Chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn việc học của sinh viên y khoa Ấn Độ

Nguồn: Inside Higher Ed – Đăng ngày: 24/03/2022

Tác giả: Pola Lem

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phan Trà Khúc

Vì thiếu nguồn lực và không gian dành cho các trường y mà nhiều năm nay, Ấn Độ phải dựa vào Ukraine để sinh viên có thu nhập thấp có thể tiếp cận được với ngành y. 

Cuộc tản cư chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine của các sinh viên Ấn Độ đã phơi bày những vấn đề dai dẳng đeo bám hệ thống giáo dục y tế của Ấn Độ. 

Trong vài tuần trở lại đây, hàng trăm sinh viên y người Ấn Độ đã trở về quê nhà. Tuy rằng, điều này giúp bảo toàn tính mạng của họ, nhiều sinh viên dần cảm thấy bế tắc khi không thể chuyển đổi tín chỉ và buộc phải tạm dừng việc học cho đến khi tình hình tại Ukraine ổn định hơn. 

“Điều mà mỗi sinh viên quan tâm nhất bây giờ là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Saransh, một sinh viên y khoa tại Đại Học Bang Sumy của Ukraine cho biết. Được biết Saransh chỉ còn vỏn vẹn 3 tháng nữa là hoàn thành chương trình học của mình, tính từ thời điểm trước khi chiến tranh xảy ra. 

Theo Yatharth Gulati, người đồng sáng lập của nhóm tư vấn Rostrum Education, cho biết vấn đề về giáo dục y tế của Ấn Độ đã có từ lâu trước khi sinh viên Ấn Độ phải tháo chạy khỏi Ukraine khi cuộc xung đột xảy ra.

Nguồn: Business Khabar

Trong nhiều năm, sự cạnh tranh khốc liệt tại các trường đại học công lập đã khiến nhiều sinh viên Ấn Độ phải lựa chọn ra nước ngoài để theo đuổi ngành y, thường họ sẽ chọn đến các nước Đông Âu – nơi có ít rào cản đầu vào hơn và học phí cũng thấp hơn. Tuy nhiên, khi quay trở lại nước nhà, Gulati ước tính khoảng hơn một nửa số sinh viên này không thể vượt qua quy trình cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ của Ấn Độ. 

Bất chấp đầu ra không mấy tươi sáng như thế, nhiều đơn vị vẫn mời chào và tuyển sinh cho các trường đại học tại Ukraine, Nga và Trung Quốc với số lượng sinh viên tăng mạnh trong những năm trở lại đây.

Theo Gulati, rất nhiều cơ quan đại diện cho các trường đại học này vẫn đang tuyển sinh hàng loạt mà không cho sinh viên biết về những hậu quả lâu dài sau khi hoàn thành việc học và quay trở về nước nhà. Nói cách khác, điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều sinh viên phải đối diện với việc mất đi triển vọng sự nghiệp của họ. 

Không giống như các sinh viên Ấn Độ khác khi đến Mỹ hoặc Anh để theo đuổi ngành y – những người thường có xuất thân từ các gia đình giàu có, những sinh viên Ấn Độ lựa chọn các nước như Ukraine, Nga hay Trung Quốc thường có điều kiện khó khăn hơn về tài chính. 

Một sinh viên Ấn Độ, người mà gia đình phải vay tiền để trang trải cho việc học của mình đã có cuộc trò chuyện với Times Higher Education. Sinh viên này chỉ là một trong hàng nghìn sinh viên khác đang đợi Trung Quốc mở cửa biên giới lại trong hơn hai năm qua để họ có thể hoàn thành chương trình học y của mình.

Vì những người mắc kẹt trong tình huống này thường có xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp lao động, nên theo Gulati, họ “không có tiếng nói khi đề cập về vấn đề này”. 

Nhiều sinh viên trong số này không có đủ khả năng để bắt đầu lại chương trình học của mình, cho dù họ mong muốn đến mức nào đi chăng nữa. Những suất học tại các trường công lập Ấn Độ được tranh giành với sự cạnh tranh gay gắt, trong khi đó các trường đại học tư nhân lại có chất lượng khác biệt hoàn toàn và học phí cũng vô cùng đắt đỏ. 

Ngay cả đối với những người tốt nghiệp và có bằng cấp, công việc ở Ấn Độ cũng không được đảm bảo. Hiện tại vấn đề này đang được đưa lên bàn thảo luận, hi vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ lưu tâm về vấn đề này hơn trong tương lai. 

Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thừa nhận rằng cần chú trọng đào tạo y tế trong nước hơn, đồng thời cũng gợi ý các cơ sở tư nhân tăng chỉ tiêu tuyển sinh của họ lên hơn so với hiện tại. Theo Ông Narendra Modi, “Ngày nay những đứa trẻ của chúng ta phải chạy đến các nước nhỏ để học tập, đặc biệt trong ngành y tế. Tại sao các đơn vị tư nhân không tiến vào lĩnh vực này, song song đó, chính quyền của chúng ta cũng hỗ trợ bằng cách thông qua các chính sách cho việc giao quyền sử dụng đất để thúc đẩy việc này?” 

Theo Gulati, sự đắt đỏ của các trường tư nhân không phải lúc nào cũng đi kèm cùng chất lượng, trong khi việc thành lập các trường công lập từ đầu lại tốn nhiều thời gian. Dù vậy, Gulati vẫn cho rằng chính phủ Ấn Độ cần dành nhiều nguồn lực hơn trong việc thành lập thêm các trường y công lập. Gulati nói, “Nếu không làm, hệ thống trường của Ấn Độ sẽ không bao giờ có thể đáp ứng đủ nhu cầu cả. Đây là điều Ấn Độ cần phải làm, nếu không thì hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, nếu không thể chọn Ukraine thì sinh viên có thể chọn Nga, Georgia hay một nơi nào đó khác”.

Tuy nhiên, theo Gulati, nhiều sinh viên và gia đình của họ sẽ phải đối diện với một sự thật tàn khốc rằng không phải ai cũng có đủ khả năng để trở thành bác sĩ. “Các bậc cha mẹ người Ấn Độ thường có kiểu tư duy ‘hoặc là bác sĩ, hoặc không là gì cả’”, tuy nhiên, “đâu phải ai cũng có thể trở thành bác sĩ.”

Leave a comment