Cùng nhau tẩy chay văn hoá tẩy chay

Nguồn: insidehighered.com đăng ngày: 28/3/2022.

Biên dịch: Đặng Công Tịnh – Biên tập: Hậu Lê

Tờ The New York Times đăng bài viết chuyên mục ý kiến (Op-ed) của một nữ sinh viên trường đại học danh tiếng. Trong bài viết của mình, cô kể lại việc mình đã bị chỉ trích như thế nào khi nêu ý kiến riêng của mình trong lớp học. Và mọi người  thì lại ra vẻ ngạc nhiên, thậm chí than vãn về ‘văn hóa tẩy chay’ xuất hiện ở các trường Đại học. The Washington Post cũng vừa cho đăng một bài viết dài nói về các các sinh viên ở Đại học Pennsylvania cảm thấy không thoải mái khi bày tỏ ý kiến riêng của mình. Xời, toàn những thứ vớ vẩn. 

Thật buồn và đáng xấu hổ khi những học sinh trong bài viết kể trên, những nhà báo và các biên tập viên đã không thật sự lên tiếng đủ mạnh để vạch trần và chống lại tình trạng chèn ép tự do ngôn luận và tự do học thuật đang diễn ra ở nhiều bang trên nước Mỹ – một đất nước vốn từng được cho là trung tâm của tự do và dân chủ, nhưng tại nhiều tiểu bang lại đang dần trở nên đàn áp và xuất hiện một chế độ hoàn toàn độc tài. Đúng rồi đấy Florida ạ, nơi mà bạn không có quyền “nói về đồng tính”. Hay là Texas chẳng ai dám nhắc đến “dự án 1619”. Còn Tennessee, Alabama, South Dakota, New Hampshire, … và nhiều bang khác nữa.

Nguồn ảnh: Gwengoat/iStock/Getty Images Plus

Ta nên hiểu rõ rằng “văn hóa tẩy chay” không ám chỉ việc người khác bất đồng với những gì bạn nói. Đó đơn giản gọi là thảo luận và tranh luận thông thường. Tự kiểm duyệt bản thân không hoàn toàn xấu, chúng ta đều có lúc phải kiềm chế nói ra những gì ta thật sự nghĩ, và ta luôn được dạy từ nhỏ rằng phải uốn lưỡi trước khi nói.

Ta nên bỏ qua những thứ nhỏ nhặt và vị kỉ chẳng hạn như khi ta bị người khác hủy kết bạn trên Facebook hay bị chặn trên Twitter vì bày tỏ những ý kiến kỳ lạ mà hãy nhìn vào những ví dụ thật sự quan trọng của văn hóa tẩy chay. Hãy nhìn vào cách tổng thống Vladimir Putin đối xử với những người Nga khi họ phản đối cuộc chiến tàn ác của ông ở Ukraine. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với nhà báo Jamal Khashoggi vì đã chỉ trích chính phủ Ả Rập Xê-út. Nước Mỹ tất nhiên chưa đạt đến mức tàn bạo của những chế độ nào kể trên. Dù vậy, mầm mống đã xuất hiện ở cấp độ địa phương, khi nghị sĩ và thống đốc một số bang bắt đầu hành xử một cách chuyên chế đến đáng kinh ngạc, như ra luật ngăn cấm một biểu đạt nào đó, cấm một số đầu sách được đưa vào thư viện, yêu cầu giáo viên không được dạy một vài quan điểm, hay đòi hỏi các giáo sư phải công bố giáo trình để giám sát công khai đối với các “ý tưởng gây chia rẽ” hoặc vì lý do để loại bỏ rủi ro. George Orwell đã cảnh báo chúng ta rằng đây chính là những mầm mống của một xã hội chuyên chế. 

The New York Times gần đây đăng tải một bài xã luận mà họ tự cho là quan trọng liên quan đến chủ đề tự do ngôn luận. Chí ít bài báo này cũng chạm được đến ngọn nguồn vấn đề, mặc dù độc giả phải đọc hết bài báo dài 30 đoạn văn (và vài báo cáo khảo sát) để có thể rút ra được vài kết luận có ý nghĩa về các mối đe dọa đến tự do ngôn luận và các hành động của các bang – “Một núi điều luật được thông qua bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa kiểm soát đa số đã gây nên nhiều tranh luận cho rằng chúng xâm phạm đến tinh thần của Tu Chính Án Thứ Nhất, nếu không muốn nói là vi phạm cả câu chữ của Tu Chính Án này.”

“Từ năm 2021, tại nghị viện của 40 bang nước Mỹ, đã có 175 dự luật được đưa ra và trình lên nhằm quy định những gì giáo viên được nói, học sinh được học những gì, và thường thì sẽ có chế tài nghiêm khắc kèm theo.” trích dẫn bài xã luận đăng vào ngày 18 tháng Ba.

“Trong số đó, 13 dự luật đã trở thành luật ở 11 bang, và 106 dự luật khác vẫn đang chờ xem xét. Trong tất cả 175 dự luật, thì có đến 99 dự luật hiện đang nhắm đến hệ thống giáo dục phổ thông, 77 dự luật nhắm đến hệ giáo dục đại học, và 59 dự luật bao gồm hình phạt cho ai vi phạm”. số liệu căn cứ theo cập nhật của tổ chức PEN America.

Bản thân là người đứng đầu một cơ sở phục vụ cho nhóm người thiểu số – là một trường đại học dành cho nữ giới và theo dòng Công Giáo La Mã,  tôi không hề có quyền lực như một giáo chủ hách dịch hay tầm ảnh hưởng giống như hiệu trưởng của các đại học lớn, danh giá, chẳng hạn như các trường thuộc khối Ivy League hay các trường đại học trọng điểm của bang. Điều gây thất vọng và làm tôi canh cánh đó chính là việc các vị hiểu trường này không trở thành những nhà tiên phong hay cất tiếng nói đủ lớn để chống lại và chỉ trích các xâm hại rõ ràng đến tự do ngôn luận và tự do tư tưởng đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Tại sao họ lại im lặng vậy? Sự im lặng của họ cũng chính là tiếp tay cho sự xâm phạm này diễn ra.

Những nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục cùng những ai quan tâm đến tự do ngôn luận muốn hiểu được tường tận mối đe dọa đến tự do ngôn luận kể trên thì thật sự cần phải đọc các dự luật được liệt kê trong danh sách mà tổ chức PEN America đang xây dựng., Những dự luật này đang được xử lý ở các bang (nhiều luật đã được thi hành) nhằm cấm các cơ sở giáo dục dạy một vài môn học nào đó, bao gồm cả các trường đại học và các cơ sở giáo dục tư thục. Các dự luật này có điểm tương đồng đó là nó “hạn chế”, “cấm”, “cản trở” việc dạy những chủ đề có liên quan đến vấn đề sắc tộc, hay lịch sử xung đột sắc tộc ở nước Mỹ. “Dự án 1619” còn bị đặc biệt cấm ở một vài bang. Họ cũng cấm cái mà họ gọi là “lý thuyết chủng tộc phê phán” (critical race theory), mặc dù vài người đề ra các dự luật trên thật sự không hiểu nó là gì. Nhiều luật cấm vì lý do nội dung có liên quan đến bản dạng giới, xu hướng tính dục, hoặc những “khái niệm có tính chất chia rẽ” mà không ai hiểu chính xác nó nghĩa là gì.

Tôi thường xuyên chỉ rõ trong các bài nói và viết của mình rằng đại học phải là đối trọng lớn đối với chính quyền trong một xã hội tự do. Mục tiêu cộng đồng vĩ đại của đại học là phải biết cách thể hiện các giá trị vững chắc của quyền tự do được nói, được viết, được tư tưởng, được tìm hiểu và giúp sinh viên tham gia liên tục vào thực hành các quyền tự do này. Không một tư tưởng nào có thể bị coi là quá nguy hiểm đến mức cần phải đàn áp nó. Ta có thể lên tiếng chống đối lại tư tưởng đó, ta có thể sôi nổi tranh luận, ta có thể hùng hổ công khai lớn tiếng chỉ trích lại các ý tưởng mà ta cho rằng nó sai trai về mặt đạo đức – Nhưng ta không thể đàn áp những tư tưởng và ngôn luận này vì có nguy cơ ta sẽ đàn áp không chỉ những ý tưởng ta ghét mà còn tất cả ý tưởng trên đời này.

Bản chất của giáo dục đó là sự va chạm của những ý tưởng và cuộc tranh đấu tìm ra lẽ phải trong số rất nhiều các ý kiến khác nhau. Nếu chúng ta không thể dạy về các “ý kiến gây chia rẽ” thì ta chẳng còn gì để mà dạy cả. Nếu giáo dục không phải là cuộc tranh luận triền miên giữa các ý tưởng thì giáo dục hoá ra sẽ chỉ đơn thuần là chép lại những gì đã được nói trước đây mà không hề có sự phân tích, đánh giá, phản biện nào, cũng như không có bất kỳ khai phá nào trên nền các tri thức mới, và cũng không bao gồm việc thực hành đánh giá độc lập để phân biệt liệu những ý tưởng cũ có thật sự vững chắc hay không hay nó chỉ là ngộ nhận.

Một ví dụ trung tâm của vấn đề này là tranh cãi về “Dự án 1619” nói về nô lệ và lịch sử lập quốc của Mỹ. Lịch sử nước Mỹ, giống như nhiều lịch sử khác, đầy rẫy những câu chuyện thần thoại; Chất vấn những thần thoại đó không phải là thù ghét nước Mỹ mà hoàn toàn ngược lại. Nó giúp học sinh học cách xây dựng một nước Mỹ hùng mạnh và kiên cường hơn trong tương lai. “Dự án 1619” đang được các sử gia tranh luận, thách thức những giả định của Dự án này, làm giàu thêm những dữ kiện về một thời kì trong lịch sử của nước Mỹ. Tất cả đều rất quan trọng, và không có bất cứ những điều trên cần phải bị đàn áp. Chúng ta đều đang cùng nhau đi trên một hành trình dài trong việc tìm hiểu tại sao và bằng cách nào mà nước Mỹ lại có được diện mạo như ngày hôm nay, và lịch sử dạy được cho ta những gì để chuẩn bị cho tương lai. Ngăn cản sự thật lịch sử không giúp phụng sự bất kỳ mục đích tốt đẹp nào ngoại việc chúng ta tiếp tục kéo dài những lỗi lầm, những ngộ nhận, những chính sách sai trái, và những hành động tàn bạo của những kẻ muốn che giấu sự thật này đến được với các thế hệ tương lai.

Công việc của chúng ta với tư cách là những giảng viên đại học là dạy sinh viên cách thức làm sao để phân biệt được ý kiến nào là tốt và đúng, ý kiến nào là sai và suy đồi, và cái nào mà chúng có thể đồng ý hoặc không. Xa hơn nữa, công việc của chúng ta là dạy sinh viên làm sao phản hồi lại với tất cả các biểu đạt cả  xấu lẫn tốt. Dạy sinh viên cách làm sao để bảo vệ những ý tưởng mà họ trân quý và mong muốn nhận được sự công nhận của công chúng. Dạy sinh viên làm sao để bác bỏ, thảo luận và tranh luận phản biện lại những ý tưởng trái với quan điểm của bản thân. Dạy sinh viên làm sao để vạch trần được những lời dối trá, sai lầm, và những hiểm nguy nằm ẩn dưới những ý tưởng được thể hiện trên các diễn đàn công cộng – thường thì những ý tưởng nguy hiểm này do chính các lãnh đạo chính trị có ý đàn áp những biểu đạt khác đưa ra.

Đây chính là lúc để Đại học đứng lên vì các giá trị của tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, những chân kiềng của nền dân chủ – Mọi người có nghe tôi không, những anh chị em hiệu trưởng của các trường đại học? Tự do học thuật – sự tự do cho giáo viên có quyền dạy và nghiên cứu những gì mà họ cảm thấy phù hợp –  chính nó đã là một nạn nhân của cuộc khủng hoảng trầm trọng trải qua nhiều thập kỷ. Hãy thể hiện chính xác cho sinh viên của mình thế nào là đấu tranh và lên tiếng cho những gì quan trọng nhất của xã hội. Đó chính là sự tự do dạy, học, suy nghĩ, viết, và tự do sống mà không sợ hãi sự đàn áp của chính quyền. Thông qua các hành động của chúng ta, hãy cho sinh viên thấy cách làm thế nào để không phải sợ khi lên tiếng, làm sao để đón nhận sự chỉ trích như là minh chứng rằng điều mà bạn nói là thật sự quan trọng, làm thế nào để đi ra khỏi vùng an toàn và dũng cảm đối mặt với những vấn đề cấp bách nhất mà xã hội đang phải đối mặt với tư cách là một người yêu tự do, đúng không nào?. Phép thử đã có sẵn, hãy cùng nhau tẩy chay ý tưởng về một “văn hóa tẩy chay” và giữ gìn những biểu đạt các giá trị hàng ngày một cách mạnh mẽ, lành mạnh, hùng hổ trên giảng đường.

Leave a comment