Cuối cùng thì vai trò giảng dạy của giáo viên đối với thế hệ tương lai là gì?

Nguồn: Brookings Institution, ngày đăng: 03/8/2017

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Nguyen Le

Tháng 9/2015, Đại hội đồng LHQ đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm mục tiêu toàn diện về giáo dục, SDG-4, hướng đến một nền giáo dục hòa nhập chất lượng cấp độ tiểu học và trung học cơ sở cho tất cả mọi người trước năm 2030.

Đây rõ ràng là một mục tiêu rất tham vọng. Ở nhiều khu vực đang phát triển trên thế giới, vẫn còn quá nhiều người bị bỏ lại phía sau do không được đến trường hoặc không được tiếp cận cả kiến thức cơ bản. Trong số 121 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, có 1/6 trẻ em không hoàn thành chương trình tiểu học và 1/3 trẻ vị thành niên không hoàn thành chương trình trung học cơ sở. 30% các quốc gia vẫn chưa đạt được tỉ lệ cân bằng giới ở bậc tiểu học và 50% các nước không đạt tỉ lệ cân bằng ở cấp trung học. Tệ nhất là có đến 250 triệu trẻ em không thể đọc, viết hoặc làm số học cơ bản, mặc dù nhiều em đã đi học được vài năm. [Đến trường không học – Schooling Ain’t Learning là cụm từ mô tả “xuất sắc cho cuốn sách của Lant Pritchett, “ Sự tái sinh của giáo dục – The Rebirth of Education”, phân tích những thách thức mà thế giới đang phát triển phải đối mặt để đảm bảo cải thiện khả năng đọc và viết. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã gọi những thách thức ấy là Khủng hoảng Học tập Toàn cầu.] Thêm vào đó, các kỹ năng truyền thống trước kia đang dần chuyển sang các kỹ năng không thuộc phạm vi nhận thức (non-routine cognitive)kỹ năng xã hội (interpersonal skills) kể từ khi nhiều công việc bị thay thế bởi tự động hóa. Chương trình giảng dạy trong trường học thường không tính đến sự thay đổi này và hệ thống giáo dục không có công cụ để giải quyết những kỹ năng phức tạp kiểu thế này.

Toàn cầu hóa đã làm cho những thay đổi này hiện diện ở hầu hết các quốc gia, làm tăng thêm bất bình đẳng hiện có và góp phần vào  việc gia tăng tỉ lệ nghèo đói giữa các thế hệ. Ở nhiều quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình, giáo viên (là những người đã được đào tạo giáo dục chính quy theo quy định của quốc gia đó) vẫn thiếu kiến thức về một số môn học như toán, lý và hóa cũng như không có đủ sách giáo khoa, và khả năng kết nối (và đôi khi cả điện) là rất hiếm ở các trường học địa phương. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp này, nhu cầu về các kỹ năng tư duy cao hơn vẫn tồn tại trên thị trường lao động, đặt ra thách thức kép đối với một hệ thống trường học vốn đã quá tải.

Nguồn ảnh: Brookings Institution

Trong bối cảnh này, vai trò của giáo viên thực sự là gì? Sẽ rất dễ dàng để trả lời rằng nếu ngay cả những điều cơ bản còn chưa đáp ứng được thì chúng ta không nên mong đợi gì hơn ngoài những điều ấy. Tuy nhiên, nếu giữ lối tư duy ấy, nghĩa là chúng ta sẽ khiến cho thế hệ sinh viên tiếp theo không có kỹ năng và không được chuẩn bị gì cho tương lai phía trước. Điều tôi muốn cố gắng truyền tải trong bài viết này chính là việc khẳng định rằng: Với sự hỗ trợ thích hợp, giáo viên hoàn toàn có thể giúp học sinh trở thành những công dân và chuyên gia chủ động trong những thời điểm không chắc chắn này.

Mở rộng quy mô giáo dục thế kỉ 21 ở các quốc gia có hệ sinh thái giáo dục đang gặp khó khăn

Các quốc gia này không thể làm cho hệ thống trường học của họ tiến bộ theo từng bước một, lần lượt là tiếp cận toàn diện và sau đó thúc đẩy mô hình giáo dục chất lượng đã lỗi thời cho tất cả mọi người, và cuối cùng đảm bảo rằng hệ thống kết hợp phát triển một bộ kỹ năng mới. Họ sẽ phải đi tắt đón đầu và học hỏi từ các quốc gia vốn đã cải thiện thành công hệ thống giáo dục của họ.

Để điều này trở nên khả thi, một số thiếu sót ban đầu sẽ cần được giải quyết, chẳng hạn như việc không chắc chắn trong quá trình đào tạo giáo dục tại chức và dự bị; quy trình tuyển dụng giáo viên không hiệu quả. Chương trình đào tạo giáo viên trước khi giảng dạy (pre-service education) ở các khu vực đang phát triển có xu hướng quá chú trọng lý thuyết, gây bất lợi cho việc thực hành giáo dục. Một cuộc cải cách chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm chuẩn bị cho những giáo viên tương lai là hợp lý hơn cả. Chỉ có cách thông qua sự phản ánh về việc thực hành hàng ngày của giáo viên, chúng ta mới có thể tiến tới một mô hình mà ở đó, giáo viên không còn đơn thuần là người cung cấp kiến thức mà còn nhiều hơn thế, họ sẽ là một “nhà môi giới”  (mediator) dẫn dắt các học sinh trong quá trình phát triển kỹ năng — đọc viết và làm toán; các kỹ năng nhận thức xã hội và cảm xúc – những kỹ năng vốn được phát triển tốt hơn thông qua tương tác chứ không phải đúc kết từ các bài diễn ngôn hoặc chép bài từ bảng đen, như hầu hết hoạt động mà giáo viên vẫn làm.

Năm ngoái, OECD đã đưa ra một báo cáo thú vị về các chiến lược mà giáo viên toán từ các nước tham gia PISA 2012 đã sử dụng để giảng dạy. Báo cáo đã nhóm các chiến lược thành ba loại: 

  • Một là, học tập tích cực, trong đó trọng tâm là thúc đẩy sự cam kết của học sinh với việc học của chính mình cùng với sự hỗ trợ của CNTT-TT và rất nhiều hoạt động theo nhóm khác.
  • Hai là, kích hoạt nhận thức mà khi đó học sinh được thử thách thông qua quá trình phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
  • Ba là, được giáo viên hướng dẫn mà theo đó chiến lược này sẽ dựa vào khả năng của giáo viên để quyết định lớp học đó có phát triển theo hướng tốt hay không.

Theo báo cáo, các chiến lược không loại trừ lẫn nhau, mà đòi hỏi người hướng dẫn phải thay đổi vai trò liên tục, để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với từng loại chiến lược. 

Các quy trình tuyển dụng và chương trình đào tạo giáo viên trước khi giảng dạy (pre-service education) ở các nước đang phát triển nên chuẩn bị cho các chuyên gia sẵn sàng đảm nhận những vai trò giảng dạy phức tạp hơn. Thêm vào đó, việc phát triển chuyên môn nên kết hợp quan điểm rằng, ngoài vai trò là nhà môi giới kiến thức (mediator), giáo viên cần là một phần của lớp học và giảng dạy không phải là một công việc riêng lẻ. Giáo viên cần học cách cộng tác, đồng sáng tạo, lập kế hoạch cho các lớp học và giám sát công việc cùng nhau. Điều này có thể thực hiện trong trường học – nơi họ đang làm việc hoặc trong một hệ thống trường học. Các sáng kiến hay về việc ghép nối các trường đang gặp khó khăn với các trường hoạt động tốt hơn trong cùng một khu vực đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn với quy mô toàn cầu.

Thách thức thực sự mà chúng ta cần đối mặt trước khi nghề giáo trở nên hấp dẫn hơn, và chương trình đào tạo giáo viên trước khi giảng dạy hiệu quả là một đội ngũ giáo viên thiếu kỹ năng và khả năng diễn đạt để đối mặt với thực tế phức tạp như hiện nay. Trong những trường hợp này, sự pha trộn giữa các chiến lược giảng dạy một cách có lớp lang cùng với không gian để thử nghiệm và hỗ trợ đổi mới đã cho thấy hiệu quả nhất định. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo viên chưa có kinh nghiệm được hưởng lợi rất nhiều từ các yếu tố như kế hoạch lớp học được định dạng trước, các lớp học kỹ thuật số và sách giáo khoa được đào sâu phân tích chi tiết. Mặc dù vậy, việc học – thông qua cộng tác hoặc các khóa học phát triển chuyên môn – làm thế nào để tổ chức các lớp học hấp dẫn hơn và tạo điều kiện cho học sinh có không gian phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao hơn, là khả thi ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn này. Nó chỉ đòi hỏi sự phát triển chuyên môn có cấu trúc hơn và những người hướng dẫn được chuẩn bị tốt hơn để giải quyết những nhu cầu của những giáo viên này. Điều này đòi hỏi sự kèm cặp và quan sát trong lớp, cùng với các tài liệu được sắp xếp có hệ thống để hỗ trợ những nỗ lực ban đầu của giáo viên mới vào nghề nhằm chuẩn bị và cung cấp các kế hoạch cho lớp học một cách có lý. Thực chất, cũng cần có thêm thời gian nếu các lớp học — như ở một số nước đang phát triển — quá ngắn hoặc dựa trên một chương trình giảng dạy quá tải với nội dung không cần thiết.

Tạo dựng nên công dân toàn cầu vào những thời điểm không chắc chắn 

Các yêu cầu đặt ra đối với các trường học không giới hạn trong việc chuẩn bị cho sinh viên trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Một đứa trẻ cần phát triển để trở thành một thành viên có hiểu biết và kỹ năng trong xã hội mà chúng đang sống. Ngoài việc trang bị các kỹ năng nền tảng về nhận thức, xã hội và tình cảm, một chương trình giảng dạy Công dân Toàn cầu nên được giới thiệu trong hệ thống trường học ngay cả ở các nước đang phát triển. Hiểu được cách thức vận hành của đất nước mình và cách nó kết nối với một thế giới toàn cầu hóa, sẽ có giá trị rất lớn đối với học sinh. 

Để trở thành một công dân toàn cầu, đội ngũ giáo viên cần phát triển những kỹ năng này một cách có cấu trúc trong hệ thống giáo dục tại chức thông qua hợp tác và thảo luận nhóm về sự đồng cảm, đánh giá cao văn hóa, bản sắc dân tộc và giới cũng như kiến thức chung về các vấn đề và thách thức của thế giới hiện nay. Một giáo viên tin rằng mình là một phần của nhân loại chứ không chỉ của một khu vực hay một quốc gia, và có xu hướng mong muốn nuôi dưỡng nhận thức như thế với các học sinh của mình.

Cuối cùng, nếu chúng ta muốn học sinh trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta cần cho chúng có tiếng nói. Thông thường, trong các hệ thống trường học, chúng ta coi thanh thiếu niên như là trẻ em và thường không tin tưởng để chúng chịu trách nhiệm về cuộc sống và sự lựa chọn của mình. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tin tưởng để chúng tham gia vào các quyết định quan trọng về chương trình giảng dạy ở trường và phải trực tiếp thảo luận các vấn đề về hành vi với những học sinh này – chứ không phải cha mẹ của chúng. Điều này cũng đòi hỏi phải có khoảng trống để chúng mắc lỗi và học cách sửa chúng một cách hiệu quả. Một công dân toàn cầu, trước tiên phải được hiểu là một công dân trong chính trường học, cộng đồng và đất nước của mình. Nếu chúng ta thực sự muốn chuẩn bị cho họ trở thành những thành viên tích cực và có hiểu biết thì điều quan trọng là phải cho họ một số không gian để thực hành các lựa chọn và chủ nghĩa tích cực ở giai đoạn đầu.

Ở Rio de Janeiro, nơi tôi là thư ký giáo dục thành phố, chúng tôi đã đưa ra một nhiệm vụ bắt buộc vào đầu năm lớp 7, để các thanh thiếu niên nêu một cách có cấu trúc về dự án cuộc đời mình — điều đó có nghĩa là những học sinh này sẽ có thể phát biểu ước mơ của họ thành lời và tự mình học cách lập kế hoạch về cuộc sống tương lai. Những học sinh này thực hiện hoạt động này vào đầu năm học với sự hỗ trợ của các học sinh lớp 9. Chỉ sau khi cả lớp đi đến một đề xuất có thể chấp nhận được đối với từng học sinh thì giáo viên mới vào lớp, lúc đó mỗi học sinh có thể chọn một giáo viên cố vấn để tiếp tục thảo luận về dự án của mình. Kết quả thật sự rất ấn tượng cho cả sinh viên và người hướng dẫn.

Sử dụng công nghệ để đi tắt đón đầu

Mặc dù điều này trông có vẻ không tưởng, nhưng giáo dục ở các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể được hưởng lợi từ công nghệ hiện đại ngay cả khi thiếu các kiến thức cơ bản, nếu có một cách tiếp cận phù hợp để đưa các công cụ như vậy vào lớp học, như một sự hỗ trợ cho giáo viên.

Ví dụ, ở Trung Quốc, Bộ Giáo dục cung cấp cho các trường các lựa chọn về việc sử dụng công cụ kỹ thuật số tại các lớp học. Ở Rio de Janeiro, khi tôi còn là thư ký, chúng tôi đã thực hiện một cách tiếp cận tương tự: cung cấp cho tất cả giáo viên sử dụng công cụ kỹ thuật số do các giảng viên được đào tạo chuẩn bị. Việc sử dụng nền tảng đã cho thấy những tác động tích cực đến việc học. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa công cụ này, cần phải tồn tại kết nối nhất định. Trong trường hợp không có điều này, thiết bị lưu trữ di động hoặc các tùy chọn ngoại tuyến có thể thay thế để hỗ trợ giáo viên. Việc sử dụng công nghệ đã và vẫn đang được thực hiện, ngay cả khi không có kết nối.

Một cách khác là phát sóng các lớp học trực tuyến để hỗ trợ khi không có giáo viên. Một ví dụ thú vị về phương pháp đổi mới này đã được nêu bật trong báo cáo Millions Learning từ trung tâm Giáo dục Phổ cập tại Brookings. Hệ thống trường học ở bang Amazonas của Brazil gặp khó khăn trong việc cung cấp các lớp học vật lý và hóa học cho học sinh trung học. Giải pháp trong trường hợp này là nhờ một giáo viên truyền sóng các lớp học và cung cấp cho các trường một giáo viên phổ thông để đảm bảo sự tham gia của lớp và của học sinh.

Kết luận 

SDG-4 đòi hỏi một nỗ lực có tổ chức để đảm bảo rằng mọi trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới đều có phương tiện để hoàn thành chương trình tiểu học và trung học một cách chất lượng, cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết. Thật không may, khi sự không chắc chắn ngày càng tăng, nhiệm vụ này gần như không thể – ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao – vì các kỹ năng phức tạp hơn được yêu cầu bởi các nhà tuyển dụng và toàn cầu hóa đòi hỏi những cá nhân phải hiểu hơn về những thách thức mà hành tinh đang phải đối mặt và rằng họ có thể làm việc ở các khu vực địa lý khác nhau.

Vai trò của giáo viên phải như thế nào, trong một môi trường như vậy, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình? Đây là câu hỏi mà tôi đã cố gắng trả lời, cung cấp một số manh mối về những gì có thể được thực hiện để đảm bảo rằng mục tiêu của Liên Hợp Quốc thực sự có thể tạo ra một xã hội toàn cầu có giáo dục hơn, và nhờ đó tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. 

Leave a comment