Vai trò thực sự của trường Đại học là gì?

Nguồn: University of Auckland, ngày đăng: 21/5/2020

Ghi lại ý kiến của bà Dawn Freshwater, Hiệu trưởng Đại học Auckland, New Zealand về những đóng góp của trường đại học cho xã hội.

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Covid-19 đã khiến cho các thể chế kinh tế và văn hóa của chúng ta đảo lộn. Từ hãng hàng không quốc gia New Zealand và toàn bộ ngành du lịch, đến nhiều cửa hàng và nhà hàng nổi tiếng, dịch bệnh đã khiến nhiều tổ chức tan rã và tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Với tư cách là những người đứng đầu, chúng ta cần hỗ trợ các thể chế như một nỗ lực nhằm neo giữ xã hội trên các khía cạnh về xã hội, kinh tế và văn hóa.

Các trường đại học không phải là ngoại lệ. Chúng ta đã mất doanh thu đáng kể và tiếp tục phải chịu tổn thất nhất định về chi phí. Để tiếp tục đóng góp cho New Zealand, chúng ta sẽ cần khôi phục tài chính của mình theo một cách bền vững hơn.

Nguồn: Board Effect

Các cuộc thảo luận công khai gần đây về các trường đại học tập trung vào các vấn đề như chi phí giáo dục, ai nên trả các chi phí này và giá trị của nó là bao nhiêu. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận này thường không làm rõ các biện pháp vốn đã hiện hữu bao gồm: tỷ suất hoàn vốn của các trường đại học thông qua năng lực của sinh viên tốt nghiệp; sự đổi mới mà sinh viên mang lại cho các ngành công nghiệp; phần thuế được trả bởi các sinh viên tốt nghiệp, thường là những người có thu nhập cao; nghiên cứu và chuyển giao kiến ​​thức; xuất khẩu giáo dục; và chi tiêu trực tiếp của các trường đại học, nhân viên và sinh viên vào nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Vẫn có các biện pháp đo lường khác; ít định lượng hơn và quan tâm nhiều hơn đến vai trò của trường đại học trong thời điểm này, vượt ra khỏi vai trò  giảng dạy và nghiên cứu thông thường của một đơn vị đào tạo. Các trường đại học ngày nay là các cơ sở có quy mô lớn và có tính kết nối với quy mô địa phương, quốc gia và quốc tế, mang lại cho các thành phố những lợi ích về xã hội, văn hóa, kinh tế và cộng đồng đáng kể. Các trường đại học là các tổ chức gốc rễ, quan trọng, lâu đời và bền bỉ như bất kỳ trường học, bệnh viện và các cơ sở văn hóa-thể thao nào.

Lợi ích của các trường đại học đã vượt ra khỏi vai trò cốt lõi trong giáo dục, hạnh phúc, sức khỏe và văn hóa. Đây là chất keo kết nối chính phủ, nền công nghiệp và xã hội.

Cho dù các trường đại học có hoạt động tốt hay không thì chúng vẫn góp phần quan trọng vào những gì có thể khiến một thành phố hoặc một khu vực trở nên thú vị, thịnh vượng và đáng sống hơn, hoặc làm cho chúng kém đi.

Với vai trò là những thể chế có tính chuẩn mực trên toàn cầu, các trường đại học cũng thể hiện rõ sức mạnh và hiệu quả trong việc mang lại thay đổi cho xã hội và hỗ trợ các mục tiêu bền vững quan trọng. Suy nghĩ của họ mang tầm vóc quốc tế, nhưng họ lại được đặt trong bối cảnh của các nền kinh tế địa phương, đồng thời mang một sứ mệnh rộng lớn trong việc hỗ trợ phúc lợi và sự thịnh vượng cho các cộng đồng nơi họ tọa lạc. Họ phát triển tài năng địa phương và thu hút chuyên gia quốc tế – vốn là hai yếu tố then chốt để xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức và mang tính đột phá.

Nói tóm lại, thông qua sứ mệnh và chiến lược của mình, các trường đại học của chúng ta đóng góp vào mô hình đường hai đáy (double bottom line), giúp giải quyết quá trình chuyển hóa kinh tế và xã hội. Nhưng chúng ta có thể và nên làm điều này tốt hơn.

Trong thời điểm nhiều sự gián đoạn đáng kể diễn ra như giai đoạn Covid-19 hiện nay, bản năng mà chúng ta có là bám vào truyền thống, trong khi cùng lúc sẽ theo đuổi các động lực khác để tạo ra những con đường mới. Những trải nghiệm gần đây của chúng ta về việc chuyển sang học trực tuyến và làm việc tại nhà là bằng chứng về khả năng chuyển đổi của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã học được tầm quan trọng của việc dạy và học tại trường và xác nhận những gì chúng ta đã biết trước đó: Ta khó mà tìm thấy tính “con người” trong thế giới số.

Khoảng thời gian thay đổi không ngừng này là cơ hội để nhìn nhận sâu sắc về tương lai chúng ta, cũng như suy nghĩ cẩn thận về việc định hình các cơ sở giáo dục đại học xung quanh các cộng đồng mà chúng ta phục vụ.

Tất nhiên, chúng ta phải tập trung vào hoạt động cốt lõi của mình: hiệu suất nghiên cứu, giảng dạy, thứ hạng và cân đối ngân sách, giống như bất kỳ cơ sở giáo dục lớn nào. Tuy nhiên, không nên để điều này làm chúng ta mất tập trung vào bức tranh lớn hơn về những việc mà chúng ta có thể làm cho cộng đồng địa phương, và vai trò của chúng ta với tư cách là các doanh nghiệp xã hội và các thể chế chuẩn mực.

Cần phải hiểu rõ rằng các trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Dần dần, điều này sẽ có nghĩa là cần tập trung vào thành phố nơi ta sống, vào chính phủ của đất nước mình và vào sự thay đổi trong cách các trường đại học tương tác với nhau. .

Các quốc gia khác đã và đang làm điều này tốt hơn chúng ta. Có những ví dụ rõ ràng về việc các chính phủ, trường đại học và ngành công nghiệp có tư duy chiến lược, hợp tác cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển các ngành công nghiệp mới ở các thành phố và khu vực của họ. Hãy nhìn vào dữ liệu lớn (big data), điện toán lượng tử, vũ trụ, hợp tác bảo vệ môi trường ở Úc và khắp Châu Âu; mỗi ngành đều là một hạt mầm tiềm năng của một ngành công nghiệp hàng đầu thế giới có trụ sở đặt tại địa phương.

Các trường đại học của chúng ta là các thể chế có tính cội rễ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể hoặc không nên thay đổi. Ngược lại, các trường đại học này cần phải là những đơn vị tham gia tích cực hơn vào các cuộc  thảo luận quốc gia về tương lai của New Zealand sau Covid-19. Dịch bệnh đã dạy cho tất cả chúng ta một số bài học khắc nghiệt. Ta cần học hỏi từ chúng nếu muốn tìm kiếm một tương lai bền vững cho các trường đại học và đất nước của chúng ta, bởi vì số phận của cả hai đều gắn bó chặt chẽ với nhau.

Cuộc tranh luận về giáo dục đại học quốc gia của chúng ta cần phải được mở rộng để xem xét những vấn đề về mục đích và giá trị. Với tư cách là một phần của toàn bộ các yếu tố kể trên, liệu chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại kiểu này và trả lời xem nó có thể dẫn chúng ta đến đâu? Quan trọng hơn, chúng ta có sẵn sàng dẫn dắt cuộc thảo luận mà quốc gia của chúng ta xứng đáng có, cũng như những gì mà đất nước yêu cầu chúng ta thực hiện để đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ người New Zealand tiếp theo không?

Leave a comment