10 rào cản hạn chế tiếp cận với giáo dục của trẻ em sống trong nghèo đói

Nguồn: Global Citizen, đăng ngày 13/08/2019

Biên dịch: Nguyễn Phi GiaoBiên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Tác giả: Phineas Rueckert

Từ lớp học quá đông cho đến thiếu dinh dưỡng

Trẻ em sống trong cảnh nghèo đói phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục. Vài rào cản được cho là điều hiển nhiên giống như là không có trường thì không thể đi học được – còn những điều khác thì khó nhận ra hơn. Chẳng hạn như việc giáo viên dạy ở trường trường không được đào tạo đúng mức để hỗ trợ cho trẻ học tập có hiệu quả.

Tăng cường tiếp cận giáo dục có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và tuổi thọ của một xã hội, tăng trưởng nền kinh tế và thậm chí chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em còn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố. Rào cản ngôn ngữ, vai trò giới và sự lệ thuộc vào lao động trẻ em đều có thể gây cản trở trong việc tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng. Những trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên thế giới có nhiều khả năng bỏ học hơn thường đến từ các cộng đồng nghèo khó. Trong đó bao gồm các trẻ em gái và trẻ em khuyết tật,

Dưới đây là 10 thách thức lớn nhất trong giáo dục toàn cầu mà thế giới cần phải hành động ngay bây giờ để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4: Đảm bảo Giáo dục có chất lượng cho mọi người khi đến năm 2030.

1.  Thiếu kinh phí cho giáo dục

Các nước đang phát triển không thể chỉ dựa vào nguồn tài chính trong nước của chính họ cho giáo dục mà cũng cần có thêm viện trợ nước ngoài.

Theo Hiệp hội Đối tác Giáo dục Toàn cầu (Global Partnership for Education – GPE) chia sẻ rằng, chỉ 20% viện trợ cho giáo dục là dành cho các nước có thu nhập thấp. Cứ trung bình một ngày để dành khoảng 1.25 đô la thì mỗi trẻ em ở các nước đang phát triển sẽ được hỗ trợ giáo dục trong 13 năm.

Nếu cứ mỗi nước đang phát triển chỉ cần đầu tư thêm 15 xu cho một trẻ em, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt. Hiện còn cần thêm 39 tỷ đô la mới có thể đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em khi đến năm 2030. GPE khuyến khích các nước đang phát triển đóng góp 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục và phân bổ 45% trong số đó cho giáo dục tiểu học.

2. Không có giáo viên hoặc giáo viên chưa được đào tạo

Phương pháp giảng dạy hiệu quả của giáo viên được coi là chỉ báo quan trọng nhất đối với việc học tập của học sinh. GPE quyết tâm giải quyết vấn về khủng hoảng giáo viên toàn cầu trước mắt. Không có đủ giáo viên để giảng dạy cấp tiểu học và trung học cơ sở. Và nhiều giáo viên đang đứng lớp chưa được qua đào tạo. Kết quả là trẻ em không được giáo dục đúng theo yêu cầu. Có 130 triệu trẻ em đến trường không được học các kỹ năng cơ bản như tập đọc, tập viết và làm toán. Liên Hợp Quốc ước tính, để phổ cập kiến thức giáo dục tiểu học và trung học cơ sở từ bây giờ cho đến năm 2030 thì cần có 69 triệu giáo viên mới trên toàn cầu. Cần tuyển dụng thêm 25.8 triệu giáo viên để có thể giảng dạy bậc tiểu học cho tất cả mọi trẻ em. Trong khi đó, cứ ba nước thì có một nước có ít hơn 1/3 giáo viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia.

3. Không lớp học

Một đứa trẻ không thể học nếu không có môi trường học tập phù hợp. Ở nhiều quốc gia Hạ Sahara thuộc Châu Phi (vùng của lục địa Châu Phi nằm phía nam Sahara – ND), trẻ em thường chen chúc nhau trong những lớp học quá đông, phòng học xập xệ hoặc có khi các em phải học ngoài trời. Các em cũng thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các công cụ học tập khác nhằm giúp việc học tốt hơn.

Ví dụ, ở Malawi (quốc gia ở Đông Phi – ND), trung bình có 130 trẻ em lớp một cùng học chung trong một lớp. Vấn đề không chỉ là thiếu lớp học mà còn thiếu tất cả các cơ sở vật chất cơ bản mà một trường học cần có như nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Ở Chad (quốc gia ở Trung Phi – ND), cứ bảy trường thì chỉ có một trường có nước uống được và cứ bốn trường thì cũng chỉ có một trường có nhà vệ sinh. Hơn nữa, chỉ 1/3 số nhà vệ sinh đó là dành cho nữ sinh – đây thật sự là một rào cản làm trẻ em gái không muốn đến trường.

Khi các trẻ em gái không được sử dụng nhà vệ sinh an toàn, các em thường bị quấy rối hoặc tấn công khi tìm một nơi riêng tư để đi vệ sinh. Các em cũng cúp học hoặc bỏ học khi đến kỳ kinh nguyệt nếu không có nhà vệ sinh hoặc các sản phẩm vệ sinh vùng kín để sử dụng kín đáo và đàng hoàng trong thời kỳ kinh nguyệt.

Học sinh ở Sudan giơ tay trả lời câu hỏi của giáo viên.

Ảnh: Kelley Lynch/GPE

4. Thiếu tài liệu học tập

Ở nhiều nơi trên thế giới, có tình trạng sáu hoặc hơn nửa số học sinh phải cùng chia sẻ những cuốn sách giáo khoa đã lỗi thời và cũ nát. Ví dụ, ở Tanzania (quốc gia ở Đông Phi – ND), có 3,5% trong tổng số học sinh lớp sáu phải cùng sử dụng duy nhất một cuốn sách giáo khoa cho môn Tập đọc. Ở Cameroon (quốc gia ở Trung Phi – ND), trung bình có 11 em học sinh tiểu học chia nhau dùng chung một quyển sách giáo khoa môn Tập đọc và 13 em học lớp hai dùng chung một quyển sách giáo khoa môn Toán. Sách bài tập, phiếu bài tập, sách tập đọc và các tài liệu khác phục vụ học sinh học tập đều đang bị thiếu hụt. Giáo viên cũng cần tài liệu để soạn giáo án, chia sẻ lài liệu và giảng dạy cho học sinh.

5.  Loại trừ trẻ em khuyết tật

Mặc dù giáo dục là một quyền cơ bản của con người, nhưng thực tế là có từ 93 đến 150 triệu trẻ em khuyết tật trên thế giới bị từ chối cơ hội đến trường. Ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới, có tới 95% trẻ em khuyết tật không được đến trường. Học sinh khuyết tật có tỷ lệ đi học rất thấp và có nhiều khả năng phải nghỉ học hoặc bỏ học trước khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Tỷ lệ các em này bị đình chỉ hoặc bị đuổi học cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ của các em không thuộc chương trình giáo dục đặc biệt. Sự kết hợp của việc phân biệt đối xử, giáo viên không đươc đào tạo về phương pháp giảng dạy hòa nhập cho trẻ em khuyết tật và do thiếu trường học dẫn đến việc nhóm này càng dễ bị từ chối khi tiếp cận với giáo dục.

6.  “Sai” giới tính

Đơn giản mà nói thì giới tính chính là một trong những lý do lớn nhất khiến trẻ em không được trao cơ hội học tập. Mặc dù gần đây đã có những tiến bộ trong giáo dục dành cho trẻ em gái, những vẫn còn một thế hệ người nữ trẻ bị bỏ lại phía sau. Hiện nay có hơn 130 triệu phụ nữ trẻ trên khắp thế giới không được đi học. Cứ ba em gái sống ở các nước đang phát triển thì có một em phải nghỉ học khi họ kết hôn trước 18 tuổi.

Dù biết cho con gái đến trường sẽ mang lại nhiều giá trị cho chính các em và gia đình, nhưng chính cái nghèo khiến nhiều gia đình phải cân nhắc nên cho con gái hay con trai đi học. Các bé gái thường bị bỏ qua vì nhiều gia đình vẫn còn nghĩ là cho con gái đi học sẽ mang lại ít giá trị hơn là cho con trai đi học. Thay vào đó, con gái phải đi làm, kết hôn hoặc phải ở nhà để chăm sóc các em và làm việc nhà. Hàng năm, cũng có nhiều trẻ em gái phải bỏ học hoặc cảm thấy xấu hổ khi đến lớp vì các em không được giáo dục về vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc không có nhà vệ sinh an toàn.

7.  Sống ở một quốc gia có xung đột hoặc có nguy cơ xung đột

Bất kỳ cuộc chiến nào cũng đều có thương vong và các hệ thống giáo dục thường cũng sẽ bị phá hủy. Trẻ em khi tiếp xúc nhiều với bạo lực thường có nguy cơ học tập sa sút và bỏ học nhiều hơn. Tác động của xung đột đối với trẻ em không phải được nói quá lên đâu. Có gần 250 triệu trẻ em đang sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột. Hơn 75 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 3 đến 18 tuổi ở 35 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng hiện đang cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp, trong đó tỉ lệ bỏ học cuả những trẻ em gái đang học trung học mà sống trong các khu vực xung đột thì cao hơn 90% so với những quốc gia khác.

Khi xung đột xảy ra, giáo viên và học sinh thường trốn khỏi nhà của họ, làm cho việc học bị gián đoạn rất nhiều. Tổng cộng có 75 triệu trẻ em phải gián đoạn việc học do xung đột hoặc khủng hoảng, trong đó nhiều thảm họa thiên nhiên đã phá hủy trường học và môi trường xung quanh các em. Theo số liệu của Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UN Refugee Agency) điều tra thì chưa đến một nửa số trẻ em tị nạn trên thế giới được đi học. Điều đáng lo ngại cho đến nay là, giáo dục vẫn là ưu tiên rất thấp trong viện trợ nhân đạo cho các nước đang xung đột – và chưa đến 3% hỗ trợ nhân đạo toàn cầu được phân bổ cho giáo dục vào năm 2016. Nếu không được hỗ trợ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột sẽ mất đi cơ hội phát huy hết tiềm năng và tái thiết lại cộng đồng của các em.

8.  Khoảng cách từ nhà đến trường

Đối với nhiều trẻ em trên khắp thế giới, việc mất khoảng 3 tiếng cho một lần đi bộ tới trường không phải là chuyện hiếm nữa. Điều này thật sự quá sức đối với nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em bị suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật, hoặc những em phải làm thêm việc nhà. Hãy tưởng tượng các em phải bắt đầu đến trường lúc 5 giờ sáng mỗi ngày trong cái bụng đói và về đến nhà tận 7 giờ tối. Nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, dễ bị bạo lực trên đường vừa dài vừa nguy hiểm khi đến trường và quay về nhà.

9. Đói và suy dinh dưỡng

Tác động của nạn đói đối với hệ thống giáo dục thật sự chưa được báo cáo một cách đầy đủ và dưới mức độ nghiêm trọng thật sự của nó. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của não bộ, có thể nghiêm trọng tương tự như việc trình độ hiện tại của các em đang thấp hơn bốn lớp so với độ tuổi thực tế. Ước tính có khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Khi bị nhiễm trùng và kém hấp thu các chất dinh dưỡng sẽ làm suy giảm khả năng phát triển ở trẻ nên dễ dẫn đến tình trạng thấp còi ở các em, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức cũng như khả năng tập trung của trẻ tại trường học. Kết quả là, tỉ lệ trẻ thấp còi biết đọc sẽ giảm đi 19% khi các em lên 8 tuổi. Ngược lại, dinh dưỡng tốt là yếu tố quan trọng cho việc học tốt.

10. Chi phí giáo dục

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ rằng mọi trẻ em đều có quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản miễn phí, vì vậy nghèo đói và thiếu tiền không nên là rào cản đối với việc đi học. Trong vài thập kỷ qua, các chính phủ ở nhiều nước đang phát triển đã tuyên bố bãi bỏ học phí và kết quả là số trẻ em đến trường đã tăng lên một cách ấn tượng.

Nhưng đối với nhiều gia đình thật sự nghèo thì trường học vẫn còn quá đắt đỏ và trẻ em buộc phải ở nhà làm việc nhà để phụ giúp gia đình. Các gia đình vẫn bị mắc kẹt trong vòng lẫn quẩn của nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ. Ở nhiều nước trên khắp Châu Phi, giáo dục về mặt lý thuyết là miễn phí. Nhưng trên thực tế thì phụ huynh bị bắt buộc phải đóng nhiều loại “phí không chính thức” cho “các khoản bắt buộc” như đồng phục, sách, bút, học thêm, lệ phí thi hoặc quỹ hỗ trợ xây dựng trường học. Ở những nơi khác, việc thiếu các trường công lập (do chính phủ hỗ trợ) có nghĩa là phụ huynh không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con mình đến các trường tư thục. Ngay cả khi những trường này đưa ra mức “học phí thấp”, thì đối với những gia đình thật sự khó khăn là vẫn không đủ khả năng chi trả, điều này lại càng khiến cho các gia đình càng thêm khó khăn trong việc nỗ lực giúp con họ có cuộc sống tốt hơn thông qua giáo dục. 

Leave a comment