“Nhìn cây, thấy rừng” và chuyện trường chọn (xứ Anh) – Phần 1

Tác giả: Nguyễn Tiến Việt, đăng ngày 28/06/2020 trên trang cá nhân của tác giả. EduThoughts được tác giả cho phép đăng tải lại trên website của mình.

Đã lâu không viết trên trang cá nhân, nhưng một cuộc tranh luận gần đây thôi thúc tôi phải viết đôi điều về giáo dục. Một tiến sĩ kinh tế có tiếng trong nước khuấy động dư luận bằng ý kiến dẹp bỏ trường chuyên, mà cụ thể là trường Hà Nội Amsterdam, nơi anh từng theo học. Anh cho rằng trường chuyên là nguồn gốc của bất công, nhận nhiều đặc lợi từ ngân sách, một phần được đóng góp bởi người nghèo, mà không mang lại lợi ích đáng kể nào ngoài việc làm lợi cho con nhà giàu. Chủ đề này không mới. Trường chuyên, mỗi mùa tuyển sinh, lại trở thành tâm điểm hứng búa rìu dư luận. Có khác chăng năm nay chủ đề này được làm nóng bởi một người nhiều kinh nghiệm tư vấn chính sách, tập trung vào một tên trường cụ thể và giải pháp “tư nhân hóa” được hăng hái nhắc tới.

Dù muốn hay không phải thừa nhận trường chuyên là một chủ đề gây chia rẽ. Báo chí và mạng xã hội dễ hấp dẫn người đọc bằng những trải nghiệm, chia sẻ, xúc cảm của người nọ người kia và khoét sâu chia rẽ. Nhưng nhiêu đó chưa đủ thuyết phục để làm luận cứ cho việc phản đổi hay ủng hộ chính sách thải hồi và tư nhân hóa trường chuyên. Sẽ là khiếm khuyết lớn nếu trong cuộc thảo luận này, chúng ta không làm rõ những căn cứ nền tảng phía sau chính sách trường chuyên.

Người viết tham chiếu đến hệ thống giáo dục đương đại ở Anh, nhằm làm rõ một số vấn đề chưa được lý giải rõ ràng xung quanh bức xúc trường chuyên ở Việt Nam, ví dụ:

  • Xứ Anh có trường chuyên lớp chọn giống ta không? [phần 1]
  • Chính sách giáo dục chia rẽ hai đảng nước Anh như thế nào? [phần 2]
  • Tại sao cánh cửa trường chuyên cần rộng mở với con nhà nghèo? [phần 3]
  • Vì sao khó có đồng thuận khi đánh giá sự hiệu quả và bình đẳng của trường chuyên? [phần 4]
  • Tại sao cần đa dạng hóa giáo dục nhưng không nên tư nhân hóa trường chuyên? [phần 5]

1. Trường chọn, trường chuyên, hay trường năng khiếu?

Trước khi thảo luận tôi phải tuyên bố xung đột lợi ích. Tôi cũng là một cựu sinh trường chuyên. Những trải nghiệm cá nhân của tôi tại trường chuyên chắc chắn sẽ không khỏi ảnh hưởng đến lập luận của tôi.

Một trong những thất bại khiến tôi ám ảnh trong suốt thời gian ở trường chuyên là không biết phải dịch chính xác tên trường mình ra tiếng Anh như thế nào. Có quá nhiều cụm từ tôi được nghe qua như “grammar school, ”school for gifted children”, ”specialised school” nhưng không thực sự hiểu nội hàm bên trong và vì sao có nhiều thuật ngữ cho một thực thể đến thế. Băn khoăn này chỉ được giải tỏa khi tôi học tập và làm việc tại Anh và nhận ra:

Nước Anh đương đại không có trường chuyên giống như ta

Giáo dục miễn phí và bắt buộc ở Anh chia làm 2 cấp: tiểu học và trung học. Đến bậc trung học (bắt đầu từ học sinh 11 tuổi) hệ thống này bắt đầu phân hóa.

Nguồn ảnh: Macrovector

Trong hệ thống trường trung học công lập, gần giống với trường chuyên của ta nhất có lẽ là “grammar school” mà tôi tạm dịch là trường chọn. Còn tồn tại rất ít trường như thế, cả xứ Anh (England) với 3,000 trường công, chỉ có 163 trường chọn, là các trường có danh tiếng, nhận rất nhiều ưu ái từ ngân sách nhà nước và có chất lượng vượt trội. Tuyển sinh ở các trường công khác chủ yếu dựa vào nhu cầu của phụ huynh và khoảng cách từ trường đến nhà (tương tự khái niệm đúng tuyến của ta). Nhưng nhu cầu vào trường chọn luôn quá tải và học sinh 11 tuổi phải vượt qua 1 kì thi tuyển cam go để được chọn vào trường.

Một hiểu nhầm phổ biến là phương Tây không có chạy trường, không có học thêm. Thực tế ở Anh, để giữ 1 ghế trong trường chọn, phụ huynh phải chạy marathon rất sớm, thuê gia sư phụ đạo cho con thậm chí 3 năm trước kì thi và đến ngày nộp hồ sơ vào trường chọn, người ta có thể thấy phụ huynh xếp hàng dài nhiều con phố. Nội dung thi phụ thuộc từng trường, không nằm trong chương trình đào tạo tiểu học thông thường mà chủ yếu về “năng lực”, bao gồm suy luận số, suy luận ngôn ngữ, suy luận hình ảnh, đọc hiểu, ngữ pháp và viết luận sáng tạo.

Trường chọn là di sản của những năm 60 thế kỉ trước khi mà trẻ bước sang tuổi 11 được phân loại vào trường chọn hoặc trường thường và kì thi năm 11 tuổi này thực sự là một bước ngoặt cuộc đời: trẻ học trường chọn sẽ dần dần bước vào đại học còn những trẻ khác sẽ vào trường nghề (hoặc trường đời). Ngày nay hệ thống trường chọn đã bị thu hẹp đáng kể (đỉnh điểm đã từng có tới hơn 1.200 trường chọn ở xứ Anh) và học sinh trường thường vẫn có rất nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên học sinh trường chọn, xét về tổng thể vẫn đạt kết quả cao hơn khi thi vào đại học và họ hiện diện nhiều hơn ở các trường hàng đầu như Oxford, Cambridge và trong tầng lớp tinh hoa, chính trị gia sau này.

Nhưng khác với trường chuyên của ta, trường chọn không đào tạo năng khiếu, không dạy chuyên và kết quả chủ yếu (KPI) được phản ánh ở lượng học sinh vào đại học. Đảng Lao động khi nắm quyền những năm đầu thế kỉ này, giới thiệu và  phổ biến hệ thống trường specialised schools (tạm dịch: trường chuyên). Đây là các trường công được nhận thêm tiền từ chính phủ để bổ sung vào chương trình đào tạo đại trà 1 hoặc 2 môn chuyên trong số các môn: Nghệ thuật, Kinh doanh, Cơ khí, Nhân văn, Ngoại Ngữ, Toán và Máy tính, Âm nhạc, Nghệ thuật, Thể thao, Công nghệ. Tuy nhiên khác với các trường chọn, các trường này không tổ chức thi tuyển hoặc rất ít thi tuyển (10% chỉ tiêu) và không có danh tiếng lâu đời như trường chọn. Nước Anh đương đại không tổ chức mô hình trường công năng khiếu, với nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo học sinh tham gia các kì thi quốc tế.

So sánh như thế để thấy trường chuyên ở Việt Nam là một thực thể rất phức tạp. Với mỗi trường chuyên cụ thể, nó có thể là sự lai tạo của 1, 2 hoặc 3 yếu tố trong số: trường chọn, trường chuyên và trường năng khiếu. Nhiều trường chuyên trước đây có tên là trường năng khiếu dù việc đổi tên không làm thay đổi đáng kể bản chất của trường. Hiện nay trường chuyên cấp 2 rất khác với trường chuyên cấp 3.

Điều này làm cho thảo luận về chính sách trường chuyên rất phức tạp nếu không tách biệt được rạch ròi vì mỗi yếu tố này lại có gót chân A-sin riêng. Ví dụ một chỉ trích phổ biến (có thể hợp lý hoặc không) về việc đào tạo “gà chọi”, “học lệch”,… thực tế là chĩa vào đặc trưng “năng khiếu” của trường chuyên hơn là “chọn”, và phù hợp với các trường chuyên cấp 3 hơn là các trường chuyên cấp 2. Không thể mang một vài hiện tượng gây tranh cãi ở trường chuyên cấp 2 Hà Nội Amsterdam để quy nạp chính sách cho tất cả trường chuyên trên cả nước.

Tôi sẽ không phân tích sâu sự khác biệt giữa các trường chuyên ở Việt Nam trong bài viết này mà muốn tập trung vào khía cạnh “trường chọn”, vì nó là khía cạnh liên quan trực tiếp nhất đến khái niệm bình đẳng xã hội và lãng phí đầu tư công được dùng làm luận cứ cho “tư nhân hóa trường chuyên”.

2. Lên gác rút thang và đối đầu chính sách

Trường chọn là một trong những vấn đề xung đột chính sách hàng đầu của hai chính đảng nước Anh. Ẩn sâu trong đó là xung đột về ý thức hệ. Một ví dụ tiêu biểu dưới post này là một video tranh luận giữa cựu thủ tướng Anh Theresa May và Lãnh đạo Đảng đối lập Jeremy Corbyn trong một phiên điều trần diễn ra vào mỗi trưa thứ 4 hàng tuần, trong đó bà May, đảng Bảo thủ khá vất vả trong việc bảo vệ đề án mở rộng trường chọn (grammar schools), trước những chỉ trích gay gắt từ ông Corbyn đảng Lao động. Phía sau hậu trường là lịch sử thăng trầm trong suốt hơn 70 năm của hệ thống trường chọn, khi bị thu hẹp gần mức xóa sổ, khi thì mở rộng phục hồi giữa sự thay phiên cầm quyền của đảng Lao động và Bảo thủ.

Tham chiếu đến tranh luận này không nhằm áp đặt tư duy giáo dục của một nước phát triển, mà để làm rõ nhiều khía cạnh chính sách mà ta chưa bàn luận thấu đáo trong khi nước bạn đã có một lịch sử tranh luận và phản biện kĩ càng.

Có lẽ đáng lưu ý nhất là khoảnh khắc bà May mang chuyện đời tư để phản bác ông Corbyn. Hai con người quyền lực nhất trong hai chính đảng nước Anh đều đã từng theo học ở trường chọn dù họ đang đứng ở hai bờ chiến tuyến khi định đoạt số phận hệ thống trường này. Bà May cáo buộc ông Corbyn “lên gác rút thang” và không quên mỉa mai việc quý tử của Corbyn cũng đã được gửi tới trường chọn dù ông bố nhân danh tầng lớp thợ thuyền lao động luôn phản đối hệ thống giáo dục “chia rẽ” này. 

Năm 1999 là một khoảnh khắc sinh tử với sự nghiệp chính trị của Corbyn khi con trai ông chuyển cấp. Claudia Bracchitta, người vợ thứ 2 của Corbyn tuyên bố bà không chấp nhận gửi con đến một trường công “đúng tuyến” nhưng rất tệ theo kết quả kiểm định chất lượng 3 năm gần đấy. Cuối cùng con 2 người theo học trường Queen Elizabeth’s School, một trường chọn ở Bắc London [tất nhiên phải qua thi tuyển]. Cuộc ly hôn ngay sau đó đã cứu vãn sự nghiệp chính trị của Corbyn khỏi cái mác đạo đức giả theo kiểu Tuýp-phờ-nờ.

– Hết Phần 1 – 

TS. Nguyễn Tiến Việt hiện đang là Nhà nghiên cứu kinh tế tại Center for Economic Performance, thuộc London School of Economics and Political Science (LSE), Anh quốc. Anh có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Birmingham, Anh quốc.

Leave a comment