Mối nguy hại của một nền giáo dục khai phóng

Nguồn: AAUP, ngày đăng: 2017

Tác giả: Ryan McIlhenny

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Nguyên Lê

Số lượng các bài luận ca ngợi tầm quan trọng của giáo dục khai phóng đã tăng lên trong vài năm qua. Các tác giả lập luận rằng những kỹ năng có được thông qua một nền giáo dục như vậy sẽ nuôi dưỡng bên trong sinh viên khả năng đưa ra các giải pháp mang tính đổi mới với những thử thách tại nơi làm việc. Có thể nói, những cá nhân được đào tạo bài bản kiểu này sẽ có tư duy nằm ngoài những gì được dạy trong sách giáo khoa, và vượt qua giới hạn hạn hẹp của một chuyên ngành cụ thể. Nhờ kỹ năng tư duy phản biện như vậy, sinh viên tốt nghiệp chương trình giáo dục khai phóng trở nên rất có giá trị – đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một điều mà hầu hết những bài luận kể trên đều bỏ qua: mối đe dọa mà một nền giáo dục như giáo dục khai phóng gây ra đối với quyền lực sẵn có, bao gồm cả quyền lực doanh nghiệp (Corporate Power). Giáo dục khai phóng cung cấp cho sinh viên những công cụ lý thuyết và thực hành cần thiết, góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bắt đầu bằng việc nhìn nhận về sự lạm dụng quyền lực (abuses of power). Bởi lý do này mà các tác giả có thể sẽ cần phải suy nghĩ lại chính xác những điều mà họ từng đánh giá rất cao.

Nguồn: Internet

Hình thức học tập theo định hướng kỹ năng được cung cấp bởi chương trình giáo dục khai phóng có khả năng phá vỡ một trong những lời hứa, vốn được tạo nên bởi các thành tố bất khả thi của chương trình này: tạo ra một thế hệ những nhà lãnh đạo. Học cách để trở thành một người thay đổi thế giới theo hướng độc lập là cách thức phổ biến được dùng để định hướng người dùng trong các chiến dịch Marketing. Trong khi sự thật thì hiếm khi nào trở thành đối tượng mà quảng cáo sử dụng, thì hãy cứ giả sử trong một lúc rằng, các trường học kể trên thực tế có thể thực hiện lời hứa của họ, là tạo nên một số lớn (đến mức dư thừa – ND) các nhà lãnh đạo. Những khẳng định theo hướng Marketing kiểu này sẽ ngay lập tức phải đối mặt với một vấn đề trên hai phương diện. Đầu tiên, các khẳng định sẽ sụp đổ dưới sức nặng mâu thuẫn của chính chúng. Tung ra thị trường nhiều nhà lãnh đạo sẽ tạo ra sự thâm hụt nguồn cung; đáng ra các nhà lãnh đạo chỉ được gói gọn trong tầng lớp ưu tú. Thứ hai, rất ít các giải thích về việc yếu tố nào sẽ tạo nên một nhà lãnh đạo trong suốt quá trình học tập của sinh viên, từ khi trúng tuyển cho đến lúc tốt nghiệp.

Định nghĩa khả năng lãnh đạo

Có thể nói, lãnh đạo là người tập hợp và tổ chức các thành viên khác trong nhóm hoạt động vì mục tiêu đúng đắn cuối cùng, để bắt đầu thực hiện các hoạt động mang tính trực diện vì lợi ích của xã hội. Nhưng những người nắm quyền, bao gồm các nhà lãnh đạo, không phải lúc nào cũng quan tâm đến việc thực hiện điều đúng đắn. Một thực tế đáng buồn là nhiều người, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng của quyền lực tập đoàn, hiếm khi ủng hộ các nhà lãnh đạo – những người vốn đi tìm kiếm giá trị tốt hơn của thế giới, vì điều này có thể đe dọa sức mạnh của họ. Chẳng hạn, liệu những người đứng đầu có thực sự tán dương một sinh viên giáo dục khai phóng vì đã vạch trần những hoạt động phi đạo đức của một tập đoàn đa quốc gia hay không? Liệu một sinh viên trẻ tại một trường cao đẳng hoặc đại học được điều hành theo hướng doanh nghiệp có được xem là một nhà lãnh đạo khi cố gắng đáp ứng được sự thật hay không — ví dụ: thông qua hoạt động tích cực hoặc các bài báo trong trang báo trường chỉ trích chính quyền — bất chấp những nỗ lực ngăn cản của ban quản lý trường? Liệu họ có để ý đến những ý tưởng sâu sắc và sáng tạo của một cá nhân vốn đang phải đương đầu với các hệ thống áp bức không? Ý nghĩa của vai trò lãnh đạo đã bị hạn chế khá nhiều khi ngày nay, điều này có nghĩa là phải tuân theo các mệnh lệnh của thế giới của các tập đoàn.   

Nhiều cơ sở giáo dục đã quên mất viễn cảnh của nền giáo dục khai phóng: đào tạo sinh viên không phải trở nên như thế nào (how to be)trở thành như thế nào (how to become). Từ khai phóng trong giáo dục khai phóng bắt nguồn từ từ liber, nghĩa là “miễn phí” hoặc “được tự do”. Những gì đã mất trong giáo dục là niềm tin rằng người ta phải làm việc để có được tự do đó. Quá nhiều nhà giáo dục chỉ đơn thuần là cho điểm tốt cho sinh viên hoặc bị chính sinh viên hoặc các nhà quản lý độc tài gây áp lực buộc phải làm như vậy. Các nhà giáo dục đương đại phải đối mặt với làn sóng lạm phát lạm mạnh mẽ và dường như là không thể ngăn cản nổi. Tuy nhiên, tự do phải được vận hành và duy trì khi đạt được. Artes trong giáo dục khai phóng đề cập đến các kỹ năng mà học sinh cần có để đạt được tinh thần khai phóng đó. Câu hỏi mà người ta có thể hỏi là “Tự do nghĩa là gì?” Đó là một sự tự do cả từđến—tự do khỏi sự thiếu hiểu biết của cá nhân chúng ta và khỏi các hệ thống quyền lực được hưởng lợi từ sự thiếu hiểu biết đó cũng như được tự do theo đuổi chân lý. Giáo dục tạo ra những tác nhân mạnh mẽ — những tác nhân tận tâm với việc duy trì sự thật.

Nhưng, một lần nữa, những người nắm quyền không phải lúc nào cũng quan tâm đến việc duy trì sự thật. Tại một trường cao đẳng nơi tôi đã từng làm việc và đã góp phần xây dựng trước đây, toàn bộ hội đồng quản trị và ban quản trị (tức là ban lãnh đạo của trường) không sẵn lòng xem xét những quan sát mang tính xây dựng của đại diện hội sinh viên tại một cuộc họp hội đồng chính thức ở mùa thu năm 2016, một năm vốn căng thẳng về tài chính và xã hội. Các sinh viên trân trọng trình bày mối quan tâm của họ đến việc lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm vào đội ngũ giảng viên một cách bất bình đẳng; thiếu sự trung thực về tình trạng của trường đại học và không sẵn lòng giải quyết văn hóa đe dọa do chủ tịch mới tạo ra. Thay vì phản hồi về các vấn đề do sinh viên đưa ra, các thành viên hội đồng quản trị và quản trị viên đã chỉ ra điều mà họ tin là những mặc định trong tính cách của những sinh viên này, đối xử với sinh viên như những đứa trẻ khi nói rằng những sinh viên này chỉ đơn giản là quá nhỏ để hiểu được những điều phức tạp của giáo dục đại học. (Tất nhiên, hội đồng, bao gồm các thành viên chưa bao giờ học đại học, không có đủ ý thức logic để nhận ra sự ngụy biện trong lập luận của mình). Họ không nhận ra rằng những sinh viên này đã trở thành chính xác những gì nhà trường đã quảng cáo: những công dân toàn diện, có thể đọc một cách đầy phản biện và giao tiếp hiệu quả — những thanh niên dẫn đầu đầy tính tự lực. Đáng buồn thay, các sinh viên không thuộc vào loại lãnh đạo như quan niệm hẹp hòi của những người đứng đầu. Và hành động của những kẻ độc tài kiểu này còn vượt ra khỏi những hành động nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả việc tìm ra những cách quỷ quyệt nhất để nhắm vào số ít các giáo sư can đảm, những người cũng như sinh viên của họ, tìm cách vạch trần sự tham nhũng trong tổ chức.

Trong khóa học Lịch sử Hoa Kỳ của tôi, học sinh đọc Câu chuyện của Frederick Douglass (Frederick Douglass’s Narrative) câu chuyện về cuộc đời nô lệ của Douglass và hành trình thành công đến tự do của ông. Kỹ năng quan trọng mà Douglass sử dụng để đạt được tự do là học cách đọc – một kỹ năng nguy hiểm ở châu Mỹ thời kỳ tiền chiến. Ở nhiều bang miền Nam vào thời điểm đó, việc dạy đọc cho một nô lệ đã bị luật pháp cấm. Vì sao? Chủ sở hữu nô lệ biết chính xác câu trả lời cho câu hỏi đó. Chủ nhân của Douglass nói rằng, “sẽ mãi mãi không thích [Douglass] làm nô lệ. Hắn ta sẽ ngay lập tức trở nên không thể quản lý được, và không có giá trị gì đối với chủ nhân của nó. ” Biết chữ sẽ đe dọa quyền lực mà người da trắng nắm giữ đối với người da đen. Douglass hiểu rằng các kỹ năng quan trọng là đọc và viết có thể coi là “con đường từ nô lệ đến tự do”. Biết chữ đã mang lại cho Douglass khả năng không chỉ đơn giản là hiểu bản thân (thân phận nô lệ của anh ta) và thế giới xung quanh anh ta (những tệ nạn của chế độ nô lệ), mà còn đã chuyển đổi bản thân anh ta và thế giới. 

Một lần nữa, ý tưởng ở đây là giáo dục khai phóng đã cung cấp sự tự do để trở thành, để hành động, để đóng góp vào sự phát triển của bản thân và thế giới. Để đạt được điểm đó, sinh viên cần khai thác các kỹ năng phản biện và sáng tạo của bản thân. Phản biện bắt đầu bằng việc đọc, nhìn và lắng nghe các tình huống trong cuộc sống của chúng ta. Đọc, một kỹ năng mà ngày nay nhiều người đang thiếu một cách khủng khiếp, đòi hỏi nhiều hơn là việc hiểu “chữ cái”. Đọc ở cấp độ cao hơn cho phép chúng ta tạo ra các kết nối phức tạp hơn để chúng ta phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực tế và, lý tưởng nhất, là có thể đưa chúng vào cuộc sống của chính chúng ta như những lời nói và hành động nâng cao cuộc sống của những người chúng ta nghiên cứu, những anh hùng trong quá khứ mà chúng ta cho là có liên quan đến thời điểm hiện tại. Nó cũng bao gồm việc chú ý đến những nhu cầu của thế giới. Ở trong cuốn Ngoài Đại học: Tại sao Giáo dục khai phóng lại quan trọng?, Michael Roth viết, “Tư duy phản biện là vô ích nếu không có khả năng đồng cảm và thấu hiểu bản thân”. Con người được tạo ra để kết nối với tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Các kỹ năng sáng tạo được phát triển thông qua giáo dục khai phóng giúp nâng cao khả năng giao tiếp và hành động của chúng ta dựa trên sự đồng cảm của mình đối với thế giới. Một kết quả học tập quan trọng là giúp học sinh thấu cảm được với hoàn cảnh của những người bị thiệt thòi, bị bỏ rơi và bị áp bức. Các nhà lãnh đạo biết suy nghĩ nhìn ra được sự lạm dụng quyền lực để tìm ra những cách sáng tạo nhằm đối đầu với chúng.

Một khía cạnh khác của lãnh đạo là sự cam kết. Một nhà lãnh đạo thực sự sẽ thường tuân thủ các cam kết về nguyên tắc hơn là quyền lực đối với người khác. Thông qua việc đọc và suy nghĩ nhất quán, một sinh viên giáo dục khai phóng có nhiều cơ hội để cam kết với các nguyên tắc. Giáo dục khai phóng thách thức sinh viên học cách sống với chính mình, chấp nhận con người của họ và con người mà họ có thể trở thành. Giáo dục khai phóng đặt nền tảng cho những sinh viên cách sống có nguyên tắc hơn là bị thuyết phục bởi quyền lực hoặc sức mạnh bầy đàn để đạt được sự công nhận hoặc hạnh phúc phù du. Mối nguy tiềm ẩn của việc khao khát lãnh đạo là sự cám dỗ để gạt các nguyên tắc sang một bên — xoay quanh câu chuyện duy trì lòng trung thành của các thành viên, để thỏa hiệp tính chính trực, đi tắt để đạt đến đỉnh cao, để che đậy mọi thứ. Những cá nhân tự chủ sẽ chọn đúng hướng đi ngay cả khi điều đó có nghĩa là sẽ khó thăng tiến trong công ty hoặc bị bỏ lại hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo đích thực như Elizabeth Cady-Stanton, Frederick Douglass, WEB Du Bois, Martin Luther King Jr., và nhà hoạt động năm 1960 Mario Savio đã chứng minh bằng ví dụ cho những người trẻ tuổi cách đối mặt với sự phản đối đáng kinh ngạc trong việc theo đuổi lối sống có nguyên tắc. Những nhà lãnh đạo này có một kiểu tính cách khiến họ khác biệt và không được chào đón bởi những nhà lãnh đạo tìm cách duy trì hiện trạng đương thời. 

Những cá nhân tự chủ trong lịch sử này tin rằng nguyên tắc quan trọng hơn sự tôn trọng của xã hội, tính chuyên nghiệp, trình độ học vấn, thậm chí cả tính mạng của họ. Tuy nhiên, những cam kết của họ không khiến họ trở thành những người giáo điều ngoan cố. Những người có nguyên tắc thể hiện nhận thức về thực tế và có thể bị thuyết phục để thay đổi suy nghĩ của họ. Họ có thể sai lầm một cách trắng trợn nhưng lại có khả năng phát triển cách nhìn thế giới tốt hơn. Họ luôn sẵn sàng thay đổi quan điểm để phát triển trí tuệ, liên quan đến loại kiến ​​thức thực sự để định hướng tốt cho cuộc sống. Họ không quan tâm đến việc che giấu để tạo ra vẻ ngoài nhất quán, vì làm như vậy, như Ralph Waldo Emerson nhắc nhở chúng ta, sẽ phản ánh một tâm trí nhỏ bé và rắc rối. Để trở nên “tuyệt vời”, Emerson nói, thì “sẽ bị hiểu lầm.” Hãy thử kết hợp điều đó vào một chiến dịch tiếp thị.

Vận động xã hội của sinh viên

Khuôn viên trường đại học phải là một loại phòng tập thể dục nơi sinh viên có thể luyện tập lối sống nguyên tắc của mình — một không gian để đặt câu hỏi về bản thân và thế giới, một nơi mà họ có thể áp dụng kỹ năng phản biện và sáng tạo của mình. Và đó cũng là một trong những nơi mà họ được giới thiệu với một loại quyền lực mới — hương vị của thế giới tư sản mà họ sẽ quen thuộc hơn sau khi học đại học. Tính tích cực của học sinh có xu hướng làm cho các nhà quản trị khó chịu, điều này thường kích hoạt phản xạ đàn áp để kiểm soát hoạt động đó. Tôi thường xuyên thấy các quản trị viên ngăn cản sinh viên theo đuổi sự thật. Đây là một biểu hiện của sự tham nhũng đối với giáo dục đại học. Lòng trung thành với “công ty” (tổ chức) và “cổ đông” (người được ủy thác) được ưu tiên hơn những người tạo nên công ty, khoa và sinh viên – bảo vệ công ty ở mọi mức thì phúc lợi của người lao động và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà quản lý sẽ làm tốt nếu công nhận môi trường đại học là nơi sinh viên bất đồng chính kiến, là nơi để sinh viên nói lên mối quan tâm của họ — bất kể khó chịu hay lộn xộn — về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Họ nên xem chủ nghĩa tích cực của sinh viên như một người hướng dẫn đối với bài luận của sinh viên. Ví dụ, sinh viên cần được hướng dẫn khi viết bài. Họ cần điều tương tự khi nói đến bất đồng quan điểm. Không một giảng viên có thiện chí nào muốn đuổi sinh viên ra khỏi lớp hoặc khiến họ cảm thấy thất bại vì không viết được những bài báo hay, ban giám hiệu cũng không nên cố gắng bịt miệng sinh viên khi họ có bất đồng quan điểm. Giảng viên cung cấp cho sinh viên hướng dẫn về cách nên và trở thành người như thế nào trong và ngoài lớp học. Chắc chắn sai lầm sẽ luôn xuất hiện trong bất kỳ hoạt động nào, nhưng học sinh cần được hướng dẫn và có không gian để thành công và thất bại.

Tất nhiên, tôi có thể nghe thấy người quản trị hai mặt nói rằng, “Ồ, vâng, chúng tôi đánh giá cao sự bất đồng quan điểm của sinh viên. Ý kiến ​​và chủ nghĩa tích cực của sinh viên là quan trọng. ” Chắc chắn, họ khuyến khích sự tham gia của sinh viên, nhưng chỉ khi điều này nằm trong điều khoản giới hạn của ban quản lý — các điều khoản thường mang tính áp chế. Tôi nhớ lại những lời hùng hồn của Mario Savio trong Phong trào Tự do Ngôn luận (Free Speech Movement) tại Berkeley năm 1964: “Học sinh được phép nói tất cả những gì họ muốn miễn là bài phát biểu của họ không có hậu quả. . . . Bởi vì bài phát biểu thường gây ra những hậu quả là có thể làm thay đổi sự lệch lạc này của giáo dục đại học, nên trường đại học phải đặt mình vào vị trí kiểm duyệt. Trường có thể cho phép hai loại bài phát biểu: bài phát biểu khuyến khích tiếp tục hiện trạng và bài phát biểu ủng hộ những thay đổi, căn bản đến mức không còn thích hợp trong tương lai gần”. Nhưng đây có phải là cách hoạt động của sự bất đồng chính kiến? Tiến sĩ King đã không đấu tranh với sự vô đạo đức của việc phân biệt bằng cách tuân theo các hướng dẫn do chính quyền Birmingham đưa ra. Tất nhiên, điều này không có nghĩa thỏa hiệp là điều không cần bàn đến. Luôn luôn có sự thỏa hiệp, giống như trường hợp Selma năm 1965, giữa giới tinh hoa quyền lực và những người đối đầu với quyền lực. Mỗi bên của phong trào công bằng xã hội cần nhận ra điều này. Tuy nhiên, quyền lực đương nhiệm thường là điều cuối cùng cần thỏa hiệp. “Quyền lực,” Frederick Douglass viết, “không thừa nhận điều gì nếu không tồn tại nhu cầu nào đó. Nó không bao giờ, và sẽ không bao giờ thực hiện được.” Bất kể mức độ thỏa hiệp là gì thì các hành động trực tiếp đều gây khó chịu cho mọi người. Công bằng xã hội là một nỗ lực lộn xộn, nhưng nó rất cần thiết cho sự thay đổi xã hội. Chiến lược của Tiến sĩ King là tạo ra một cuộc khủng hoảng trước khi một giải pháp được đưa ra, nhưng tất cả đều được thực hiện vì lợi ích của xã hội. Tôi không đặt hoạt động tích cực của sinh viên trong các trường đại học ngày nay ngang hàng với phong trào dân quyền của những năm 1950 và ’60, nhưng tôi đang nói rằng phong trào dân quyền cung cấp các hướng dẫn về cách đối phó với những bất công lớn và nhỏ. Và sinh viên giáo dục khai phóng nên có cơ hội được thực hành những gì mà một tổ chức giảng dạy.

Các tổ chức giáo dục khai phóng là nơi ươm mầm của hoạt động phản biện và sáng tạo. Các tổ chức này cũng phải là những người bảo vệ cho lòng khoan dung thực sự, cho phép sinh viên được nói lên ý tưởng của mình mà không bị áp lực phải phù hợp cũng như không sợ bị phản ứng dữ dội. Bất kỳ ai tham gia đối thoại không chỉ thể hiện sự kiên nhẫn (và phải thừa nhận rằng sự kiên nhẫn có thể cạn kiệt đôi khi) mà còn thể hiện sự tôn trọng — tôn trọng người khác trong quá trình tranh luận, đặc biệt là những người mà chúng ta có thể không đồng ý trong khi đồng thời vẫn khoan dung với họ. Sự tôn trọng không đòi hỏi sự đồng ý, nhưng nó phải là yếu tố quyết định để xác định yếu tố lành mạnh trong hoạt động trao đổi bằng lời nói không lành mạnh. Có những hành động buộc phải không được thực hiện, chẳng hạn như đe dọa bằng lời nói hoặc thực hiện các hành động thù địch chống lại một số nhóm xã hội nhất định. Nhưng những gì chúng ta coi là lành mạnh hay không lành mạnh sẽ trở nên rõ ràng trong quá trình tranh luận của chính nó . Lớp học – thực sự là toàn bộ khuôn viên trường – phải là nơi để thảo luận cởi mở nhưng có tính tôn trọng, một không gian để sinh viên tự do xem xét các mối quan tâm chính của mình. Phản biện và sáng tạo nên kết hợp với nhau để tạo nên những công dân thông thái. Sự khôn ngoan thể hiện trong các quyết định mà chúng ta đưa ra trong bối cảnh xã hội. Và trái tim của trí tuệ là loại tôn trọng làm phong phú cuộc sống. “Chức năng của trường đại học,” WEB Du Bois tin rằng, “không chỉ đơn giản là giảng dạy, hoặc cung cấp giáo viên cho các trường công lập hoặc trở thành một trung tâm của một xã hội lịch sự mà trên tất cả, là đơn vị điều chỉnh cuộc sống thực và sự hiểu biết ngày càng tăng của cuộc sống, một sự điều chỉnh hình thành nên bí mật của nền văn minh.”

Ryan C. McIlhenny là giáo sư ngành giáo dục khai phóng tại Đại học Geneva (Thượng Hải). Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản Cải cách giáo dục khai phóng.

Leave a comment