Ảnh hưởng của sự giàu có đến việc học và tốt nghiệp đại học

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 23/5/2019

Biên dịch: Đinh Thị Thúy Hiền – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Theo số liệu mới từ liên bang, sự giàu có của gia đình có ảnh hưởng đến khả năng một sinh viên có thể vào đại học và tốt nghiệp đại học thành công, cũng như ảnh hưởng đến loại đại học và mức độ cạnh tranh của trường đại học mà sinh viên theo học. 

Chính phủ liên bang đã công bố một loạt các dữ liệu cập nhật về giáo dục đại học, bao gồm các thước đo rộng hơn về việc hoàn thành đại học và một số chỉ số cho thấy mức độ giàu có của gia đình góp phần vào vào tỷ lệ vào đại học và tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên đại học.

Ví dụ, trong số những người là học sinh lớp 9 cách đây một thập kỷ, những người thuộc nhóm địa vị kinh tế xã hội cao nhất (dựa vào trình độ học vấn, nghề nghiệp của cha mẹ và thu nhập gia đình) có khả năng vào đại học năm 2016 cao hơn 50 điểm so với các bạn đồng lứa thuộc nhóm thấp nhất, cụ thể là 78% so với 28%.

Theo báo cáo mới từ Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (National Center for Education Statistics – NCES) của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, khả năng tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn trường đại học và cấp độ chương trình mà họ theo học. Sinh viên đại học ở nhóm địa vị thấp nhất có khuynh hướng chọn bằng đầu tiên của mình là bằng cao đẳng cộng đồng (42%) thay vì bằng cử nhân (32%). Tuy nhiên, nhóm giàu có nhất cùng độ tuổi thì có nhiều khả năng lấy bằng đầu tiên của mình theo chương trình 4 năm (78%) thay vì theo chương trình 2 năm (13%). Tương tự, tỷ lệ sinh viên từ những gia đình có thu nhập cao hơn chọn ghi danh nguyện vọng 1 vào những trường cao đẳng hay đại học thuộc top trên (37%) lớn hơn nhiều con số của sinh viên từ gia đình có thu nhập thấp hơn.

Biểu đồ Địa vị Kinh tế xã hội năm 2009

Biểu đồ Địa vị kinh tế xã hội phía trên cho thấy, trong số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm 2009 đã đăng ký trường cấp ba năm 2016, tỷ lệ sinh viên chia theo tình trạng xã hội chọn ngay từ đầu ghi danh vào đại học, tính theo độ cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học này vào năm 2016.

Sinh viên giàu hơn cũng có xu hướng chọn trường đại học đào tạo trong vòng bốn năm hơn là chọn các cao đẳng cộng đồng hay các cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. Hơn một nửa sinh viên thuộc nhóm giàu nhất chọn đăng ký nguyện vọng 1 vào một cơ sở giáo dục công hệ đào tạo bốn năm (54%), trong khi 26% trong nhóm này đăng ký vào trường tư thục hệ đào tạo trong bốn năm. Báo cáo cho thấy rằng có 18% trong số này đã đăng ký vào trường cao đẳng cộng đồng trong khi chỉ có không đến 2% là chọn đăng ký vào một cơ sở giáo dục vì lợi nhuận.  

Tuy nhiên, trong số những sinh viên trong nhóm thấp nhất thì có 51% chọn đăng ký đầu tiên là vào các cao đẳng cộng đồng (hay chương trình có thời hạn ngắn hơn hai năm) so với con số 28% đã chọn trường công lập bốn năm, 8% chọn trường tư – học bốn năm và gần 13% chọn cơ sở giáo dục vì lợi nhuận.

Báo cáo chỉ ra rằng những sinh viên xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp hơn theo học lớp 9 vào năm 2009 sẽ ít có xu hướng theo học đại học trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo báo cáo thì gần một phần ba học sinh từ nhóm thấp nhất đã đăng ký theo học đại học trong vòng một năm sau tốt nghiệp cấp ba và vẫn học cao đẳng hoặc đã đạt được một chứng chỉ nào đó vào năm 2016, so với 79% sinh viên từ nhóm cao nhất. Tương tự, 53% sinh viên từ nhóm thấp nhất hoặc là không bao giờ đi học đại học hoặc là hoãn lại việc theo học đại học hơn một năm, so với gần 11% của nhóm cao nhất – 88% từ nhóm này đã đăng ký vào trường đại học trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp cấp ba. 

Amanda Bergson-Shilcock, giám đốc phụ trách chính sách nâng cao kỹ năng tại Liên minh Kỹ năng Quốc gia (National Skills Coalition) cho biết: “Những con số này là một sự khẳng định về sự đa dạng của nhóm sinh viên tham gia giáo dục đại học và trải nghiệm học đại học có thể khác nhau như thế nào.”

Tỷ lệ hoàn thành khoá học của Sinh viên bán thời gian

Dữ liệu mới được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực giáo dục đại học bị khuấy động bởi sự chỉ trích gắt gao liên quan vai trò của giáo dục đại học trong việc duy trì sự bất bình đẳng kinh tế, điển hình như vụ bê bối tuyển sinh nổi tiếng và dữ liệu không tốt về dịch chuyển xã hội.

Phil Martin, phát ngôn viên của Education Trust, cho biết rằng cũng giống như vụ bê bối Varsity Blues, các con số dữ liệu liên bang này đã vạch trần cách mà giáo dục đại học được thiết kế để ủng hộ sinh viên da trắng và giàu có.

Sinh viên từ các gia đình ít giàu có nhất – có khả năng bắt đầu với trường cao đẳng cộng đồng nhiều hơn ba lần so với các bạn cùng lứa nhưng giàu có hơn. Các trường cao đẳng cộng đồng thì lại bị thiếu nguồn lực. Không có gì ngạc nhiên khi kết quả của họ không tốt“, Martin trao đổi qua email. “Sinh viên từ các gia đình giàu có nhất có khả năng đăng ký vào một trường đại học top trên cao gấp khoảng năm lần so với sinh viên từ các gia đình ít giàu có nhất. Các trường đại học top thường là những trường có nhiều nguồn lực. Vì vậy, những sinh viên giàu có nhất sẽ có được trải nghiệm phong phú nhất.” 

Báo cáo được phát hành hàng năm của Bộ Giáo dục, được đặt tên là “Điều kiện Giáo dục 2019,” đưa ra các biện pháp cập nhật và cải thiện để đo lường về sự thành công của học sinh. Một số chỉ số đó có thể được phân tích theo mức độ giàu có tương đối, chủng tộc và các đặc điểm khác của sinh viên, bao gồm cả việc họ học đại học toàn thời gian hay bán thời gian.

Theo các dữ liệu này, tương tự như trường hợp của xu hướng vào đại học của sinh viên, tình trạng kinh tế xã hội có tác động lớn đến những kết quả đó.

Ví dụ, báo cáo bao gồm tỷ lệ hoàn thành đại học được cập nhật cho những người nhận trợ cấp chính phủ Pell Grant để đi học đại học (dữ liệu không có sẵn cho đến khi bộ gần đây mở rộng bộ chỉ số hoàn thành của mình). Các khoản trợ cấp của liên bang là dựa trên nhu cầu và đại diện cho một nhóm nhỏ các sinh viên có thu nhập thấp hơn trong nhóm dân số học đại học nói chung.

Trong nhóm 2009, tỷ lệ hoàn thành sau tám năm đối với những người nhận Pell đã theo học các trường đại học hệ bốn năm không phân biệt độ cạnh tranh của cơ sở, ngoại trừ các tổ chức tuyển sinh mở, là thấp hơn so với mức chung.

Đối với các trường đại học có tỷ lệ nhận học từ 90% trở lên, tỷ lệ hoàn thành chương trình mới do liên bang báo cáo thấp hơn khoảng 12% đối với những người nhận Pell so với những người không nhận (35% so với 47%). Trong số các trường đại học chấp nhận ít hơn một phần tư số người nộp đơn, tỷ lệ hoàn thành của những người nhận Pell tụt lại 10 điểm % (79% so với 89%).

Tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình học trong 8 năm sau khi bắt đầu chương trình hệ 4 năm vào năm 2009, tính theo sinh viên nhận Pell và theo độ cạnh tranh của trường đại học năm 2017

NCES gần đây đã bắt đầu công bố tỷ lệ hoàn thành đại học bao gồm cả sinh viên bán thời gian, một cải tiến so với hạn chế vốn bị chỉ trích nhiều trước đó là chỉ theo dõi tỷ lệ tốt nghiệp và chuyển tiếp cho sinh viên toàn thời gian học đại học lần đầu tiên.

Michael Itzkowitz, chủ tịch của công ty tư vấn Edvisors Group và là cựu quan chức Bộ Giáo dục thời Obama, cho biết: “Điều này cho thấy bức tranh rõ ràng nhất về cách các trường đại học đang làm trong việc cung cấp chứng chỉ cho tất cả sinh viên của họ. Điều này mang tính biểu tượng hơn nhiều cho tất cả các sinh viên đang theo học đại học ngày nay.”

Ví dụ, báo cáo cho biết chỉ 22% sinh viên lần đầu tiên theo học các trường đại học, cao đẳng công lập toàn thời gian, so với 42% học bán thời gian và trước đó đã đăng ký tại một cơ sở giáo dục sau trung học khác.

Tuy nhiên, việc thêm sinh viên bán thời gian vào báo cáo tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình học của các trường đại học không làm mọi thứ tốt hơn. Itzkowitz nói, tỷ lệ toàn thời gian, lần đầu tiên là thước đo “hào phóng nhất”. Báo cáo mới cho thấy hầu hết các cơ sở giáo dục có tỷ lệ tốt nghiệp 8 năm dưới 50%, ông nói, mặc dù những con số này đã cải thiện đáng kể khi số chuyển trường được thêm vào.

“Cơ sở giáo dục điển hình khiến sinh viên chỉ có 50-50 cơ hội tốt nghiệp từ trường mà họ bắt đầu,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ sinh viên bán thời gian “bỏ học mà không có bất kỳ chứng chỉ nào trong tay” cũng cao. 

Tỷ lệ tốt nghiệp của những sinh viên đăng ký vào một trường cao đẳng cộng đồng trong năm 2009 cao hơn ở những người theo học toàn thời gian (30% sinh viên lần đầu tiên và 38% sinh viên không phải lần đầu tiên đạt được chứng chỉ tại trường cao đẳng đó trong vòng tám năm) so với cho sinh viên bán thời gian (16% cho sinh viên lần đầu tiên và 21% cho những người không phải lần đầu tiên học). Tỷ lệ chuyển tiếp của sinh viên cao đẳng cộng đồng trong tám năm sau khi nhập học cao hơn ở những sinh viên trước đó đã theo học ở nơi khác (37% đối với sinh viên bán thời gian và 30% đối với sinh viên toàn thời gian) so với các bạn học lần đầu (24% đối với cả sinh viên toàn thời gian và bán thời gian).

Sinh viên bán thời gian cũng chiếm tỷ lệ lớn trong số các đăng ký nhập học tại các cơ sở đào tạo bốn năm. Báo cáo cho thấy 44% sinh viên đăng ký học tại cơ sở công lập hệ 4 năm vào năm 2009 đã theo học toàn thời gian và học lần đầu tiên, cũng như 57% sinh viên đăng ký học tại cơ sở tư thục hệ 4 năm.

Sinh viên bán thời gian tại các trường đại học bốn năm khó có thể tốt nghiệp trong vòng tám năm. Theo báo cáo, chỉ 19% sinh viên bán thời gian, lần đầu tiên đăng ký học tại một trường công lập hoặc tư thục bốn năm tốt nghiệp trong vòng tám năm, so với 32% sinh viên bán thời gian tại các trường công lập trước đây đã theo học tại một cơ sở khác và 43% tại trường tư thục. (Trong hầu hết các trường hợp, một số lượng tương tự sinh viên đã chuyển sang một trường cao đẳng khác.)

Martin nói, báo cáo nên là một lời kêu gọi hành động cho các nhà hoạch định chính sách. Ông nói: “Sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp không được đáp ứng đầy đủ ở mọi cấp độ của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Đó rõ ràng không phải là kiểu hệ thống mà bất kỳ ai cũng sẽ thiết lập nếu mục tiêu là cơ hội như nhau.

Dữ liệu mới về tiền lương

Dữ liệu liên bang cũng bao gồm kết quả việc làm mới nhất cho những người có bằng cử nhân.

Thu nhập trung vị của người có bằng cử nhân từ 25 đến 29 tuổi, theo các ngành nghề khác nhau trong năm 2017.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (25-29 tuổi) có bằng cử nhân thấp hơn trong năm 2017 so với năm 2010, là thời điểm suy thoái kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ (3,1% so với 5,6%). Nhưng thu nhập trung bình hàng năm (đã điều chỉnh lạm phát) không có sự khác biệt đáng kể. Theo báo cáo, thu nhập trung vị hàng năm của thanh niên có bằng cử nhân là $50.500, bao gồm cả tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp theo các lĩnh vực nghiên cứu được chọn.

Thu nhập dao động từ $38.400 đối với sinh viên tốt nghiệp có bằng về công tác xã hội và dịch vụ con người ($39.000 đối với người có bằng giáo dục khai phóng và nhân văn) đến hơn $70.000 đối với sinh viên có bằng cử nhân về kỹ thuật điện và cơ khí. Sinh viên tốt nghiệp các ngành thuộc giáo dục khai phóng và nhân văn có tỷ lệ thất nghiệp là 5,8%, cao nhất trong số các lĩnh vực được dữ liệu đề cập.

Leave a comment