Các bậc cha mẹ người Trung Quốc dành nhiều sự yêu thích cho giáo dục theo hướng Nho giáo 

Nguồn: The Economist – Đăng ngày: 20/05/2021

Tác giả: ZHUZHOU

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Và Chính phủ Trung Quốc cũng thế, với hy vọng giáo dục Nho giáo sẽ giúp thúc đẩy lòng yêu nước cũng như lấp đầy khoảng trống đạo đức. 

Thoạt nhìn, trường mẫu giáo Huaguoshan tại Chu Châu, một thành phố thuộc miền Nam tỉnh Hồ Nam, cũng giống như các trường mẫu giáo khác. Bốn phòng vui chơi được sơn bằng màu sắc sặc sỡ, được trang bị những thùng gạch xây mô hình cũng như những tấm thảm mềm mại nhiều màu sắc. Tuy nhiên, ở tầng trên, các phòng học được bày trí đơn giản hơn và gợi lên kiến trúc Trung Hoa cổ qua những chiếc đèn lồng được làm bằng giấy, cùng với việc sử dụng ngói đen chạy dọc theo trần nhà. Những học sinh khoác lên mình bộ đồng phục màu xanh với thiết kế của trang phục truyền thống của Trung Quốc là áo cổ trụ kiểu Trung Hoa và nút thắt kiểu Trung Hoa. Trên những bức tường được treo đầy những bức chân dung lớn của Khổng Tử.

Nguồn: The Economist

Dù trường mẫu giáo này sẽ khai giảng vào tháng 9 nhưng tính đến hiện tại trường đã có danh sách chờ cho cả một năm. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng trên cả nước Trung Hoa dành cho guoxue hay còn gọi là Nghiên cứu Trung Quốc học. Ngành này liên quan đến việc học các tư tưởng, văn bản và đạo đức cổ điển của Trung Quốc, đặc biệt là những gì liên quan đến Khổng Tử. Trẻ em ở trường Huaguoshan được dạy cách cúi chào, cách chào hỏi lịch sự trên đường phố hay cách ngồi chuyên tâm với tư thế thẳng lưng và tay được đặt ngay ngắn trên đùi. Trong một lớp học, những đứa trẻ ấy sôi nổi ép lá lên những chiếc túi vải khi học về kỹ thuật nhuộm vải cổ. Ở một căn phòng khác, chúng ngâm thơ, viết thư pháp, học về lễ nghi trà đạo và chơi cờ tướng. Tuy nhiên, theo các giáo viên, việc thành thạo các kĩ năng trên chỉ là thứ yếu trong quá trình hình thành nhân cách. Quan trọng là những đứa trẻ ấy sẽ học được cách “tôn trọng đối thủ và chấp nhận thất bại” khi chơi cờ; hoặc là học cách “trân trọng những gì mong manh như cách chúng nâng niu chiếc cốc sứ” trong phòng trà. 

Sau nhiều thập kỷ tôn sùng những xu hướng ngoại lai, nhiều người lại bắt đầu hứng thú với truyền thống này. Nhiều chương trình truyền hình, trong đó có “Hội nghị Thơ ca Trung Hoa”, ghi hình những nhân vật nổi tiếng tham gia thử thách giải đố về các khổ thơ cổ điển. Nhiều thanh niên mặc áo choàng truyền thống nơi công cộng. Không dừng lại ở đó, trọng tâm của xu hướng nằm ở mặt giáo dục. Theo công ty dữ liệu Frost & Sullivan ước tính, thị trường giáo dục guoxue dành cho trẻ em có trị giá đến 466 tỷ nhân dân tệ (73 tỷ USD) vào năm 2018, gần gấp đôi giá trị so với năm 2014. Các trường thu phí rất cao. Không những thế, tổ chức phi lợi nhuận đang điều hành Huaguoshan cũng dựa vào các khoản tiền đóng góp để vận hành. Tổ chức này quảng bá triết lý giáo dục của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có những clip ghi lại cảnh các học sinh mầm non ngâm thơ trong trang phục truyền thống. 

Dù luôn được tôn kính suốt 2.500 năm, vào thế kỷ XX, Khổng Tử lại trở thành đối tượng bị phỉ báng. Những người hâm mộ guoxue vẫn thường hay dùng cụm từ “khoảng cách của trăm năm” để nói về điều này. Vào năm 1905, triều đại nhà Thanh đã bãi bỏ các kỳ thi khoa cử dựa trên tứ thư (sishu) để tuyển quan chức làm việc cho triều đình. Những người theo chủ nghĩa Hiện đại đã xem niềm tin vào Nho giáo như một rào cản ngăn cản sự tiến bộ. 

Những cuộc tấn công Nho giáo tồi tệ nhất đã diễn ra sau khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền vào năm 1949. Trong Cuộc Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông đã khuyến khích mọi người đập phá bất cứ thứ gì được cho là cũ kỹ. Các băng nhóm của Hồng vệ binh đã tràn về Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử, và cho nổ tung lăng mộ của ông. Mãi đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX, sau gần một thập kỷ kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời thì kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử mới được tổ chức trở lại. 

Cách tiếp cận từ trên xuống hay từ dưới lên 

Xu hướng quay trở về với truyền thống của Trung Quốc phần nào được đẩy mạnh hơn bởi cảm giác về một nền văn hóa đang dần bị mai một. Nhiều người Trung Quốc muốn tìm hiểu lại về những di sản đã bị tước bỏ trong nhiều thập kỷ dưới sự cầm quyền của chế độ Cộng sản. Tuy nhiên, hiện tại Khổng Tử giáo đang trở lại mạnh mẽ nhờ vào các ưu tiên chính thức của nhà nước Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình là người thúc đẩy tư tưởng Nho giáo hơn bất kỳ vị lãnh đạo hiện đại nào khác. Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông đã đến thăm Khúc Phụ – một việc mà các vị Hoàng đế làm khi xưa. Qua đó, Tập Cận Bình muốn thiết lập “vai trò mới và tích cực” đối với Khổng Tử giáo. 

Hệ thống tư tưởng này đề cao sự tôn trọng uy quyền, tôn kính tổ tiên và người lớn tuổi. Khổng Tử cho rằng những giá trị đó là điều cần thiết để cá nhân có thể trở thành một người có đạo đức chuẩn mực. Những công dân ưu tú sẽ tạo tiền đề cho sự ổn định của chính trị và xã hội. Các hoàng đế đã sử dụng triết lý này để thúc đẩy sự phục tùng từ dân chúng. Ông Tập cũng muốn lặp lại điều này. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dành sự tán thành đối với Nho giáo, bởi vì khác với chủ nghĩa xã hội, tư tưởng này được phát triển bởi chính người Trung Quốc. Chính vì thế, nó sẽ thu hút những người trẻ tuổi theo chủ nghĩa dân tộc cổ vũ cho lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc về wenhua zixin hay còn gọi là lòng tự hào về văn hóa dân tộc. 

Nói một cách chính xác, trong khi tất cả các học sinh tiểu học và trung học đều phải học trong hệ thống các trường do nhà nước quản lý, hầu hết các trường mầm non đều là các trường tư thục. Nội dung của guoxue, ví như thơ cổ, từ lâu đã nằm trong chương trình giảng dạy của các trường trung học cơ sở công lập. Vào năm 2014, chúng được chọn nhiều hơn vào đề thi đại học. Số lượng cổ văn được giảng dạy trong các trường học từ 14 bài được tăng lên đến 72 bài. Năm 2017, chính phủ đã đưa ra hướng dẫn về việc hoàn thiện giáo trình toàn diện về guoxue dành cho các trường tiểu học và trung học vào năm 2025. Bộ Giáo dục đã xác nhận thông qua kế hoạch này vào tháng 5 năm 2017 và tuyên bố rằng đây là một điều quan trọng để “đào tạo sự ngay thẳng cho các thế hệ Trung Quốc” với tinh thần yêu nước “phụng sự Tổ quốc”. Các lớp học guoxue được nhà nước phê duyệt nhằm mục đích “nâng cao cảm giác thuộc về và lòng tự hào về đất nước của người Trung Quốc.”

Đối với nhiều người Trung Quốc, tư tưởng của các vị hiền triết mang một sự hấp dẫn khác biệt. Trong số những đạo đức Nho giáo bị lãng quên, các nhà hoạt động giáo dục nhận thấy một tập hợp những giá trị mà có thể là giải pháp cho những vấn đề xã hội hiện đại. Việc này cũng giống như một số người Tây phương tìm về các giá trị truyền thống của Cơ đốc giáo. 

Jia Hong, người sáng lập Huaguoshan và hai trường mầm non khác cho biết, “Ngày nay chúng ta nghe rất nhiều về hành vi bắt nạt và cư xử bất lịch sự hay thậm chí là ngỗ ngược của học sinh.” Nhiều người nhận định rằng cách hành xử như vậy là rất đáng trách. Ba phần tư trong 200 học sinh tại các trường mầm non của bà Jia đã từng đi học ở các trường bình thường. Bà Jia cho biết, phụ huynh đã có những phản hồi tích cực và cho rằng những lễ nghi Nho giáo giúp con cái của họ tập trung và điềm đạm hơn. 

Theo Cao Shenggao thuộc Trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, nhiều bậc phụ huynh trẻ tin rằng nỗi ám ảnh về các kỳ thi đã khiến Trung Quốc xao nhãng và dành ít sự quan tâm đối với các hình thức giáo dục khác. Một số người cho rằng kỷ luật được truyền tải qua guoxue, hay việc chơi đàn tranh thành thục, là một cách nữa để con của họ trở nên khác biệt trên đường đua giáo dục này. Các học viện guoxue thường ám chỉ rằng các lớp học ngoài giờ của họ có khả năng giúp tăng điểm kiểm tra của học viên. 

Dẫu vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng các trường mầm non theo hướng guoxue đang hoạt động hợp pháp, hoặc các trường tiểu học và trung học giảng dạy theo tinh thần guoxue – dù đang hoạt động khá mập mờ về mặt luật pháp, lại là một cách để bảo vệ trẻ em khỏi những cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, ít nhất là khi còn quá sớm. Song song đó, nhiều vụ bê bối đã khiến chính phủ Trung Quốc mạnh tay trong việc dẹp bỏ những ngôi trường này. Vào năm 2019, một cậu bé đã qua đời sau khi các giáo viên tại trường nội trú của cậu từ chối việc đưa cậu đến bệnh viện và nhất quyết sử dụng thuốc cổ truyền. Vào năm 2020, người tổ chức hội trại guoxue, với tuyên bố có thể chữa khỏi chứng nghiện internet, đã bị kết án 3 năm tù giam sau khi bị phát hiện đã có hành vi ngược đãi các học sinh. Chính phủ cũng đã cấm việc giảng dạy đối với những văn bản được cho là “cặn bã phong kiến”, ví như những văn tự Nho giáo nhằm thúc đẩy sự phục tùng của phụ nữ. 

Các nhà hoạt động giáo dục như bà Jia rất ủng hộ cách xử lý này của chính quyền. Tuy nhiên nhiều trường guoxue dành cho học sinh có độ tuổi lớn hơn thì lại muốn được tự chủ nhiều nhất có thể, đồng thời từ chối các đề nghị hợp tác với các cơ sở quản lý giáo dục địa phương. Theo Tian Yu, một học giả người Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ, nhận thấy những trường này thu hút một số phụ huynh nhất định, đây có thể là một cách để họ tránh những tuyên truyền chính trị của nhà nước Trung Quốc. Các nhà hoạt động giáo dục theo hướng guoxue âm thầm nói rằng việc hồi sinh các giá trị văn hóa đã bị lãng quên này nên được thực hiện từ dưới lên. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh nhằm xác định điều gì được xem là “truyền thống”, thì nhà nước vẫn luôn có tiếng nói hơn. 

Leave a comment