Dạo một vòng quanh 10 hình mẫu trường học trên thế giới

Dạo một vòng quanh 10 hình mẫu trường học trên thế giới

Nguồn: Oxford Royale

Biên tập: Uyên Thanh – Biên dịch: Phạm Thủy Tiên

Chúng tôi cho rằng việc đến trường là một trải nghiệm rất quen thuộc nhưng đồng thời, trải nghiệm này cũng sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào việc trường học của bạn nằm ở quốc gia nào.

Tạm bỏ qua mảng tối trong giáo dục khi mà hàng triệu người vẫn không thể tiếp cận được một hình thức giáo dục cụ thể nào thì ý nghĩa của việc đến trường, hay việc chúng ta đến trường để làm gì, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử và văn hóa của quốc gia ta đang sống. Một số người nói rằng mục đích của giáo dục là để học về những điều có giá trị. Có người lại cho rằng mục đích chủ yếu của giáo dục là tạo nên một cá nhân có tư duy phản biện tốt, trong khi, có những người lại xem đây là một quá trình để tạo ra những công dân và người lao động của tương lai. Tất nhiên, hầu hết chúng ta đều tin rằng, giáo dục là sự kết hợp của cả ba yếu tố nêu trên – nhưng quốc gia mà bạn đang sống mới là nhân tố quan trọng để xác định xem, đâu mới là yếu tố – trong những điều đã đề cập phía trên – được quan tâm nhiều hơn.

Không có quá nhiều điểm khác biệt giữa các trường về thời gian kéo dài của một năm học hay số giờ học tập của học sinh, số giờ mà học sinh dành ra cho các hoạt động của nhà trường, và nhà trường sẽ can dự bao nhiêu vào đời sống của học sinh. Chúng tôi đã xem xét hệ thống các trường học ở mười quốc gia khác nhau trên thế giới – đây là những gì bạn nên biết.

Nguồn ảnh: Carney Sandoe & Associates

1. Nền giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh khả năng học thuộc lòng và làm đi làm lại bài mẫu

Trong số những quan niệm khác nhau về mục đích của giáo dục, các trường học Trung Quốc rất chú trọng đến việc ghi nhớ và lưu giữ các dữ kiện. Điều này được chứng minh trong kỳ thi Cao Khảo, kỳ thi tuyển sinh đại học – những kỳ thi phụ thuộc vào những gì mà học sinh ghi nhớ và làm lại theo mẫu trong khi khả năng phân tích và tư duy phản biện không được kiểm tra tới. Đây là một trong những lý do tại sao Trung Quốc vượt trội trong việc đào tạo ra các nhà khoa học, kỹ sư và nhà toán học – trong khi các môn học này vẫn đòi hỏi khả năng tư duy phản biện nhưng xét ra, việc học vẹt ở các môn này chắc chắn hữu ích hơn so với các môn nghệ thuật.

Người ta cũng cho rằng ngôn ngữ cũng như văn hóa của Trung Quốc đã góp phần tạo nên phong cách giáo dục này. Để biết tiếng Trung thì cần người học phải ghi nhớ hàng nghìn ký tự, vì vậy, trong khi việc đọc và viết bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh có thể được dạy thông qua các phương pháp khác, thì học thuộc lòng là phương pháp cần thiết đối với người học tiếng Trung. Trong khi giáo viên ở các quốc gia như Anh tranh luận rằng việc học vẹt là đi ngược lại tư duy phản biện và khuyến khích học sinh đặt câu hỏi về những gì đang được học như một phần của quá trình học tập thì giáo viên ở Trung Quốc tin rằng, ghi nhớ là công cụ giúp người học hiểu song song với hai hoạt động kể trên.

2. Trang phục tôn giáo bị cấm tại các trường học ở Pháp

Nguyên tắc cốt lõi của xã hội Pháp được gọi là laïcité, tạm dịch là tính thế tục (secularity), mặc dù thực tế, nó vượt xa sự thế tục thường thấy ở các nước nói tiếng Anh. Nguyên tắc này cho rằng tôn giáo và đời sống công cộng nên có một khoảng cách, càng xa nhau càng tốt. Nguyên tắc này không thể hiện sự chống đối tôn giáo nhưng niềm tin rằng tôn giáo và đời sống công cộng, đặc biệt là chính trị, thì không nên trộn lẫn vào nhau. Cần nhấn mạnh rằng, sử dụng tôn giáo để biện minh cho các quyết định chính trị là điều cần phải tránh xa. Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nữa là vào năm 2011, việc giấu mặt ở những nơi công cộng là hoạt động bất hợp pháp ở Pháp, một động thái cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burqa hoặc niqab.

Tương tự như vậy, các trường công lập của Pháp cấm học sinh mặc bất kỳ trang phục có tính tôn giáo nào, một động thái được coi là chủ yếu nhắm vào các nữ sinh Hồi giáo đội khăn trùm đầu, nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến những người theo Sikh giáo mặc áo tuýt, người Do Thái mặc y phục và người theo đạo Thiên Chúa thì mang thánh giá. Đạo luật này đã gây tranh cãi và thu hút sự phản đối khi được công bố lần đầu tiên, dù sau đó, đạo luật này vẫn được thi hành. Dựa trên nguyên tắc của laïcité , các trường học ở Pháp không cung cấp bất kỳ hình thức giảng dạy tôn giáo nào, mặc dù một số trường sử dụng các tòa nhà cho các câu lạc bộ và xã hội tôn giáo sau giờ học.  

3.… nhưng ít hơn 3% các trường học ở Ireland là phi hoặc đa giáo phái

Pháp và Ireland đều là những quốc gia Công giáo chiếm đa số, nhưng cách họ tiếp cận tôn giáo trong trường học thì không khác nhau là mấy. Tại Ireland, có 2.884 trường Công giáo dạy giáo dục tôn giáo theo quan điểm Công giáo và các trường này có thể không tuyển dụng các giáo viên hoặc không nhận học sinh không theo Công giáo. Nhiều bậc cha mẹ cho con cái họ rửa tội không phải vì bản thân họ theo đạo, mà vì mục đích muốn đảm bảo một suất học tại trường học địa phương vốn có nguy cơ hết chỗ. Chỉ có 81 trường học không liên kết với một tôn giáo cụ thể nào, và nhiều trường trong số này cho phép có nhiều lựa chọn tôn giáo khác nhau, nhưng không dành cho chủ nghĩa vô thần.

Hệ thống giáo dục của Ireland được quốc tế ca ngợi, nhưng đây là một vấn đề đang dần được quan tâm. Chỉ có khoảng 6% dân số Ireland nói rằng họ không có tôn giáo trong một khảo sát dân số năm 2011. Các nhà vận động theo chủ nghĩa nhân văn cho rằng điều này xảy ra là do cách diễn đạt câu hỏi khi mà những câu hỏi này khuyến khích những người Công giáo không thực hành giáo lý thường xuyên (lapsed Catholic) vẫn xem mình là người có đạo dù những người này đã tự mô tả mình là người theo chủ nghĩa vô thần hoặc bất khả tri. Một cuộc thăm dò khác vào năm 2012 thể hiện, chỉ có 47% những người được khảo sát ở Ireland mô tả mình là “người có đạo”.

4. Trường học ở Bangladesh đôi khi là ở trên thuyền

70% tổng diện tích đất liền của Bangladesh chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy một mét. Nguyên nhân là do vị trí đặc biệt của đất nước này trên Đồng bằng sông Hằng khi dễ bị lũ lụt trong mùa gió chướng và bị ảnh hưởng bởi lượng mưa từ dãy Himalaya. Kết quả là khoảng 1/5 diện tích đất nước bị ngập lụt vào mỗi năm. Về nhân khẩu học, đất nước này cũng gặp vấn đề khi trong số 165 triệu người Bangladesh, 32% dân số là người dưới 15 tuổi. Điều này khiến cho dân số trong độ tuổi đi học là rất lớn và đặt gánh nặng tài chính đáng kể lên chính phủ. Các trường học thông thường phải đóng cửa trong thời gian lũ lụt, khiến hàng triệu trẻ em không được tiếp cận giáo dục, vì vậy Bangladesh đã phải đưa ra một giải pháp sáng tạo: trường học chống lũ trên thuyền. Các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động ở Bangladesh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các trường học nổi kiểu này, thường được cung cấp năng lượng bằng các tấm pin mặt trời. Điều này mang đến cơ hội học tập cho trẻ em có thể ngay cả khi lũ lụt ở mức tồi tệ nhất.

5. Trường học Nhật Bản dạy giáo dục đạo đức

Trong số các cách tiếp cận đối với giáo dục nêu trên, hệ thống trường học của Nhật Bản dường như ưu tiên đào tạo ra những công dân tốt. Giáo dục đạo đức đã được giảng dạy không chính thức ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, nhưng nó đang ngày càng trở nên nổi bật hơn khi được giảng dạy trong một số trường học tương tự như các môn học khác như tiếng Nhật hoặc toán học.

Môn học bao gồm nhiều chủ đề không mang tính tranh cãi, chẳng hạn như lòng nhân ái, tính kiên trì và một số kỹ năng sống. Theo cách này, môn học không khác với các môn học như Giáo dục Công dân hoặc Cá nhân, Xã hội và Sức khỏe (PSHE) ở các trường học tại Anh, ngoại trừ việc môn đạo đức có nhiều thời gian trên lớp hơn. Tuy nhiên, cũng như việc nhấn mạnh đến sự siêng năng, sức chịu đựng và làm việc chăm chỉ nói chung đang được chú trọng ở các nền văn hóa khác, các chủ đề như di sản quốc gia có thể được coi là cách bồi đắp tinh thần dân tộc khi được giảng dạy trong bối cảnh đạo đức, hơn là được giảng dạy một cách chung chung trong các môn học như lịch sử.

6. Phần lớn người dân Nam Phi chi trả cho việc học của con cái họ

Trong khi học phí đại học thường rất khác nhau trên toàn thế giới, phần lớn các quốc gia phát triển cung cấp giáo dục tiểu học và trung học miễn phí cho đại đa số người dân. Nam Phi là một trong những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, nơi trường học không mặc định được được nhà nước tài trợ hoàn toàn, mà chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại  do phụ huynh đóng góp tài chính. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp bảo vệ (cho những gia đình không có đủ điều kiện tại chính – ND). Một thiểu số lớn – khoảng 43% học sinh – được miễn đóng học phí với lý do cha mẹ của họ kiếm được ít hơn 10 lần học phí hàng năm và có các khoản giảm theo thang điểm trượt. Các trường học không thể từ chối nhận một học sinh với lý do rằng cha mẹ của chúng chưa đóng học phí, mặc dù họ có thể khởi kiện những phụ huynh không trả tiền. Trẻ mồ côi cũng được miễn học phí.

7. Các trường học ở Đức phản đối gay gắt đồng phục

Đồng phục học sinh là một lựa chọn phổ biến trên toàn cầu. Trong một số trường hợp, việc mặc đồng xuất phát từ niềm tin cho rằng việc mặc đồ giống nhau sẽ làm cho học sinh cảm thấy đồng nhất hơn, góp phần tích cực tạo nên tinh thần học đường và cảm giác thuộc về một tập thể. Nhưng cũng có những ý kiến thiên về các lý do thực tế hơn, chẳng hạn như đồng phục giúp phân biệt học sinh từ các trường khác nhau dễ dàng hơn hoặc đồng phục là một lựa chọn về quần áo rẻ hơn cho các gia đình nghèo, hoặc chúng giúp cha mẹ chuẩn bị cho con đi học dễ dàng hơn vào buổi sáng.

Có rất nhiều quốc gia mà học sinh thường không mặc đồng phục, chẳng hạn như Hoa Kỳ hoặc Pháp, nhưng ít quốc gia nào nói về điều đó như Đức, nơi đồng phục có hẳn các hiệp hội phản ứng cực kỳ gay gắt. Khi đồng phục tồn tại, chúng sẽ được thiết kế cẩn thận để trông càng giống quân phục càng tốt – áo phông và áo hoodie với nhiều màu sắc tươi sáng là lựa chọn phổ biến – và rất ít khi học sinh bắt buộc phải mặc đồng phục.

8. Ngày học ở Hàn Quốc thật sự rất dài

Hầu hết một ngày học ở trường trên toàn cầu kéo dài trong năm hoặc sáu giờ. Ở Brazil, việc học bắt đầu lúc 7h sáng và học sinh về nhà ăn trưa; ở Pháp, giờ học có thể bắt đầu từ 8h30 sáng và kết thúc lúc 4h30 chiều, với hai giờ nghỉ trưa. Các trường công lập của Anh thường bắt đầu học lúc 9h sáng và kết thúc lúc 3h30 chiều. Có thể có các câu lạc bộ hoặc bài tập về nhà sau giờ học, nhưng dành khoảng sáu giờ chính thức cho lớp học được đánh giá là khá nhiều, đặc biệt là đối với học sinh nhỏ tuổi.

Ngược lại, học sinh trung học ở Hàn Quốc có thể ngồi trên bàn học từ 14 đến 16 giờ. Ngày học tiêu chuẩn là từ 8h sáng đến 4h chiều, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng học sinh trong vài năm cuối cấp sẽ về nhà ăn tối sau đó đến các trường học thêm từ 6h tối đến 9h tối để ôn tập chuyên sâu. Sau đó, có thể còn thêm vài giờ nữa để làm bài tập về nhà. Tuy các đội học sinh Hàn Quốc là một trong những đội thành công nhất trên các bảng đấu quốc tế, nhưng nó đòi hỏi học sinh nước này phải hoàn thành một lượng công việc đáng kể. 

9. Học sinh Hà Lan đều bắt đầu đi học vào sinh nhật lần thứ 4

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về việc bắt đầu đi học và độ tuổi phù hợp cho học sinh bắt đầu đến trường. Thông thường, sự khác biệt chủ yếu xuất phát từ thuật ngữ nhiều hơn so với thực tế, vì vậy trẻ em Đức có thể chỉ bắt đầu đi học từ 7 tuổi, nhưng trước đó đãdành một vài năm trong một trường mẫu giáo giống như trường học, trong khi học sinh Anh bắt đầu đi học trong độ tuổi từ 4 đến 5, nhưng năm đầu tiên, sẽ trông không quá khác so với các hoạt động ở trường mẫu giáo.

Một khó khăn mà các hệ thống trường học phải đối mặt là nếu mọi học sinh bắt đầu đi học vào cùng một ngày – ví dụ như bắt đầu từ tháng 9, như quy định ở Anh – một số sẽ lớn hơn gần một tuổi so với những học sinh khác, điều này thể hiện một sự khác biệt đáng kể về sự phát triển. Học sinh sinh vào tháng 9 ở Vương quốc Anh luôn học ở trường tốt hơn những người sinh vào tháng Tám. Giải pháp cho vấn đề này ở Hà Lan là tất cả học sinh bắt đầu đi học vào sinh nhật thứ 4 của mình, bất cứ khi nào có thể, vì vậy suốt năm luôn có những học sinh mới nhập học. Mặc dù điều này có nghĩa là học sinh lớn tuổi có nhiều thời gian hơn để hòa nhập và kết bạn, nhưng ít nhất cũng có nghĩa là học sinh phải ở một trình độ phát triển tương tự vào thời điểm ngày đầu tiên đến trường của họ.

10. Lễ tốt nghiệp trung học của Na Uy bao gồm một bữa tiệc kéo dài ba tuần

Ở Ireland, có các Debs; ở Hoa Kỳ, có Vũ hội; ở Anh,có buổi chia tay Leavers’ Ball. Nhưng quán quân của lễ kỷ niệm tốt nghiệp trung học phải thuộc về Russfeiring của người Na Uy, theo truyền thống kéo dài từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 17 tháng 5, trước kỳ thi của trường vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Truyền thống là câu lạc bộ học sinh trung học Na Uy cùng nhau mua một chiếc xe hơi cũ, xe buýt hoặc xe van, sau đó họ trang trí. Họ mặc quần yếm màu đỏ hoặc xanh lam, cũng được trang trí. Và sau đó, họ dành ba tuần tiếp theo trên ô tô, xe buýt hoặc xe van để tổ chức một bữa tiệc hoang dã, lái xe giữa các sự kiện ngẫu hứng hoặc được lên chương trình rõ ràng, để mở đường cho lễ tốt nghiệp của họ. Vào đầu những năm 2000, vì sợ rằng không thể quản lý được việc tổ chức các lễ kỷ niệm này, các nhà chức trách Na Uy đã chuyển các kỳ thi của trường sang đầu tháng 5 để không khuyến khích học sinh tổ chức lễ kỷ niệm Russfeiring quá nhiệt tình. Như có thể dự đoán, các học sinh dĩ nhiên đã chọn tiệc tùng, điểm số của họ bị ảnh hưởng, và chính phủ đã phải chịu thua và chuyển các kỳ thi trở lại như trước.

Còn điều gì đáng chú ý nhất về giáo dục ở đất nước của bạn? Hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận!

Leave a comment