài 10 phút, không chỉ để tiếp cận tới những em không đi học mà còn cả những người lớn trong gia đình các em.

Leave a comment