Covid-19 truyền cảm hứng cho cải cách giáo dục như thế nào?

Nguồn: The Economist 

Ngày đăng: 26/01/2021

Biên dịch: Lê Thị Tường Vi – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trong 3 tháng đầu của đại dịch, Shawnie Bennet một người mẹ đơn thân ở Oakland, California đã mất việc và anh trai. Khoảng thời gian giãn cách của cô càng khó khăn hơn khi Bennet cần phải hỗ trợ con gái 8 tuổi, Xa’viar tiếp tục học trực tuyến. Vào tháng 11, Bennett đã đăng ký các lớp học trực tuyến được cung cấp bởi nhóm phụ huynh địa phương cho con gái của mình. Xa’viar sẽ được học với một gia sư vào mỗi sáng thứ bảy. Bài kiểm tra tháng này cho thấy kỹ năng đọc của cô bé có cải thiện đáng kể.

The Oakland Reach, một nhóm vận động đã tổ chức những buổi học cuối tuần. Lakisha Young, đồng sáng lập The Oakland Reach cho biết  “có chưa đến 1/3 trẻ em da màu ở Oakland có khả năng đọc đúng với cấp lớp của các em”. Trong 5 năm qua, cả nhóm đã nỗ lực vận động để cải thiện các vấn đề trường lớp. Nhưng khi chuyển sang hướng trực tuyến, họ bắt đầu thuê giáo viên để làm việc trực tiếp với các em. Young nghĩ rằng các gia đình được hưởng lợi từ việc này sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở các trường học trong tương lai. Chính quyền địa phương đã tìm được nguồn hỗ trợ để mở rộng một số hoạt động của nhóm. Cô cho rằng đại dịch là thời điểm đã “ tạo ra những thứ mà chúng ta đã và đang đấu tranh quyết liệt để có được”.

Đôi khi những điều không hay xảy đến lại làm thay đổi việc học theo một hướng tích cực hơn. Chiến tranh thế giới thứ hai đã sinh ra Đạo luật  Butler ở Anh. Đạo luật  này qui định các trường công ở Anh tăng số năm học bắt buộc và bỏ học phí. Sau khi cơn bão Katrina làm ngập lụt New Orleans, các quan chức ở đó bắt tay vào việc cải cách trường học một cách sâu rộng. Kết quả là 9 năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp ở vùng này đã tăng lên khoảng 9 đến 13%.

Covid-19 đã làm thay đổi nền giáo dục trên một quy mô chưa từng thấy. Đến giữa tháng 4 năm 2020, hơn 90% học sinh trên thế giới không thể đến trường để học trực tiếp. Đóng cửa kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng không ít đến việc học, sự an toàn và tinh thần của các em. Các nhà cải cách giáo dục hy vọng đại dịch sẽ làm thay đổi trường học theo hướng hiệu quả và linh hoạt hoạt hơn.

Nguồn: The Economist

Những người chỉ trích mô hình trường học hiện đại lập luận rằng mọi thứ hầu như không hề thay đổi kể từ thế kỷ 19, khi giáo viên chuyển từ  các lớp học  cộng đồng nơi mà học sinh các cấp học chung với nhau (one-room schoolhouses) đến các cơ sở giáo dục lớn nơi chia các nhóm học sinh theo độ tuổi. Ông Lary Cuban, nhà sử hoc về giáo dục taị Đại học Stanford cho rằng nói như vậy là phóng đại quá; tuy nhiên các mô hình trường học truyền thống cũng đã chứng minh sự tồn tại bền vững của nó. Ông cho biết “Phụ huynh đánh giá cao tính hiệu quả và trật tự của trường học phân loại theo lứa tuổi kiểu cũ. Họ muốn điều đó nhưng họ vẫn phàn nàn về nó”.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, vẫn có những lý do để chúng ta tự hỏi liệu các trường học với bề dày lịch sử như vậy  có khả năng đột tử hay không. OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), một tổ chức liên chính phủ, đã tiến hành các khảo sát ở các quốc gia giàu có và họ kết luận rằng nhìn chung điểm số của học sinh hiện nay cũng không cao hơn hai thập kỷ trước mặc dù chi tiêu giáo dục tính trên đầu học sinh thì mỗi năm mỗi tăng  (các nhà phân tích cũng nhận thấy rằng ai nghỉ học lâu thì điểm số càng thấp). Học sinh chán học nhiều hơn. Trong năm 2017, những người khảo sát ý kiến tại Gallup kết luận rằng chỉ có ⅓ số học sinh trung học ở Mỹ cảm thấy thích thú với lớp học của họ.

Nguồn: The Economist

Covid-19 cùng với lệnh đóng cửa đã buộc giáo viên phải chuyển sang dạy từ xa và sử dụng các nền tảng giảng dạy trực tuyến. Chương trình học được giản lược đáng kể. Anh, Pháp và Ireland đã hủy bỏ các kỳ thi lớn. Năm 2020, nhiều trường học ở Mỹ không cho điểm mà chuyển sang đánh giá “đậu” hay “rớt”.

Đối với đại đa số các gia đình ở Mỹ, việc giảng dạy trực tuyến  “gần như là thảm họa” – Justin Reich, đến từ phòng Lab Dữ Liệu giảng dạy tại học Viện MIT (Massachusetts Institute of Technology) cho biết: dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng “Học sinh đã học ít hơn nhiều so với bình  thường”. Đến tháng 3 năm 2021 học sinh tiểu học ở Anh đã học chậm hơn so với chương trình 3 tháng. Kỳ kiểm tra mùa hè năm 2020 của học sinh Bỉ cũng cho thấy độ trễ tương tự. Một nghiên cứu về học sinh Hà Lan còn cho thấy rằng trong 8 tuần đầu học từ xa trong đầu năm 2020, học sinh trung bình đã không học được gì mới cả.

Những đứa trẻ vốn đã thiệt thòi lại còn phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn. Nghiên cứu của Hà Lan cho thấy rằng những trẻ em có cha mẹ là những người có học vấn thấp thì mức độ tiếp thu thấp hơn 50% so với những đứa trẻ khác. Trước mùa thu 2020, những đứa trẻ từ 8 đến 9 tuổi ở Ohio chậm hơn ⅓ năm học so với những năm trước. Trong khi đó, điểm kiểm tra của học sinh da đen giảm gần 50% so với những học sinh da trắng.

Trường học bị đóng cửa 

Việc đóng của trường học đã cho thấy tầm quan trọng của việc học trực tiếp đối với tinh thần và thể chất của học sinh. Thanh niên ở Ý ăn uống kém lành mạnh hơn khi họ ở nhà thường xuyên hơn. Số báo cáo về lạm dụng trẻ em từ giáo viên đã giảm xuống vì giáo viên, những người đầu tiên phát hiện những sự vụ này, không còn cơ hội gặp học sinh của mình một cách trực tiếp nữa.

Yoshinaga Sakura, giáo viên trung học tại Numazu ở miền trung Nhật Bản cho biết: “Trường học đóng cửa, một số học sinh phải ở nhà một mình vì cha mẹ chúng vẫn phải ra ngoài làm việc. Cô còn cho biết các trường hợp tự ngược đãi bản thân ngày càng gia tăng. Euan Morton, một giáo viên cấp hai ở Melbourne, nói rằng một số trẻ em học trực tuyến dường như có hành vi và thái độ ít trưởng thành hơn. “Sự phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh không song hành với sự tiến bộ trong việc học tập của chúng”.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có một số điểm sáng. Cuộc khủng hoảng đã thắt chặt mối liên kết giữa các giáo viên và phụ huynh – theo các nghiên cứu, đây là yếu tố giúp  tỉ lệ đi học tăng và kết quả học tập cũng được nâng cao. Đại học Johns Hopkins cho biết hơn một nửa lãnh đạo của các trường đại học ở Mỹ được khảo sát cho thấy họ đã liên hệ chặt chẽ hơn với phụ huynh so với trước khi giãn cách.

Chúng ta cũng tận dụng công nghệ nhiều hơn trong đại dịch. Victoria Richmond, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Đông Nam nước Anh cho rằng: “phải đầu tư vào máy tính chứ không có “phương án thay thế” nào khác. Bây giờ dù các con của cô Richmond đã trở lại lớp học, những chiếc máy tính bảng mà trường cô ấy cấp cho tất cả học sinh đã trở nên hữu ích. Ví dụ như máy tính bảng  giúp cho những học sinh không sử dụng tiếng Anh có thể dịch bài học dễ dàng hơn. Stephanie Downey Toledo ở quận Central Falls, Rhode Island cho biết cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh quá trình đầu tư vào công nghệ của các trường học. Một trường học tại Central Falls có một máy phát sóng để truyền mạng đến nhà của học sinh. Trong khi đó, đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ giáo dục tăng hơn gấp đôi từ 7 tỷ USD năm 2019 lên khoảng 16 tỷ USD năm 2020 (theo nhóm nghiên cứu Holon iq).

Một số học sinh dường như hoạt động tốt hơn khi học tập từ xa, đơn cử như những em gặp chứng rối loạn lo âu hoặc các em là nạn nhân của bắt nạt học đường. Các em đã cảm thấy  học thoải mái hơn khi học  qua cuộc gọi video và hộp tin nhắn. Jal Mehta tại Đại học Harvard cho rằng việc học trực tuyến cũng phần nào đã giúp một số học sinh thông minh có động cơ học tập cao, thích học nhưng lại không thích “các khía cạnh xã hội của việc học ở trường”

Neema Avashia, một giáo viên ở Boston cho biết “tỉ lệ tham gia lớp học được cải thiện khi tất cả những gì học sinh cần làm là bật máy tính lên. Học từ xa giúp học sinh  dễ dàng tham gia lớp học ngay cả khi các em cảm thấy không được khỏe”.

Việc đóng cửa trường học đã nâng cao nhận thức về bất bình đẳng. Ngay cả trước đại dịch, những thiếu niên 16 tuổi từ những gia đình nghèo nước Anh bị “tụt hậu” khoảng 18 tháng so với những học sinh đến từ những gia đình khá giả. Đối với kỹ năng Toán học, khoảng cách giữa học sinh giỏi và yếu  rất lớn. Việc giáo viên vất vả giao máy tính xách tay, thiết bị phát Wi-fi và từng bữa ăn cho học sinh nghèo đã giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về những thiệt thòi bên ngoài cổng trường học  ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh.

Không gì là quá sớm để đặt câu hỏi làm thế nào cải thiện trường học trong tương lai. Những trải nghiệm với Covid-19 có thể sẽ khuyến khích những nhà cải cách lập luận rằng các trường học cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp trẻ em đối phó với những cú sốc. Andreas Schleicher tại OECD cho biết học sinh đã quen với sự kèm cặp sát sao của giáo viên sẽ cảm thấy việc học trực tuyến khó khăn. Ông nói rằng điều này cho thấy các trường học nên giúp học sinh học cách học độc lập để chuẩn bị cho tương lai khi công nghệ liên tục phát triển.

 Ngày nay trường học dạy chúng ta những gì?

Ông Schleicher lập luận rằng cần phải điều chỉnh trường học phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh để thu hẹp khoảng cách thành tích. “Chúng ta áp đặt chính xác cùng một kiểu giáo dục cho mọi học sinh vì vậy tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi kết quả học tập của từng học sinh lại tương quan đến hoàn cảnh, điều kiện xã hội của các em?”.  rất nhiều nơi, trường học “có các cỗ máy phân loại khổng lồ nhưng không được thiết kế để tạo điều kiện cho từng cá nhân học sinh phát triển”. Paul Reville đến từ Đại học Harvard lại cho rằng các trường học phải từ bỏ “mô hình nhà máy”, trong đó tất cả học sinh học những bài học giống nhau với lượng thời gian học như nhau và hướng tới  “mô hình y tế” – mô hình này tin rằng mỗi học sinh sẽ có những nhu cầu khác nhau và mỗi học sinh cũng tiếp thu bài học nhanh chậm khác nhau. Mô hình này cũng xem xét  giải quyết các vấn đề bên ngoài trường học gây ảnh hưởng đến việc học của học sinh. 

Trước đại dịch, một nhóm nhỏ các trường học Mỹ đã từ chối cấu trúc trường học kiểu truyền thống và ủng hộ “nhóm lớp ghép” kết hợp học sinh từ 2 đến 3 nhóm tuổi với nhau. Theo mô hình truyền thống, học sinh lên lớp mỗi năm,  ngay cả khi một số môn các em học còn chậm. Cũng có em phải học lại nhưng con số này rất ít. Các hệ thống trường học linh hoạt hơn hướng đến việc giúp học sinh học yếu một vài môn cụ thể có thời gian và nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Khi các em khắc phục được lỗ hổng kiến thức thì các em có thể học theo kịp bạn bè thay vì phải học lại cả năm. Đại dịch đã giúp chúng ta thí nghiệm ý tưởng này.  NWEA, một tổ chức đánh giá học tập cho biết ngay cả trước khi giãn cách, một số lớp học ở Mỹ có cả những học sinh có trình độ các môn cách nhau bảy cấp học. Sự chênh lệch bây giờ gần như chắc chắn rộng hơn, khiến giáo viên thậm chí rất khó dạy chung một bài cho cả lớp.

Nỗ lực giúp học các em bắt kịp nhịp học  giúp chúng ta xây dựng  nền tảng hệ thống tốt hơn. Các quan chức ở nhiều quốc gia tin rằng   dạy một-kèm-một hay dạy nhóm nhỏ sẽ giúp được những học sinh đang gặp khó khăn. Bằng chứng là, một nghiên cứu ở Anh cho thấy rằng 12 giờ dạy kèm có thể nâng cao kỹ năng toán học của học sinh tương đương với việc dạy trong lớp trong 3 tháng.  Chính phủ đã đầu từ 3 tỷ bảng Anh cho việc dạy kèm dù theo nhiều người, để phục hồi giáo dục, chúng ta cần đầu tư một khoản lớn hơn nhiều. 

Những học sinh gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ rất nhiều nếu các chương trình dạy kèm mở rộng trở thành một phần cốt lõi của hệ thống giáo dục. Một chương trình dạy kèm lâu dài tại trường Công lập Match là một ví dụ. Trước khi đại dịch xảy ra, tất cả các học sinh lớp bốn đều được dạy kèm toán. Một ngày học ở trường sẽ dài hơn so với các trường khác trong khu vực lân cận, vì vậy trường Match đã quản lý và sắp xếp các lớp học này vào thời gian biểu của học sinh. 

Nhưng tất cả sự hỗ trợ sẽ trở nên vô nghĩa nếu các vấn đề ngoài trường học làm học sinh mất sự tập trung và chú ý đến việc học. City Connects, một tổ chức hoạt động ở Ireland và Mỹ, đã cung cấp một giải pháp hữu ích về cách các trường học có đủ tiền để có thể vượt qua điều này. Tổ chức này khuyến khích các trường học tạo ra các kế hoạch hỗ trợ học sinh vượt qua những khó khăn như các vấn đề về tình cảm, sức khỏe và gia đình. Mỗi “điều phối viên” sẽ hướng dẫn 400 học sinh để giải quyết từng vấn đề. Họ duy trì một cơ sở dữ liệu giúp các học sinh nhanh chóng kết nối với ngân hàng thực phẩm , quần áo và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mary Walsh, chủ sở hữu của City Connects cho biết  chính quyền địa phương và các tổ chức địa phương thường cung cấp các dịch vụ hữu ích nhưng nhiều gia đình không biết về chúng hoặc phải vật lộn với các giấy tờ thủ tục.

Reach Academy, một trường học ở Feltham phía Tây London đã cho ra đời “Trung tâm dành cho trẻ em” giúp gia đình học sinh giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở và việc làm. Ed Vianker, đồng sáng lập trung tâm này cho biết những cải tiến đối với với chương trình giảng dạy sẽ không “giải quyết được những rào cản ngăn học sinh thành công ở trường học” . Ông cho rằng trường học cần phải là nơi điều phối các nỗ lực của các tổ chức địa phương và thu hút các nguồn lực từ xa.

Còn công nghệ thì sao? Ông Reich đến từ Học viện MIT  cho rằng đại dịch đã dập tắt các “câu chuyện điên rồ” trong đó cường điệu hóa việc công nghệ giáo dục có thể thay đổi nền giáo dục nhanh ra sao nhưng ông ấy cũng hy vọng rằng đại dịch có thể khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. 

Thomas Arnett thuộc Viện Christensen, một tổ chức tư vấn của Mỹ nói rằng: Trước khi Covid-19 xảy ra, các giáo viên cũng đã nhận ra rằng thay vì giảng bài hay giao tài liệu trong lớp , giáo viên có thể thu bài giảng qua video  và cho học sinh xem trước khi vào học. Sự thay đổi này sẽ giảm thiểu thời lượng các giáo viên  giảng bài trên lớp và tối đa hóa thời gian trong lớp giúp học sinh áp dụng kiến thức vừa học, đặc biệt là giúp đỡ những học sinh bị chậm. Việc này cũng có thể giúp thay đổi phân chia nguồn lực ví dụ như một số giáo viên có thể thu bài giảng và chia sẻ với tất cả các lớp, các giáo viên còn lại có thể tập trung hơn vào việc hỗ trợ học sinh. 

Đại dịch đã giúp chúng ta nhận thức rằng không phải tất cả học sinh đều được hỗ trợ tốt khi trường học tiếp cận giáo dục theo kiểu one-size-fits-all (học sinh nào cũng nhận kiểu giáo dục như nhau). Đồng thời, nó hướng sự chú ý, thu hút sự tài trợ vào việc cải thiện các mô hình giáo dục mới.

Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, hơn 30 bang của Mỹ đã cho phép những học sinh không hài lòng với chất lượng học ở trường học, được phép đăng ký vào các lớp học trực tuyến (virtual school). Nhưng Gary Miron từ Đại học Michigan nói rằng những học sinh này đã thất vọng với chất lượng của các lớp học trực tuyến bởi chúng được cung cấp từ các công ty lớn nhưng không có sự kiểm soát. Anh ấy nghĩ nếu các trường công lập cung cấp dịch vụ lớp học trực tuyến thì sẽ làm tốt hơn. Rank, một tổ chức nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát và phát hiện 1/5 các học khu (school district) ở Mỹ đang xem xét xây dựng trường học trực tuyến để có thể sử dụng ngay sau khi đại dịch kết thúc.

Đi theo hướng riêng

Nếu đại dịch giúp phụ huynh được làm việc  linh hoạt về thời gian và địa điểm, họ có thể quan tâm,  thích thú hơn với các mô hình trường học kiểu mới. Học sinh tại trường Trung học cơ sở và Trung học học phổ thông  Springs Studio for Academic Excellence, một trường học công tại Colorado  yêu cầu học sinh đến trường chỉ 2 đến 3 ngày một tuần (giúp học sinh có thể làm việc bán thời gian hay luyện tập thể thao). Những ngày còn lại trong tuần thì họ học trực tuyến. David Knoche, hiệu trưởng của trường cho rằng việc này giúp học sinh tận dụng thời gian khi học với giáo viên hơn. Thời gian học sinh dành cho việc học tập một cách độc lập giúp cho giáo viên có thêm thời gian hỗ trợ cho những em thực sự cần sự giúp đỡ.

Về lý thuyết, những mô hình như vậy không phải lúc nào cũng cần phụ huynh ở nhà để giám sát con của họ học online mà nhà trường có thể dành không gian cho học sinh tự học nhưng có người giám sát. Noam Gerstein, người sáng lập Bina – một trường tiểu học trực tuyến có trụ sở chính ở Berlin, nghĩ rằng một số công ty sẽ tạo điều kiện để con cái của nhân viên được học trực tuyến như là một quyền lợi cho nhân viên của mình. Bà ấy dự đoán trong tương lai các công ty sẽ cung cấp chỗ cho con của nhân viên học trực tuyến. Bà ấy còn cho rằng cha mẹ sẽ yên tâm và thích nhìn thấy con của mình, chẳng hạn như trong giờ làm việc, hoặc xem con học trong giờ ăn trưa 

Có rất nhiều lý do để lo lắng rằng liệu các trường học có phục hồi nhanh sau đại dịch hay không. Giáo viên kiệt sức. Quan hệ giữa các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo trường dần mờ nhạt. Chính phủ thì thắt lưng buộc bụng. Phụ huynh vừa phải làm việc toàn thời gian,  vừa giám sát và giáo dục con cái. Nhưng sự chuyển đổi nhanh chóng sang học từ xa đã chứng minh rằng trường học có khả năng biến đổi mạnh mẽ. Những cải cách từng trông khá đáng ngại bây giờ đã có vẻ dễ dàng hơn.

Ở Oakland, Bennett quyết định không cho con gái đến trường dù trường học đã mở cửa. Cô vẫn còn lo lắng về dịch bệnh vẫn đang bùng phát. Nhưng sau cùng cô quyết tâm để Xa’viar trở lại trường học vào tháng 8 khi năm học mới bắt đầu. Con gái của cô xứng đáng được quay lại để gặp giáo viên và bạn bè của mình, “nơi mà cô bé cảm thấy an toàn và được yêu thương”.

Leave a comment