Khủng hoảng giáo dục: Không phải cứ đến trường là đi học

Nguồn: The World Bank – Đăng ngày: 22/1/2019

Biên dịch: Lê Thị Tường Vi – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

“Tên của con chó là Puppy”. Đó có vẻ là một câu đơn giản. Nhưng bạn có biết ở Kenya, Tanzania và Uganda cứ 4 học sinh lớp ba thì có 3 em không hiểu được câu trên? Ở những vùng nông thôn Ấn Độ, gần ¾ học sinh lớp ba không thể làm được phép toán đơn giản như “46 – 17”, và một nửa số học sinh lớp 5 vẫn không thể làm được.

Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục. Khả năng tiếp cận giáo dục của các quốc gia đã được cải thiện đáng kể nhưng sự học không chỉ dừng lại ở việc đến trường. Trên thế giới, hàng trăm triệu trẻ em bước vào tuổi thành niên mà không có được những kỹ năng cơ bản như tính toán tiền thừa từ việc mua bán, đọc hướng dẫn của bác sĩ hoặc hiểu được một lịch trình xe buýt, chứ đừng nói đến việc xây dựng một sự nghiệp ý nghĩa hoặc giáo dục con cái họ.

Giáo dục là trung tâm của việc xây dựng vốn nhân lực. Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng năng suất của 56% trẻ em trên thế giới hiện chỉ bằng một nửa mức mà chúng có thể làm được nếu được học hành hoàn chỉnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Nếu giáo dục làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng thì sẽ mang đến những lợi ích không chỉ cho cá nhân mà còn cho xã hội. Đối với các cá nhân, giáo dục phát triển nhân cách, tạo thêm cơ hội việc làm, và gia tăng thu nhập. Đối với một quốc gia, giáo dục giúp tăng cường các thể chế trong xã hội, tạo đà cho phát triển kinh tế dài hạn, giảm đói nghèo, và thúc đẩy sự đổi mới.

“Không bao giờ là quá trễ để người trẻ có được cơ hội học tập. Họ xứng đáng được trang bị những kỹ năng cần có để thành công trong bối cảnh thị trường lao động đang ngày càng bất ổn và đòi hỏi cao hơn. Vì học sinh hôm nay sẽ là những công dân và nhà lãnh đạo tương lai, một nền giáo dục phù hợp và chất lượng là điều cần thiết để biến khát vọng đó thành hiện thực” –  (Bà Annette Dixon – Phó Chủ tịch, phụ trách Phát triển Nguồn nhân lực, Ngân hàng Thế giới)

Khủng hoảng giáo dục toàn cầu

Một lý do lớn khiến khủng hoảng giáo dục vẫn tiếp diễn là vì rất nhiều hệ thống giáo dục tại các nước đang phát triển không có thông tin về những ai đang được học và những ai không. Kết quả là, thật khó để đưa ra bất cứ biện pháp nào để giải quyết. Với sự bất định về các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai , các trường học và giáo viên phải chuẩn bị cho học sinh nhiều kỹ năng hơn là chỉ có đọc và viết. Học sinh cần có khả năng giải thích thông tin, hình thành ý kiến, sáng tạo, giao tiếp tốt, biết làm việc nhóm và kiên trì.

Tầm nhìn của Ngân hàng Thế giới là: tất cả trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được học và có được những kỹ năng mà họ cần để trở thành những công dân và người lao động hiệu quả, vui vẻ và dám dấn thân. Trọng tâm chính của chúng ta là giúp giáo viên ở mỗi cấp học trở nên hiệu quả hơn trong việc quản lý quá trình học, tăng cường công nghệ trong giảng dạy, quản lý trường học và các hệ thống hiệu quả hơn. Đồng thời, cần đảm bảo người học ở mọi lứa tuổi, từ mầm non đến người trưởng thành đều được trang bị để thành công.

Sự thay đổi bắt đầu từ giáo viên giỏi

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cốt lõi của khủng hoảng giáo dục là một cuộc khủng hoảng về dạy học. Để học tốt, học sinh cần những giáo viên giỏi – nhưng nhiều hệ thống giáo dục ít chú ý đến những gì giáo viên biết, họ dạy trong lớp như thế nào, hoặc thậm chí là họ có đến lớp hay không.

May mắn ở mỗi quốc gia, nhiều học sinh vẫn có thể có được những giáo viên tận tâm và nhiệt huyết. Bất chấp nhiều thử thách và khó khăn, những giáo viên này đã thay đổi cuộc sống của học sinh. Họ như những người hùng đưa việc học đến gần với học sinh bằng tất cả niềm đam mê, sự sáng tạo và quyết tâm.

Một trong những người  hùng như vậy hiện đang làm việc ở trường Ecoles Oued Eddahab tại Kenitra, Morocco.  Trong lớp học đầy màu sắc do chính tay mình sơn phết, cô đã sử dụng các công cụ sáng tạo để đảm bảo rằng mỗi học sinh đều có thể học, tham gia vào bài học, và cảm thấy vui vẻ khi học. Trong lớp học của cô, mỗi chữ cái đều được liên kết với tiếng kêu của một loài động vật và một cử chỉ của bàn tay. Trong giờ học, cô đánh vần một từ bằng cách sử dụng âm thanh  và chuyển động cơ thể, sau đó học sinh viết từ này xuống. Cô ấy có thể dễ dàng biết được học sinh nào đang gặp khó khăn với tài liệu và điều chỉnh tốc độ của bài học để giúp các em theo kịp. Học sinh chủ động tham gia và rất tập trung trong lớp học. Các em không sợ mắc lỗi sai. Đây chính là một giáo viên muốn đảm bảo rằng tất cả học sinh trong lớp đều thực sự được học.

“Với vai trò quan trọng của mình, việc giải quyết khủng hoảng học tập đòi hỏi chúng ta phải hỗ trợ các giáo viên, những người tối quan trọng trong việc quyết định học sinh có thể học được bao nhiêu ở trường.” (Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Thực hành Giáo dục Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới).

Dù vậy, các anh hùng cũng cần được giúp đỡ. Chúng ta cần đảm bảo tất cả các giáo viên có động lực để cố gắng hết mình và được trang bị những gì họ cần để giảng dạy hiệu quả.

Để hỗ trợ các quốc gia về cải cách giảng dạy, Ngân hàng Thế giới đã ra mắt nền tảng “Successful Teachers, Successful Students” (Tạm dịch: Giáo viên thành công, học sinh thành công). Nền tảng toàn cầu này sẽ giải quyết những vấn đề cốt yếu, giúp giáo viên làm việc hiệu quả hơn, biến việc dạy học trở thành một nghề hấp dẫn và được trọng dụng với các chính sách nhân sự hiệu quả, đồng thời đảm bảo các giáo viên được trang bị các kỹ năng và kiến thức phù hợp trước khi đứng lớp và sẽ hỗ trợ họ trong suốt sự nghiệp.

Công nghệ mở ra nhiều khả năng mới cho việc dạy và học

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ càng khiến cuộc chơi sôi động hơn. Công nghệ đã là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và quá trình học tập. Nó giúp giáo viên quản lý lớp học tốt hơn và đưa ra những thử thách khác nhau cho từng học sinh. Công nghệ cũng cho phép hiệu trưởng, phụ huynh và học sinh tương tác xuyên suốt và dễ dàng. Hàng triệu học sinh đang hưởng lợi từ việc sử dụng hiệu quả công nghệ, nhưng vẫn còn hàng triệu em ở những nước đang phát triển không có cơ hội đó.

Công nghệ đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và quá trình học tập. Nguồn: The World Bank

Một trong những nỗ lực giáo dục nổi bật và quy mô nhất hiện đang được thực hiện bởi Ekstep – một tổ chức từ thiện ở Ấn Độ. Ekstep đã tạo ra một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cung cấp quyền truy cập vào các khóa học cho 200 triệu học sinh, cũng như các cơ hội phát triển nghề nghiệp cho 20 triệu giáo viên và 4,5 triệu lãnh đạo trường học. Cả giáo viên và học sinh đã có thể truy cập từ tài liệu giảng dạy, video bài giảng, đến các nội dung có tính tương tác, bài tập thực hành và các bảng đánh giá. Bằng cách theo dõi nội dung nào được sử dụng thường xuyên nhất, và có ích nhất, chúng ta có nhiều thông tin hơn để lựa chọn nội dung phát triển trong tương lai.

Tại Cộng hòa Dominican, một nghiên cứu thí điểm được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới đã cho thấy cách mà công nghệ tích hợp có thể thu hút sự quan tâm của các học sinh ở thế kỷ 21, đồng thời cho thấy hướng đi để hỗ trợ học tập và giảng dạy cho các thế hệ tương lai.

Yudeisy, một học sinh lớp sáu tham gia nghiên cứu, cho biết điều cô bé thích nhất là xem video hướng dẫn trên máy tính và điện thoại.Khởi đầu với sự tò mò của những đứa trẻ, nghiên cứu được định hướng cho việc học toán theo sở thích của Yudeisy và các em học sinh khác.

Chúng ta biết rằng việc học diễn ra tốt nhất khi việc dạy được cá nhân hóa cho phù hợp với nhu cầu, điểm mạnh, tiến độ của mỗi học sinh được theo dõi và đưa ra những phản hồi kịp thời. Công nghệ tích hợp đã được sử dụng để đánh giá trình độ học ban đầu của học sinh, sau đó đi qua các bài tập toán một cách năng động, được cá nhân hóa, dựa trên trí thông minh nhân tạo và những gì học sinh đã sẵn sàng học hỏi. Sau ba tháng, học sinh có hiệu suất học tập ban đầu thấp nhất đã có những cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy tiềm năng của công nghệ trong việc tăng kết quả học tập, đặc biệt là các học sinh có tiến độ chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Trong một lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, các giải pháp sáng tạo cho những thách thức giáo dục mọc lên ở khắp mọi nơi. Thách thức của chúng ta là làm sao để công nghệ trở thành động lực của công bằng và hòa nhập chứ không phải là nguồn cơn tạo ra thêm bất bình đẳng về cơ hội.  Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trên toàn thế giới để hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ giáo dục hiệu quả và phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả học tập.

Việc học diễn ra khi các trường học và hệ thống giáo dục được quản lý tốt

Triển khai giáo dục chất lượng đòi hỏi phải có các hệ thống vững chắc để tạo điều kiện cho việc học tập liên tục mỗi ngày được diễn ra ở trường, đến hàng triệu học sinh. Việc cải cách giáo dục thành công yêu cầu có các thiết kế chính sách tốt, cam kết mạnh mẽ và khả năng thực hiện hiệu quả.Tất nhiên điều này là cực kỳ khó khăn. Nhiều quốc gia phải rất vất vả để sử dụng hiệu quả các nguồn lực khi việc tăng chi tiêu giáo dục không biến việc học trở nên tốt hơn, cũng không cải thiện nguồn vốn con người. Vượt qua được những thử thách này cần sự hợp sức của tất cả các bộ phận và cấp bậc trong hệ thống.

Ở cấp trung ương, các bộ giáo dục cần thu hút các chuyên gia giỏi nhất để thiết kế và thực hiện các chương trình dành riêng cho nước mình. Các học khu hoặc văn phòng khu vực cần có năng lực và các công cụ để giám sát và hỗ trợ các trường học. Ở cấp trường, hiệu trưởng cần được đào tạo và trang bị để quản lý và dẫn dắt các trường học, từ việc lên kế hoạch sử dụng các nguồn lực đến việc giám sát và bồi dưỡng giáo viên của họ.

Dù khó khăn như thế nào, thay đổi luôn là điều có thể. Được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, các trường công lập trên khắp Punjab ở Pakistan đã thực hiện nhiều cải cách lớn trong vài năm gần đây để giải quyết những thách thức này. Thông qua việc cải thiện trách nhiệm giải trình của các trường bằng cách giám sát và giới hạn sự vắng mặt của giáo viên và học sinh, cùng với việc đưa vào sử dụng hệ thống tuyển dụng giáo viên dựa trên năng lực – vốn sẽ chỉ lựa chọn những giáo viên giỏi nhất và có nhiệt huyết nhất. Các trường ở đây đã có thể tăng tỷ lệ nhập học và duy trì việc học của học sinh, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục. “Các trường công đã trở thành những trường rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả trường tư”, ông Ahmed, một người dân địa phương, cho biết.

Không thể thực hiện thay đổi mà không dựa trên dữ liệu. Các chính phủ cần biết hệ thống giáo dục của họ thiếu những gì hoặc những điều gì đang được thực hiện tốt để đưa ra các bước cải thiện phù hợp. Ngân hàng Thế giới, cùng với Quỹ Bill &. Melinda Gates và Văn phòng phát triển quốc tế của Anh đang phát triển Bảng theo dõi Chính sách Giáo dục Toàn cầu (Global Education Policy Dashboard). Sáng kiến mới này sẽ cung cấp cho các chính phủ một hệ thống để theo dõi cách các hệ thống giáo dục của họ hoạt động, từ dữ liệu học tập đến các kế hoạch chính sách, để họ có thể đưa ra các quyết định kịp thời và dựa trên dữ liệu một cách tốt hơn.

Cải cách giáo dục: Cuộc chơi dài hơi nhưng xứng đáng

Về bản chất, thành quả từ việc đầu tư vào giáo dục đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại. Trên thực tế, cần đến một thế hệ nhận ra những lợi ích đầy đủ của việc có được các giáo viên giỏi, việc sử dụng hiệu quả công nghệ, hệ thống quản lý giáo dục tiến bộ, và những người học chú tâm và được quan tâm. Tuy nhiên, kinh nghiệm toàn cầu cho chúng ta thấy rằng các quốc gia phát triển nhanh và giàu có đều có một điểm chung: quan tâm nghiêm túc và đầu tư xứng đáng cho giáo dục.

Khi ngày 24 tháng 1 được công nhận là ngày Quốc tế Giáo dục lần đầu tiên, nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục đối với hòa bình và phát triển, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để trang bị cho người trẻ kỹ năng học tập liên tục, thích nghi với thực tế luôn biến đổi, thành công trong một nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh, và một thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng. Ngày hôm nay, chúng ta đang xây dựng nền móng cho trường học của tương lai. Đó là những ngôi trường với các giáo viên có năng lực và đầy nhiệt huyết, nơi công nghệ trao quyền cho họ để dạy học chất lượng hơn và là nơi tất cả học sinh được học các kỹ năng cơ bản, bao gồm các kỹ năng cảm xúc xã hội và kỹ thuật số. Những trường học đó sẽ là nơi an toàn với học phí hợp lý dành cho tất cả mọi người, đồng thời là nơi để những đứa trẻ và người trẻ được học với niềm vui, sự nghiêm túc và có mục tiêu.

Chính phủ, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng quốc tế cần phải nghiên cứu cách để hiện thực hóa lời hứa về giáo dục dành cho mọi học sinh, trong mọi ngôi làng, mọi thành phố và mọi đất nước.

Leave a comment