Thư giới thiệu có phải là một hình thức phân biệt đối xử?

Nguồn: Inside Higher Ed, ngày đăng: 22/02/2022

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên  –  Biên tập: Nguyên Lê

Hầu hết các trường đại học đều yêu cầu thư giới thiệu trong hồ sơ nhập học, nhưng một số người cho rằng những bức thư này thiên vị ứng viên da trắng và ứng viên có điều kiện hơn những sinh viên khác.

Nếu nộp đơn vào Đại học California, Los Angeles (UCLA), sinh viên không cần thư giới thiệu. Bà Youlonda Copeland-Morgan – phó phòng quản lý tuyển sinh của trường cho biết, việc này nhằm hướng đến tính công bằng. “Hầu hết các giáo viên trường công đều quá tải với việc viết thư giới thiệu cho sinh viên. Mặc dù họ muốn hỗ trợ các em, nhưng họ rất nhiều việc.”

Bà cho biết, những học sinh nghèo “dường như” được học với giáo viên dạy theo kiểu “chạy show”. Xét thấy thư giới thiệu không công bằng trong những trường hợp này, trường UCLA đã bỏ qua nó “suốt nhiều thập niên”.

UCLA chỉ là thiểu số so với những trường đại học khác, và thậm chí trở nên cá biệt hơn khi so với những trường có số học sinh nộp đơn nhiều hơn mức trường có thể nhận (Đại học California, Berkeley, có hỏi về thư giới thiệu nhưng không yêu cầu ứng viên phải có).

Theo David Hawkins – Trưởng bộ phận Giáo dục và Chính sách thuộc Hiệp Hội Tư Vấn Tuyển Sinh Đại Học Quốc Gia (NACAC), 80% trường tham gia cuộc khảo sát mới đây nhất trí rằng thư giới thiệu là quan trọng (mặc dù quan điểm về mức độ quan trọng khác nhau), 20% còn lại thì nghĩ ngược lại. Nhưng thực tế là thư giới thiệu đang ngày càng được xem xét kỹ hơn khi tuyển sinh.

Một báo cáo tháng trước từ NACAC và Hiệp hội Quốc gia về Quản lý Hỗ trợ Tài chính Sinh viên gợi ý rằng các trường nên xem xét lại toàn bộ quy trình tuyển sinh và hỗ trợ tài chính để đảm bảo công bằng. Và thư giới thiệu là một phần trong số đó.

“Trước tiên, hãy nghĩ về cách thư giới thiệu ảnh hưởng đến sự phức tạp sẵn có của quy trình nhập học, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng. Thứ hai, báo cáo này khuyến khích chúng ta suy nghĩ về những thông tin mà chúng ta hy vọng nhận được từ thư giới thiệu và tự hỏi liệu thông tin đó có thực sự hữu ích trong việc xác định khả năng học tập của ứng viên không, liệu có sự thiên vị trong quá trình viết và đọc thư hay không, và liệu có những yếu tố mang tính hệ thống nào tạo ra sự bất bình đẳng về khả năng xin thư giới thiệu của ứng  không, chẳng hạn như cơ hội tiếp cận với cố vấn học đường hoặc các thầy cô khác – những người có thể viết thư giới thiệu”.

Nhiều trường đại học vẫn đang quen với việc xét tuyển không bắt buộc (test-optional admissions*) – một mô hình đã phát triển đáng kể do đại dịch. Và nhiều nhà lãnh đạo trường đại học cho biết họ sẵn sàng thảo luận về việc xem giải tích như một yêu cầu không chính thức để nhập học.

Tuy vậy, chỉ có vài trường đại học đang làm theo mô hình của UCLA — ít nhất là cho đến hiện tại.

Bộ phận tuyển sinh thừa nhận rằng thư giới thiệu mang lại bất công cho những học sinh không có giáo viên hoặc cố vấn có tâm huyết để viết thư. Tỷ lệ học sinh/cố vấn là khoảng 250/1 ở bốn tiểu bang: Hawaii, New Hampshire, Vermont và Wyoming; và 500/1 ở 13 tiểu bang khác, bao gồm California, Illinois, Michigan và Minnesota.

Một lá thư tận tâm từ một cố vấn hoặc giáo viên có thể giúp con đường vào đại học của ai đó rộng mở. Nhưng không thiếu những bức thư quá ngắn và mơ hồ.

Thư giới thiệu liệu có cần thiết? Nguồn ảnh: Betterteam

Những lá thư gây thất vọng

Joseph Montgomery – phó Chủ tịch quản lý việc đăng ký và nhập học tại trường Đại học Tuskegee cho biết, vấn đề thư giới thiệu không chỉ ảnh hưởng đến những sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến các trường nhận họ như Tuskegee nữa.

Nhiều bức thư mà trường Tuskegee nhận được “rất mơ hồ”. Joseph bày tỏ ông đã “mong đợi nhiều hơn, mong đợi những bức thư tốt hơn”. Đôi khi, ông cảm thấy thất vọng với chất lượng của thư đến nỗi ông đã phải gọi điện đến các trường trung học đã gửi chúng.

Ông chia sẻ rằng các trường đại học phụ thuộc vào thư giới thiệu chất lượng cao của ứng viên, nhưng với kiểu này thì “một học sinh đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn” vì họ thiếu ngữ cảnh để đánh giá. Trước đây, Joseph từng làm việc tại Đại học Miami và cũng từng đánh giá các ứng viên xin học bổng của Quỹ Coca-Cola. Với ông, “hầu như mọi bức thư giới thiệu ở đó đều đặc biệt.”

Cố vấn Đại học Tư thục

Một cố vấn trường phổ thông tư thục giấu tên đã chia sẻ về công việc của mình như sau. Đầu tiên, thư giới thiệu không có nhiều ý nghĩa trong việc tuyển sinh, bất kể các trường đại học và phụ huynh nghĩ gì. Điểm số ở các lớp dự bị đại học cũng trở nên quan trọng hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng cô thừa nhận rằng cô có nhiều thời gian hơn dành cho học sinh. Ngoài việc có ít học sinh hơn, cô cũng không phải làm những phần việc mà cố vấn ở các trường tư thục lẫn công lập khác đảm nhiệm, chẳng hạn: tổ chức kỳ thi AP, lên lịch học, tài trợ cho các câu lạc bộ và tổ chức của học sinh, phụ trách chuyện đậu xe.

“Phụ huynh ở đây đóng thuế để hỗ trợ các trường công, rồi lại đóng các khoản học phí, lệ phí… để con họ theo học tại trường tư.”

Cô còn cho biết mình đang hướng dẫn 50 học sinh lớp 12 làm thủ tục vào đại học và viết thư giới thiệu cho các em. “Danh tiếng của tôi và của trường phụ thuộc vào sự trung thực của tôi. Mỗi bức thư cần phải phù hợp với từng học sinh và trường đại học mà các em đăng ký. Tôi có thể làm được nếu học sinh làm đúng phần việc của mình. Hầu như mọi cố vấn mà tôi từng biết, bất kể làm ở trường công hay trường tư, hay có tỷ lệ học sinh/cố vấn chênh lệch lớn, đều đã hỗ trợ hết mình cho học sinh. Tôi cũng tin rằng hầu hết thành viên ban tuyển sinh khi đọc thư giới thiệu đều có xét đến khối lượng công việc của một cố vấn, và thậm chí còn tham khảo giáo viên nữa vì họ hiểu rõ học sinh hơn. Tất cả đơn giản đều là vì lợi ích của trường”.

Giảm tầm quan trọng của những lá thư

Trường Đại học Denver (Mỹ) yêu cầu thư giới thiệu và khẳng định họ xem xét khá công bằng.

Thầy Todd Rinehart – người phụ trách tuyển sinh tại trường Đại học Denver, chia sẻ cách tiếp cận của trường: “Với chúng tôi, thư giới thiệu chỉ là một trong số nhiều yếu tố để quyết định cho học sinh nhập học và trao học bổng. Hội đồng tuyển sinh hiểu được sự khác biệt và bất bình đẳng có trong các thư giới thiệu, nhưng chuyện đó cũng tồn tại trong các yếu tố tuyển sinh khác, chẳng hạn như thang điểm, mức độ khắt khe hay dễ dãi của chương trình học, nguồn lực của trường, chất lượng phòng thí nghiệm, …

Rinehart cho biết: “Ban tuyển sinh ở đây đánh giá mỗi học sinh trong phạm vi trường học và trong các tình huống đặc biệt. Lăng kính này cũng được áp dụng tương tự như khi đánh giá một học sinh theo học tại một trường không dạy toán cao cấp, hoặc hạn chế các khóa học AP và khoá học danh dự (honour courses – tương tự như lớp chuyên ở Việt Nam)”.

Thư giới thiệu có thể cải thiện không?

Safiya Johnson đảm nhiệm định hướng đại học và nghề nghiệp tại một trường trung học ở trường công lập South Side Chicago. Trước đây, cô là trợ lý giám đốc tuyển sinh của trường Đại học Chicago.

Cô vừa viết một bài về cách giảm định kiến giới và chủng tộc trong thư giới thiệu cho Tạp chí Journal of College Admission. Nhưng Safiya chưa thấy đủ, ngay cả khi mọi người làm theo lời khuyên của cô. Trong một cuộc phỏng vấn, cô bộc bạch: “Thư giới thiệu từ các trường tư thục nhỏ hơn thường chi tiết hơn. Tôi đã gặp trường hợp các cố vấn không gửi thư giới thiệu do quá tải công việc hoặc những bức thư gọn lỏn được gửi từ các trường công lập lớn”.

Safiya tin rằng “một học sinh nổi bật trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ nhận được một bức thư giới thiệu ấn tượng”.

“Điều mà tôi trăn trở rất nhiều chính là học sinh sẽ khó nhận được thư giới thiệu nếu giáo viên nghỉ việc sau vài tháng”. Cô đã từng làm việc trong một trường như vậy. “Làm thế nào học sinh có thể liên lạc với giáo viên yêu thích của mình khi người đó ngừng công tác sau một năm? Hoặc có thể học sinh chưa kịp phát triển tình cảm hoặc mối liên hệ chặt chẽ với giáo viên mà họ nghĩ rằng sẽ sớm nghỉ việc thôi. Đó là một hệ thống khủng khiếp mà các em học sinh ở các trường có tỷ lệ thôi việc cao phải chịu”.

Các trường đại học nên làm gì? Theo Safiya, các trường không nên để thư giới thiệu là bắt buộc mà nên là một tùy chọn. Cô nói: “Giáo viên có thể bịa ra nhiều thứ khi viết thư giới thiệu. Tôi có nghe nói về một số trường tư thục nhỏ cho giáo viên tiền trợ cấp để viết thư. Tuy nhiên, các trường công có thể không có đủ nguồn lực tài chính để làm điều này. Tôi đề xuất các trường đại học nên cho phép nhiều nguồn tham khảo cá nhân hơn bởi vì người viết có thể không bị áp lực số lượng và toàn tâm viết cho học sinh hơn”.

*một chính sách tuyển sinh, theo đó trường cho phép toàn bộ hoặc một số ứng viên tự chọn nộp điểm SAT hay ACT® trong hồ sơ.

Leave a comment