Về việc học Lịch sử

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Philadelphia là một thành phố thuộc tiểu bang Pennsylvania, bờ Đông nước Mỹ. Năm 1776, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã ký bản Tuyên ngôn độc lập tại Tòa nhà Độc lập (Independence Hall) khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Independence Hall tọa lạc tại Philadelphia. Vì vậy, thành phố này được xem là thủ đô đầu tiên, đồng thời là “cái nôi” của nước Mỹ. Thời hoàng kim của Philadelphia vào những năm 1800 chứng kiến sự phát triển của thành phố này như là một trung tâm sản xuất lớn và phát triển mạnh về ngành dệt may. Hiện nay, dù vẫn là một trong những thành phố đông dân nhất nước Mỹ, Philadelphia nổi tiếng về giáo dục và y tế – chủ yếu nhờ vào trường Đại học Pennsylvania – một trong những đại học danh giá nhất xứ cờ hoa, Đại học Temple, Đại học Drexel và một số trường cao đẳng khác thu hút sinh viên quốc tế. Khi ở Mỹ năm 2020, tôi ngạc nhiên vì sự xuống cấp của thành phố này, vốn được làm tồi tệ hơn nhờ đại dịch Covid.

Tên gọi của tiểu bang Pennsylvania là sự kết hợp của các từ Latin, có nghĩa là “vùng đất của Penn” – được đặt theo tên của William Penn, người đã đến Pennsylvania vào năm 1682 và tuyên bố vùng đất này là thuộc địa của Anh. Dù vậy, Penn vẫn tỏ lòng tôn trọng người bản địa Lenape vốn sinh sống từ lâu ở Pennsylvania bằng cách ký với họ một thỏa ước chung sống hòa bình và khai thác tài nguyên chung. Sau khi Penn qua đời, cùng với những dòng di dân ồ ạt của người da trắng, những người bản địa dần bị đẩy ra khỏi nơi ở của họ. Cho đến ngày nay, hầu như những người bản địa gốc của vùng Pennsylvania không còn lưu trú tại tiểu bang này, mà đã di dân sang các biệt khu ở tiểu bang Oklahoma. Hiện nay, không còn tộc người bản địa hay biệt khu của người bản địa nào chính thức được công nhận tại Pennsylvania.

Trên đây là những thông tin sơ lược về tiểu bang Pennsylvania và thành phố lớn nhất của nó, Philadelphia. Tôi không có được chúng từ một giờ học lịch sử, mà đây là bài thuyết trình ngắn khoảng năm phút của tôi trong giờ Giáo dục và Các phong trào xã hội trong một lớp học ở Đại học. Cô giáo của chúng tôi yêu cầu đầu mỗi giờ học của bà, mỗi người trong chúng tôi sẽ thay phiên nhau giới thiệu về vùng đất mà mình đang ở, với hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, hiểu biết về lịch sử phát triển của một vùng đất sẽ giúp chúng tôi gắn bó hơn với nó, biết ơn những người đã tạo dựng nên nó và hiểu được những vận động đã hình thành nên vùng đất này hôm nay. Thứ hai, chúng tôi giúp nhau hiểu hơn về các vùng đất khác nhau trên thế giới, để hiểu và trân trọng sự đa dạng của lịch sử và các nền văn hóa khác nhau. Tôi tin rằng nếu thay Pennsylvania và Philadelphia bằng Thành phố Hồ Chí Minh hay bất kỳ một tỉnh thành nào của Việt Nam, học sinh đều có thể có cơ hội để tìm thấy những thông tin lịch sử về vùng đất đó – không nhất thiết chỉ trong giờ học Lịch sử, mà có thể trong bất kỳ giờ học nào khác, như Địa Lý, Giáo dục Công dân, Văn học, thậm chí các giờ học Tự nhiên (bởi vì, đâu có quy định nào cho rằng chúng ta không thể giành 5 phút đầu giờ Toán để chia sẻ về Lịch sử?). 

Trong những ngày gần đây, nhiều người xôn xao với thông báo chuyển Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở bậc THPT, theo Chương trình phổ thông mới. Với tôi, câu hỏi quan trọng không phải là việc tự chọn hay bắt buộc học môn Lịch sử, mà là: những gì nên được dạy trong môn Lịch sử, và dạy như thế nào?

Lịch sử dạy những gì?

Trong suốt 12 năm phổ thông, điểm trung bình môn Sử của tôi luôn cao hơn 9.0, bởi vì tôi là người giỏi học thuộc bài. Tuy vậy, sau mỗi bài kiểm tra và mỗi kỳ thi, tất cả những con số về lượng máy bay bị bắn, sinh lực địch bị tiêu diệt, bao nhiêu xe tăng súng đạn được thu hồi,… hầu như không ở lại với tôi quá vài ngày. Đơn giản vì tôi không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các con số này với những sự kiện lịch sử; tôi chỉ học thuộc, tôi không nhớ được. Ngay cả những lời ca tụng về chiến công của quân đội ta cũng khó khiến tôi lay động, vì tôi không cảm nhận được những hy sinh lớn lao, tinh thần quả cảm hay lòng yêu nước chỉ với một vài gạch đầu dòng về “diễn biến sự kiện”, “nguyên nhân sâu xa”, “nguyên nhân trực tiếp”.

Trải nghiệm học Lịch sử của tôi ở Đại học lại hoàn toàn khác. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in những câu chuyện về các thành bang Hy Lạp cổ đại, khi Hội đồng 500 họp hành không khác gì họp Quốc hội bây giờ; hay những quảng trường La Mã chứa đầy sự háo hức của hàng trăm người dân tụ họp để nghe các historian kể chuyện. Historian được dịch là “người chủ của lịch sử”, có nguồn gốc từ historia trong tiếng Latin, nghĩa là các câu chuyện của quá khứ. Như vậy, Lịch sử (history) là những câu chuyện. Một câu chuyện sẽ có không gian, thời gian, nhân vật, và diễn biến. Một câu chuyện hay sẽ cần cốt truyện hay. Và để câu chuyện có đời sống lâu, cần có sự liên hệ hoặc liên quan nào đó với người tiếp nhận. Nếu dựa trên cách tiếp cận này, lịch sử cần những câu chuyện hay, có bối cảnh, có nhân vật, có sự liên quan, thay vì những bài học thuộc lòng với các con số và lời ngợi ca vô hồn, khó đi vào tâm trí hoặc khơi gợi cảm xúc từ người học. Đúng vậy, ý tôi là, lịch sử hãy là những câu chuyện. 

Một quảng trường tại Florance, từng là nơi tụ họp của người dân La Mã cổ đại – Nguồn: Tác giả

Ngoài ra, thông qua các bài học Lịch sử văn minh, tôi cũng học được rằng với vị trí địa lý nằm sát biển, những người dân Hy Lạp, La Mã có điều kiện phát triển ngành hàng hải, và nhờ đó, hình thành nên tính cách phóng khoáng, gợi mở, quảng giao – cũng là nền tảng tính cách và giá trị của người gốc châu Âu hiện nay. Trong khi rất nhiều phát minh cổ đại xuất phát từ những nền văn minh phương Đông, việc phát triển chúng, thương mại hóa chúng và đưa chúng trở thành những ứng dụng phục vụ cho đời sống hầu hết đều nhờ tay người phương Tây – cũng nhờ sự phát triển của hàng hải và vận tải đường biển. Văn minh phương Đông được hình thành từ những đồng bằng quanh các con sông, có tính khép kín, truyền thống và co cụm hơn. Đây chính là mối liên hệ giữa Lịch sử, Địa lý, Văn hóa và Phát triển xã hội. 

Cũng trong giờ học lịch sử, tôi biết đến những tương truyền lý giải việc đeo mạng che mặt của phụ nữ Ả Rập. Chính là vì: sắc đẹp khuynh đảo của họ là nguồn cơn của các cuộc chiến tranh giành phụ nữ, và rồi giành lãnh thổ. Dẫu vậy, những câu chuyện mang màu sắc tôn giáo hơn thì cho rằng phụ nữ sinh ra đã là một tội lỗi, và tội lỗi thì cần được che đậy. Những câu chuyện lịch sử này có thể cho học sinh cái nhìn đa chiều hơn về một vấn đề, từ đó giúp các em hình thành tư duy phân tích và phản biện, dựa trên kỹ năng tìm kiếm thông tin. Đây mới là những kỹ năng cần thiết cho người học trong thời đại này, không phải là kỹ năng học thuộc lòng – máy sẽ học thuộc và ghi nhớ tốt hơn chúng ta rất nhiều. Ý nghĩa của việc học, dù là môn học nào, là gì nếu không phải là việc giúp cho học sinh được trang bị kỹ năng và kiến thức để trở thành người học suốt đời, hoặc ở một mục tiêu ngắn hơn là giúp họ gia nhập vào thị trường lao động?  

Sự đa chiều cũng là yếu tố cần thiết trong các bài học lịch sử. Với một thế giới đầy ắp (thậm chí là dư thừa) thông tin như hiện nay, những bài học tuyên truyền mang cái nhìn một chiều sẽ khó có tính thuyết phục, thậm chí có thể tạo nên tác dụng ngược. Nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie có một bài phát biểu nổi tiếng về “sự nguy hiểm của câu chuyện một chiều” (The danger of a single story), trong đó cô nói “Tôi luôn cho rằng không thể nào gắn bó với một nơi hoặc một con người một cách đúng mực mà không tìm hiểu tất cả những câu chuyện về nơi chốn hoặc con người đó”. Những câu chuyện một chiều sẽ khiến người học trở nên phiến diện, bó hẹp tư duy, khiến họ khó chấp nhận những suy nghĩ khác biệt và biến họ thành những… con vẹt. Lịch sử cần tôn trọng sự thật khách quan và tạo không gian cho những tìm tòi mới, và nếu có thể, là để xét lại lịch sử và ứng dụng những bài học lịch sử cho hiện tại. Đó không phải là giá trị của lịch sử sao?

Dạy lịch sử như thế nào?

Cũng trong những giờ học Lịch sử, tôi biết đến những câu chuyện về việc người Ba Tư đã áp dụng các công thức toán học để cải thiện độ chính xác cho những chiếc máy bắn đá của họ, khiến chúng trở thành nỗi khiếp sợ của một nửa thế giới và góp phần đưa Ba Tư trở thành một đế chế hùng mạnh. Những giờ học toán có thể cùng nhau nghiên cứu công thức này không? Và có những cách nào khác để cải tiến những chiếc máy bắn đá này nữa không? Ý tôi là, lịch sử không cần phải gói gọn trong không gian của một giờ học Lịch sử. Chúng ta có thể học lịch sử ở bất kỳ đâu.

Hai yếu tố trọng tâm của Lịch sử là không gian và thời gian – những yếu tố mà chúng ta có thể ứng dụng để khiến những bài học Lịch sử trở nên hấp dẫn và sống động hơn. Trong những ngày lang thang ở Florance, tôi luôn dành nhiều thời gian ngồi ở các quảng trường, ngắm nhìn những bích bức họa từ thời cổ đại được lưu giữ trên các bức tường, chỉ để tưởng tượng một chút không khí của những người dân La Mã khi họ tụ tập ở quảng trường nghe kể chuyện. Hoặc khi dành cả ngày trong Bảo tàng Louvre, tôi thấy mình reo vui vì được nhìn thấy tận mắt những tờ giấy Papyrus ghi chép những câu chuyện Ai Cập cổ đại, hoặc mô hình các quan tài của các Pharaoh nổi tiếng (và không khỏi thắc mắc vì sao thân hình họ bé nhỏ thế nhỉ?).  Lúc đó, những bài học Lịch sử sống lại trong tôi, và tôi cảm ơn chúng vì nhờ có những hiểu biết lịch sử, những chuyến đi của tôi có chiều sâu hơn, và tôi thấy mình sống một cuộc đời phong phú hơn. 

Cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Louvre – Nguồn: tác giả

Tôi không phải là người quá yêu thích môn Lịch sử trong trường học (dù điểm số cao), nhưng tôi luôn thích xem các bộ phim tài liệu về những trận đánh lịch sử của quân đội Việt Nam. Tôi thấy mình rơi nước mắt khi được nghe những câu chuyện được kể lại từ các nữ cựu tù Côn Đảo trên chuyến tàu ra thăm Trường Sa vài năm trước. Những câu chuyện này ở lại trong lòng tôi thật lâu. Lịch sử chính là sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, nối liền những không gian xưa và nay, qua những thước phim và câu chuyện.

Không gian và thời gian của một lớp học hiện nay là quá thiếu cho những bài học lịch sử, nhưng lại quá thừa sự gò ép, chán ngán (không phải đối với tất cả học sinh, nhưng tôi tin là phần nhiều cảm thấy vậy). Trong khi các bảo tàng của chúng ta phần lớn dành cho giới nghiên cứu và… du khách, chúng ta bỏ quên chính người Việt mình trong các không gian văn hóa này. Tôi tin rằng nếu việc phát triển bảo tàng được quan tâm đúng mực, phát triển hoạt động và thông tin phong phú, nhiều người sẽ tìm đến bảo tàng để học lịch sử, thay vì đến…chụp hình. 

Nếu tổ chức các hoạt động ngoại khóa là quá khó cho một giờ học Lịch sử ở trường phổ thông, một hoạt động đơn giản như tổ chức viết luận để học sinh tự do trình bày quan điểm về một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử có thể tạo nên sự hứng thú (ví dụ, nếu là Nguyễn Tất Thành, em có bước lên chuyến tàu năm 1911 không, vì sao?). Với những câu hỏi mở, học sinh sẽ cần tự tìm hiểu thông tin, từ đó hình thành lập luận và quan điểm. Giáo viên sẽ đóng vai trò gợi mở, và cung cấp thêm thông tin. Ở đây, cũng cần nói rằng, chương trình học và giáo án phổ thông có vẻ chưa có nhiều không gian tự do cho học sinh tìm hiểu thông tin và trình bày quan điểm bằng các cấp học cao hơn như Đại học. Như vậy, vai trò của cơ quan chức năng trong việc tạo nên không gian tư duy và sáng tạo cho học sinh trong môn Lịch sử là vô cùng cần thiết.

Có thể thấy, việc dạy và học Lịch sử không chỉ phụ thuộc vào thầy và trò, mà còn cần đến sự nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục, và cả xã hội trong việc tạo cơ sở vật chất, không gian và điều kiện cho những bài học Lịch sử được phát huy đúng giá trị của chúng, theo một cách tự nhiên và hấp dẫn. 

Quay trở lại bài thuyết trình ngắn của tôi về thành phố Philadelphia và tiểu bang Pennsylvania. Với cá nhân tôi, hiểu biết về nơi mình đang sống khiến tôi cảm thấy mảnh đất đó thú vị hơn, và thấy mình gắn bó hơn với nơi chốn ấy. Văn hào người Nga Ylia Erenbua đã viết về Lòng yêu nước “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Khi ấy, đâu cần phải là một môn học bắt buộc, Lịch sử vẫn có thể dạy ta về Lòng yêu nước. Hoặc ngược lại, dù có bắt buộc, các bài học lịch sử và lòng yêu nước không hẳn sẽ đi liền với nhau.

One thought on “Về việc học Lịch sử

Leave a comment