Liệu giai đoạn “tuần trăng mật”* của giáo dục khai phóng đã kết thúc tại châu Á?

Tác giả: Saikat Majumdar

Nguồn: Liberal art  – Đăng ngày: 25/11/2021

Biên dịch: Quỳnh Lê – Biên tập: Nguyên Lê

* Giai đoạn “tuần trăng mật” (honeymoon period): thời gian ngắn ban đầu của một hoạt động hoặc một mối quan hệ mà khi đó mọi việc diễn biến thuận lợi, và hầu như không có vấn đề gì xảy ra.

Bài viết được thực hiện thông qua khảo sát của tác giả Saikat Majumdar về sự phát triển từ các quốc gia Vùng Vịnh (gồm Ả-rập Xê-út, Kuwait, Oman, Qatar, Bahrain và UAE) đến Hàn Quốc trong bối cảnh đóng cửa của trường cao đẳng Yale-NUS.

Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/

Đối với nhiều người trong chúng tôi (tác giả), những người đã giảng dạy tại các trường cao đẳng-đại học khai phóng, được mở ra trong những năm gần đây khắp khu vực châu Á, việc chia tách của Yale-NUS quả là một cú sốc.

Vào ngày 27 tháng 8 năm nay (2021), Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS) đã công bố rằng sự hợp tác kéo dài 10 năm giữa 2 trường- Trường Cao đẳng Yale-NUS – sẽ chính thức đóng lại và sát nhập vào một trường cao đẳng danh dự liên ngành mới trong NUS có tên là New College. Từ năm 2025, Yale chỉ đóng vai trò “cố vấn” tại ngôi trường mới này.

Khi được công bố trên khắp thế giới, thông báo này đã trở thành một đề tài châm biếm mang tính lịch sử. Quay về năm 2015, tôi đã nghe Peter Salovey, khi đó là chủ tịch của Yale nói về giáo dục khai phóng ở Châu Á. Vào thời điểm đó, tôi đang trong quá trình chuyển từ California (Mỹ) đến Delhi (Ấn Độ), để trở thành một phần của nhóm giảng viên đầu tiên tại Đại học Ashoka mới và thành lập một khoa về viết sáng tạo (creative writing). Sau buổi nói chuyện của Salovey tại Delhi do Ashoka tổ chức, tôi đã hỏi anh ấy về việc tại sao lại muốn hợp tác với Singapore, một quốc gia không đặc biệt nổi tiếng về giáo dục khai phóng. Tôi phần nào cũng đã đoán được câu trả lời của anh ta về việc chính phủ Singapore đã sớm biết rằng một chế độ dân chủ lộn xộn (a messy kind of democracy) sẽ sớm xuất hiện và rằng nền giáo dục khai phóng là cách tốt nhất để họ có thể chuẩn bị cho công dân của mình đối mặt với tình hình đó. Đồng thời, giáo dục khai phóng đang được đón nhận một cách tích cực tại khu vực châu Á và bản thân tôi cũng cảm thấy được mình là một phần của nó.

Hay nói cụ thể hơn, tôi nhận ra một nền văn hóa sáng tạo liên ngành (giống như những gì tôi đã được thấy tại Đại học Stanford – nơi tôi đã công tác trước đây) được thể hiện thông qua một nền giáo dục đa ngành, đổi mới tại Châu Á. Cốt lõi của nhu cầu này nằm ở việc nhu cầu nghề nghiệp ở các nền kinh tế đang phát triển đang tăng lên một cách chóng mặt. Yếu tố liên ngành này có phạm vi vượt ra ngoài các yếu tố hạn hẹp như kỹ trị (technocratic) hoặc năng lực kinh tế như trong các trường đại học chuyên về kinh doanh hoặc công nghệ, và hướng tới các yếu tố rộng lớn hơn như suy nghĩ, hành vi và kiến thức của con người. Mô hình giáo dục khai phóng gợi mở mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm được đề xuất bởi Peter Drucker, người mà vào năm 1959 đã đặt ra thuật ngữ “nhân viên trí thức” (knowledge workers) với dự đoán rằng trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần phải cân bằng giữa các khía cạnh quan trọng, bao gồm xã hội, kinh tế và con người.

Mô hình giáo dục khai phóng này, với sự nhiệt tình thúc đẩy của các doanh nghiệp đứng đằng sau nó, được đánh giá là vô cùng ưu tú và đắt đỏ. Mô hình này được ủng hộ bởi nhiều doanh nhân hảo tâm từ các nền kinh tế kỹ thuật số mới ở Châu Á. Đồng thời, nó cũng gợi mở ra một số nghi ngại cũng như mức độ ủng hộ khác nhau trong khu vực châu Á nói chung khi phần lớn hệ thống giáo dục đại học là do chính phủ định hướng, có cấu trúc ảnh hưởng từ thời kỳ thuộc địa với chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, cũng không khó để lý giải cho việc tại sao một quốc gia đầy tham vọng về kinh tế và công nghệ tiến bộ như Singapore lại quan tâm đến giáo dục khai phóng, hoặc tại sao mô hình giáo dục này lại trở thành một hiện tượng thu hút nhiều nhà hảo tâm tư nhân ở một số thành phố trọng điểm tại Ấn Độ.

Để hiểu hơn những mâu thuẫn dẫn tới sự chệch hướng của quỹ đạo này và để xem xét tính bền vững của giáo dục khai phóng tại châu Á hiện nay, chúng ta cần phải có một góc nhìn tổng quát về cách mô hình giáo dục này đã phát triển ở các quốc gia khác nhau trong vào thập kỉ qua.

Câu chuyện thành công nhất phải nhắc đến là ở Hàn Quốc. Trong một bài tham luận đăng tải trên tờ New Republic vào năm 2010, Martha Nussbaum, Ernst Freund – giáo sư luật và đạo đức nổi tiếng tại trường Đại học Chicago, đã cho rằng nền tảng của thành công này nằm ở nền giáo dục Nho giáo truyền thống tại đất nước này. Trong quá trình thống trị của Nhật Bản vào những năm 1940, truyền thống này đã phải đối mặt với cuộc tấn công dữ dội, khi người Hàn Quốc bị giới hạn trong giáo dục nghề cấp thấp và các trường học chỉ cho phép sử dụng tiếng Nhật. Sự phục hồi quan trọng của bản sắc dân tộc có liên quan đến sự trở lại của Nho giáo nhưng dưới một hình thức dân chủ mới, mở rộng không gian cho phụ nữ và các tầng lớp lao động. Các nhà truyền giáo Mỹ góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ xây dựng và phát triển quá trình hiện đại hóa này.

Mặc dù câu chuyện thành công về giáo dục của Hàn Quốc phải kể đến vai trò quan trọng của chính phủ trong việc thúc đẩy các sáng kiến như phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Nussabaum ghi nhận công lao đáng kể cho cái mà bà gọi là “sức mạnh tổng hợp hiệu quả giữa chủ nghĩa dân tộc của Nho giáo và nền giáo dục tiến bộ của Mỹ”. Bà viết, kết quả là “một hệ thống giáo dục dân chủ, đa nguyên và định hướng thị trường rộng rãi như ngày nay đã ra đời”.

Tuy nhiên, đây lại là một ví dụ hiếm hoi về sức mạnh tổng hợp sáng tạo và thậm chí còn là một tiền lệ chưa từng có đối với các quốc gia lớn ở Châu Á.

Đơn cử như tại Hồng Kông. Kể từ thời điểm bàn giao vào năm 1997, thành phố này đã li khai khỏi hệ thống bằng cấp đơn môn của Anh, để hướng tới một nền giáo dục khai phóng trên diện rộng hơn. Những lý do rõ ràng nhất cho quyết định này phải kể đến như: định hướng quốc gia về một nền kinh tế dựa trên dịch vụ và tri thức đồng thời là trung gian kinh tế giữa phương Đông và phương Tây, từ đó dẫn đến việc người dân cần có một nền giáo dục toàn diện hơn. Đây là điều đã thu hút sự ủng hộ của những cái tên lớn trong lĩnh vực kinh doanh như Po Chung – người đồng sáng lập chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn vận tải khổng lồ DHL.

Tuy nhiên, việc đưa “giáo dục khai phóng” thành môn học bắt buộc trong giáo dục trung học của Hồng Kông vào năm 2009 với mục đích cụ thể là thúc đẩy tư duy phản biện đã gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội. Trong khi một số người ca ngợi nó là một chương trình giảng dạy mẫu mực, tách khỏi lối học vẹt của đại lục thì một số các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc đã chỉ trích nó như một tác nhân gây nên tình trạng bất ổn của sinh viên – đặc biệt là kể từ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014. Điều thú vị là các học phần về giáo dục khai phóng lại thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Robert Spiers, hiện là trợ lý giáo dục tại Đại học Richmond, đã chỉ ra rằng, đây có thể được tính như là một nhượng bộ nhỏ để làm chuyển hướng chú ý khỏi các hình thức chuyên chế hành chính lớn hơn.

Tháng 11 năm ngoái (2020), một thông báo được đưa ra rằng các học phần giáo dục khai phóng sẽ được đổi tên và chỉnh sửa lại để bổ sung các nội dung về Trung Quốc đại lục và giảm bớt các vấn đề thời sự. Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, đổ lỗi cho hệ thống giáo dục đã thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019, mà trong đó, trẻ em đã bị nhồi nhét vào đầu những “thông tin sai lệch và thiên vị”.

Nếu chúng ta nhìn vào châu Á một cách tổng thể hơn thì, khác với một người được đào tạo chuyên sâu theo định hướng một ngành nghề duy nhất, sinh viên được đào tạo bằng giáo dục khai phóng sẽ được các nhà tuyển dụng ưa chuộng hơn trong thế kỉ 21. Tuy nhiên, trong trường hợp của Hồng Kông thì “khai phóng” là một từ mang nghĩa mở rộng theo hướng đáng lo ngại với lý do: sinh viên từ chối khép mình vào một khuôn khổ kỷ luật được hình thành một cách phi chính trị.

Chúng ta có thể thấy một số mâu thuẫn nảy sinh khi các chế độ độc tài tìm cách xây dựng nền giáo dục khai phóng vì nhiều lý do riêng của họ. Trong một bài báo năm 2019 cho báo The Print ở Ấn Độ, Anushka Prasad, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Pennsylvania, đã mô tả cuộc trò chuyện của ông với Gan Yang, trưởng khoa tại Đại học Thanh Hoa. Trong đó, ông Yang cho rằng chính phủ Trung Quốc rất tích cực đầu tư vào giáo dục khai phóng để sản sinh ra những công dân có tư tưởng tích cực hoặc những nhà phê bình độc lập theo lối phương Tây để nuôi dưỡng và quảng bá văn hóa và tư tưởng Nho giáo truyền thống  của Trung Quốc.

Quan điểm này được xác nhận bởi Walter Mignolo, William Hane Wannamaker, giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu tiếng Latinh (Romance studies) tại Đại học Duke, có cơ sở ở Côn Sơn, gần Thượng Hải. Ông nói: “Trung Quốc muốn biết những gì phương Tây đã biết, không phải để phương Tây hóa hoàn toàn để trở thành nền giáo dục khai phóng, mà là lợi dụng nền giáo dục đó để thiết lập hệ thống giáo dục của riêng họ.”

Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism – một chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho rằng nhóm hoặc dân tộc của mình là thượng đẳng và chính nghĩa còn những dân tộc hay nhóm khác là yếu đuối, hạ đẳng và đáng khinh) cũng thể hiện rõ trong việc Đảng Nhân dân Ấn Độ viện dẫn trong Chính sách Giáo dục Quốc gia năm 2020 của họ rằng: truyền thống của giáo dục khai phóng bắt nguồn từ Ấn Độ giáo cổ điển. Các cuộc tranh luận về ý nghĩa của quyền tự do ngôn luận hay quyền phản bác trong khuôn viên các trường đại học đã bùng nổ vào đúng thời điểm mà các trường đại học ưu tú đang sẵn sàng cho một loại tự do khác. Trong khi các cuộc biểu tình của sinh viên và sự đàn áp tàn bạo của nhà nước diễn ra khắp trong trường Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi vào năm 2016, tôi đã tự hỏi rằng trong các trang của tạp chí này, liệu quyền gì sẽ được áp dụng cho những bất đồng tương tự trong các khu học xá tư nhân mới (the new private campuses). Tôi đã không biết rằng Ashoka, vào mùa hè năm đó, sẽ bị chia rẽ một cách cay đắng chỉ vì một bản kiến nghị về các hoạt động quân sự ở Kashmir, dẫn đến việc một số người có liên quan phải từ chức.

Sự đối lập rõ rệt giữa việc mở cửa kinh tế và hạn chế chính trị ở các khu vực Đông và Đông Nam Á – và hiện nay, đang gia tăng ở Nam Á – đã giải thích được những mâu thuẫn mà các dự án giáo dục khai phóng mà các nước này đang phải trải qua. Nhìn xa hơn về phía Tây, các nước Vùng Vịnh cũng đã bắt tay với các trường đại học Mỹ và có đầu tư đáng kể vào giáo dục khai phóng. Ở đó, sự đàn áp đối với tư tưởng và tự do ngôn luận không diễn ra một cách trực tiếp, do bởi các cơ sở các trường đại học của Mỹ ở nước ngoài được bảo vệ ít nhiều. Tuy nhiên, hàng loạt những loại không tự do khác nảy sinh, phản ánh phần nào môi trường chính trị cũng như lối tư duy truyền thống và quan liêu về giáo dục.

Ở những quốc gia này, việc tiếp cận với giáo dục khai phóng trong các trường đại học mới mở phần lớn chỉ giới hạn trong giới thượng lưu. Theo Shafeeq Ghabra, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kuwait, họ là “trường đại học cho giới nhà giàu”, một phần vì “các trường đại học dựa trên lợi nhuận thường giới hạn số lượng học bổng và khoản vay cho sinh viên”. Cuộc sống cách biệt với thế giới bên ngoài chính là một trong những đặc điểm nhất quán của các trường đại học khai phóng trên khắp châu Á và có lẽ cũng đồng thời là điều duy trì sự tự do nhất định bên trong các cơ sở này nhằm giúp bảo vệ họ khỏi những định kiến xã hội và hạn chế của chính phủ.

Ian Almond, giáo sư Văn học Thế giới tại Đại học Georgetown, có kinh nghiệm giảng dạy tại Georgetown Qatar trong tám năm qua đã tâm sự với tôi rằng: “Chúng tôi đang ở trong một bong bóng Washington, VPN (virtual private computer network – mạng riêng ảo) trong khuôn viên trường chúng tôi cũng được đặt thành Washington! Và tôi cũng không chắc lắm liệu có bất kì sự can thiệp nào hay không.” Có lần, trường của ông đang lên kế hoạch cho một cuộc tranh biện về đề tài “Liệu đức Chúa trời có phải là phụ nữ hay không”, và ngay sau đó Viện trưởng đã phải hủy bỏ kế hoạch này với lý do “ông đang phải gánh chịu quá nhiều áp lực”. Tuy nhiên, sự việc này khiến cho các sinh viên, ngay cả những người bảo thủ nhất, cảm thấy khó chịu vì “thương hiệu Georgetown được “bán” ở Qatar trên cơ sở một khuôn viên tự do ngôn luận”.

Mặc dù chính phủ không can thiệp quá nhiều vào việc giảng dạy, Almond cảm thấy rằng khâu kiểm duyệt mới là vấn đề đáng quan tâm. “Tôi vẫn cố gắng không chỉnh sửa các nội dung nhạy cảm trong các bộ phim trình chiếu”, ông nói, “tuy nhiên, nếu một bộ phim có quá nhiều cảnh như vậy, tôi sẽ phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn những phần nào có thể chiếu. Tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã phải trải qua những tình huống tương tự.”

Nếu phần lớn giáo dục đại học ở các quốc gia Vùng Vịnh, như Gabra viết, “vẫn đi theo hướng tập trung hóa với sự kiểm soát gắt gao của chính phủ trong chương trình giảng dạy, tuyển sinh và tuyển dụng”, thì môi trường chính trị xã hội bên trong một khuôn viên trường như Georgetown Qatar (nơi chỉ có khoảng một nửa số sinh viên là người Qatar) lại là một thế giới rất khác. “Thật kì lạ”, Almond viết cho tôi, “mức độ mà những gì, dù đúng hay sai, được đánh giá như một sự “tỉnh giấc” ở Mỹ lại đang tái hiện trong khuôn viên Qatar của chúng tôi – ở đây, phía bên kia của hành tinh, sinh viên chúng tôi cũng có những lập luận tương đồng về Black Lives Matters (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá), trans rights (quyền của người chuyển giới), chủ nghĩa thực dân và tất cả các vấn đề khác được mang ra thảo luận trong khuôn viên trường Mỹ.” Ông cảm thấy rằng không ai “có thể tìm thấy những điều này bên ngoài khuôn viên trường Qatar” – đó là “yếu tố tạo nên sự đặc sắc của GUQ (Georgetown University in Qatar)”. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc “đây là một môi trường nổi tiếng về việc cướp đi niềm tin Hồi giáo của sinh viên và khiến họ hoài nghi về mọi thứ”. Có thể thấy trong bất kì trường hợp nào thì sự khác biệt của khuôn viên trường Mỹ với môi trường chính trị xã hội địa phương đều rất rõ ràng.

Trong một số bối cảnh khác, các yếu tố về hệ thống, cấu trúc và xã hội đều mang lại những thách thức nhất định đối với mô hình giáo dục khai phóng mới. Chia sẻ của nhà giáo Marcia Grant (hiện đã nghỉ hưu), vào năm 2013 về việc thành lập trường Cao đẳng Effat (sau này là trường Đại học Effat) dành cho phụ nữ theo yêu cầu của Công chúa Lolowah al-Faisal của Ả Rập Xê-út, đã chỉ ra những rào cản đối với việc cho phép sinh viên được hưởng chế độ giáo dục liên kết ngành (cross-disciplinary). Cụ thể, ngay từ trước khi vào trung học, học sinh tại nước này đã được định hướng để chuyên về các môn khoa học hoặc nhân văn; do đó, học sinh không đủ kiến thức và thực nghiệm để đáp ứng được mô hình giáo dục khai phóng như Effat mong muốn.

Grant cho biết, sự phân tách các ngành học cũng đi cùng với sự “phân biệt giới tính”, trong đó “nam giới không được vào khuôn viên trường khi đang có sinh viên trong trường”. (Để đảm bảo quy định này được thực hiện triệt để, các tòa nhà đã được xây dựng theo cách mà một người nam có thể sửa chữa hệ thống điều hòa không khí ở trên cao mà không cần đi bộ trong khuôn viên trường). Ban đầu, việc thuê các giáo sư nam trong trường đại học nữ bị cấm đoán nặng nề; tuy nhiên, sau đó việc này đã được nhà trường giải quyết bằng cách xin phép gia đình học sinh cho phép sử dụng tivi mạch kín để trình chiếu bài giảng trên màn hình trong lớp học.

Mặc dù cả sinh viên và cha mẹ của họ đều không ủng hộ sự phân tách này, Grant nói, các thành viên Hồi giáo của Quốc hội và Hội đồng Đại học vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. “Đi cùng với những tác động tiêu cực này là những sai sót cơ bản trong hệ thống giáo dục đại học mà trong đó phải nhắc đến là đội ngũ tư vấn thiếu chất lượng, thiếu thốn về các tài liệu học tập điều chỉnh thích ứng với tình hình địa phương, và một trọng tâm giáo dục. 

Rõ ràng là khắp châu Á đang tồn tại những trở ngại sâu sắc đối với một phương thức giáo dục khai phóng theo nhiều hướng – kỷ luật và nhận thức luận cũng như xã hội và chính trị.

Những hạn chế quan liêu nhỏ về chương trình giảng dạy đôi khi là triệu chứng của những phản kháng ý thức hệ lớn hơn. Các cơ sở tại Vùng Vịnh, Yale-NUS và các trường đại học tư nhân ở Ấn Độ cho đến nay vẫn chỉ có thể tồn tại dưới dạng các “ốc đảo” rời rạc. Mặc dù bản thân việc này đã là một hạn chế nghiêm trọng, nhưng điều khiến nó trở nên không thể cứu vãn được chính là sự phẫn nộ về sự cô lập của họ với thế giới bên ngoài và trong chính phủ ngày càng trở nên sâu sắc và trạng thái được bảo vệ bắt đầu bị suy thoái. Đây là một phần những gì đã xảy ra tại Yale-NUS, và nó đã xảy ra với cơ sở giáo dục của tôi, Ashoka, từ sự náo động về đơn kiện Kashmir vào năm 2016 cho đến việc hai giảng viên cấp cao từ chức vào đầu năm nay. Sự nhiệt tình thực sự dành cho các trường đại học đa ngành trong Chính sách Giáo dục Quốc gia năm 2020 của Ấn Độ đi ngược lại với việc nhà nước kiên định trấn áp sinh viên bất đồng chính kiến trong các khuôn viên trên toàn quốc.

Nền giáo dục khai phóng của Mỹ chỉ phát triển ở mức khiêm tốn với quy mô địa phương và cấp tỉnh. Mặc dù được liên kết chặt chẽ với nhà thờ, nhưng nó lại không bị ảnh hưởng bởi các cấu trúc lớn hơn của chính phủ. Nhà sử học giáo dục David Larabee viết trong cuốn sách năm 2017 của ông “A perfect mess: The Unlikely Ascendancy of American Higher Education” (tạm dịch: Sự hỗn độn hoàn hảo: Uy lực đang lung lay của giáo dục Cao học Mỹ), “nếu như không có tham vọng vươn ra thế giới của các trường Đại học ở châu Âu thời Trung cổ thì “các trường cao đẳng Hoa Kỳ trong thế kỉ 19 chỉ là một khái niệm có ở vùng quê”. Trong một vùng đất có nhiều nhà thờ cạnh tranh với nhau thì việc thành lập một trường cao đẳng là cách hữu hiệu để “gieo trồng và quảng bá đức tin”. Một trường cao đẳng có thể giúp một thị trấn nông thôn ghi danh lên bản đồ, để từ đó họ có quyền yêu cầu thiết lập trạm dừng, sau đó là trở thành quận lỵ (hoặc thậm chí là thủ phủ của bang). Giá trị bất động sản địa phương cũng từ đó được thổi phồng lên. Điều này giải thích lý do tại sao các trường khai phóng ở Mỹ thường nằm ở những khu vực tỉnh lẻ xa xôi.

Vào cuối giai đoạn này (thế kỉ 19), hai yếu tố xuất phát từ châu Âu là trường đại học nghiên cứu của Đức và trường đại học Anh kết hợp với yếu tố cộng đồng địa phương được xem là sự phát triển đầy bất ngờ khi ba lực lượng –  lực lượng dân túy (populist), lực lượng tinh hoa (elite), và lực lượng thực dụng (practical) – tưởng chừng như rất trái ngược nhau, theo Larabee, lại kết hợp một cách nhuần nhuyễn và hình thành một trong những sức mạnh thể chế đáng gờm nhất của thế kỷ 20, dẫu cho mỗi lực lượng đều đang phải đối mặt với những khó khăn riêng của mình. Có lẽ ngoại trừ Hàn Quốc, sự kết hợp hài hòa giữa các lực lượng địa phương và toàn cầu như trên hầu như không tồn tại ở châu Á.

Mô hình giáo dục khai phóng đòi hỏi sự tự do đáng kể và một mức độ phân quyền nhất định – các tổ chức và giảng viên phải có quyền tự do lựa chọn chương trình giảng dạy của riêng họ và điều chỉnh chúng cho phù hợp với nhu cầu của địa phương. Nhưng tự do cũng cần phải đi kèm với trách nhiệm. Tôi không chắc nhiều tổ chức và giảng viên của họ muốn gánh vác trách nhiệm đó. Tôi đã thấy các trường Cao đẳng ở Ấn Độ giành được quyền tự chủ nhưng thực tế không có gì thay đổi trong chương trình giảng dạy hoặc phương pháp sư phạm của họ. Và nhiều chính phủ vẫn quan tâm đến việc tập trung hóa giáo dục đại học và không sẵn sàng trao quyền tự do đáng kể cho các cơ sở giáo dục.

Tôi nghĩ công bằng mà nói, thời kỳ trăng mật của giáo dục khai phóng ở châu Á đã kết thúc. Nếu tính đến các lý do muôn thuở như: dân số trẻ tăng (so với việc dân số trong độ tuổi đại học đang giảm ở Hoa Kỳ), một số lượng sinh viên tài năng đáng kể được mài giũa bởi truyền thống quan tâm đến giáo dục của người châu Á, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và tầm nhìn ngày càng tham vọng cho giáo dục đại học thì tôi nhận thấy rằng các sáng kiến giáo dục như vậy vẫn rất bền vững. Các nhu cầu và lợi ích doanh nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu mới cũng hướng đến việc nhân viên cần được định hình bởi một nền giáo dục đa ngành, rộng rãi.

Nhưng rõ ràng là các tổ chức giáo dục khai phóng có thể gặp phải nhiều đố kỵ, nghi ngờ và thậm chí là thù địch trong chính xã hội của họ. Ở các quốc gia có lịch sử về giáo dục xã hội chủ nghĩa, được nhà nước bảo trợ, các mô hình thể chế dựa trên hoạt động từ thiện tư nhân không được chào đón đối với trí thức cánh tả. Ở một mức độ nào đó, sự nghi ngờ này là chính đáng. Bản chất của giáo dục khai phóng làm cho nó sử dụng nhiều tài nguyên; thách thức lâu dài là liệu nó có thể đảm bảo cùng một lúc làm nổi bật trí tuệ cá nhân và hòa nhập với xã hội hay không.

Như các quan niệm hiện nay, giáo dục khai phóng ở châu Á có thể sẽ tiếp tục trong các “ốc đảo” độc lập. Tuy nhiên, nếu không có sự tin tưởng giữa các “ốc đảo” với nhau và các đại dương xung quanh chúng vượt quá một điểm nhất định thì giao kèo này, dù ngầm hay rõ ràng, cũng sẽ bị phá vỡ. Đó là những gì dường như đã thúc đẩy sự tan rã của Yale-NUS.

Saikat Majumdar là giáo sư ngôn ngữ Anh và viết sáng tạo tại đại học Ashoka. Anh ấy rất biết ơn những dữ liệu nghiên cứu Harshita Tripathi cung cấp.

Leave a comment