“Nhìn cây, thấy rừng” và chuyện trường chọn (xứ Anh) – Phần 2

Tác giả: Nguyễn Tiến Việt, đăng ngày 28/06/2020 trên trang cá nhân của tác giả. EduThoughts được tác giả cho phép đăng tải lại trên website của mình.

3. Trường chọn, phân tầng xã hội, và dịch chuyển xã hội

Vấn đề gây chia rẽ sâu xa trong hệ thống trường chọn ở Anh (và tương tự với trường chuyên ở ta) là hệ thống nhị nguyên. Khi đặt ra trường chọn thì mặc nhiên thừa nhận sự phân loại trẻ thành 2 nhóm (giỏi và không giỏi), và bị chỉ trích là hình thái phân chia tầng lớp xã hội sớm ngay trên ghế nhà trường. Điều này sẽ tạo cho những đứa trẻ trường thường khi trưởng thành cảm giác bị đối xử như công dân hạng 2 và khó chấp nhận thành quả của những người được cho là hưởng nhiều ưu ái hơn họ bước ra từ trường chọn. Hệ thống trường chọn bị cáo buộc tạo nhân sinh quan méo mó, thiếu cảm thông khi trẻ đến trường và chỉ gặp những người giống mình (cùng gắn mác giỏi hoặc không giỏi) và mạng lưới quan hệ xã hội phiến diện này tiếp tục theo trẻ khi trưởng thành.

Ngay cả khi trẻ được chọn thuần túy dựa trên năng lực, một bài thi khách quan, thì con cái của gia đình có điều kiện cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn bạn bè cùng trang lứa trong việc chuẩn bị cho kì thi (ví dụ ở Anh là chuyện học gia sư). Nhưng cần lưu ý là ở Anh trường chọn bị chỉ trích làm lợi cho tầng lớp trung lưu chứ không phải nhà giàu. Tầng lớp thượng lưu có một lựa chọn khác là trả tiền để gửi đến các trường tư, với mức học phí đắt đỏ, gấp 2,3 lần học phí đại học, để con cái họ được hưởng một chương trình giáo dục riêng, không bị trói buộc trong khuôn khổ chương trình phổ thông đại trà trường công.

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng với Việt Nam vì kinh tế tăng trưởng nhanh, phân hóa giàu nghèo diễn ra chóng mặt, nhất là tại các đô thị lớn nhưng hệ thống hạ tầng không kịp đáp ứng. Hệ thống trường tư chưa kịp bám rễ và gây dựng danh tiếng như các trường chuyên. Con em nhà nghèo có năng lực muốn tiếp cận trường chuyên buộc phải ganh đua với con em gia đình trung lưu và cả thượng lưu nữa.

Nguồn ảnh: Macrovector

Ở Anh, áp lực thi cử với trẻ 11 tuổi cũng là một lý do để mọi người phản đối trường chọn, nhưng chỉ có hai phương án hoặc cắt bỏ hoặc bổ sung ngân sách cho hệ thống trường chọn chứ chưa từng có phương án cấm trường tổ chức thi chọn học sinh. Bắt trường chọn không tổ chức thi là cưỡng ép trường chọn phải sống, nhưng sống phản bội với sứ mạng của mình.

Những người Bảo thủ như bà May tin rằng trường chọn là giải pháp cho “dịch chuyển xã hội”. Thị trường bất động sản ở Anh phân chia tầng lớp xã hội rất sâu sắc: người giàu và người nghèo ở các khu vực khác nhau phân cách bởi giá nhà: người nghèo không thể đủ tiền để mua nhà cạnh người giàu. Và vì các gia đình luôn cân nhắc tới giáo dục cho con em mình khi mua nhà, chất lượng của trường học “đúng tuyến” phản ánh luôn vào giá nhà. Người nghèo chỉ đủ tiền mua nhà đúng tuyến vào các trường công chất lượng thấp trong khi họ không có tiền cho con học trường tư. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn khi con em nhà nghèo khó có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, và càng ít cơ hội thoát khỏi tầng lớp xã hội của bố mẹ mình khi trưởng thành. Vì thế dù có trường chọn hay không thì bản thân trường học đã vô tình phân hóa xã hội rồi: trẻ đến trường học cùng bạn có điều kiện kinh tế tương tự mình.

Việc tổ chức trường chọn biến lựa chọn giáo dục từ trục tọa độ một chiều (điều kiện kinh tế gia đình) thành mặt phẳng hai chiều với việc bổ sung trục tọa độ năng lực của trẻ. Dù hạn chế của các hình thức thi tuyển không ngăn cản hoàn toàn các trẻ có năng lực bình thường từ gia đình có điều kiện vào trường chọn, nhưng cũng đồng thời mở cánh cửa đón trẻ rất có năng lực từ các gia đình yếu thế.

Ngày nay thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa phân hóa quá sâu sắc. Tại các đô thị, chúng ta vẫn có thể thấy trẻ từ các gia đình điều kiện khác nhau học chung một trường công đúng tuyến. Điều này ít đúng hơn nếu nhìn ở quy mô lớp học, khi tồn tại “lớp [phụ huynh] chọn”. Nếu nhìn rộng ra một chút có khoảng cách phân biệt rất lớn giữa chất lượng trường học ở nông thôn và thành thị, giữa trường học ở các siêu đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác. Không thể phủ nhận hệ thống trường chuyên có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy “dịch chuyển xã hội”. Hệ thống trường chuyên Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm thu hút học sinh từ các tỉnh thành khác. Một số học sinh khu vực nông thôn hiện diện ở trường chuyên (dù số lượng nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào cách tổ chức thi tuyển). Cùng với đà phát triển hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sớm thúc đẩy việc phân khu phân vùng theo thu nhập và chúng ta sẽ sớm nhận thấy sự khác biệt giữa các trường công trong cùng đô thị và nhu cầu thúc đẩy “dịch chuyển xã hội” sẽ càng cần thiết.

Tại sao dịch chuyển xã hội quan trọng? Sâu xa hơn, Đảng Bảo thủ ở nước Anh đề cao chế độ cử hiền (meritocracy): định mệnh của mỗi công dân quyết định bởi năng lực của bản thân họ và khuyến khích ý chí nỗ lực vươn lên ở tầng lớp xã hội thấp thay vì an phận dựa dẫm vào phúc lợi xã hội dành cho người thu nhập thấp. [Tư tưởng này bị đảng đối lập xem là tạo ra cạnh tranh thái quá phi nhân tính.] Học vấn tuy không phải là con đường tiến thân duy nhất nhưng lại là con đường tiến thân phổ biến, vì thế trường chọn có tính biểu tượng rất cao trong chế độ cử hiền đó và tác động trực tiếp đến công dân từ khi họ còn là trẻ nhỏ.

Với Việt Nam, chúng ta được thừa hưởng tư tưởng cử hiền từ lịch sử phong kiến. Trong chế độ phân chia giai cấp sâu sắc giữa vua quan quý tộc và bình dân, chế độ “khoa cử” đã đóng góp rất lớn cho “dịch chuyển xã hội” khi nó cung cấp phương tiện để con em bình dân thay đổi số phận của bản thân, gia đình và dòng tộc, nếu họ chứng minh được năng lực và đóng góp cho xã hội. Theo quan sát của cá nhân tôi trong các xã hội nhập cư thì những người đến từ các nước Á châu có chế độ khoa cử có ý chí vươn lên mạnh mẽ, cầu tiến hơn. Một số ý kiến cực đoan yêu cầu loại bỏ hoàn toàn hệ thống trường chuyên cần phải cân nhắc yếu tố liệu ta có cần duy chế độ cử hiền? Liệu trong quá trình phát triển xã hội sắp tới có cần tiếp tục khuyến khích và giáo dục tinh thần nỗ lực phấn đấu của trẻ nhỏ? Ý kiến cá nhân tôi thì vẫn cần. Cái cần thay đổi có lẽ là cải tiến, cập nhật nội dung “khoa cử” cho phù hợp với thời đại và nhu cầu phát triển đất nước sắp tới [xin không lạm bàn trong bài viết này].

Một vấn đề khác là tôi không bắt gặp cụm từ “đào tạo tinh hoa” trên mặt báo chí Anh khi bàn về trường chọn. Có lẽ đó là sứ mạng của các định chế khác (trường tư, đại học tinh hoa,…). Trường chọn chỉ cung cấp các điều kiện tốt nhất để trẻ phát huy năng lực học vấn của mình, chuẩn bị cho đại học. Sau cùng trường chọn sẽ không thể đóng vai trò “dịch chuyển xã hội” nếu nó tạo ra một tầng lớp tinh hoa dựa trên địa vị trường học mà không thúc đẩy người học nỗ lực phấn đấu suốt đời.

4. Ngân sách cho trường chuyên: Hiệu quả và bình đẳng?

Trên đây là một số thảo luận về mặt lợi và hại của trường chọn ở Anh, mà nhiều nội dung trong đó rất tương đồng với trường chuyên ở Việt Nam. Các phân tích này làm rõ nguyên nhân tồn tại và vai trò xã hội của trường chuyên cũng như cách thức tổ chức nó nhưng chưa liên quan trực tiếp đến vấn đề đầu tư công. Nên hay không nên tổ chức trường chuyên sử dụng ngân sách nhà nước và cơ sở nào để phân bổ nhiều nguồn lực cho trường chuyên. Trả lời câu hỏi này cần quay lại với 2 khái niệm kinh tế: hiệu quả và bình đẳng.

Giáo dục công sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển “nguồn vốn nhân lực” cho xã hội và nền kinh tế. Nếu thừa nhận học vấn là một loại năng lực và năng lực này khác biệt ở mỗi đứa trẻ, thì việc phân chia trẻ dựa vào khả năng và nhu cầu phát triển học vấn sẽ làm giáo dục hiệu quả hơn dựa vào chuyên môn hóa và lợi thế theo quy mô. Sẽ là lãng phí nếu đầu tư quá nhiều vào một trẻ không có nhu cầu hoặc khả năng phát triển học vấn tương xứng hoặc quá ít cho một trẻ có nhu cầu và khả năng phát triển học vấn cao. Đây là cơ sở lý luận cho việc ưu đãi trường chuyên so với các trường công khác.

Tuy nhiên lập luận về tính hiệu quả này có vài khiếm khuyết như sau:

Một là nó giả định việc tuyển sinh trường chuyên là hiệu quả trong việc phân loại năng lực trẻ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm, khoa học của các hình thức tuyển đầu vào trường chuyên, mà trên thực tế tồn tại rất nhiều bất cập trong điều kiện xã hội Việt Nam. Ngoài ra nó liên quan đến rất nhiều câu hỏi chuyên môn: ở độ tuổi nào phù hợp đánh giá thiên hướng học vấn của trẻ và phải đánh giá nó như thế nào?

Hai là nó giả định rằng mọi năng lực đều được khuyến khích phát triển. Nghĩa là với trẻ hạn chế trong năng lực học vấn, xã hội đầu tư nhiều hơn để phát triển năng lực nổi trội khác của trẻ: nghệ thuật, thẩm mĩ, kinh doanh,… Việc tổ chức trường chuyên sẽ đặt ra câu hỏi khác cho hệ thống giáo dục: liệu sự phân loại năng lực học vấn có để lại sau lưng đứa trẻ nào bị tụt hậu vì năng lực nổi trội của chúng chưa được phát hiện và đầu tư tương xứng hay không?

Khía cạnh bình đẳng phức tạp hơn rất nhiều vì không có sự đồng thuận chung trong khái niệm. Tùy vào niềm tin cá nhân và ý thức hệ (ví dụ như tranh cãi giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động), người ta sẽ hoặc tin vào bình đẳng kết quả hoặc bình đẳng cơ hội (**).

Những người tin vào bình đẳng kết quả có xu hướng cho rằng trường chuyên ở Việt Nam và trường chọn ở Anh bất công vì có những đứa trẻ nhận được nhiều đầu tư công hơn những đứa trẻ khác

Những người tin vào bình đẳng cơ hội cho rằng trường chuyên và trường chọn công bằng chừng nào việc tuyển sinh hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào năng lực của trẻ mà không phụ thuộc vào các yếu tố xuất thân như địa vị, sắc tộc, màu da, giới tính, gia cảnh,…

Mỗi một niềm tin thuần túy trên đây đều có khiếm khuyết của riêng nó.

Quan niệm bình đẳng kết quả tương đối lỗi thời trong nền triết học hiện đại vì nó không thực tế với hoàn cảnh xã hội đương đại và là một ý tưởng đẹp nhưng viển vông. Tuy nhiên các triết lý về bình đẳng kết quả lại rất hấp dẫn bình dân đại chúng và là công cụ hữu hiệu để tập hợp sự ủng hộ số đông khuyến khích chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cào bằng. Tuyên truyền bình đẳng kết quả, kết hợp với hệ thống phúc lợi hào phóng cho người nghèo, đánh thuế cao người giàu là liều thuốc phiện tạo ra sự đình trệ của các xã hội phát triển và kìm phanh tăng trưởng các nước đang phát triển.

Quan niệm bình đẳng cơ hội nghe có vẻ hợp lý nhưng lại ẩn chứa bên trong đó những hạt nhân của sự vô cảm, thiếu tình người. Không thể tách biệt hoàn toàn năng lực và yếu tố xuất thân. Liệu có thể ngăn cấm gia đình có điều kiện dành điều kiện phát triển thể chất, trí tuệ, giáo dục tốt cho con em họ? Liệu có nên (và có thể) cấm dạy thêm, học thêm và gia sư? Việc buộc một đứa trẻ thiếu thốn điều kiện cạnh tranh sòng phẳng với một đứa trẻ gia đình có điều kiện là một sự bất nhẫn lạnh lùng. Một trường hợp biên dễ thấy nhất là liệu có nên áp dụng bình đẳng cơ hội với trẻ khuyết tật? Hậu quả của bình đẳng cơ hội là xã hội phân hóa giàu nghèo, thiếu bao dung.

May mắn thay là cuộc đối đầu ý thức hệ tàn khốc trong thế kỷ trước đã đặt xã hội loài người ngày nay ở một vị trí trung dung hơn giữa hai bờ vực quan niệm bình đẳng.

Ở một nước tư bản già như nước Anh, chính sách dưới bất kỳ chính đảng nào cũng đều cân nhắc cả 2 yếu tố bình đẳng kết quả và cơ hội dù rằng ý thức hệ của đảng cầm quyền sẽ kéo chính sách lệch hơn sang một bên. Khi Đảng Bảo thủ cầm quyền khuyến khích trường chọn thì họ cũng đồng thời giao kèo với các trường này một khoản thưởng hỗ trợ để trường ưu tiên một tỉ lệ chỉ tiêu cho trẻ từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi Đảng Lao động cầm quyền và loại bỏ trường chọn, họ đầu tư thêm vào trường thường để phát triển một số năng lực cá biệt của trẻ [dù rằng nó hiệu quả hay không lại là một câu chuyện khác].

5. Tư nhân hóa trường chuyên?

Vấn đề cuối cùng tôi muốn thảo luận là liệu có nên tư nhân hóa trường chuyên.

Việc tham gia của tư nhân vào giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng là việc nên làm vì nó giúp huy động thêm nguồn lực giáo dục. Thêm vào đó khu vực tư nhân sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn và có thể kỳ vọng đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu giáo dục tốt hơn cũng như cung cấp nhiều sản phẩm giáo dục đa dạng và phong phú hơn.

Tuy nhiên khu vực tư nhân không có động lực đảm bảo tính công bằng xã hội và vì thế nhà nước không thể từ bỏ vai trò chủ đạo trong đào tạo bắt buộc và đào tạo phổ thông [kể cả ở các nước tư bản]. Việc tư nhân tham gia đào tạo chất lượng cao (và thu phí cao) vừa nâng cao tính hiệu quả, vừa thúc đẩy sự công bằng xã hội vì thu hút bớt nhu cầu giáo dục của gia đình thượng lưu (sẽ gia tăng nhanh cùng với tiến trình phát triển kinh tế) và tạo nhiều cơ hội hơn cho con em gia đình trung lưu và yếu thế tiếp cận các trường chuyên công lập.

Tuy nhiên bán trường chuyên công lập cho tư nhân nhân danh công bằng xã hội là một ý tưởng khôi hài kể cả khi giả định hệ thống thể chế giám sát là hoàn toàn liêm chính và minh bạch. Cái mà khu vực tư nhân cần là cởi trói cơ chế chính sách và môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải ưu đãi đất, vốn, nhân lực hay tài sản vô hình giống như tư duy ưu đãi cho các tập đoàn nhà nước thập kỷ trước.

Vấn đề học bạ toàn điểm 10 xếp hàng trước cổng trường chuyên và các bức xúc xung quanh lẽ ra cần phải diễn giải tường minh như sau:

  • Một là đang thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cho nhu cầu đào tạo phổ thông chất lượng cao cho tổng thể xã hội.
  • Hai là trẻ từ các gia đình trung lưu và đặc biệt gia đình hoàn cảnh khó khăn ngày càng khó tiếp cận trường chuyên và các hình thức đào tạo chất lượng cao khác.
  • Ba là cần xem xét đánh giá lại phương thức tuyển sinh vào trường chuyên để đảm bảo công bằng xã hội (có tính đến cả bình đẳng kết quả và bình đẳng cơ hội) và nâng cao hiệu quả giáo dục.
  • Bốn là hệ thống giáo dục phổ thông chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các năng lực khác ngoài năng lực học vấn của trẻ nhỏ. Nhiều năng lực bị xem nhẹ ngày nay sẽ thiếu hụt cho sự phát triển kinh tế tương lai ví dụ kinh tế sáng tạo, kinh tế số,…
  • Năm là cần xem xét lại nhu cầu đào tạo năng khiếu trong hệ thống trường chuyên. Trong bối cảnh hiện đại, đào tạo phổ thông chất lượng cao trong hệ thống công lập không nhất thiết gói gọn trong mục tiêu đào tạo năng khiếu và cần được mở rộng nội hàm.

Nếu diễn giải vấn đề một cách tường minh như vậy, các nhà quản lý sẽ dễ dàng tìm được một giải pháp Pareto gia tăng phúc lợi xã hội tổng thể mà không phải hi sinh lợi ích của một số cộng đồng để đổi lại lợi ích riêng của một nhóm nhỏ thiểu số.

Luân Đôn, mùa Covid, 2020

[Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, và không phản ánh quan điểm nơi tôi công tác]

Chú thích:

*Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UK) bao gồm 4 xứ: xứ Anh (England), Northern Ireland, Wales và Scotland. Trường chọn (grammar school) chỉ còn tồn tại thực chất ở xứ Anh và Bắc Ai-len.

** Vì lí do sư phạm, bài viết này sử dụng khái niệm bình đẳng cơ hội hình thức (formal equality of opportunity) khi so sánh đối lập với bình đẳng kết quả (equality of outcomes). Các chỉ trích trong bài cho hình thức bình đẳng này không hàm ý áp dụng cho tất cả các hình thức bình đẳng thực chất (substantive equality of opportunity) khác. Khái niệm bình đẳng nói chung và bình đẳng cơ hội nói riêng là một lĩnh vực chưa đạt được đồng thuận trong giới nghiên cứu và đang tiếp tục phát triển. Cám ơn các trao đổi từ TS Thang Dao.

TS. Nguyễn Tiến Việt hiện đang là Nhà nghiên cứu kinh tế tại Center for Economic Performance, thuộc London School of Economics and Political Science (LSE), Anh quốc. Anh có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Birmingham, Anh quốc.

Leave a comment