Sẽ có những thay đổi lớn trong giáo dục hậu đại dịch?

Nguồn: The Washington Post, đăng ngày: 13/02/2022

Biên dịch Nguyễn Kiều Phương Trinh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Một nhà sử học nghiên cứu về trường học đã nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cơn khủng hoảng hiện nay, cùng với những lợi thế dài hạn mà chúng ta chưa chú ý đến.

Có rất nhiều người Mỹ tài giỏi đã cống hiến cuộc đời mình cho các trường học của chúng ta. Tuy vậy, không nhiều trong số họ có cơ hội làm điều này với sự sâu sắc và dàn trải như Larry Cuban.

Giáo sư Cuban, người đã viết 22 quyển sách. Ông từng dạy lịch sử ở những trường trung học có mức thu nhập thấp và sau đó quản lý học khu Arlington, bang Virginia – một khu vực đa dạng, trước khi bắt đầu tham gia vào nghiên cứu và viết lách. Ông không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn tập trung vào những gì xảy ra trong các lớp học. Trải nghiệm này đem đến cho ông những chủ đề nghiên cứu thú vị, chẳng hạn như vì sao máy tính vẫn chưa cải thiện được việc giảng dạy và vì sao các lớp học về Lịch sử Hoa Kỳ lại có sự khác biệt giữa những lời ngợi ca đất nước và những gì được phản ánh trong các tài liệu nghiên cứu.

Trong cuốn sách mới của mình, “Confessions of a School Reformer” (tạm dịch: “Lời thú nhận của một nhà cải cách trường học”), Cuban đã tổng kết lại những gì ông nghiên cứu được. Có vài điều ngạc nhiên: đại dịch đã cho thấy sức bật của những ngôi trường được công chúng hỗ trợ. Đồng thời, những thay đổi tích cực dài hạn có vẻ như đã bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận của chúng ta. Cuban đã chủ động không tham gia vào “đội quân” của các chuyên gia mà hiện nay đang đòi hỏi các cải cách mạnh mẽ.

Ông chia sẻ rằng khi còn trẻ, ông cho rằng những giáo viên ưu tú có thể kết hợp cùng nhau để chiến thắng nạn phân biệt chủng tộc, sự kiểm soát chặt chẽ của các học khu và các trường học được vận hành theo độ tuổi học sinh.

“Tôi thừa nhận rằng mình đã nuôi dưỡng sự lạc quan vốn có của mình về sức mạnh của trường học trong việc định hình các cá nhân và thể chế xã hội”, ông nói. “Rồi cuối cùng thì tôi cũng hiểu được bản chất của các áp chế chính trị và tổ chức bên trong và bên ngoài trường học, khi các nhà cải cách cho thấy những lời hùng biện về sự thay đổi của họ thật ra vẫn là những chặng đường đầy chông gai”.

Trong cuốn sách của mình, ông cũng cho biết rằng đại dịch đã dạy cho chúng ta nhiều bài học. Khó khăn mà chúng ta đối mặt với virus corona cho thấy “sự trân trọng ngày một nhiều hơn từ các bà mẹ đơn thân, các gia đình có cả cha lẫn mẹ đều làm việc, và các gia đình lớn dành cho chức năng quản giáo của trường học,” ông viết. “Tất cả những đứa trẻ Mỹ có độ tuổi từ 5 đến 16 đều phải đến trường (độ tuổi khác nhau tùy theo tiểu bang). Về mặt pháp lý, việc trẻ em bắt buộc đến trường đòi hỏi nhà trường phải chăm sóc cho học sinh. Theo quy định của pháp luật, trẻ em phải học kiến thức và các kĩ năng, tương tác với bạn bè và người lớn, và được nhận các dịch vụ cộng đồng, bao gồm các bữa ăn, ở các tòa nhà thực sự hiện hữu và cung cấp các trải nghiệm trực tiếp.

Chứng kiến những gì xảy ra trong đại dịch, chúng ta sẽ muốn ghi khắc những điều vừa được nhắc ở trên vào những bức tường trong trường học, thay cho những câu slogan sáo rỗng như “Một toà nhà với bốn bức tường nhốt tương lai bên trong” (A Building with Four Walls and Tomorrow Inside).

Học sinh vào những ngày đầu ở trường công lập Miami-Dade County ỏ thành phố Miami Lakes, bang Florida vào ngày 23/08/2021 (Eva Marie Uzcategui/Bloomberg News)

Sự nghiệp lâu dài của Cuban đã dập tắt đi khát vọng tuổi trẻ của ông về việc tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội. Ông sớm được thuyết phục bởi nhiều báo cáo khác nhau, đặc biệt là phân tích của nhà xã hội học James Coleman vào năm 1966 cho thấy sự phân biệt sắc tộc gây tổn thương đến trẻ em. “Dù vậy, là một giáo viên, người điều hành học khu và sau đó là quản lý, tôi vẫn không thể làm được gì nhiều trong việc thực hiện những kết luận này trong thực tế. Không phải vì thiếu ý chí hay kiến thức mà đơn giản vì tôi làm bên trong các hệ thống cải cách giáo dục, có nghĩa là việc tốt nhất mà tôi làm là thay đổi dần dần trong các cấu trúc của các trường, cũng như trong công việc giảng dạy và học tập hàng ngày.”

“Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng bản thân hệ thống các học khu cũng nằm trong một cấu trúc rộng lớn hơn về kinh tế xã hội, chính trị và hệ thống (ví dụ: xã hội định hướng theo cơ chế thị trường tập trung vào hành động cá nhân, bất bình đẳng kinh tế, các cấu trúc phân biệt chủng tộc), tất cả đều tác động đến những gì các nhà quản lý, hiệu trưởng, giáo viên và học sinh có thể làm trong việc tạo ra những thay đổi cho lớp học, trường học và các học khu.”

Theo Cuban, niềm tin vững mạnh của những người Mỹ vào các trường học đã bỏ qua “những sự kiện xảy ra bên ngoài lớp học vốn góp phần tạo dựng nên những đứa trẻ với tác động tương tự như, nếu không muốn nói là còn nhiều hơn, những tác động chúng nhận được từ mười lăm ngàn giờ học từ trường lớp trong suốt thời gian đi học. Nghe thì có vẻ rất nhiều nhưng thực tế thời gian đến lớp chỉ chiếm 20% trong tổng số thời gian bên ngoài trường học’.

Cuban thừa nhận rằng ông phải mất nhiều năm để nhận ra rằng các sự kiện diễn ra bên ngoài trường học “từ những trận bão cho đến đại dịch, cho đến sự giàu có hay thất nghiệp hay vô gia cư…đều đóng vai trò rất lớn trong việc định hình cuộc đời con người.”

Vậy chúng ta nên làm gì để giúp nhà trường trở nên tốt hơn? Cuộc đời của Cuban và tình yêu lịch sử đã giúp ông chấp nhận sự thật cũng như khả năng xảy ra một số thay đổi mà các nhà khoa học xã hội gọi là “chủ nghĩa bảo thủ năng động” (dynamic conservatism).

Ông nói, nếu chúng ta xem xét những gì đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài, chúng ta có thể thấy những tiến bộ đã bị che khuất bởi những tranh cãi liên quan đến những cải cách nóng hổi gần đây. “Nơi đã từng đặt những chiếc bàn học cố định, thì giờ đây phần lớn là những phòng học với bàn ghế có thể di chuyển dễ dàng. Nơi từng là lớp học tiểu học với rất đông học sinh, nay là mô hình đan xen giữa các lớp với sĩ số ít, hoạt động tương tác, bài tập cá nhân và hoạt động tập thể. Nơi đã từng có khoảng hơn 50 học sinh trong rất nhiều lớp học, giờ chỉ có khoảng 25 em. Nơi từng là các trường trung học với thời khóa biểu là các tiết học kéo dài 40 phút, hiện nay rất nhiều trường đã có những khung thời gian mà giáo viên gặp riêng học sinh từ 60 đến 90 phút vài lần trong một tuần.”

Tôi thì không lớn tuổi như Cuban, nhưng tôi biết các bài học ở các trường phổ thông hiện nay sâu sắc hơn rất nhiều so với thời tôi còn là thiếu niên, với rất nhiều cơ hội để các em trau dồi và phát triển. Chúng ta hiện có nhiều hơn bao giờ hết những trẻ em nghèo được tiếp cận với những bài học thú vị mà chúng xứng đáng được nhận.

Mức sống của chúng ta đã được nâng cao, và tiêu chuẩn của các trường học cũng vậy. Nếu chúng ta tiếp tục làm những gì có thể để giúp đỡ đồng bào (Mỹ) của mình, thì nền giáo dục sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng, như Cuban đã nói, đó thường sẽ là một chặng đường gian nan.

Leave a comment